Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 26-8 đến ngày 01-9-2013)
1. Triển lãm tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa
Ngày 26-8, tại nhà triển lãm thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, lần đầu tiên, các hình ảnh, tư liệu quý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam được giới thiệu đến người dân Đà Lạt trong triển lãm “Một số tư liệu hình ảnh về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam” với hơn 100 bản đồ, văn bản tư liệu, sách, hình ảnh,… liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tư liệu sưu tầm được tập trung trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, là thời kỳ Việt Nam thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách trọn vẹn trong hòa bình. Phần tư liệu của Việt Nam gồm các thư tịch, bản đồ, các châu bản và ghi chép cổ cho thấy chủ quyền và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đối với hai quần đảo trên. Đặc biệt, bộ tư liệu quan trọng gồm 4 cuốn Atlas do Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908, 1917, 1919 và 1933 như “Trung Quốc địa đồ”, “Trung Hoa bưu chính dư đồ” được trưng bày tại triển lãm cho thấy biên giới cực Nam của quốc gia này không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 14-9.
2. Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8-2013
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và dự kiến kế hoạch phát triển năm 2014; Kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2015; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về kinh tế - xã hội, trọng tâm là thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Đề án sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; Báo cáo lệ phí trước bạ ô tô,...
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2013 tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, các lĩnh vực; song những kết quả đạt được có mặt còn chưa vững chắc, có mặt còn chậm, có mặt còn giảm.
Nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra cho những tháng cuối năm 2013 và thời gian tới là hết sức nặng nề và còn nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiên định, không được chủ quan, lơ là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý, khoảng 5,3% đến 5,4%. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong kiểm soát, điều hành giá cả, tránh tác động tiêu cực do điều hành giá cả đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm thực hiện cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 7%; kiểm soát chặt chẽ tỷ giá; tiếp tục rà soát, điều hành lãi suất phù hợp với chiều hướng giảm của lạm phát. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt các biện pháp tăng cường quản lý thu chi ngân sách nhà nước; không thay đổi tổng mức dự toán thu, chi; giữ bội chi ngân sách 4,8% như đã được Quốc hội thông qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, xử lý nợ xấu; thực hiện tốt công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
3. Tiếp nhận các tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh
* Thành phố Hồ Chí Minh: Ngày 27-8, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ trao - nhận hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân Kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 44 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng đã tiếp nhận 229 hiện vật, tài liệu, hình ảnh từ 21 cá nhân, tập thể; trong đó có một số hiện vật gốc liên quan đến Bác. Đây là những kỷ vật được nhân dân trân trọng, gìn giữ như báu vật của gia đình trong nhiều năm qua, thể hiện tình cảm, lòng kính yêu của nhân dân với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, một số hiện vật tiêu biểu như: Chiếc đồng hồ Mô-va-đô của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Cố Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Vũ Đình Hòe năm 1957; Bút máy Hero, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ông Lê Minh Đức, nguyên Tổng Cục phó Tổng Cục Đường sắt Việt Nam năm 1958,…
* Thừa Thiên - Huế: Ngày 29-8, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức tiếp nhận 93 tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh do các cá nhân, tổ chức trao tặng. Nhiều hiện vật quý được các cá nhân giữ gìn như những báu vật được hiến tặng lần này gồm: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng vải lụa; Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên xuân 1954 do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng ông Nguyễn Tửu (đường Nguyễn Trãi, thành phố Huế),… Đáng chú ý là Bản dự thảo Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời 4 tờ báo lớn của Nhật về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam do ông Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế trao tặng,...
4. Diễn tập ứng phó động đất và tìm kiếm cứu nạn
Ngày 28-8, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu V và các đơn vị chức năng thuộc các bộ, ngành Trung ương cùng hơn 1.600 người thuộc các lực lượng, đã tổ chức diễn tập ứng phó động đất và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Bắc Trà My, Quảng Nam.
Theo phương án giả định, một trận động đất xảy ra với cường độ mạnh 6,2 độ rích-te, tại khu vực hồ chứa của thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My. Động đất đã làm sập đổ nhiều nhà cửa, công trình xây dựng, trường học, công sở, cầu cống, sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông trên địa bàn thị trấn Trà My và các vùng lân cận. Nhận thông báo từ chính quyền huyện Bắc Trà My, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam huy động khẩn cấp các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể, các lực lượng vũ trang nhanh chóng cơ động đến hiện trường triển khai tìm kiếm cứu nạn. Chính quyền địa phương cũng khẩn cấp đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu V chỉ đạo các lực lượng phối hợp tham gia ứng cứu. Sau khi sơ tán những người còn sống đến các khu vực an toàn, các ngành, các lực lượng vũ trang cùng các tổ chức cứu trợ tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn. Cũng theo kịch bản thì một ngày sau khi xảy ra động đất, cấp ủy, chính quyền phối hợp với lực lượng vũ trang cơ bản giải quyết xong việc tìm kiếm cứu nạn. Các ban, ngành của tỉnh tích cực phối hợp với địa phương tiếp tục khắc phục hậu quả, xử lý môi trường, hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống,...
Đây là lần diễn tập thực nghiệm đầu trên trên toàn quốc để ứng phó với động đất. Qua diễn tập, các ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện kế hoạch ứng phó với thảm họa động đất để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Các ngành và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tiếp tục hoàn thiện kế hoạch cứu hộ, cứu nạn đối với thảm họa động đất.
5. Kỷ niệm 15 năm thành lập Cảnh sát biển Việt Nam
Ngày 28-8, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ Kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Cảnh sát biển Việt Nam (28-8-1998 - 28-8-2013), công bố Nghị định của Chính phủ về việc đổi tên thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất. Dự và phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã biểu dương những cố gắng và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thời gian qua.
15 năm qua, lực lượng Cảnh sát biển đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, Cảnh sát biển Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; tham gia tìm kiếm, cứu nạn, giúp dân và bảo vệ dân trên biển; đồng thời bảo vệ tài nguyên và phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Đến nay, lực lượng Cảnh sát biển đã bắt giữ, xử lý hơn 200 vụ vi phạm; điều tra, khám phá trên 770 chuyên án, vụ án về ma túy, bắt giữ nhiều đối tượng; tổ chức hơn 20 cuộc tìm kiếm, cứu nạn trên biển; lai dắt hàng trăm tàu thuyền của ngư dân, các tổ chức, doanh nghiệp đang làm ăn, hoạt động trên biển gặp nạn vào bờ an toàn. Lực lượng Cảnh sát biển cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân hoạt động trên biển,...
Trước đó, ngày 26-8, tại Hải Phòng, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã tổ chức lễ bàn giao đưa vào sử dụng 3 tàu cảnh sát biển mang các số hiệu CSB 8003, CSB 2015, CSB 2016 cho Cục Cảnh sát biển. 3 tàu cảnh sát biển CSB 8003, CSB 2015, CSB 2016 được lắp đặt và trang bị những công nghệ hiện đại, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hiện nay. Các tàu có khả năng chống chịu tốt với thời tiết xấu trên biển và truyền tải được dữ liệu, hình ảnh từ trên biển về trung tâm thông tin của Cục Cảnh sát biển ở đất liền thông qua hệ thống vệ tinh.
6. Việt Nam lần đầu tiên giải mã hoàn chỉnh hệ gen của cây lúa
Ngày 28-8, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu giải mã gen một số giống lúa bản địa của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam giải mã hoàn chỉnh hệ gen đầy đủ của một loại thực vật bậc cao rất quan trọng là cây lúa. Việc giải mã hoàn chỉnh hệ gen của cây lúa đã mở ra hướng nghiên cứu mới về genome học và ứng dụng tin sinh học để khai thác trình tự genome giúp các viện nghiên cứu, trường đại học và các nhà chọn giống sử dụng trong các nghiên cứu về bảo tổn nguồn gen, xác định chức năng gen cũng như chọn tạo giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu các loại sâu bệnh và điều kiện bất lợi sinh học và phi sinh học. Thông qua dự án hợp tác này, các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp cận với các phương pháp giải mã genome tiên tiến, các thiết bị hiện đại nhất thế giới, từ đó tiến tới chủ động, xây dựng các trình duyệt genome, tạo lập cơ sở dữ liệu genome đầy đủ của các giống lúa Việt Nam.
Giai đoạn 2 của Dự án sẽ tiếp tục giải mã bộ gen của 600 giống lúa; khai thác sử dụng dữ liệu đã có, đào tạo nhân lực tiến tới làm chủ hoàn toàn việc giải mã, khai thác, sử dụng công cụ genome trong chọn tạo giống cây trồng,…
7. Quyết định đặc xá năm 2013 cho 15.446 phạm nhân
Ngày 29-8, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo, công bố các Quyết định đặc xá năm 2013 của Chủ tịch nước.
