Ngày 01-10, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) công bố báo cáo về Tình trạng thiếu ăn trên thế giới năm 2013 (SOFI 2013), trong đó nêu bật khu vực Đông Nam Á là nơi có tỷ lệ người bị đói giảm nhanh nhất trong vòng hơn hai chục năm qua.

Theo báo cáo, số người bị đói trên thế giới đã giảm bớt song vẫn chiếm 1/8 dân số toàn cầu, hay 842 triệu người. Đáng lưu ý là có sự khác biệt lớn giữa các khu vực toàn cầu về số người bị đói. Các nước châu Phi thuộc vùng Nam sa mạc Sahara có tỷ lệ người đói cao nhất, chiếm 1/4 số dân (tương đương 24,8%).

Khu vực Tây Á, Nam Á và Bắc Phi cũng không đạt tiến bộ lớn về xóa đói. Theo nhận định của FAO, nguyên nhân khiến các nước này gặp khó khăn trong việc giảm tỷ lệ người thiếu ăn là chiến tranh, cản trở về địa lý (không có biển) trong việc tiếp cận thị trường thế giới, cũng như các lý do trong nước khác. Bên cạnh đó, FAO ghi nhận Đông Nam Á là khu vực đi đầu trong cuộc chiến xóa đói trên thế giới, từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ người bị đói của khu vực này đã giảm từ 31,1% xuống chỉ còn 10,7%.

FAO nhận định trong hai thập niên qua, tăng trưởng kinh tế liên tục tại các nước phát triển đã giúp tăng thu nhập người dân cũng như mở rộng khả năng tiếp cận với lương thực của họ. Mặt khác, năng suất nông nghiệp cũng đã tăng nhờ các chương trình tài trợ của nhà nước và khu vực tư nhân khiến khả năng cung ứng lương thực đã vượt tốc độ tăng dân số. Do vậy, số người bị đói đã giảm.

Trong xu thế này, FAO nhận định nạn đói sẽ tiếp tục thu hẹp quy mô trên thế giới và Mục tiêu Thiên niên kỷ giảm một nửa số người thiếu ăn tại các nước đang phát triển vào năm 2015 mà Liên hợp quốc thông qua năm 2000 sẽ hoàn toàn nằm trong tầm tay./.