Tuần tin cải cách hành chính từ 16 đến 22-9

Hồng Ngọc (tổng hợp)
17:08, ngày 23-09-2013
TCCSĐT - Trụ sở cơ quan phân tán, diện tích bộ phận “một cửa” chật hẹp, một số quy định chưa thực sự phù hợp với thực tế… đang là những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng công tác cải cách hành chính (CCHC) tại Hà Nội. Tình hình này tồn tại từ lâu, đã được kiến nghị nhiều lần…

Hà Nội: Bộ phận “một cửa” chật hẹp và quá tải - Kiến nghị nhiều, chuyển biến chậm

Theo quy định, bộ phận “một cửa” ở các phường phải niêm yết công khai thủ tục hành chính, bố trí bàn ghế cho công dân và các trang thiết bị khác phục vụ công việc. Tuy nhiên, trên địa bàn TP. Hà Nội, hiện còn khá nhiều xã, phường chưa đủ điều kiện để đáp ứng tất cả các quy định này. Ví dụ, huyện Ba Vì có nhiều xã không đủ diện tích dành cho bộ phận “một cửa”. 25 xã phải bố trí bộ phận này làm việc chung với các bộ phận chuyên môn. Quận Đống Đa cũng có nhiều phường không đủ diện tích cho bộ phận “một cửa”. Theo đồng chí Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) quận Đống Đa: Trụ sở UBND nhiều phường hiện đã xuống cấp, phòng tiếp dân không bảo đảm diện tích theo quy định, các phòng, ban chuyên môn cũng không nằm trong khuôn viên của UBND quận. Theo quy định, bộ phận “một cửa” là đầu mối tiếp nhận hồ sơ để chuyển giao cho các phòng chuyên môn, sau khi phòng chuyên môn giải quyết xong lại bàn giao lại bộ phận “một cửa”, vì thế việc các phòng, ban không ở cùng khuôn viên vừa khiến cán bộ vất vả, vừa không bảo đảm sự an toàn cho hồ sơ, lại tốn thêm thời gian. Trong khi đó, nhiều thủ tục hành chính đòi hỏi phải hoàn thành ngay trong ngày. 

Bên cạnh những khó khăn về địa điểm, vấn đề nhân sự cũng đang là mối quan tâm của nhiều đơn vị. Ví dụ như Sở Tài chính hiện nay vẫn chưa có Phòng Pháp chế, chưa có cán bộ chuyên trách cho công tác này. 

Tình trạng quá tải cũng đang là áp lực đối với cán bộ bộ phận “một cửa” ở nhiều đơn vị. Không ít đơn vị hiện vẫn phải bố trí cán bộ “một cửa” kiêm nhiệm, tức là không thể tuân thủ quy định cán bộ bộ phận này phải là chuyên trách. Quá tải nhất là cán bộ tư pháp tại các quận, huyện. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là hiện nay, việc chứng thực bản sao (từ bản chính, văn bản song ngữ) chỉ được thực hiện tại cấp quận, huyện. Vì vậy, ở một số đơn vị, trung bình mỗi ngày cán bộ tư pháp và cán bộ “một cửa” phải thực hiện hàng trăm chữ ký, đóng khoảng vài nghìn lượt dấu các loại.

Những bất cập này diễn ra nhiều năm, các đơn vị đã kiến nghị nhiều lần, song tình hình vẫn chưa được cải thiện là bao. Trong khi đó, một trong những yêu cầu của công tác CCHC là tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện bất cập và khẩn trương đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để nhanh chóng tìm hướng tháo gỡ vướng mắc. 

Hà Nội: Đoàn kiểm tra của Thành ủy làm việc với nhiều đơn vị về công tác thực hiện Chương trình 08-CTr/TU “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giai đoạn 2011 - 2015”.

* Ngày 17-9, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU đã làm việc với Huyện ủy Sóc Sơn về công tác thực hiện chương trình này. 

Phó Bí thư Thành ủy kết luận: Trong thời gian tới, huyện cần có giải pháp cụ thể để đạt các chỉ tiêu của Chương trình 08, cụ thể là cần tiếp tục rà soát những thủ tục hành chính (TTHC) theo thẩm quyền, loại bỏ những TTHC rườm rà, xử lý tốt mối quan hệ giữa các phòng, ban và các xã, thị trấn trong việc giải quyết TTHC, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Đối với công tác cán bộ, bên cạnh việc kết hợp các hình thức kiểm tra, thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm, huyện cần đưa ra lộ trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tăng cường hơn nữa công tác giáo dục thái độ, tinh thần trách nhiệm.

* Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũ Hồng Khanh đã làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT). Phó Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ: Sở TTTT đã triển khai xây dựng kế hoạch chậm so với yêu cầu của Chương trình 08. Sở TTTT cần phát huy hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong công tác TTTT, tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT nhưng cần hết sức chú ý vấn đề an ninh mạng.

* Ngày 18-9, Đoàn kiểm tra của Thành ủy do Phó Chủ tịch UBND TP. Vũ Hồng Khanh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Quận ủy Ba Đình.

Phó Chủ tịch UBND thành phố đánh giá: Quận Ba Đình đã chủ động và sát sao trong việc chỉ đạo công tác thực hiện Chương trình 08, nhờ đó đã tạo sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, công chức. Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: quận cần tiếp tục rà soát để kịp thời phát hiện những bất cập, nhanh chóng kiến nghị sửa đổi, nhằm tạo môi trường thủ tục thông thoáng, không gây phiền hà, phức tạp cho người dân.

* Ngày 19-9, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đã làm việc với Sở Công Thương Hà Nội.

Ghi nhận những kết quả mà Sở đã đạt được, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở cần kiên trì coi CCHC là nhiệm vụ trọng tâm; bên cạnh việc kiểm tra thường xuyên, cần tăng cường kiểm tra đột xuất để kịp thời chấn chỉnh, có như vậy thì mới vừa phát hiện được sai phạm, lại vừa khích lệ và nhân rộng thêm được những điển hình tốt trong công tác CCHC. 

Phó bí thư Thành ủy nhấn mạnh: Sở Công Thương cần tiến tới chuẩn hóa để nâng tỷ lệ TTHC dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3. 

* Ngày 20-9, Phó Bí thư Thành ủy Ngô Thị Doãn Thanh đã làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL).

Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở VH, TT & DL bàn bạc thấu đáo, tìm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để khắc phục những thiếu sót, tồn tại một cách nghiêm túc nhất. Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, Sở phải coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ về chương trình CCHC và những văn bản của Nhà nước liên quan đến chương trình này. Có như vậy thì mới có thể tạo ra được một sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động. Đặc biệt, thông qua việc thường xuyên rà soát các TTHC, Sở cần mạnh dạn, chủ động đề xuất sửa đổi, bãi bỏ những thủ tục không phù hợp; sớm ban hành quy trình giải quyết đối với tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền; xây dựng, ban hành các văn bản để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Sở cần nỗ lực đẩy mạnh công tác chỉ đạo trong một số lĩnh vực đang có nhiều vướng mắc: quảng cáo, giấy phép hành nghề hướng dẫn viên du lịch và cấp phép biểu diễn nghệ thuật.

Thành phố Hồ Chí Minh: Tiếp tục đơn giản hóa 77 thủ tục hành chính

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính trên địa bàn, UBND TP. Hồ Chí Minh đã thông qua phương án đơn giản hóa đối với 77 loại thủ tục thuộc phạm vi quản lý của Thành phố.

Theo đó, lĩnh vực đầu tư - đất đai - xây dựng sẽ có 32 thủ tục, lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng ô-tô sẽ có 11 thủ tục và lĩnh vực quốc tịch sẽ có 8 thủ tục được đơn giản hóa. Một số lĩnh vực khác như quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự; nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước… cũng sẽ được Thành phố rà soát để giản lược.

Hà Nội cải thiện môi trường kinh doanh: Gỡ “nút thắt” thủ tục hành chính

Mức độ chuyển biến ở một số lĩnh vực của công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng kịp với đòi hỏi thực tế, không những thế, những chuyển biến tại cấp sở, ngành lại chậm hơn cấp xã, phường. Đó chính là nguyên nhân khiến môi trường kinh doanh (MTKD) tại Hà Nội chưa được cải thiện nhiều. 

Nhận định này được đưa ra tại Tọa đàm “Cải thiện MTKD để phát triển nhanh và bền vững ở Thủ đô Hà Nội” do Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI - thuộc Hiệp hội Công Thương TP. Hà Nội) tổ chức ngày 19-9. 

Dẫn chứng từ kết quả khảo sát của đề tài “Cải thiện MTKD để tăng trưởng nhanh và bền vững ở Thủ đô Hà Nội”, TS. Đặng Đức Đạm - Phó Chủ tịch BDI, Trưởng nhóm nghiên cứu - dẫn lời Giám đốc Công ty Thái Thịnh (Hà Nội) Khúc Duy Thành: Doanh nghiệp (DN) này đã phải “bắn” trên 130 con dấu và qua 8 sở, ngành mới có được dự án chợ Kim Nỗ ở Đông Anh. 

Nhằm thu thập ý kiến đánh giá về MTKD ở Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tiến hành khảo sát ý kiến 3.000 người dân và DN về dịch vụ công ở 50 xã, phường, thị trấn và 7 sở, ngành. Kết quả cho thấy, bên cạnh 53,3% số người hài lòng và rất hài lòng, vẫn có gần 10% không hài lòng. Lý do chủ yếu là: phải đi lại bổ sung giấy tờ nhiều lần, cơ quan trả kết quả sai hẹn, cán bộ không đúng mực khi giao tiếp hoặc gây khó khăn, vòi vĩnh. Đặc biệt, mức độ hài lòng khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ở xã, phường lại cao hơn so với ở các quận, huyện, sở, ngành. Kết quả khảo sát khoảng 1.000 cán bộ chủ chốt các quận, huyện và lãnh đạo DN về cải cách hành chính ở 5 sở (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc) cho thấy: Mức hài lòng cao nhất thuộc về Sở Tài chính (26%) và thấp nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường (11%), mức chỉ đạo quyết liệt cao nhất cũng thuộc về Sở Tài chính và thấp nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường; thói nhũng nhiễu tiêu cực thấp nhất ở Sở Tài chính, cao nhất thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường. Điều này cũng dễ hiểu bởi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chứng thực hiện đang là 2 dịch vụ có chỉ số hài lòng thấp nhất tại Hà Nội.

Hoạt động trong ngành ô-tô mấy chục năm nay, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần ô-tô Xuân Kiên - Bùi Ngọc Huyên - thẳng thắn cho rằng: Khi thẩm định dự án về công nghiệp để cho vay vốn, nhân viên ngân hàng (NH) nước ta hầu như không có trình độ về công nghiệp mà chỉ có nghiệp vụ kế toán, còn ở nước khác, đội ngũ này thường đã có cả kiến thức kinh tế công nghiệp, cả nghiệp vụ NH. Đây là một lý do khiến các DN Hà Nội rất thiệt thòi khi tiếp cận vốn. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bùi Ngọc Huyên cũng phản ánh: TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng cho DN, còn Hà Nội mặc dù dự định chi gần 100 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho DN nhưng đến nay mới giải ngân được vài tỷ, mà nguyên nhân là nhiều DN không thỏa mãn các điều kiện để được hỗ trợ. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của thành phố.

Từ kết quả nghiên cứu về MTKD tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng: việc nâng cao hiệu quả cải cách TTHC ở Hà Nội phải bắt đầu từ cải cách cơ chế. Theo TS. Đặng Đức Đạm, thứ nhất, Hà Nội cần đổi mới quan điểm về TTHC, trong đó các cơ quan Nhà nước nên có tư duy sát thực hơn về hoạt động đầu tư và kinh doanh của DN có vốn đầu tư nước ngoài, theo hướng coi đây vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của họ. Thứ hai, cần tiếp tục đơn giản hóa TTHC trong việc thẩm định và cấp phép theo nguyên tắc “một cửa liên thông”. Hà Nội cũng cần tạo điều kiện cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (sau khi được cấp phép) có thể triển khai nhanh và sớm đi vào hoạt động. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện dự án cần được đơn giản hóa, theo hướng các cơ quan chức năng hướng dẫn DN thực hiện đúng quy định pháp luật liên quan. Lãnh đạo BDI cũng đề xuất: Hà Nội cần ban hành quy chế thanh kiểm tra DN, cụ thể là chế độ kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Có như vậy thì mới có thể chấm dứt sự tùy tiện trong công tác này và tránh tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế của DN.

Đà Nẵng: Tiết kiệm hơn 762 tỷ đồng từ thẩm tra dự toán thiết kế công trình giao thông

Đây là con số mà ngành giao thông vận tải (GTVT) Đà Nẵng báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU về “Tăng cường phẩm chất đạo đức, lối sống, kiên quyết chống các hành vi quan liêu, hách dịch đối với nhân dân của cán bộ, công chức các cấp” và Nghị quyết 09-NQ/TU về “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực” (do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày 20-9).

Nhờ quán triệt nhiệm vụ và tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ nên qua 10 năm thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, ngành GTVT Đà Nẵng đã tiết kiệm được 762,183 tỷ đồng trong công tác thẩm tra dự toán thiết kế các công trình giao thông và 1,453 tỷ đồng trong công tác thẩm tra hồ sơ quyết toán các công trình xây dựng (có mức đầu tư dưới 500 triệu).

Ðồng Tháp: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã 

Tỉnh Ðồng Tháp đang triển khai thực hiện đề án “Nâng cao năng lực cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn” trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong công tác xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp. Theo đề án, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tuyển dụng 350 công chức và đào tạo bồi dưỡng gần 4.000 lượt cán bộ, công chức.

Theo Sở Nội vụ Ðồng Tháp, tổng kinh phí thực hiện Ðề án là khoảng 30 tỷ đồng, trong đó trợ cấp thôi việc 12,5 tỷ đồng, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng 17,5 tỷ đồng. Hiện, toàn tỉnh có 508 trong số 696 cán bộ cấp xã đạt chuẩn theo quy định (chiếm 73%), hơn một nghìn công chức đạt chuẩn chuyên môn (tỷ lệ gần 82%). Dự kiến từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 250 cán bộ, công chức cấp xã được cho thôi việc và được hưởng trợ cấp. Ðể việc thực hiện Ðề án diễn ra theo đúng lộ trình và đạt hiệu quả cao, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ và các UBND cấp xã khẩn trương và nghiêm túc xây dựng một kế hoạch cụ thể, theo đúng phân kỳ kế hoạch hằng năm.

Đồng Nai: Nhiều giải pháp, sáng kiến cải cách hành chính 

Tỉnh Ðồng Nai đang tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức. Theo đó, từ tháng 10-2013, tỉnh sẽ triển khai kế hoạch thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện. Có ba đơn vị được chọn để thực hiện thí điểm, đó là UBND Nhơn Trạch, UBND Trảng Bom và UBND TP. Biên Hòa. Những đơn vị này sẽ được đầu tư để ứng dụng CNTT, nhằm tin học hóa các giao dịch về TTHC trong các lĩnh vực: xây dựng, nhà ở; đất đai môi trường; đăng ký kinh doanh; hành chính tư pháp; bảo trợ xã hội; văn hóa; kinh tế. Theo lộ trình, đến năm 2014, tỉnh sẽ nhân rộng việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông hiện đại tại 11 huyện, thị xã và TP. Biên Hòa. Ðể thực hiện kế hoạch cải cách chế độ công vụ, công chức giai đoạn 2013 - 2015, tỉnh triển khai một số nội dung trọng tâm như: xác định vị trí việc làm; đổi mới, nâng cao chất lượng thi tuyển, thi nâng ngạch công chức; đổi mới cơ chế quản lý và chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách. Trước mắt, trong quý IV năm 2013, Sở Nội vụ sẽ thực hiện thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp phòng tại hai đơn vị là Sở VH, TT & DL và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh./.