Phát biểu tại buổi họp báo, đồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước khẳng định: việc thực hiện đặc xá được tiến hành chặt chẽ, chính xác, công khai, công bằng, bảo đảm dân chủ đối với các phạm nhân. Người đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành hình phạt tù có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sẽ được Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương lập danh sách đề nghị Chủ tịch nước xem xét, phê chuẩn. Ngày 29-8-2013, Chủ tịch nước đã ký các Quyết định số 1558/2013/QĐ-CTN và 1559/2013/QĐ-CTN đặc xá tha tù trước thời hạn cho 15.446 phạm nhân và 77 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2013.
Trong 15.446 phạm nhân được đặc xá đợt này có: 1.842 phạm nhân nữ; 16 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài; 4 phạm nhân phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia; 3 phạm nhân được đặc xá đặc biệt. Trong số phạm nhân được đặc xá có nhiều người phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nộp án phí hoặc các nghĩa vụ khác; và tổng số tiền do phạm nhân, thân nhân họ đã thực hiện là trên 181 tỷ đồng, 6.414 đô-la Mỹ, 9.450 nhân dân tệ.
Ngày 30-8, các trại giam trong cả nước đã tổ chức đặc xá theo Quyết định của Chủ tịch nước.
8. Chung kết giải Sao mai 2013
Ngày 31-8, đêm chung kết Sao Mai 2013 đã diễn ra tại thành phố Hải Phòng với sự tham gia của 12 thí sinh xuất sắc nhất thuộc ba dòng nhạc thính phòng, dân gian và nhạc nhẹ.
Ban Tổ chức đã chọn ra 3 thí sinh giành giải nhất của từng dòng nhạc: Nhạc thính phòng là Võ Hồng Quân (Cộng hòa Pháp), Nhạc Dân gian là Trần Thị Huyền Trang (Nghệ An), Nhạc nhẹ là Ngô Thị Thanh Huyền (Thanh Hóa). Thí sinh được bình chọn qua mạng nhiều nhất là Phạm Thị Thùy Dung (Hà Tĩnh). Ngoài ra, Ban Tổ chức trao giải triển vọng cho 3 thí sinh khác.
Mỗi thí sinh dự thi Vòng chung kết xếp hạng hát 1 tác phẩm do Ban Tổ chức chỉ định và 1 tác phẩm tự chọn. Vị giám khảo nào có ca khúc được thí sinh lựa chọn dự thi thì sẽ không được chấm điểm thi phần đó. Điểm của thí sinh là điểm trung bình của các vị giám khảo cộng lại.
9. Kỷ niệm 20 năm phong trào Doanh nhân trẻ Việt Nam
Ngày 01-9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức lễ Kỷ niệm 20 năm phong trào Doanh nhân trẻ Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.
Từ một Câu lạc bộ Doanh nghiệp trẻ Việt Nam với 15 hội viên ban đầu và hai Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay mạng lưới tổ chức Hội đã có mặt tại 63/63 tỉnh, thành phố với gần 10 ngàn hội viên. Qua 4 nhiệm kỳ hoạt động, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trẻ, khơi dậy ý chí và khát vọng lập nghiệp, làm giàu chính đáng của thế hệ thanh niên thời kỳ đổi mới và hội nhập. Hội đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp lực lượng doanh nhân trẻ Việt Nam cùng phấn đấu cho sự phát triển của đất nước. Các doanh nghiệp hội viên của Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam đang tạo việc làm cho trên 2,5 triệu người; tổng doanh thu hằng năm đạt hơn 25 tỷ USD. Hoạt động của Hội và phong trào Doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã góp phần tạo nên thế hệ doanh nhân mới của đất nước có khát vọng, hoài bão, tri thức, trí tuệ, đã và đang là những hạt nhân đi đầu trong các phong trào của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam./.
Chủ tịch nước đến thăm một xã điểm nông thôn mới  (03/09/2013)
"Đảng và Nhà nước ta xác định giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu”  (03/09/2013)
Thủ tướng phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ, Hội nghị ASEAN - Trung Quốc  (03/09/2013)
Chủ tịch Quốc hội dự hội nghị khoa học - công nghệ về tam nông  (03/09/2013)
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 40 năm và định hướng tương lai  (03/09/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên