Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 04-11 đến ngày 10-11-2013)
TCCSĐT - Chính phủ Phi-líp-pin và người dân nước này đang nỗ lực khắc phục những hậu quả nghiêm trọng do siêu bão Hai-yan - cơn bão nhiệt đới được cho là mạnh nhất thế giới diễn ra trong năm nay - để lại sau khi quét qua một khu vực rộng lớn của Phi-líp-pin.
1. Hơn 200 triệu người có nguy cơ bị nhiễm chất độc từ môi trường
Ngày 04-11-2013, theo ước tính của Viện Blacksmith, một cơ quan giám sát môi trường có trụ sở tại Mỹ, hơn 200 triệu người ở các nước đang phát triển có nguy cơ bị tổn hại sức khỏe do ô nhiễm. Blacksmith phối hợp với Tổ chức Chữ thập Xanh của Thụy Sĩ cũng công bố danh sách mới “10 địa điểm ô nhiễm nhất thế giới” (danh sách này lần đầu tiên công bố vào năm 2007) dựa trên hơn 2.000 báo cáo đánh giá về các khu vực ô nhiễm ở 49 nước trên thế giới. Khu vực A-bốp-lô-si-ê ở Thủ đô Ác-cra của Gha-na, địa điểm tái chế rác thải điện tử lớn thứ hai khu vực Tây Phi, lần đầu tiên có mặt trong danh sách. Mối quan ngại chính về sức khỏe liên quan đến tái chế rác thải điện tử ở Gha-na là việc đốt các sợi dây cáp để lấy lõi đồng ở bên trong. Các sợi dây cáp thường chứa rất nhiều kim loại nặng, trong đó có chì. Các mẫu đất quanh khu vực A-bốp-lô-si-ê đã cho thấy mức độ tập trung các kim loại độc hại cao gấp hơn 45 lần mức cho phép. Một khu vực mới có tên trong danh sách năm nay là lưu vực sông Xi-ta-rum ở Tây Gia-va của In-đô-nê-xi-a, nơi 9 triệu người sinh sống nhưng có tới 2.000 nhà máy. Dòng sông Xi-ta-rum, vốn được sử dụng để phục vụ các nhu cầu hằng ngày của người dân ở đây cũng như để cung cấp nước tưới cho đồng ruộng, đã bị ô nhiêm bởi nhiều loại chất độc, trong đó có nhôm và man-gan. Kiểm tra mẫu nước uống ở đây cho thấy hàm lượng chì vượt quá 1.000 lần mức tiêu chuẩn của Mỹ. Một khu vực khác của In-đô-nê-xi-a là Ca-li-man-tan trên đảo Boóc-nê-ô cũng nằm trong danh sách những địa điểm ô nhiễm nhất thế giới do việc mở rộng các mỏ khai thác vàng thủ công quy mô nhỏ. Hầu hết công nhân ở đây đều sử dụng thủy ngân trong quá trình chiết xuất vàng, góp phần gia tăng một loại chất thải nguy hiểm vào môi trường. Những địa điểm ô nhiễm nghiêm trọng khác còn có khu vực Ha-da-ri-bát ở Băng-la-đét, đồng bằng sông Ni-gơ ở Ni-giê-ri-a và lưu vực sông Ma-tan-da-Ri-a-chu-ê-lô ở Ác-hen-ti-na, khu vực nhà máy điện nguyên tử Tréc-nô-bưn ở U-crai-na và thành phố khai thác chì Ca-bu-ê ở Zam-bi-a.
2. Việt Nam chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết IAEA
Trong hai ngày 05 và 06-11-2013, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố Niu Oóc (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã họp phiên toàn thể xem xét dự thảo Nghị quyết của Đại hội đồng khóa 68 về Báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Việt Nam với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2013 - 2014 đã chủ trì xây dựng và giới thiệu dự thảo Nghị quyết năm nay về vấn đề này. Phát biểu giới thiệu dự thảo Nghị quyết tại phiên họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Lê Hoài Trung nhấn mạnh vị trí và vai trò ngày càng quan trọng của IAEA trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân, tiến tới giải trừ hoàn toàn và triệt để vũ khí hạt nhân. Đại sứ đánh giá cao kết quả hoạt động của IAEA trong năm qua trên tất cả các lĩnh vực, như ứng dụng năng lượng nguyên tử, hợp tác kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Cũng theo Đại sứ Lê Hoài Trung, trong thời gian qua, IAEA đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và sử dụng năng lượng, công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs).
Trong nhiều năm qua, Việt Nam là thành viên tích cực của IAEA và có nhiều đóng góp quan trọng cho tổ chức này. Việc Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thực hiện các mục tiêu của IAEA, đồng thời thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam trong thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, tiến tới giải trừ hoàn toàn và triệt để vũ khí hạt nhân. Kết thúc phiên họp toàn thể, Đại hội đồng nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết về Báo cáo hoạt động của IAEA do Việt Nam giới thiệu. Dự thảo Nghị quyết do Việt Nam chủ trì xây dựng dựa trên sự đóng góp tích cực của nhóm đồng tác giả đến từ 78 quốc gia thành viên.
3. Kỷ niệm 96 năm Cách mạng Tháng Mười và 72 năm cuộc duyệt binh huyền thoại của Hồng quân Liên Xô
Ngày 07-11-2013, nước Nga đã có nhiều hoạt động kỷ niệm 96 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (07-11-1917 - 07-11-2013) và 72 năm cuộc duyệt binh huyền thoại của Hồng quân Liên Xô (07-11-1941 - 07-11-2013). Theo hãng tin Nga ITAR-TASS, tại Quảng trường Đỏ diễn ra Lễ diễu binh và diễu hành trọng thể với sự tham gia của hơn 6.000 người, đại diện cho các tổ chức thanh, thiếu niên Thủ đô và quân nhân. Khách mời đặc biệt của buổi lễ gồm hơn 8.000 người là các cựu chiến binh Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, những người tham gia cuộc duyệt binh lịch sử 72 năm trước, cùng đại diện các tổ chức xã hội, văn phòng tổng thống, các nghị sĩ Đu-ma quốc gia Nga và chính quyền thành phố Mát-xcơ-va. Lễ diễu binh gồm hai phần: phần tái hiện lịch sử về những sự kiện năm 1941 và phần diễu hành của đại diện thanh niên, thiếu sinh quân và học viên các học viện quân sự. Tham gia Lễ diễu binh có các phương tiện kỹ thuật chiến đấu những năm Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941 - 1945), trong đó có xe tăng T-34 và T-38 hay T-60. Ngoài ra, còn có các đơn vị kỵ binh và đội tiêu binh rước cờ của các đơn vị tham gia trận đánh bảo vệ Thủ đô Mát-xcơ-va.
4. ASEAN tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ
Ngày 09-11-2013, Hội nghị Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN lần thứ 66 (COST 66) diễn ra tại Thủ đô Cua-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a), nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác về khoa học và công nghệ trong khu vực ASEAN, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 dựa trên ba trụ cột: cộng đồng chính trị - an ninh (APSC), cộng đồng kinh tế (AEC) và cộng đồng văn hóa - xã hội (ACSC) và tầm nhìn sau năm 2015. Tại Hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận cách thức, nội dung xây dựng Chương trình hành động Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN giai đoạn 2015 - 2020 (APASTI), trong đó, xem xét việc tái cơ cấu lại COST theo hướng tích hợp sáu chương trình ưu tiên phát triển của ASEAN COST và Sáng kiến Krabi; xem xét chuyển cơ chế hợp tác AMMST/COST hiện nay từ cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC) sang AEC; và xem xét việc đổi tên Quỹ Khoa học ASEAN thành Quỹ Khoa học - Công nghệ và Đổi mới ASEAN (ASTIF). Hiện nay, Ủy ban Khoa hoc và Công nghệ ASEAN đang trong giai đoạn thực hiện các chương trình ưu tiên phát triển của ASEAN bao gồm các vấn đề an ninh lương thực đến năm 2013, hệ thống cảnh báo sớm nhằm giảm nhẹ thiên tai, nhiên liệu sinh học, ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở, biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2015. Bên cạnh đó, các nước thành viên ASEAN đang cùng nhau tiến hành xây dựng Kế hoạch hành động Khoa học - Công nghệ và Đổi mới của ASEAN giai đoạn 2015 - 2020.
5. Siêu bão Hai-yan gây thiệt hại nặng nề tại Phi-líp-pin
Thành phố Tác-lô-ban tan hoang sau bão. Ảnh: AFP/vov.vn
Chính phủ Phi-líp-pin và người dân nước này đang nỗ lực khắc phục những hậu quả nghiêm trọng do siêu bão Hai-yan - cơn bão nhiệt đới được cho là mạnh nhất thế giới diễn ra trong năm nay - để lại sau khi quét qua một khu vực rộng lớn của Phi-líp-pin. Theo Hội đồng Quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai quốc gia Phi-líp-pin (NDRRMC), bão Hai-yan với sức tàn phá lớn chưa từng có đã khiến khoảng 4,4 triệu người dân nước này rơi vào cảnh mất nhà cửa sau khi quét qua các khu vực Lây-tơ, Đông Xa-ma, Tây và Trung Vi-xa-ya, khu vực Bi-côn và phía Bắc đảo Min-đa-nao. Bão cũng có thể đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người, chủ yếu là cư dân thành phố Tác-lô-ban.
Trước những thiệt hại nặng nề của Phi-líp-pin, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Va-lê-ri-ê A-mốt (Valerie Amos) cho biết, Liên hợp quốc cam kết sẽ hỗ trợ Chính phủ và người dân Phi-líp-pin khắc phục hậu quả thiên tai. Theo bà A. A-mốt, ngay từ sáng 10-11, Nhóm điều phối ứng phó thảm họa của Liên hợp quốc (UNDAC) đã tới thành phố Tác-lô-ban để đánh giá tình hình thiệt hại sau bão và chuẩn bị cho việc tổ chức hoạt động cứu trợ quốc tế. Ngoài ra, các cơ sở cứu trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ở châu Âu cũng vận chuyển thiết bị lọc nước và tích trữ nước tới Ma-ni-la.
Cùng ngày, các nước Anh, Ca-na-đa, Nhật Bản... cùng một số tổ chức quốc tế đã gửi lời chia buồn và cam kết hỗ trợ các nạn nhân chịu ảnh hưởng của bão Hai-yan. Chính phủ Anh cam kết sẽ viện trợ 9,6 triệu USD cho công tác khắc phục hậu quả nặng nề do bão Hai-yan gây ra tại Phi-líp-pin. Chính phủ Ca-na-đa đề nghị hỗ trợ khoảng 4,7 triệu USD, chủ yếu tập trung vào việc cung cấp các nhu yếu phẩm như chăn màn, lương thực, nước sạch và y tế. Chính phủ Niu Di-lân tuyên bố sẽ cung cấp khoản viện trợ ban đầu trị giá 125.000 USD cho Hội Chữ thập đỏ quốc tế nhằm hỗ trợ nhanh chóng cho người dân Phi-líp-pin tại các vùng bị ảnh hưởng. Ngân hàng Thế giới (WB), Ủy ban châu Âu (EC) cùng cam kết sẽ hỗ trợ mọi mặt cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Tuyên bố của EC nêu rõ sẽ viện trợ khẩn cấp cho Phi-líp-pin 3 triệu ơ-rô, đồng thời cử một đoàn chuyên gia thuộc Trung tâm điều phối ứng cứu khẩn cấp của EC (ERCC) tới Phi-líp-pin giám sát chặt chẽ tình hình và đánh giá thêm các yêu cầu cứu trợ cấp bách./.
Chủ tịch nước tiếp đại biểu dự Đại hội Quảng cáo  (12/11/2013)
Cho ý kiến dự án Luật Xây dựng, Bảo vệ môi trường  (12/11/2013)
Đối thoại Chiến lược Quốc phòng Việt Nam - Hàn Quốc  (12/11/2013)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 04 đến ngày 10-11-2013  (12/11/2013)
Festival Huế 2014 sẽ diễn ra từ 12 đến 20-04-2014  (12/11/2013)
Tổng thống Vladimir Putin viết bài ca ngợi quan hệ Việt - Nga  (11/11/2013)
- Xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm