Năm 2013 - Sự nổi bật của nước Nga

La Mịch Như
22:11, ngày 08-01-2014
TCCSĐT - Vụ đánh bom khủng bố vừa xảy ra ở thành phố Vôn-ga-grát (Volgagrad) kết thúc một năm đầy biến động chính trị xã hội nội bộ và cả chính trị an ninh thế giới đối với nước Nga. Nó cho thấy việc chống khủng bố và đảm bảo an ninh trước những hoạt động khủng bố vẫn là thách thức lớn và thời sự đối với nước Nga, nhưng cũng không vì thế mà làm suy giảm sự nổi bật của nước Nga trong năm 2013 về phương diện đối ngoại và chính trị an ninh thế giới.
Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin đã có được một năm cầm quyền nữa rất thành công, trên thực tế là năm cầm quyền thứ 9. Phương Tây không hài lòng với một số biện pháp về đối nội được ông V. Pu-tin thi hành sau khi trở lại cương vị tổng thống Nga, nhưng không thể không công nhận một thực tế là nước Nga đang trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế cũng như chính trị - an ninh, vừa tiếp tục gây dựng và củng cố lại vừa thực hiện và thể hiện vai trò cũng như ảnh hưởng lớn hơn trong các vấn đề thời sự của thế giới. Có thể nhận thấy rất rõ điều đó trong tất cả những khuôn khổ diễn đàn đa phương danh giá nhất của thế giới như Liên hợp quốc hay G8 và G20 cũng như trong các liên kết đa phương mà Nga tham gia như BRICS hoặc APEC, trong các mối quan hệ song phương của Nga với những đối tác hay trong những vấn đề chính trị - an ninh của thế giới.

Đáng kể nhất là sự tham gia và đóng góp của Nga vào việc giải quyết vấn đề vũ khí hoá học ở Xy-ri và đạt được thỏa thuận tạm thời về vấn đề hạt nhân của I-ran. Cả hai kết quả này đều có tác động to lớn như những bước khai thông đột phá. Giải pháp cho vấn đề vũ khí hoá học ở Xy-ri đã ngăn Mỹ và các đồng minh can thiệp quân sự trực tiếp vào diễn biến tình hình ở Xy-ri và làm thay đổi tương quan lực lượng cũng như cục diện chiến sự tại nước này. Thỏa thuận tạm thời về vấn đề hạt nhân của I-ran định ra được lộ trình cụ thể cho quá trình đàm phán hướng tới giải pháp cuối cùng cho vấn đề này. Nó cũng tác động rất mạnh mẽ tới cục diện tình hình chính trị - an ninh chung ở cả khu vực Trung Đông và Vùng Vịnh. Vai trò và ảnh hưởng của Nga được đề cao ở cả khu vực này cũng như trên thế giới. Sau hơn 20 năm, Nga lại hiện diện quân sự ở Bắc Cực, xác lập vai trò quyết định và ảnh hưởng chiến lược ở khu vực này.

Cả biểu hiện bề ngoài cũng như trong thực chất, quan hệ của Nga trong năm 2013 với Mỹ, EU và NATO đều không được cải thiện thêm. Nhưng chính ở đó lại bộc lộ rõ nét hơn hết sự tự tin và bản lĩnh mới của Nga. EU đã tạm thời thua Nga trong cuộc đua tranh thủ U-crai-na và rồi đây sẽ còn phải kiềng nể Nga hơn khi từ ngày 01-01-2015 Nga và các thành viên chuyển Liên minh thuế quan Âu - Á thành Liên minh kinh tế Âu -Á. Mỹ và NATO cũng phải quen dần với tình trạng tên lửa hiện đại của Nga được triển khai ở Ca-li-nin-grát (Kaliningrad) làm câu trả lời cho việc họ triển khai xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở châu Âu.

Quan hệ của Nga với Mỹ và EU trong năm 2013 trắc trở bao nhiêu thì quan hệ của Nga với các nước lớn khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, Nhật Bản và với khu vực châu Á - Thái Bình Dương lại phát triển tích cực bấy nhiêu. Nga không còn dấu diếm mà đã chuyển sang công khai ganh đua ảnh hưởng với Mỹ và phương Tây ở các khu vực trên thế giới. Việc tổ chức Thế vận hội Mùa đông ở Xô-chi (Sochi) đầu năm 2014 và giành được quyền đăng cai tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới năm 2018 vừa là sự công nhận quốc tế dành cho Nga, vừa là dịp thuận lợi để Nga tiếp tục phô trương thanh thế và thể hiện tầm vóc nước lớn. Trong bối cảnh chung ấy, việc cựu tỷ phú Mi-khai Khô-đô-cốp-xki (Mikhail Khodorkovsky) được ân xá, các thành viên ban nhạc Pussy Riot được trả tự do và vụ việc con tàu Arctic Sunrise không bị đưa ra xét xử đều thể hiện vị thế quyền lực vững vàng của Tổng thống V. Pu-tin ở Nga cũng như tạo dư luận thuận lợi cho Thế vận hội Mùa đông ở Xô-chi.

Nước Nga chưa phải đã hết khó khăn và Tổng thống Nga V. Pu-tin chưa hẳn đã xử lý được mọi vấn đề, nhưng rõ ràng vị thế nước Nga giờ đã khác trước và tâm thế người lãnh đạo cũng khác trước rất nhiều./.