Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của Hiến pháp trong đời sống
Ngày 01-01-2014, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp. Nhân dịp này, Phó giáo sư, tiến sỹ (PGS,TS) Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Phó Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã trả lời phỏng vấn về những trọng tâm cần được ưu tiên trong triển khai thi hành Hiến pháp.
- Thưa PGS, TS. Lê Minh Thông, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01-01-2014, song song với việc ban hành Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 64/2013/QH13 của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp. Để đảm bảo Hiến pháp nhanh chóng phát huy hiệu lực trong đời sống xã hội, cần ưu tiên những nhóm công việc nào trong thời gian này?
- PGS, TS. Lê Minh Thông: Hiến pháp được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 có hiệu lực từ 01-01-2014, để thực hiện Hiến pháp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 64/2013/QH13, trong đó quy định một số điểm để kịp thời đưa Hiến pháp vào cuộc sống.
Thứ nhất, phải quán triệt trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về nội dung, tinh thần của Hiến pháp, để mỗi người hiểu được tinh thần và những quy định của Hiến pháp, trên cơ sở đó nâng cao nhận thức, niềm tin của người dân đối với Hiến pháp, để người dân biết cách sử dụng Hiến pháp, bảo vệ lợi ích của mình; đồng thời nâng cao đồng thuận xã hội trong thực thi Hiến pháp, làm cho Hiến pháp không chỉ là những quy phạm pháp luật mà còn biến thành những hành động thực tiễn.
Thứ hai, tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu về nội dung Hiến pháp để thấy rõ hơn vai trò, ý nghĩa to lớn của Hiến pháp trong đời sống xã hội và những căn cứ lý luận, thực tiễn của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này; thấy rõ hơn nội dung thực tế của những điểm mới mà Hiến pháp lần này thể hiện, thể chế hóa đường lối phát triển của đất nước thời kỳ mới, thể hiện mong muốn, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong việc tạo lập một bản Hiến pháp đủ tầm, phù hợp với tầm vóc của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ ba, tổ chức, triển khai thi hành các quy định cụ thể của Hiến pháp thông qua các hoạt động xem xét, chỉnh lý, điều chỉnh lại bộ máy nhà nước từ thẩm quyền, chức năng, cơ cấu tổ chức đến phương thức hoạt động, phù hợp với tinh thần, nội dung Hiến pháp mới; phải tiến hành rà soát lại hệ thống pháp luật phù hợp với những quy định mới của Hiến pháp, kịp thời loại bỏ những quy định, văn bản pháp luật không còn phù hợp hoặc trái với Hiến pháp; xây dựng, bổ sung mới những văn bản pháp luật để cụ thể hóa những điểm mới của bản Hiến pháp, phù hợp với từng lĩnh vực của đời sống.
Đây là công việc hết sức hệ trọng, do vậy mỗi một cơ quan, đặc biệt Quốc hội, Chính phủ phải có chương trình rộng lớn và kế hoạch cụ thể để triển khai các hoạt động này.
Trước mắt, Quốc hội phải xem xét lại Chương trình xây dựng luật năm 2014, 2015, tập trung ưu tiên, cụ thể hóa các đạo luật hiện nay có những điểm không phù hợp với Hiến pháp mới, kịp thời sửa chữa để loại bỏ những quy định không phù hợp và bổ sung, sửa đổi những quy định mới.
Thứ hai, Quốc hội tập trung xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy như Luật về Tổ chức Quốc hội, Luật về Tổ chức Chính phủ, Luật về Chủ tịch nước, Luật về Tòa án nhân dân, Luật về Kiểm sát nhân dân, Luật về Chính quyền địa phương... những đạo luật này phải được xây dựng, thông qua trước năm 2016, chậm nhất tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Nghĩa là cuối năm 2015, những đạo luật này phải được thông qua để làm cơ sở cho việc bầu cử Quốc hội khóa XIV, lập ra bộ máy nhà nước mới phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Song song với xây dựng các đạo luật về tổ chức bộ máy, phải rà soát lại các đạo luật liên quan đến quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, đảm bảo Chương II quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân thực sự có ý nghĩa cơ bản, tránh tình trạng những quyền đó bị “treo” trong những trường hợp nhất định. Muốn vậy, công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới những đạo luật liên quan đến quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân phải được ưu tiên đặc biệt.
Những văn bản nào chưa thể hiện quyền con người, quyền công dân hoặc trái với lời văn về quyền con người, quyền công dân tại Hiến pháp, cần phải sửa đổi, bổ sung. Chẳng hạn những luật như Luật Trưng cầu ý dân, Luật về Lập Hội, Luật về biểu tình... phải được thúc đẩy mạnh mẽ, bảo đảm những quyền này có điều kiện, thủ tục cần thiết để nhân dân sử dụng, đáp ứng nguyện vọng của người dân trong quá trình thực thi quyền và nghĩa vụ của mình.
Thứ ba, những đạo luật liên quan đến kinh tế - xã hội cũng phải được rà soát lại để phù hợp với những nội dung mới của Hiến pháp, trong đó, những vấn đề trái với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các chính sách kinh tế nói chung phải được sửa đổi, bổ sung phù hợp với quá trình phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế. Các vấn đề về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, môi trường, an sinh xã hội phải được cụ thể hóa bằng hệ thống các văn bản pháp luật khác. Do vậy, việc rà soát lại hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh tế - xã hội là rất quan trọng.
Điểm nữa là những vấn đề liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, hoạt động hội nhập quốc tế cũng phải được rà soát lại, đảm bảo hội nhập hiệu quả, mạnh mẽ hơn, xứng đáng với tầm vóc, vị trí của dân tộc.
- Thưa PGS, TS, công tác xây dựng pháp luật là một trong những trọng tâm trong việc thực thi Hiến pháp mới, song công việc này đòi hỏi phải có lộ trình, thời gian theo quy trình, vậy trong thời gian đó, phải khắc phục những bất cập giữa Hiến pháp mới với các luật hiện hành như thế nào?
- PGS, TS. Lê Minh Thông: Việc rà soát lại hệ thống pháp luật là công việc hệ trọng, trước mắt năm 2014 phải rà soát lại và kịp thời loại bỏ những văn bản pháp luật trái với Hiến pháp.
Thứ hai, khi chưa sửa đổi các Luật về tổ chức, nhưng trong Hiến pháp mới điều chỉnh một số chức năng, thẩm quyền của cơ quan Nhà nước và theo Nghị quyết 64 những thẩm quyền mới này phải được thực hiện ngay khi Hiến pháp có hiệu lực ngày 01-01-2014. Những công việc theo quy định của Hiến pháp năm 1992 giao cho các cơ quan thực hiện mà hiện nay giao cho cơ quan khác thì phải chuyển giao cho cơ quan khác thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét xây dựng và thông qua Dự thảo Nghị quyết về hướng dẫn, thi hành Nghị quyết 64 đối với một số điểm liên quan đến thẩm quyền mới của các cơ quan nhà nước được Hiến pháp mới khẳng định nhưng chưa rõ thủ tục, trình tự.
Chương trình xây dựng luật năm 2014 - 2015 phải ưu tiên cho các Luật về tổ chức bộ máy, vì nếu không có Luật tổ chức bộ máy thì không có cơ sở pháp luật vững chắc cho tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XIV, lập ra bộ máy nhà nước mới, sau khi Quốc hội mới được bầu ra. Đây cũng là công việc cần khẩn trương đẩy mạnh. Luật về Bầu cử cũng phải xem xét vì thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia thì Luật về Bầu cử và Đề án thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia phải được triển khai thực hiện, tạo cơ sở pháp luật mới tiến hành bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp khóa XIV sắp tới.
Hiện nay, Hiến pháp mới thay đổi Chương về Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân bằng Chương về Chính quyền địa phương. Những quan điểm mới về Chính quyền địa phương được thể hiện trong Hiến pháp hiện nay rất mới, tạo dư địa rộng lớn cho việc xây dựng, đổi mới, cải cách mô hình chính quyền địa phương hiện nay. Như vậy, Luật về Chính quyền địa phương phải được thông qua trước năm 2016, để bầu chính quyền địa phương theo quy định mới của Hiến pháp.
Trong quá trình thảo luận, vấn đề về Chính quyền địa phương là vấn đề còn ý kiến khác nhau. Quốc hội đã thống nhất phương án quy định tổng quát, tạo cơ sở chính trị uyển chuyển hơn, rộng hơn, mở hơn để đổi mới theo hướng đa dạng hóa mô hình chính quyền địa phương, phù hợp với điều kiện đặc thù của nông thôn, đô thị, hải đảo, hành chính kinh tế đặc biệt và khẳng định rõ hơn vai trò của người dân trong xây dựng chính quyền địa phương và nguyên tắc phân cấp, phân quyền giữa các cấp trong chính quyền địa phương. Mỗi năm, Quốc hội sẽ phân chia những nhiệm vụ cấp bách, trước mắt dự kiến đến năm 2020, sẽ hoàn tất hệ thống pháp luật mới, phù hợp với Hiến pháp trong từng giai đoạn, theo những lộ trình ưu tiên.
- Tại phiên họp thứ 23 vừa qua, cho ý kiến về kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có bàn thảo về việc thành lập một cơ quan đầu mối để giám sát, đôn đốc, kết nối giữa các cơ quan nhà nước trong việc thi hành Hiến pháp, xin phó giáo sư cho biết, vấn đề này sẽ được triển khai như thế nào?
- PGS, TS. Lê Minh Thông: Trong phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đặt ra vấn đề cần thiết phải thành lập một cấu trúc, một tổ chức, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc tổ chức triển khai thi hành Nghị quyết Quốc hội. Điều này, chứng tỏ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến mô hình tổ chức này.
Có ý kiến đề nghị phải thành lập Ban chỉ đạo, có ý kiến đề nghị thành lập Tổ công tác, có ý kiến cho rằng không thành lập... Tuy nhiên, trách nhiệm thực thi Hiến pháp thuộc về toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội. Mỗi cơ quan, tổ chức, cộng đồng tùy theo vị trí, vai trò của mình, có phương thức thực hiện Hiến pháp phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, các cơ quan có trách nhiệm như: Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan khác của Nhà nước phải có trách nhiệm tổ chức triển khai Hiến pháp chủ động, sáng tạo và có trách nhiệm.
Chính phủ đang xây dựng chương trình triển khai thi hành Hiến pháp. Vì vậy, việc có Ban chỉ đạo hay không có Ban chỉ đạo, các cơ quan cũng đang chủ động, tích cực triển khai và chắc chắn với tinh thần trách nhiệm cao, các cơ quan sẽ làm tốt trách nhiệm của mình. Quốc hội cũng xác định rõ trách nhiệm là cơ quan chủ trì việc giám sát, thực hiện Hiến pháp. Trước hết, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ có một chương trình, kế hoạch tăng cường vai trò, trách nhiệm trước Quốc hội về mặt pháp luật. Ủy ban sẽ có chương trình, kế hoạch đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện Hiến pháp trong thực tiễn các cấp, các ngành, địa phương, đảm bảo kế hoạch về việc triển khai, thực hiện Hiến pháp được thực hiện nghiêm túc trong thực tế.
- Thưa PGS, TS, tuyên truyền Hiến pháp, đặc biệt là những điểm mới của Hiến pháp là công việc được ưu tiên hàng đầu trong tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, vậy để việc tuyên truyền vừa đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, cần lưu ý những vấn đề gì?
- PGS, TS. Lê Minh Thông: Thứ nhất, các cơ quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải đi đầu trong việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nội dung Hiến pháp. Trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các cơ quan thông tấn báo chí đã đóng góp quan trọng đối với thành công bản dự thảo, đồng hành với Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, Ban biên tập trong việc cung cấp những thông tin cần thiết về mong muốn, ý chí, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản hồi đến các tầng lớp nhân dân tinh thần của Dự thảo. Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đánh giá cao vai trò của báo chí. Bên cạnh đó, khi Hiến pháp được thi hành thì vai trò của báo chí càng quan trọng.
Báo chí phải góp phần tích cực đưa tinh thần và lời văn của Hiến pháp vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội, làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu một cách đầy đủ, đúng đắn và dễ dàng nhất nội dung của Hiến pháp; thấy rõ tính liên tục, tính kế thừa của bản Hiến pháp hiện nay và sự nhất quán con đường phát triển của dân tộc được thể hiện rõ từ Hiến pháp năm 1946.
Báo chí làm rõ những điểm mới quan trọng của Hiến pháp được Quốc hội thông qua; phải làm rõ những nội dung kế thừa để thấy rằng, lịch sử lập hiến của chúng ta là một quá trình liên tục có kế thừa, có phát triển, để người dân hiểu Hiến pháp, tin Hiến pháp, biết cách sử dụng Hiến pháp, tuân thủ Hiến pháp...
Báo chí phải góp phần bảo vệ Hiến pháp, kịp thời uốn nắn những quan điểm lệch lạc, phản ánh kịp thời những biểu hiện không đúng trong quá trình hiểu và làm theo Hiến pháp, góp phần bảo vệ sự trong sáng và đúng đắn của bản Hiến pháp, đấu tranh với những quan điểm không đúng hoặc không thiện chí đối với Hiến pháp mới.../.
Latvia chính thức trở thành thành viên 18 của Eurozone  (01/01/2014)
Trưng bày 103 bức ảnh quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp  (01/01/2014)
Các đồng tiền châu Á được dự báo sẽ phục hồi trong 2014  (01/01/2014)
Bến Tre kỷ niệm Quốc khánh Cuba ở "Làng Moncada"  (01/01/2014)
Chúc mừng năm mới của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang  (01/01/2014)
Tàu ngầm lớp Kilo Hà Nội đã vào vịnh Cam Ranh  (01/01/2014)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên