Quan hệ Nga - Ấn Độ: Cú hích mới

An Nhân
10:58, ngày 15-11-2013
TCCSĐT - Bất chấp mọi thay đổi trên thế giới, tình hữu nghị, sự tin tưởng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi là những nhân tố chính giúp quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa Nga và Ấn Độ không ngừng được củng cố và phát triển sâu rộng. Mối quan hệ này lại có thêm cú hích mới sau chuyến thăm Nga vào cuối tháng 10 vừa qua của Thủ tướng Ấn Độ Man-mô-han Xinh.
Tăng cường hợp tác quốc phòng

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin (Vladimir Putin) và Thủ tướng Ấn Độ Man-mô-han Xinh (Manmohan Singh), hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, hải quân và các hệ thống vũ khí. Nga và Ấn Độ đánh giá cao những thành tựu hợp tác đã đạt được trong lĩnh vực quân sự, như chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm, máy bay vận tải đa năng, tên lửa siêu thanh BraMos, tiêm kích Su-30MKI và xe tăng T-90S. Hai nhà lãnh đạo đặc biệt nhấn mạnh, sự hợp tác chặt chẽ và truyền thống giữa hai nước trong lĩnh vực kỹ thuật - quân sự là thành tố quan trọng nhất của mối quan hệ đối tác chiến lược Nga - Ấn và phản ánh mức độ tin cậy cao giữa hai nước.

Trên thực tế, mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Ấn Độ đã có bề dày lịch sử và đạt mức độ tin cậy cao. Trong quá khứ, quân đội Liên Xô dành sự giúp đỡ hết sức to lớn cho quân đội Ấn Độ. Đặc biệt, những tài liệu vừa mới được giải mật cho thấy, Liên Xô từng giúp ngăn ngừa hiệu quả cuộc tấn công của hải quân Anh - Mỹ đối với Ấn Độ bằng cách triển khai một đội tàu nhỏ có vũ khí hạt nhân tại Vịnh Ben-gan (Bengan) vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh năm 1971. Nhờ có sự tin tưởng cao nên Nga đã chia sẻ với Ấn Độ các công nghệ quốc phòng liên quan đến tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân mà không có bất cứ điều kiện nào kèm theo. Mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa Nga và Ấn Độ trong lĩnh vực quốc phòng ngày càng phát triển khi nhu cầu mua sắm quốc phòng và an ninh nội địa của Niu Đê-li không ngừng tăng lên. Hiện nay Ấn Độ là quốc gia đứng thứ bảy trên thế giới về đầu tư quốc phòng, chiếm khoảng 2,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Củng cố hợp tác trong lĩnh vực năng lượng


Chuyến thăm Nga lần này của Thủ tướng Man-mô-han Xinh đã giúp hai nước mở rộng quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng. Tuyên bố chung giữa Nga và Ấn Độ cho biết, hai nước đã nhất trí thành lập nhóm nghiên cứu khả năng thiết lập tuyến đường ống vận chuyển dầu thô từ Nga sang Ấn Độ. Hai bên cũng nhận thấy ý nghĩa của việc cung cấp khí đốt của Nga cho Ấn Độ - nhằm tăng cường an ninh năng lượng cho Ấn Độ và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu năng lượng của Nga. Phía Ấn Độ bày tỏ quan tâm tới việc hợp tác với các công ty của Nga trong thăm dò dầu mỏ tại khu vực Bắc Cực. Hai bên còn thống nhất lộ trình xây dựng 15 lò phản ứng hạt nhân cho Ấn Độ, trong đó Nhà máy Điện hạt nhân Ku-dan-ku-lam có từ 2 đến 8 lò phản ứng. Hiện Ấn Độ là nhà nhập khẩu lớn thứ tư thế giới về nhiên liệu hóa thạch, và Tây Á chiếm 2/3 tổng sản lượng thương mại dầu mỏ của Ấn Độ.

Sự kiện “Mùa Xuân A-rập” đã khiến Ấn Độ bị ảnh hưởng, do tác động từ phía các nhà cung cấp và giá cả bất thường liên quan đến biến động này. Thông qua Nga, một trong những nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, Ấn Độ có cơ hội để đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng, bằng cách đầu tư vào các dự án thăm dò dầu khí của Nga tại các vùng Viễn Đông, Bắc Cực và Xi-bê-ri. Một số công ty không thuộc Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ đã bắt đầu khai thác dầu từ đá phiến và những nguyên liệu khác được hình thành từ nền địa chất ở Xi-bê-ri. Mục tiêu lâu dài của Ấn Độ là giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân. Ấn Độ muốn đẩy mạnh sản xuất năng lượng hạt nhân, từ 4.780 MW trong năm 2012 lên 63.000 MW vào năm 2032.

Mở rộng ra nhiều lĩnh vực


Quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Nga và Ấn Độ không chỉ phát triển trong lĩnh vực quốc phòng và năng lượng, mà còn được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Hai nước đã có quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực, như quân sự, công nghệ và đa dạng hóa quan hệ kinh tế,... Thậm chí, hai nước đang cùng tham gia cuộc tập trận chung chống khủng bố mang tên "Indra-2013" ở bang Ra-da-xtan, miền Tây Ấn Độ. Hai nước cũng hợp tác trong lĩnh vực chính trị và đặc biệt là trong Nhóm BRICS (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Trong hợp tác văn hóa - giáo dục, Nga và Ấn Độ bày tỏ hài lòng về tiến độ thực hiện Chương trình trao đổi văn hóa song phương giai đoạn 2013 - 2015, được Bộ Văn hóa hai nước ký kết hồi tháng 12-2012. Hai bên đánh giá cao việc tổ chức Festival văn hóa Nga tại Ấn Độ trong năm 2012 cũng như Festival văn hóa Ấn Độ tại Nga năm nay; đồng thời, nhất trí sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tương tự. Hai bên cũng đồng ý đẩy nhanh việc ký kết hiệp định công nhận bằng cấp đào tạo cũng như học vị của nhau trong các lĩnh vực chung.

Bên cạnh đó, Nga và Ấn Độ cùng bày tỏ quan ngại về mối đe dọa ngày càng tăng trong việc sử dụng công nghệ thông tin nhằm mục đích phạm tội, khủng bố và vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, nên đã nhất trí tăng cường tham vấn lẫn nhau và làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Ấn Độ và Nga lo ngại sự yếu kém của chính quyền Áp-ga-ni-xtan sau khi lực lượng quân sự do Mỹ lãnh đạo rút quân khỏi nước này vào năm 2014 có thể đẩy chủ nghĩa cực đoan tiến sâu hơn vào châu Á. Niu Đê-li đã từng phải gánh chịu hậu quả do một số tổ chức khủng bố có nguồn gốc từ Ta-li-ban và An Kê-đa gây nên trong những năm gần đây. Nga cũng đã từng hứng chịu hậu họa từ các phong trào Hồi giáo ly khai trong nước. Ấn Độ có lợi ích sâu sắc tại Áp-ga-ni-xtan khi nước này dẫn đầu các nước phát triển đầu tư vào Áp-ga-ni-xtan. Hai bên bày tỏ sự hài lòng với những tiến bộ trong quan hệ hợp tác, trong đó có các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng, thương mại về công nghệ cao, đầu tư, không gian, khoa học, giáo dục, văn hóa và du lịch.

Giới phân tích cho rằng, mối quan hệ đối tác chiến lược ưu tiên đặc biệt giữa Nga và Ấn Độ sẽ có bước phát triển mới sau chuyến thăm Mát-xcơ-va lần này của Thủ tướng Man-mô-han Xinh. Sự phát triển này không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước mà còn góp phần bảo đảm an ninh và phát triển ở khu vực và thế giới./.