Chính sách năng lượng của Nga và Mỹ trong thế kỷ XXI

TS. Lê Kim Sa Viện Khoa học Xã hội Việt Nam
19:42, ngày 21-08-2013
TCCSĐT - Các nguồn năng lượng là một trong những vấn đề địa - chính trị quan trọng nhất ở đầu thế kỷ XXI và liên quan đến tất cả các vùng lãnh thổ, ở mọi cấp độ khác nhau. Hiện nay, cuộc đua nhằm chiếm hữu những nguồn năng lượng diễn ra cả trong môi trường ngoại giao, lẫn trong kinh tế, quản lý đất đai và các cuộc xung đột vũ trang.
Là nguồn tài nguyên mang tính chiến lược quốc tế quan trọng, dầu lửa được gọi “vàng đen”, khí đốt được gọi là “vàng xanh” bởi mọi hoạt động của con người đều liên quan đến quá trình tiêu thụ năng lượng, nhất là khi luôn tiềm ẩn khả năng giá dầu tăng cao và nỗi lo sợ về một cú sốc dầu lửa thứ ba.

Thực tế những năm qua, sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi thường được nhìn qua lăng kính tiêu thụ năng lượng của nước này trước sức tăng trưởng phi mã của công nghiệp và đô thị. Vị trí của Mỹ trên trường quốc tế thường liên quan đến tham vọng đa dạng hóa các nguồn cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên của nước này, cũng như mong muốn giảm sự phụ thuộc đến mức tối thiểu vào một số nguồn cung nhất định. Và, Trung Đông luôn được coi là một khu vực chiến lược quan trọng hàng đầu bởi khu vực này có lượng dầu khí dự trữ khổng lồ. Các nước lớn đều lao vào cuộc cạnh tranh về tài nguyên, bằng cách hoặc thông qua các công ty quốc tế, hoặc can thiệp vào trong đời sống chính trị của các nước khác. Đằng sau sự tranh giành quyền bá chủ đối với dầu của các nước Trung Đông, các khu vực khác trên thế giới như châu Phi, Mỹ La-tinh, khu vực xung quanh biển Ca-xpi (Caspi), Bắc Cực (với sự phát triển từ việc sản xuất dầu khí ngoài khơi) cũng trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung cấp của họ.

Các nguồn tài nguyên năng lượng thường được phân bổ không đều trên toàn thế giới. Vì vậy, các cường quốc đang hằng ngày lao vào cuộc tranh giành gay gắt nhằm chiếm hữu các nguồn tài nguyên ở các nước thứ ba.
Rõ ràng, vấn đề làm chủ được các nguồn năng lượng luôn là một thách thức lớn về an ninh của tất cả các nước. Các quốc gia lớn như Mỹ, Nga và Trung Quốc đều xây dựng những chiến lược về năng lượng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và duy trì quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên của mình. Đây cũng là những nước xuất khẩu, nhập khẩu lớn nhất về năng lượng trên thế giới, vì vậy sự điều chỉnh chính sách năng lượng của Nga và Mỹ chắc chắn sẽ làm nảy sinh nhiều ảnh hưởng lớn đối với cục diện và an ninh năng lượng thế giới.

Những thay đổi mới về chính sách năng lượng của Nga

Trong 8 năm đầu thế kỷ XXI, khi Tổng thống Vla-đi-mia Pu-tin cầm quyền (2000 - 2008), lợi dụng thời cơ giá dầu trên thị trường quốc tế tăng cao, Nga đã đẩy mạnh ngoại giao năng lượng và thu được nhiều lợi ích. Năm 2008, vị Tổng thống kế tiếp Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép tiếp tục theo đuổi chính sách của người tiền nhiệm và vẫn coi trọng ngoại giao năng lượng.

Ông D. Mét-vê-đép đã đưa ra quan điểm rằng khi giải quyết vấn đề năng lượng, các bên không chỉ nên xem xét vấn đề từ góc độ nước tiêu thụ năng lượng, mà còn nên xem xét từ góc độ nước sản xuất và chịu trách nhiệm vận chuyển năng lượng. Tất cả các nước, bao gồm các nước cung cấp và tiêu thụ năng lượng, cuối cùng đều cần phải trả giá cho giá cả năng lượng và các sản phẩm dầu lửa lên cao, cùng gánh vác trách nhiệm và rủi ro. Ông cũng nhấn mạnh rằng, nếu Nga chỉ chú ý phát triển ngành năng lượng, dần dần nền kinh tế của nước này sẽ phụ thuộc vào sản xuất năng lượng, có thể mắc vào “căn bệnh Hà Lan” và sẽ bị suy thoái. Vì vậy, Nga cần phải tiến hành quy hoạch và đầu tư từ góc độ bảo đảm nền kinh tế phát triển theo kiểu đa dạng hóa ngành nghề.

Dầu lửa và khí đốt ở khu vực Trung Á rất phong phú, vì vậy Tổng thống Nga lúc bấy giờ, ông D. Mét-vê-đép đặc biệt coi trọng ngoại giao với Trung Á với hy vọng rằng khu vực này có thể tạo thành “câu lạc bộ” các nước cung cấp năng lượng nào đó với Nga, phát huy một cách đầy đủ vai trò chủ đạo của đường ống dẫn dầu đã được tu sửa nằm trong lãnh thổ Nga và thời kỳ Liên Xô trước kia. Ông D. Mét-vê-đép còn xem xét kỹ lưỡng nguồn năng lượng phong phú ở khu vực Bắc Cực vì ông cho rằng, khu vực này có ý nghĩa chiến lược đối với Nga, khai thác nguồn năng lượng ở Bắc Cực là sự bảo đảm cho an ninh năng lượng của Nga và trở thành vùng nguyên liệu của Nga trong thế kỷ này.

Ngoài khu vực Trung Á, Nga còn chú trọng phát triển hợp tác năng lượng với Trung Đông và Bắc Phi. Ngay từ tháng 7-2009, ông D. Mét-vê-đép đã đến thăm châu Phi với mục đích là thông qua tăng cường hợp tác năng lượng để cùng với châu Phi ký kết hiệp định chiến lược và đổi lại Nga có được sự hứa hẹn của các nước xuất khẩu năng lượng chủ yếu nhất ở châu Phi như Ai Cập, Ni-giê-ri-a, Nam-mi-bi-a, Ăng-gô-la. Tiếp theo, tháng 5-2010, ông D.Mét-vê-đép đến thăm Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ, ký hiệp định hợp tác năng lượng với hai nước này. Tháng 10-2010, Nga và An-giê-ri ký kết hiệp định làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược về năng lượng.

Cũng vào thời kỳ này, những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính đối với nền kinh tế Nga là rất lớn, đặc biệt là những tác động của việc trượt giá dầu đối với các doanh nghiệp năng lượng của Nga. Vì vậy, về đối nội, Chính phủ Nga đã dùng nhiều biện pháp để giảm nhẹ trách nhiệm của các công ty dầu khí Nga, gắn kết, nâng cao sự sinh tồn và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp năng lượng; về đối ngoại, căn cứ vào tình hình mới để điều chỉnh chính sách ngoại giao năng lượng, bảo vệ lợi ích năng lượng bên ngoài của Nga, nâng cao vị thế nước lớn về năng lượng.

Trước tiên, Nga điều tiết mối quan hệ với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), nâng cao sức ảnh hưởng đối với thị trường năng lượng quốc tế.

Thứ hai, Nga đã gấp rút thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu khí đốt (Gas OPEC) mà trước đây đang lên kế hoạch nhằm phát huy những ảnh hưởng mang tính quyết định đối với thị trường khí đốt quốc tế.

Thứ ba, mượn sự tranh chấp khí đốt với U-crai-na để thể hiện tầm quan trọng “nước lớn về năng lượng” của Nga, đồng thời, thúc đẩy giá dầu lửa tăng trở lại. Tháng 4-2010, Tổng thống Nga D.Mét-vê-đép và Tổng thống U-crai-na Vích-to Y-a-nu-cô-vích đã ký kết hiệp định thỏa thuận rằng Nga ưu đãi 30% khí đốt cho U-crai-na, đổi lại U-crai-na sẽ cho Hạm đội Biển Đen của Nga thuê cảng Xê-va-xtô-pôn làm căn cứ kéo dài đến hết năm 2017.

Cuối cùng, Nga đẩy nhanh việc xây dựng và bố trí đường ống dẫn dầu sang châu Âu, giảm thiểu sự phụ thuộc vào việc vận chuyển năng lượng qua biên giới, đồng thời đẩy nhanh việc khai thác thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2010, công trình đường ống dẫn dầu thô nối liền Trung Quốc và Nga đã hoàn tất. Đến đầu năm 2011, Nga bắt đầu cung cấp dầu thô cho Trung Quốc. Theo Hiệp định “đổi dầu lấy khoản vay” giữa Nga và Trung Quốc, từ nay đến 20 năm sau, mỗi năm Nga sẽ chuyển cho Trung Quốc 15 triệu tấn dầu thô. Đồng thời, Nga còn mở rộng hợp tác dầu khí với Trung Á và các nước châu Phi.

Mặc dù phải đối mặt với những tác động rất lớn của cuộc khủng hoảng tài chính, song sự điều chỉnh của Nga đối với chiến lược năng lượng bên ngoài vẫn rất nhanh chóng và có hiệu quả. Tháng 9-2009, Nga không chỉ là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, mà còn trở thành nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất toàn cầu. Điều này cho thấy, tuy nền kinh tế Nga chịu sự tác động rất lớn, nhưng Nga vẫn là một trong những “ông trùm” không thể coi thường trong hệ thống năng lượng quốc tế.

“Chiến lược năng lượng của Nga trước năm 2030” đã được soạn thảo và thông qua vào năm 2009. So sánh “Chiến lược năng lượng trước năm 2030” với “Chiến lược năng lượng trước năm 2020” được thông qua từ 5 năm trước của Nga, một loạt chỉ số chủ yếu trong chiến lược năng lượng trước năm 2020 đều được xem xét đánh giá lại. “Chiến lược năng lượng trước năm 2020” theo đuổi việc thông qua ngoại giao năng lượng để “đạt được lợi ích nhà nước lớn nhất”. Nội dung và tiêu chí chủ yếu của việc phân chia giai đoạn trong “Chiến lược năng lượng trước năm 2030” đều có đặc điểm mang tính quá độ từ khắc phục khủng hoảng đến đẩy mạnh phát triển sau khủng hoảng. Mục tiêu của “Chiến lược năng lượng trước năm 2030” là lợi dụng hiệu quả nhất tiềm lực tài nguyên năng lượng của bản thân, tăng cường vị thế của Nga trên thị trường năng lượng thế giới và giành lấy những lợi ích thực tế lớn nhất cho nền kinh tế đất nước. “Chiến lược năng lượng trước năm 2030” còn nêu rõ ngành năng lượng nhiên liệu của Nga sẽ phát triển theo ba giai đoạn, với mục tiêu chủ yếu là chuyển đổi từ dầu lửa, khí đốt, than đá thông thường sang các nguồn năng lượng đặc biệt như năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Trong thời gian tới, mặc dù nền kinh tế Nga phần nào vẫn phải dựa vào các khu công nghiệp lạc hậu thời Xô-viết, cũng như việc xuất khẩu khí đốt và dầu lửa nhưng Nga sẽ chuyển dần sang mô hình đổi mới “hiện đại hóa”, giảm thiểu việc dựa vào xuất khẩu năng lượng, chú trọng phát triển nền kinh tế tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Những thay đổi mới về chính sách năng lượng của Mỹ

Trong thời kỳ G.Bu-sơ (con), các tập đoàn lợi ích năng lượng, công nghiệp quốc phòng của Mỹ đã phát huy những ảnh hưởng quan trọng trong nền kinh tế chính trị đất nước, đa phần các nhà lãnh đạo chủ yếu như Tổng thống G.Bu-sơ, Phó Tổng thống Đích Che-ny đều có mối quan hệ chặt chẽ với các công ty năng lượng nổi tiếng của Mỹ. Việc Mỹ phát động cuộc chiến tranh I-rắc, thúc đẩy mạnh mẽ “Cuộc cách mạng sắc màu” trong khu vực Trung Á - Cáp-cát đều có những tính toán quan trọng về năng lượng. Tổng thống G.Bu-sơ (con) còn cấm các doanh nghiệp của Mỹ khai thác dầu lửa ở ven biển, chủ trương khai thác nguồn tài nguyên Bắc Cực. Trên trường quốc tế, chính quyền của cựu Tổng thống G. Bu-sơ (con) phản đối ngoại giao năng lượng của Nga, từ chối phê chuẩn “Nghị định thư Ky-ô-tô”.

Từ năm 2009, khi Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma lên cầm quyền đến nay, Mỹ đã thực hiện một số điều chỉnh chiến lược năng lượng, tập trung thúc đẩy chiến lược năng lượng mới với mục tiêu thông qua phát triển ngành năng lượng mới, chấn hưng nền kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái, đồng thời đưa nền kinh tế năng lượng mới thành điểm tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong tương lai.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến cho Chính phủ Mỹ phải thay đổi nhận thức về những rủi ro của nền kinh tế và an ninh quốc gia do dựa quá nhiều vào việc nhập khẩu dầu lửa. Vì vậy, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã đưa ra “Kế hoạch năng lượng mới”, khởi động chiến lược lấy nguồn năng lượng mới thay thế nguồn năng lượng truyền thống, lấy nguồn năng lượng thế mạnh thay thế nguồn năng lượng thiếu hụt, lấy nguồn năng lượng tái tạo thay thế nguồn năng lượng hóa thạch, dốc sức phát triển khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng. Mỹ còn thông qua chính sách cả gói, trợ cấp cho năng lượng sinh học, thu thuế ưu đãi đối với việc tiêu dùng có lợi cho tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải. Đồng thời, Chính phủ của Tổng thống B. Ô-ba-ma còn tích cực thúc đẩy “Dự luật An ninh và Năng lượng sạch”. Mục đích của dự luật này là giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu việc dựa vào dầu lửa nhập khẩu và vạch ra kế hoạch xây dựng nguồn năng lượng xanh của Mỹ.

Từ tháng 3-2010, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu lửa nhập khẩu, Chính phủ của Tổng thống B. Ô-ba-ma tuyên bố nới lỏng lệnh cấm khai thác dầu lửa vùng ven biển của Mỹ. Hành động này được coi là một trong những thay đổi quan trọng trong chiến lược năng lượng đối ngoại của Mỹ - chuyển từ dựa quá mức vào nhập khẩu sang vừa coi trọng nhập khẩu vừa tự sản xuất.

Tháng 5-2010, lấy lý do là vụ rò rỉ dầu ở Vịnh Mê-xi-cô, Tổng thống B. Ô-ba-ma lại thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua dự luật về năng lượng, để nước này có thể kích thích, phát triển các nguồn năng lượng thay thế, giảm thiểu việc dựa vào nhập khẩu dầu lửa, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ tạm ngừng các hoạt động thăm dò và khai thác dầu lửa ở khu vực ven biển và Bắc Cực.

Chính sách năng lượng mới của Mỹ có thể khái quát thành một số điểm sau: trong 10 năm tới, Mỹ sẽ chi 150 tỷ USD để kích thích tư nhân đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch, giúp tạo 5 triệu cơ hội việc làm; Mỹ sẽ tiết kiệm nhiều dầu lửa hơn nữa, lượng dầu lửa tiết kiệm được phải nhiều hơn tổng lượng dầu lửa nhập khẩu từ khu vực Trung Đông và Vê-nê-xu-ê-la hiện nay; đến trước năm 2015, Mỹ sẽ có 1 triệu chiếc xe ô tô chạy bằng điện do trong nước sản xuất được đưa vào sử dụng; bảo đảm 10% điện năng mà người Mỹ dùng sẽ là từ các nguồn năng lượng tái tạo, đến năm 2025, tỷ lệ này sẽ đạt 25%; thực thi kế hoạch “buôn bán chỉ tiêu khí thải các-bon và khống chế tổng lượng”, đến năm 2050, Mỹ sẽ hạ thấp 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên nền tảng của mức năm 1990. Như vậy, có thể nói có 3 từ khóa trong chính sách năng lượng của Mỹ: “an ninh”, “xanh”, “tiết kiệm” và Mỹ đang cố gắng tìm ra một chiến lược đổi mới nhằm tối đa hóa lợi ích.

Mỹ cũng rất chú ý tới nguồn tài nguyên khoáng sản như dầu lửa của châu Phi và đã có những bước tiến chiến lược nhằm tiếp cận nguồn dầu mỏ ở khu vực này. Hiện nay, trong tổng lượng dầu lửa nhập khẩu của Mỹ có hơn 10% đến từ châu Phi, đến năm 2015, lượng dầu lửa nhập khẩu từ châu Phi sẽ chiếm ¼ tổng lượng nhập khẩu của Mỹ.

Hợp tác năng lượng Nga - Mỹ và vấn đề an ninh năng lượng toàn cầu

Tháng 7-2009, Tổng thống B. Ô-ba-ma đến thăm Gha-na. Điều này cho thấy, Mỹ đã nhận thức được “tầm quan trọng của châu Phi”. Hiện nay, trữ lượng dầu lửa của Gha-na được đánh giá là có thể sẽ vượt qua con số 5 tỷ thùng, tương đương với trữ lượng của Ăng-gô-la. Ngay sau đó, tháng 8-2009, Ngoại trưởng Hi-la-ry Clin-tơn lại đến thăm các nước sản xuất dầu lửa của châu Phi như Ăng-gô-la, Công-gô và Ni-giê-ri-a. Hiện nay, Ăng-gô-la và Ni-giê-ri-a là hai nước sản xuất dầu lửa lớn nhất châu Phi và cũng nằm trong khu vực Mỹ nhập khẩu năng lượng chủ yếu

Gần đây, quan hệ năng lượng Nga - Mỹ đã có những thay đổi căn bản. Mỹ đã điều chỉnh quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi về các vấn đề quốc tế lớn như an ninh năng lượng, thay đổi khí hậu. Còn Nga mở cửa với đối tác và mời các công ty Mỹ tham gia nghiên cứu, khai thác những nguồn năng lượng của Nga.

Nga và Mỹ giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của thế giới. Nga là nhà cung cấp các nguồn năng lượng lớn, duy trì hệ thống cung cấp năng lượng tại châu Âu và phạm vi ảnh hưởng của mình. Mỹ là một siêu cường về kinh tế và chính trị của thế giới, là nước nhập khẩu năng lượng lớn. Ngoài ra, các nền kinh tế lớn và các nước có công nghiệp phát triển đang phục hồi nhanh chóng như Trung Quốc, Ấn Độ đều là khách hàng chính của các nguồn năng lượng, do đó trong tương lai, nhu cầu năng lượng sẽ tăng mạnh và an ninh năng lượng trở thành một thách thức lớn.


Vì vậy, sự hợp tác năng lượng giữa Nga và Mỹ là hết sức cần thiết, nó giúp duy trì vấn đề an ninh năng lượng toàn cầu. Nếu không có sự hợp tác này, các vấn đề liên quan đến năng lượng có thể sẽ được giải quyết không theo nguyên tắc, thế giới sẽ lại bị sốt vì giá dầu tăng cao và có thể tiếp tục lâm vào cảnh khủng hoảng.

Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng tới quan hệ Nga - Mỹ là cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng về giá năng lượng trên thế giới. Hiện Mỹ giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng bởi Oa-sinh-tơn đã tìm ra các nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên và tiếp tục tìm kiếm các nguồn năng lượng tiềm năng mới. Ngoài ra, để duy trì giá dầu trên thị trường thế giới, Mỹ sử dụng các biện pháp chế áp về chính trị và kinh tế đối với tất cả các nước xuất khẩu để các nước này bỏ qua mọi rào cản đối với Mỹ.

An ninh năng lượng toàn cầu là vấn đề mang tính hệ thống. Để giải quyết thỏa đáng vấn đề trên, cần có sự hợp tác giữa các nước sản xuất năng lượng với các nước nhập khẩu năng lượng và những quốc gia trung chuyển năng lượng, bao gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, các nước thành viên EU, Ấn Độ, các quốc gia A-rập. Để có sự thống nhất trên, trước tiên cần sự hợp tác về năng lượng giữa Nga và Mỹ, cũng như quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước này. Nga và Mỹ cần thiết lập các nhóm làm việc chung trong lĩnh vực năng lượng, đưa ra quy chế cho các nhóm này nhằm thiết lập sự ổn định chiến lược về năng lượng trong khuôn khổ các cuộc “hội đàm bốn bộ” (với sự tham gia của bộ trưởng các Bộ Ngoại giao; Quốc phòng; Năng lượng; Thương mại).

Ngoài ra, vai trò của các cuộc tiếp xúc giữa các tổng thống, các Ủy ban liên quốc hội hai nước cũng rất quan trọng để bảo đảm các bên tiến hành hợp tác theo đúng quy trình và luật lệ quốc tế. Đối với Nga, việc phát triển những mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực năng lượng sẽ là nhiệm vụ then chốt. Đây không chỉ là vấn đề phát triển kinh tế và củng cố vị thế chính trị của Nga mà còn là nhiệm vụ mang tính toàn cầu - bảo đảm tính ổn định và cân bằng trong lĩnh vực năng lượng trên toàn thế giới. Nga và Mỹ cần thúc đẩy vấn đề đối thoại năng lượng và kêu gọi các cường quốc năng lượng khác tham gia. Điều này không chỉ phản ánh lợi ích kinh tế và địa chính trị của hai nước mà còn tạo các điều kiện cần thiết nhằm giải quyết các vấn đề an ninh năng lượng toàn cầu./.