Phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao
Thưa các vị đại biểu,
Thưa toàn thể các đồng chí,
Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945 - 28/8/2010). Hoà chung không khí phấn khởi, hân hoan nhân dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi nhiệt liệt chúc mừng các đồng chí cán bộ lão thành và toàn thể cán bộ, nhân viên ngoại giao về những thành tích xuất sắc, những đóng góp to lớn của toàn ngành Ngoại giao đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta trong suốt 65 năm qua.
Thưa các đồng chí,
Ngành ngoại giao có vinh dự lớn được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đặt nền móng, lãnh đạo và dìu dắt ngay từ ngày đầu mới thành lập. Chúng ta không thể nào quên, trong những ngày đầu khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới ra đời, vận mệnh dân tộc ở vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" với nhiều thù trong, giặc ngoài, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chèo lái thiên tài của Bác Hồ, ngành Ngoại giao non trẻ đã góp phần quan trọng bảo vệ thành công chính quyền cách mạng đang còn trong giai đoạn trứng nước, phá vòng vây, đi những bước đầu tiên trong việc thiết lập và phát triển quan hệ với các nước anh em, bè bạn với các phong trào hoà bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân và đế quốc xâm lược, ngành ngoại giao đã trưởng thành vượt bậc, trở thành một binh chủng quan trọng của cách mạng Việt Nam. Ngoại giao đã làm cho thế giới thấy rõ ý chí quật cường của quân và dân ta, hình ảnh một đất nước Việt Nam yêu chuộng hoà bình; góp phần tạo nên một phong trào quốc tế rộng lớn chưa từng có ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, góp phần đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của chúng ta tại Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 và Hội nghị Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam năm 1973 là hai trong số những thành tựu tiêu biểu, nổi bật của Ngoại giao Việt Nam thời kỳ này.
Chính trong những năm tháng khó khăn nhưng hào hùng ấy, tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh đã thăng hoa. Những ứng xử khéo léo, những sách lược tài tình mà Người đã vận dụng như : "dĩ bất biến ứng vạn biến", "hoà để tiến", cách nhìn nhận của Người về tình hình thế giới, lợi ích dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, chớp thời cơ chiến lược giành thắng lợi cuối cùng v.v... là những bài học mẫu mực cho lớp lớp cán bộ ngoại giao tiếp bước noi theo.
Bước sang thời kỳ cả nước thống nhất xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách ngoại giao đa dạng hoá, đa phương hoá, ngành Ngoại giao đã góp phần to lớn vào công cuộc ổn định tình hình và tái thiết đất nước, phá thế bị bao vây, cấm vận; mở rộng và đưa quan hệ với các nước từng bước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững; chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc đất nước ta có quan hệ tốt với tất cả các nước lớn, không ngừng phát triển quan hệ sâu rộng với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng; gia nhập và trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN)..., đảm nhận tốt cương vị Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hiện chúng ta đương nhiệm Chủ tịch ASEAN v.v... là những dẫn chứng nổi bật cho đóng góp của ngành Ngoại giao trong thời kỳ mở cửa, hội nhập.
Qua các thời kỳ, ngành Ngoại giao đã xây dựng được một tổ chức bộ máy làm việc có hiệu quả cao, đã đào tạo và rèn luyện được một đội ngũ cán bộ đối ngoại có bản lĩnh chính trị và lập trường tư tưởng vững vàng, thể hiện được trí tuệ, tài năng và đạo đức cách mạng trong mọi hoàn cảnh; hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển vẻ vang trong 65 năm qua, ngành Ngoại giao có quyền tự hào về những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của toàn dân tộc. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh không ngừng được phát triển và vận dụng sáng tạo. Dân tộc ta luôn ghi nhận sâu sắc những cống hiến to lớn của Ngoại giao qua các giai đoạn lịch sử. Đảng, Nhà nước đánh giá cao những thành tích xuất sắc của ngành Ngoại giao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1995, ngành Ngoại giao đã được trao tặng Huân chương Sao vàng và hôm nay, các đồng chí lại vinh dự được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Một lần nữa, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng toàn ngành Ngoại giao về những thành tựu rất đáng tự hào mà các thế hệ cán bộ, nhân viên Ngoại giao đã nỗ lực phấn đấu giành được trong suốt chặng đường 65 năm qua.
Thưa các đồng chí,
Trong những năm tới, tình hình thế giới sẽ có những diễn biến mới, nhanh chóng, phức tạp; quá trình toàn cầu hoá tiếp tục diễn ra sâu rộng, tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức đan xen. Đất nước ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường xã hội chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tình hình và nhiệm vụ đó đặt ra các yêu cầu ngày càng cao hơn đối với công tác của toàn ngành Ngoại giao.
Để tận dụng các cơ hội, vượt qua thách thức, đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi của thực tiễn khách quan và yêu cầu công tác, nhiệm vụ bao trùm và quan trọng hàng đầu của ngành Ngoại giao thời gian tới là tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc hơn nữa môi trường hoà bình, ổn định, tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi, thu hút ngày càng nhiều và hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát huy hơn nữa vai trò và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo đó, ngành Ngoại giao cần quán triệt sâu sắc và nắm chắc những định hướng lớn sau trong quá trình triển khai các nhiệm vụ cụ thể :
Thứ nhất, các đồng chí phải luôn nắm vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; phải luôn luôn kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, tiếp tục coi trọng quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong khu vực. Chúng ta cần bình tĩnh, chủ động và khéo léo ứng xử trong quan hệ với các nước, tạo môi trường hoà bình, ổn định cho sự phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Đồng thời, chúng ta không ngừng củng cố quan hệ hợp tác nhiều mặt với bạn bè truyền thống, các đối tác tiềm năng trên thế giới.
Thứ ba, cần có quan điểm tổng hợp và toàn diện về thuận lợi và thách thức đối với môi trường an ninh và phát triển của đất nước, về lợi ích quốc gia. Do đó, cần sớm định hình và tích cực triển khai một chiến lược ngoại giao toàn diện, trong đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn các kênh đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của ngoại giao Việt Nam hiện đại theo tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Ngành Ngoại giao cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ lẫn nhau phát huy hiệu quả những thế mạnh đặc thù, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo và quản lý thống nhất của Đảng và Nhà nước đối với công tác đối ngoại.
Thứ tư, cần luôn luôn chú trọng, tăng cường và nâng cao chất lượng của công tác nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu dự báo chiến lược, nghiên cứu vận dụng sáng tạo phương pháp luận thế giới quan Hồ Chí Minh về đánh giá tình hình thế giới, khu vực. Phải đánh giá đúng tình hình, nhận rõ thời cơ, thách thức đối với dân tộc, với chế độ, với Đảng; chủ động xây dựng các đường lối, chiến lược, sách lược đối ngoại phù hợp với xu thế chung của thời đại và yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam.
Thứ năm, để thực hiện tốt "ngoại giao toàn diện", cần xây dựng và phát triển một đội ngũ cán bộ đối ngoại vững về bản lĩnh, lập trường chính trị, mạnh về chuyên môn, nghiệp vụ, giỏi nhiều ngoại ngữ, có phong cách ngoại giao phù hợp với yêu cầu phát triển mới. Tôi cũng xin lưu ý với các đồng chí, ở một "Bộ Cộng sản" (theo cách nói của Lênin và Bác Hồ) như Bộ Ngoại giao, tuyệt đối không được tách rời công tác xây dựng Đảng với xây dựng ngành, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết và đặc biệt là giáo dục truyền thống cho thế hệ cán bộ ngoại giao trẻ. Có như vậy mới rèn luyện được đội ngũ cán bộ ngoại giao "vừa hồng vừa chuyên", vững vàng, tự tin trước mọi gian lao, thử thách.
Thưa các đồng chí,
Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đang đến gần. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang thể hiện quyết tâm cao nhất, bằng nhiều việc làm thiết thực, đóng góp cho thành công của Đại hội. Tôi mong muốn toàn ngành Ngoại giao tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của mình, trí tuệ, tâm huyết của từng cá nhân, có nhiều ý kiến đóng góp quý báu cho Đảng, nhất là về xây dựng và triển khai đường lối đối ngoại trong thời kỳ mới, lập nhiều thành công mới trên mặt trận đối ngoại.
Ngày vui hôm nay là dịp để các thế hệ cán bộ ngoại giao ôn lại chặng đường vẻ vang 65 năm xây dựng và trưởng thành, tri ân với các đồng chí lão thành, đồng thời ý thức rõ hơn về trách nhiệm của bản thân cũng như của toàn ngành trong giai đoạn tới. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tôi bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ rằng, với truyền thống rất đáng tự hào của mình, ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục vững bước tiến lên, đạt nhiều thành tựu và đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc.
Xin chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và đạt nhiều thành tích mới.
Cái thế sợi tóc treo nổi nghìn cân  (28/08/2010)
Ngành tài chính Việt Nam, 65 năm lớn mạnh cùng đất nước  (28/08/2010)
Ngành tài chính Việt Nam, 65 năm lớn mạnh cùng đất nước  (28/08/2010)
Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành ngoại giao  (28/08/2010)
Cái thế sợi tóc treo nổi nghìn cân  (28/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay