Nguyễn Sơn - “Lưỡng quốc tướng quân văn võ toàn tài”
TCCSĐT - Là người duy nhất trong lịch sử quân sự thế giới - được phong quân hàm Thiếu tướng ở cả hai quốc gia, “lưỡng quốc tướng quân” (vị tướng của cả hai nước) Nguyễn Sơn được biết đến như một nhân vật lịch sử. Là một trong những biểu tượng của tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản trong sáng giữa Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc, Nguyễn Sơn, đồng thời, còn là một danh tướng “văn võ toàn tài”.
Vị tướng của hai quốc gia
Sinh năm 1908, mang trong mình tinh thần yêu nước và sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, Nguyễn Sơn (tên thật là Vũ Nguyên Bác) thuộc thế hệ những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
May mắn lớn nhất của Vũ Nguyên Bác đó là gặp được người thầy, người đồng chí vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ngay khi bước chân vào con đường đấu tranh cách mạng. Năm 1925, Vũ Nguyên Bác được phái viên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là đồng chí Nguyễn Công Thu đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) để tham gia lớp huấn luyện chính trị đặc biệt do Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Đây được coi như sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Tại Quảng Châu, do yêu cầu bảo đảm bí mật, Vũ Nguyên Bác mang tên mới là Lý Anh Tự cùng với “gia đình họ Lý” của những nhà cách mạng Việt Nam do Lý Thụy (tức Nguyễn Ái Quốc) đứng đầu. Vũ Nguyên Bác tích cực hoạt động cùng các đồng chí khác như Lý Tống (Phạm Văn Đồng), Lý Quý (Trần Phú)… Tham gia lớp chính trị khóa hai cùng với Lý Anh Tự còn có đồng chí Phạm Văn Đồng,... Tại đây, Vũ Nguyên Bác đã gia nhập Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng. Năm 1926, ông được lựa chọn gửi đi học khóa IV Trường Quân chính Hoàng Phố cùng với Lê Hồng Phong, Lê Thiết Hùng, Phùng Chí Kiên. Được sự giảng dạy trực tiếp của các chuyên gia quân sự Xô-viết, Vũ Nguyên Bác đã có bước trưởng thành vượt bậc về kiến thức quân sự cũng như lập trường chính trị. Đây đồng thời là tiền đề quan trọng để ông trở thành vị tướng tài năng của hai đất nước sau này.
Với vốn tiếng Trung thông thạo, tháng 8-1927, Lý Anh Tự gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự kiện này về sau được các nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá rất cao “tinh thần quốc tế vô sản” của ông. Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Quảng Châu do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo (tháng 12-1927), Lý Anh Tự chuyển tới khu du kích Đông Giang, phía Tây Quảng Châu, và được bổ nhiệm chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn 74, Hồng quân Trung Hoa năm 21 tuổi. Từ đây, Lý Anh Tự - Vũ Nguyên Bác lấy tên là Hồng Thủy.
Năm 1931, Hồng Thủy trở thành Chính ủy Trung đoàn 102, sau đó là Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 34, Quân đoàn 12 Hồng quân Trung Hoa khi vừa tròn 23 tuổi. Suốt trong những năm tháng tham gia cách mạng Trung Quốc, trên mọi cương vị công tác, Hồng Thủy đã luôn ghi sâu lời dạy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Bốn phương vô sản đều là anh em” để coi cách mạng, quần chúng cách mạng của nước bạn cũng như cách mạng của dân tộc, như chính đồng bào mình. Nguyễn Sơn - Hồng Thủy thực sự là hiện thân của tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, đúng như đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử.
Không chỉ là người nước ngoài trải qua những chức vụ chỉ huy quan trọng trong Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, tháng 01-1934, tại Đại hội Đại biểu công nông binh toàn quốc lần thứ hai, Hồng Thủy còn được tín nhiệm bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nước Cộng hòa Xô-viết Trung Hoa với tư cách là “đại biểu dân tộc ít người” kiêm Ủy viên chính phủ dân chủ công nông khu Xô-viết Trung ương. Sau đó, nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, Hồng Thủy tiếp tục góp phần vào những bước phát triển của cách mạng Trung Quốc. Sau thời gian về nước hoạt động (1945 - 1950), theo yêu cầu cách mạng, Hồng Thủy quay trở lại Trung Quốc làm cố vấn quân sự cho Quân ủy Trung Quốc, chi viện cho Việt Nam và tham gia “kháng Mỹ viện Triều”. Sau đó được bổ nhiệm là Phó Cục trưởng Cục điều lệnh, Tổng giám bổ huấn luyện quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Với những đóng góp to lớn, Hồng Thủy được coi là một trong 72 “đại công thần” của cách mạng Trung Quốc, được phong cấp hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (27-9-1955) và được Chính phủ Trung Quốc trao tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhất.
Tuy dành phần lớn cuộc đời cho nhiệm vụ cách mạng quốc tế, song trong khoảng thời gian gần 5 năm hoạt động trong nước, Nguyễn Sơn - Hồng Thủy đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc trong buổi đầu xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ. Tháng 11-1945, với lòng yêu nước, yêu quê hương và theo yêu cầu của cách mạng Việt Nam, Hồng Thủy trở về căn cứ Việt Bắc tiếp tục hoạt động. Với tên mới là Nguyễn Sơn, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng tin tưởng giao đảm trách nhiều cương vị quan trọng trong chính quyền và quân đội. Tháng 12-1945, Nguyễn Sơn làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Việt Nam. Sau khi Ủy ban kháng chiến giải thể (tháng 12-1946), ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ như Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu IV và Liên khu V, Hiệu trưởng trường Lục quân trung học Quảng Ngãi (năm 1946), Cục trưởng Cục quân huấn Bộ Tổng tham mưu (năm 1947)…
Đánh giá cao những đóng góp to lớn của Nguyễn Sơn, năm 1948, trong đợt phong quân hàm đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nguyễn Sơn được phong cấp hàm Thiếu tướng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử Thứ trưởng Phạm Ngọc Thạch thay mặt Chính phủ vào Thanh Hóa làm lễ tấn phong cho Nguyễn Sơn.
Với những chiến công xuất sắc, Nguyễn Sơn - Hồng Thủy là “lưỡng quốc tướng quân”, ông cũng là trường hợp duy nhất trên thế giới được phong hàm Thiếu tướng ở hai quốc gia và đều trong đợt phong quân hàm đầu tiên.
Nhà quân sự đa tài
Không chỉ là danh tướng chỉ huy quân sự tài ba, Nguyễn Sơn còn là một nhà hoạt động văn hóa xuất sắc. Hội tụ ở con người “lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn đầy đủ những phẩm chất của một nhà quân sự đa tài.
Một trong những nét nổi bật nhất khi tìm hiểu về cuộc đời binh nghiệp của Nguyễn Sơn - Hồng Thủy đó là ông luôn quan tâm đến công tác tư tưởng, văn hóa và đề cao việc phát huy vai trò của công tác tư tưởng, văn hóa trong phục vụ cho các hoạt động quân sự. Những năm tháng hoạt động cách mạng ở nước bạn, Nguyễn Sơn đã từng là Trưởng ban Tuyên truyền Đảng ủy Đảng Cộng sản Trung Quốc khu Tiến Đông Bắc; Tổng Biên tập tờ Kháng địch báo; Trưởng ban Tuyên truyền Liên khu Tiến Sát ký (quân khu gồm 3 tỉnh Sơn Tây, Cáp Nhĩ Tân và Hồ Bắc). Năm 1932, Nguyễn Sơn là Trưởng khoa Tuyên truyền, kiêm giáo viên chính trị văn hóa của Trường Quân sự Trung ương. Ông cũng là người sáng lập Đoàn Kịch Công nông (Công nông Kịch đoàn), đoàn kịch đầu tiên trong lịch sử Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Không chỉ là Trưởng đoàn, Nguyễn Sơn còn tham gia nhiều vở diễn nổi tiếng trong đó có vở kịch cách mạng Ngọn lửa Thượng Hải được các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Chu Đức… đánh giá cao. Sau thời gian về nước phục vụ cách mạng, khi quay trở lại Trung Quốc hoạt động (năm 1950), Nguyễn Sơn được giao đảm trách cương vị Tổng Biên tập Tạp chí huấn luyện chiến đấu của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nét đa tài của “lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn - Hồng Thủy còn được thể hiện khi ông không chỉ là nhà chỉ huy quân sự tài ba mà còn là một nhà hoạt động văn hóa xuất sắc. Cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng quân trẻ tuổi gắn liền với nhiều hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Ông đặc biệt quan tâm, trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống. Đây thực sự là một tư duy văn hóa vượt trước thời đại của Nguyễn Sơn. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, ông là người đã đứng ra bênh vực, bảo vệ và cho khôi phục các hình thức sân khấu như tuồng, chèo…, chống lại tư tưởng hữu khuynh của một số người chủ trương “dẹp bỏ chèo, tuồng”. Nguyễn Sơn còn giúp nhân dân Thanh Hóa phục dựng Hội Múa dân gian cổ truyền; mời Đinh Ngọc Liên (còn gọi là Quản Liên, vốn là chỉ huy đội kèn Bảo An của cựu hoàng Bảo Đại) về khôi phục lại đội kèn - tiền thân của lực lượng quân nhạc hiện nay… Nguyễn Sơn còn nổi tiếng là “vị tướng mê Kiều”. Là một nhà quân sự song với vốn hiểu biết về văn học - nghệ thuật, ông đã từng thuyết trình say sưa và hấp dẫn về Truyện Kiều của Nguyễn Du suốt một ngày trước hàng trăm học viên Trường Thiếu sinh quân và Trường Văn hóa kháng chiến. Được sự quan tâm của Tư lệnh kiêm Chính ủy Nguyễn Sơn, Liên khu IV, Liên khu V đã dần trở thành “vườn ươm” của đội quân văn hóa tư tưởng, phục vụ cho nhiệm vụ vận động quần chúng tích cực tham gia đấu tranh cách mạng.
Bên cạnh đó, với vốn lý luận sắc bén và thực tiễn trải nghiệm đấu tranh cách mạng, ở Nguyễn Sơn cũng sớm hình thành tư duy của một nhà sư phạm quân sự lớn. Coi trọng giáo dục tinh thần quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, đồng thời, Nguyễn Sơn cũng luôn quan tâm đến công tác giáo dục cán bộ, bồi dưỡng đội ngũ kế cận. Thực hiện chủ trương của Nguyễn Sơn, các lớp học ngắn ngày đã được tổ chức tại Liên khu IV bao gồm lớp bồi dưỡng cán bộ trung cấp, lớp bổ túc cán bộ đại đội, lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho ủy viên thường vụ, thường trực ủy ban các tỉnh… Để phục vụ cho các lớp học, ngay từ năm 1949, Nguyễn Sơn đã viết, dịch và cho xuất bản nhiều tác phẩm lý luận quân sự quan trọng như Chiến thuật, Dân quân, Chiến tranh cách mạng Trung Hoa… Có thể thấy hoạt động này chính là sự chuẩn bị mang tính chiến lược lâu dài về công tác cán bộ, bảo đảm cho sự lớn mạnh của phong trào cách mạng.
“Ra đi” ở tuổi 49, khi tài năng và sự nghiệp quân sự đang ở “độ chín” song cuộc đời và sự nghiệp của “lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn - Hồng Thủy mãi mãi là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, hữu nghị của hai Đảng, hai dân tộc Việt Nam - Trung Quốc. Cuộc đời hoạt động cách mạng trải qua bao gian lao, thử thách, Nguyễn Sơn như vị “tín sứ” của cách mạng hai nước Việt Nam và Trung Quốc trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Là nhà quân sự, vị tướng duy nhất có tượng đồng được đặt tại Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam và Bảo tàng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, “lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn thực sự là một vị tướng “văn võ toàn tài”!
Nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10: Xây dựng mô hình cộng đồng thân thiện cho người cao tuổi  (02/10/2013)
Nhà nước sẽ công nhận danh hiệu dòng họ, cộng đồng học tập  (02/10/2013)
Hà Nội tăng giá nước sạch từ ngày 1-10  (02/10/2013)
Các đại biểu Quốc hội tiến hành tiếp xúc cử tri  (02/10/2013)
Ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI  (02/10/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên