Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 23 đến ngày 29-12-2013

Đức Toàn tổng hợp
09:20, ngày 01-01-2014
TCCSĐT - Ngày 24-12, kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh phải tập trung cải cách thể chế để có Nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phòng chống tham nhũng…

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ của năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặc biệt nhấn mạnh tới việc cải cách thủ tục hành chính, trong đó hạt nhân là công tác cán bộ. Theo đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ tập trung chỉ đạo việc làm rõ chức năng, nhiệm vụ, từ vụ, cục tới phòng… của từng cơ quan, bộ, ngành. Từ đó, xác định chức năng, tiêu chuẩn của từng người, vị trí việc làm của từng người.

Theo Thủ tướng, chức danh, tiêu chuẩn, nhiệm vụ không rõ, vị trí việc làm không rõ thì không đánh giá được cán bộ. “Cho nên bây giờ cứ ước chừng là 30%, có người nói 2 con số, còn tổng hợp báo cáo của các địa phương, bộ ngành lên Bộ Nội vụ thì chưa đến 1% không hoàn thành nhiệm vụ. Đây là vấn đề bức xúc, đề nghị các đồng chí triển khai sớm”.

Thủ tướng cũng chỉ đạo tập trung cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Cải cách thủ tục hành chính để công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng. Trong đó, năm 2014 công khai năng lực cạnh tranh của bộ, ngành, địa phương. “Chúng ta phải mạnh dạn cái gì cũng phải minh bạch. Trước mắt, công khai chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, quan trọng là rà soát tiêu chí đánh giá cho đúng” - Thủ tướng khuyến khích việc công khai, minh bạch.

6 đột phá từ công nghệ thông tin

Tạp chí Hải quan thống kê 6 hoạt động được coi là bước đột phá của ngành Hải quan trong năm 2013 để cải cách hành chính.

1. Triển khai hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia - VNACCS/VCIS. Hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4-2014. Hệ thống VNACCS/VCIS được phát triển trên cơ sở sử dụng công nghệ của hệ thống thông quan tự động NACCS/CIS đang được áp dụng rất thành công tại Nhật Bản.

2. Chính thức thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo Nghị định số 87/2012/NĐ-CP và Thông tư số 196/2012/TT-BTC trong toàn ngành. Tính đến ngày 31-11-2013, 34/34 Cục Hải quan đã triển khai thủ tục hải quan điện tử, số lượng Chi cục triển khai thủ tục hải quan điện tử là 148. Số lượng doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan điện tử là 48.514, đạt 95,66% số lượng doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan trên toàn quốc. Kim ngạch xuất nhập khẩu thực hiện qua thủ tục hải quan điện tử đạt 228,74 tỷ USD, chiếm 95,20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn quốc.

3. Theo Quyết định số 2341/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 01-11-2013, các doanh nghiệp phải sử dụng chữ ký số công cộng trong thủ tục hải quan điện tử. Chữ ký số sẽ được sử dụng thay cho việc sử dụng tài khoản khai hải quan điện tử, giúp doanh nghiệp được hưởng lợi thông qua việc xác thực trực tuyến của cơ quan hải quan; dữ liệu gửi đến mang tính chính xác và bảo mật cao, tránh được tình trạng giả mạo truyền thông tin tờ khai vì các chữ ký số này đã được chứng thực bởi các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Thời gian thực hiện việc đăng ký không quá 2 phút.

4. Hoàn thành triển khai hệ thống tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ có liên quan và thông quan điện tử đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh. Từ ngày 01-8-2013, ngành Hải quan chính thức triển khai tiếp nhận 100% hồ sơ điện tử tàu biển (e-Manifest) tại các đơn vị hải quan thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Ngành cũng đã hoàn thành triển khai hệ thống e-Manifest cho 8 Cục Hải quan còn lại theo Quyết định số 19/2011/QĐ-TTg.

5. Hoàn thành triển khai mở rộng Cổng thanh toán điện tử cho 25 Cục Hải quan tỉnh, thành phố trên cả nước để trao đổi thông tin về các khoản thu ngân sách giữa Hải quan và ngân hàng thương mại.

6. Ngày 03-12-2013, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2999/QĐ-BTC phê duyệt Đề án “Triển khai hoạt động của Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống công nghệ thông tin hải quan” nhằm tổ chức, quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin ngành Hải quan một cách tập trung, thông suốt 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ, thực hiện thủ tục hải quan điện tử và cơ chế một cửa quốc gia; duy trì hoạt động ổn định của hạ tầng truyền thông, kết nối các đơn vị trong ngành Hải quan và các cơ quan có liên quan...

Chuyển biến, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu

Để thực hiện "Năm kỷ cương hành chính", TP. Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông", rà soát 38 nhóm thủ tục hành chính gắn với việc rà soát chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đơn vị và bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp. Đây cũng là năm đầu tiên Hà Nội thực hiện thi tuyển công chức theo nguyên tắc cạnh tranh, để tuyển chọn những công chức đủ tiêu chuẩn vào bộ máy nhà nước và phòng, chống tiêu cực.

Hà Nội đã đẩy mạnh công tác kiểm tra công vụ theo chiều sâu, tập trung vào những vấn đề bức xúc của công dân, tổ chức và doanh nghiệp. Đã có 39 cuộc kiểm tra đột xuất được tiến hành trong năm. Thanh tra thành phố và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã tổ chức thực hiện 268 cuộc thanh tra và đã kết luận 255 cuộc. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi 100,2 tỷ đồng, 967 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm 42 tập thể và 54 cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm và chuyển cơ quan điều tra hai vụ.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, Thành phố sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ đột xuất và xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm.

Cần Thơ: Tư pháp hướng về cơ sở

Năm 2013, ngành Tư pháp Cần Thơ xác định là năm "Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng ngành trong sạch vững mạnh”, hưởng ứng chương trình của Bộ Tư pháp: "Tư pháp hướng về cơ sở”, "Chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Ngành Tư pháp thực hiện "3 giảm, 3 tăng” bao gồm giảm hội họp; giảm ra các văn bản chưa cần thiết, thiếu tính khả thi; giảm chi phí và "3 tăng” là: Tăng cường đi cơ sở; Tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển; Tăng nguồn nhân lực có chất lượng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương”.

Điểm nổi bật trong năm 2013 của ngành Tư pháp Cần Thơ là tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đảm bảo dân chủ, khoa học, công khai, chất lượng. Sở Tư pháp thực hiện đa dạng hoá các hình thức phổ biến pháp luật, tổ chức cho nhân dân góp ý về đề án "Xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012-2016”. Các quận, huyện, cơ sở có nhiều mô hình hay như: Tổ chức "ngày pháp luật”; "quán cà phê pháp luật”; hội thi văn nghệ tuyên truyền , phổ biến, giáo dục pháp luật; hội thi hòa giải viên giỏi,…

Trong các hoạt động tư pháp hướng về cơ sở, ngành tư pháp phát động phong trào thi đua "ngành tư pháp chung sức xây dựng nông thôn mới”; tổ chức tư vấn, trợ giúp pháp luật miễn phí cho người nghèo; trang bị kệ sách pháp luật và thí điểm đặt hộp thư góp ý tại 8 ấp của xã Thới Đông để nhân dân gửi các thắc mắc về pháp luật, các góp ý xây dựng chính quyền, phản ảnh các hiện tượng nhũng nhiễu của cán bộ. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các câu lạc bộ pháp luật cơ sở và hỗ trợ sách pháp luật cho các tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn.

Qua việc thực hiện chương trình tư pháp hướng về cơ sở, ngành Tư pháp có bước chấn chỉnh lề lối làm việc, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp, hộ tịch cấp xã, phường, thị trấn, nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng hoạt động trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng Nai triển khai cơ chế “một cửa” cấp huyện

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ông Trần Văn Vĩnh đề nghị tiếp tục đẩy mạng cải cách hành chính trong năm 2014, các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện đồng bộ 7 nội dung trong chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đặc biệt năm 2014 sẽ triển khai đồng loạt “một cửa” hiện đại tại UBND cấp huyện và thí điểm “một cửa” hiện đại ở một số xã để tiến tới triển khai đồng loạt tại các xã vào năm 2015. Bên cạnh đó, tổ chức lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp.

Điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, huyện

Chính phủ quyết nghị điều chỉnh 10.054,42 ha diện tích tự nhiên, 99.701 nhân khẩu của huyện Sơn Tịnh (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của thị trấn Sơn Tịnh và 9 xã Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, Tịnh An, Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Tịnh Khê, Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ) và 2.243,48 ha diện tích tự nhiên, 46.165 nhân khẩu của huyện Tư Nghĩa (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 3 xã Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Nghĩa An) để thành phố Quảng Ngãi quản lý.

Thành lập phường Trương Quang Trọng thuộc thành phố Quảng Ngãi trên cơ sở toàn bộ 926,4 ha diện tích tự nhiên và 14.148 nhân khẩu của thị trấn Sơn Tịnh.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập phường, thành phố Quảng Ngãi có 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 phường và 14 xã./.