Khuyến công, phát triển làng nghề nhằm công nghiệp hóa nông thôn Bắc Ninh
Trong những năm qua, Bắc Ninh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp và đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, nâng cao đời sống cho nhân dân và tạo ra diện mạo nông thôn mới.
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề phục vụ công nghiệp hóa
Thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, trong 3 năm qua, tỉnh đã mở nhiều lớp đào tạo nghề cho người lao động ở khu vực nông thôn. Số lao động sau khi được đào tạo nghề có việc làm ổn định là 11.632 người, trong đó: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đào tạo nghề cho 6.092 lao động, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đào tạo nghề cho 220 lao động, Hội đồng Liên minh các hợp tác xã đào tạo nghề cho 150 lao động, ngoài ra các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh cũng đã phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức đào tạo nghề cho hơn 4.000 lao động. Các ngành nghề được đào tạo bao gồm: may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, điện dân dụng, điện tử, mây tre đan, thêu ren, gốm...
Trong 3 năm qua, bình quân, Bắc Ninh đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 20.000 lao động. Riêng năm 2007, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 20.500 người (tăng 7,6% so với năm 2006), tỷ lệ lao động qua đào tạo là 34,5% (tăng 3% so với năm 2006).
Trong 2 năm 2006 - 2007, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Ninh đã phối hợp với phòng kinh tế các huyện, thành phố, UBND các xã đào tạo được 1.170 lao động với tổng kinh phí 1 tỉ đồng, trong đó khuyến công quốc gia là 195 triệu đồng, khuyến công địa phương là 896 triệu đồng với các nghề như: mây tre đan, thêu tranh, lục bình, thảm ngô, nứa ghép sơn dầu xuất khẩu, dệt, may công nghiệp... Với phương thức gắn nơi đào tạo nghề với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để phát triển nghề sau khi đào tạo, địa phương lo công tác chiêu sinh, tổ chức khóa học, các doanh nghiệp, công ty là người đào tạo nghềvà bao tiêu sản phẩm. Sau khóa học, 70% số học viên được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, công ty, số còn lại làm việc tại các hộ gia đình. Mức thu nhập bình quân từ600.000 đồng - 900.000 đồng/người/tháng.
Mở rộng các hoạt động khuyến công
Với số kinh phí được duyệt là 375 triệu đồng, vừa qua, Sở Công nghiệp đã giao cho Trung tâm Khuyến công phối hợp với Cục Doanh nghiệp vừa và nhỏ, mời các giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong quản lý và nghiên cứu khoa học đã và đang công tác tại các sở, ban, ngành của tỉnh, các vụ, viện Trung ương tổ chức được 16 lớp, cho 640 học viên tại 8 huyện, thành phố, gồm 5 chuyên đề: Kiến thức và kỹ năng cần thiết để thành lập doanh nghiệp; tổng quan về xây dựng chiến lược và lập kế hoạch kinh doanh; tổ chức và vận hành doanh nghiệp; quản trị tài chính trong khởi sự doanh nghiệp; những vấn đề về thị trường và ma-két-ting trong khởi sự doanh nghiệp. Sau khi học xong, các học viên nâng cao được kiến thức về pháp luật, quản lý, thị trường nhằm đáp ứng được đòi hỏi của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa vàquá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, không ít học viên đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, góp phần tăngthêm số lượng doanh nghiệp của tỉnh trong những năm qua.
Năm 2007, bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 120 triệu đồng, Trung tâm Khuyến công phối hợp với Công ty Sơn tĩnh điện Việt Thái triển khai trình diễn mô hình sơn tĩnh điện để phổ biến nhân rộng phát triển ra các doanh nghiệp khác trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hải Dương. Hoạt động tham gia hội chợ triển lãm đã bước đầu được quan tâm. Trong năm 2006, đã tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn các tỉnh tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn khu vực phía Bắc lần thứ nhất ở Vĩnh Phúc. Thông qua hội chợ triển lãm này, các doanh nghiệp có cơ hội được giao lưu gặp gỡ và tìm hiểu học tập lẫn nhau, một số hợp đồng ghi nhớ đã được ký kết. Ngoài ra, các ban, ngành đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về tiêu chí làng nghề; về lịch sử hình thành và giải pháp khôi phục phát triển dòng gốm cổ Luy Lâu, thuộc huyện Thuận Thành; Hội thảo về sản xuất và giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ của các địa phương khu vực phía Bắc. Các cuộc hội thảo này đã thu hút được nhiều nhà khoa học đầu ngành tại viện Hán - Nôm, Viện Sử học, Hội Mỹ nghệ kim hoàn Việt Nam. Báo Công nghiệp quan tâm và trực tiếp tham gia với nhiều tham luận chuẩn bị công phu, sau đó được tập hợp thành một kỷ yếu có giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu và chỉ đạo, điều hành nhằm khôi phục một dòng gốm cổ hiếm quý của địa phương.
Hiệu quả và hạn chế
Từ năm 2005 đến nay, công tác hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn được các ngành, đoàn thể và địa phương trong toàn tỉnh quan tâm và tích cực triển khai thực hiện. Việc làm này đang góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, khai thác các nguồn lực, giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận lao động tại các vùng thuần nông, vùng đất chuyển đổi mục đích sử dụng, cũng như thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa nông thôn. Nhiều làng thuần nông đã có nghề mới, nhiều làng có nghề tiểu, thủ công nghiệp đã phát triển đủ điều kiện trở thành làng nghề mới.
Ba năm thực hiện chính sách khuyến công bước đầu mang lại một số hiệu quả thiết thực. Trước hết, làm chuyển biến nhận thức về nhiệm vụ phát triển công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh của cán bộ địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động. Hai là, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, tăng giá trị sảnxuất công nghiệp địa phương. Ba là, khôi phục nghề truyền thống, phát triển nghề và tạo dựng một số nghề mới, nhất là ở vùng thuần nông và những nơi diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, đồng thời tạo điều kiện cho một số làng nghề phát triển, sản phẩm có khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước. Bốn là, góp phần hình thành và thúc đẩy các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã ở các vùng nông thôn, làng nghề phát triển sản xuất công nghiệp. Năm là, nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp cho cán bộ quản lý, trang bị kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho các chủ cơ sở công nghiệp nông thôn. Sáu là, mức hỗ trợ đối với từng dự án không lớn, song đã khuyến khích các đơn vị, cá nhân yên tâm và tin tưởng vào cơ chế, chính sách của Nhà nước, mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển cơ sở công nghiệp nông thôn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 62 làng nghề, tập trung tại 35 xã, còn 73 xã ở khu vực nông thôn vẫn cơ bản là thuần nông. Số lao động chưa có nghề hoặc có nghề song chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ lớn (năm 2007 là 65,5%). Đặc biệt là, lực lượng lao động trên 35 tuổi ở các khu vực dành nhiều đất nông nghiệp cho phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị chưa có việc làm ổn định tăng lên nhanh chóng qua từng năm.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định như: Nội dung khuyến công chưa đa dạng, hiệu quả hoạt động khuyến công chưa rõ nét, phần lớn còn chạy theo dự án của địa phương, cơ sở doanh nghiệp; công tác đào tạo, truyền nghề bộc lộ nhiều hạn chế: đầu tư ít, thời gian học ngắn, tay nghề của người lao động chưa cao dẫn đến một số sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, ngành nghề đào tạo còn đơn giản, thu nhập người lao động còn ở mức thấp. Nhận thức của một số ít cấp ủy, chính quyền cơ sở, đặc biệt là người dân chưa đầy đủ về việc học nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề mới vào địa phương, chỉ muốn những nghề được truyền mang lại lợi ích kinh tế nhanh chóng, thiết thực, từ đó sinh tư tưởng nóng vội với những mưu sinh trước mắt, nên sau khi triển khai nghề mới, một số đã không tiếp tục gắn bó với nghề; bộ máy làm công tác khuyến công còn mới mẻ, số lượng ít, kinh nghiệm chưa nhiều, nên chưa phát huy được những lợi thế mà địa phương có, chưa truyền bá được nhiều thông tin về công nghệ, khoa học - kỹ thuật, các nghề mới về địa phương.
Những kinh nghiệm từ thực tiễn
Từ thực tế 3 năm qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, nhiệm vụ khuyến công là lĩnh vực công tác mới và còn nhiều khó khăn nên phải thường xuyên nhận được sự chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, tạo được sự đồng bộ từ chủ trương đến việc xây dựng, triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể. Việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ngành và sự tham gia các tổ chức đoàn thể là yếu tố rất quan trọng. ở đâu có cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tốt thì ở đó triển khai thực hiện công tác khuyến công thường đạt được hiệu quả cao.
Thứ hai, để công tác khuyến công có hiệu quả cao, phải chăm lo tạo dựng, vận động hình thành đội ngũ chủ doanh nghiệp ở mỗi địa phương, hướng các doanh nghiệp này vào việc lo nguyên liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ gia đình. Đối với những làng thuần nông, chưa có mô hình doanh nghiệp, song song với việc đào tạo nghề cần phải sớm vận động, giúp đỡ xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới để thực hiện các nhiệm vụ trên.
Thứ ba, cần lựa chọn ngành nghề gắn với lợi thế của địa phương, phù hợp với phong tục, tập quán và khả năng của nhân dân. Việc truyền nghề, nhân cấy nghề, khôi phục phát triển nghề, làng nghề công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp phải gắn liền với nhu cầu thực tiễn tại cơ sở, doanh nghiệp và địa phương.
Thứ tư, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, chủ doanh nghiệp và sự quan tâm hỗ trợ kinh phí trong tổ chức thực hiện dự án. Hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo lao động phải gắn với tuyển dụng, giao hàng gia công hay bao tiêu sản phẩm...
Thứ năm, cần phối hợp hiệu quả sử dụng các nguồn vốn trên địa bàn: khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, của doanh nghiệp..., tập trung tổ chức thực hiện theo phân kỳ cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm...
Thứ sáu, có giải pháp thích hợp trong triển khai thực hiện các dự án khuyến công, tăng cường công tác hậu kiểm và có chính sách tiếp tục hỗ trợ cho các địa phương đã triển khai các dự án khuyến công có hiệu quả, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh./.
Dạy nghề và tạo việc làm cho nông dân - giải pháp để phát triển công nghiệp, dịch vụ  (27/05/2008)
Nỗ lực chuẩn bị cho một kỳ thi nghiêm túc và hiệu quả  (27/05/2008)
Nỗ lực chuẩn bị cho một kỳ thi nghiêm túc và hiệu quả  (27/05/2008)
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm y tế  (27/05/2008)
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm y tế  (27/05/2008)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên