Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc tại Bắc Kạn
Trong âm hưởng hào hùng của những ngày tháng Tám lịch sử, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ sự quan tâm đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội mọi mặt ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi lưu dấu những chiến công kháng Pháp anh dũng của quân và dân Bắc Kạn đã đi vào lịch sử và thơ ca như Chiến thắng Đèo Giàng, Phủ Thông; nơi Bác Hồ thăm Phân đội thanh niên xung phong 312 và đề tặng thơ: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên."
Thân mật chuyện trò với đại diện các sở, ngành của tỉnh, Chủ tịch nước biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh đã đưa Bắc Kạn từ xuất phát điểm khó khăn, thiếu thốn trở thành địa phương tăng trưởng khá toàn diện trên các mặt nông lâm nghiệp, hạ tầng, đời sống dân sinh. Chủ tịch cho rằng, sau 16 năm tái lập đến nay, thành công nhất của Bắc Kạn là nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay, Bắc Kạn không còn là địa phương đứng cuối bảng thành tích xóa đói, giảm nghèo.
Gợi mở những vấn đề căn bản để các đại biểu thảo luận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, qua 16 năm xây dựng và phát triển, có cả những thành công và thất bại, nhưng điều đáng mừng nhất là Bắc Kạn đã đi lên bằng chính lợi thế so sánh.
Chủ tịch nước nhấn mạnh do xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ bé, nguồn lực của sự phát triển vẫn dựa vào Trung ương, kết cấu hạ tầng đã chuyển biến nhưng so với yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chưa đáp ứng, các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người cần phải có sự đầu tư tương xứng để phục vụ cho nhu cầu trước mắt và lâu dài.
Bởi vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục đạt mục tiêu tăng trưởng 15% như kế hoạch đề ra, tỉnh cần chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn và gắn kết nông nghiệp với công nghiệp chế biến sâu để tạo bước đột phá.
Hiện, Bắc Kạn còn nhiều dư địa để đẩy nhanh tốc độ tăng tưởng. Từ hiệu quả của các mô hình công nghiệp thí điểm, tỉnh cần quy hoạch và phát triển thêm các dự án tương tự tại những địa bàn dồi dào về nguyên liệu.
Đánh giá cao nông dân Bắc Kạn trong việc phát triển nông lâm nghiệp, tạo tiền đề tốt cho chương trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch nước nêu rõ tiêu chí về nông thôn mới ở đồng bằng và miền núi khác nhau. Qua quá trình vận dụng, cán bộ cơ sở cần có cách làm sâu sát, phù hợp; kịp thời rút ra bài học kinh nghiệm khi vướng mắc; tránh vội vàng, duy ý chí và áp đặt dẫn đến lãng phí. Trên địa bàn có đông đồng bào các dân tộc sinh sống, các ban, ngành của tỉnh cũng cần căn cứ vào thực tiễn và điều kiện của địa phương để phát huy được thế mạnh nâng cao đời sống cho bà con.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hà Văn Khoát cùng lãnh đạo tỉnh báo cáo Chủ tịch nước tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh sau 16 năm tái lập. Từ xuất phát điểm "bốn không" (không có đường biên, không đường sắt, không đường thủy, không đường hàng không),... Bắc Kạn đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 10%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 tăng 15 lần so với năm 1997; trên 90% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia…
Việc xây dựng nông thôn mới của tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn do đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, dân cư không tập trung, đất ruộng nhỏ lẻ. Đến nay, toàn tỉnh mới có 1/112 xã đạt được 11 tiêu chí, còn lại mới đạt từ 2 đến 9 tiêu chí. Trong đó có 3 tiêu chí giao thông, môi trường và cơ sở vật chất văn hóa chưa có xã nào đạt.
Tỉnh ủy Bắc Kạn mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, điều chỉnh một số tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với các tỉnh miền núi, đồng thời bố trí nguồn lực để thực hiện; hỗ trợ kinh phí đáp ứng công tác phát triển, bảo vệ rừng và mở đường lâm nghiệp, phục vụ khai thác gỗ rừng sản xuất; đầu tư xây dựng giao thông, trong đó tập trung nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3, Quốc lộ 3B; có chính sách đặc thù hơn nữa để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Bắc Kạn.
Chủ tịch nước cùng đoàn công tác đã thăm Nhà máy chế biến gỗ SAHABAK - cơ sở chế biến gỗ lớn nhất tỉnh Bắc Kạn, được xây dựng theo chủ trương hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Kạn.
Dự kiến sau khi mở rộng giai đoạn 2, Nhà máy SAHABAK sẽ tiêu thụ khoảng 220.000m2 gỗ nguyên liệu, giúp giải quyết việc làm cho 3.600 lao động nông thôn, trong đó có 900 lao động là công nhân trực tiếp làm việc tại Nhà máy.
Cùng ngày, Chủ tịch nước đã đến thăm cơ sở công nghiệp chế biến bột đá Canxi Cácbônát thuộc Công ty MTV Phiabjooc, Bắc Kạn. Sử dụng nguyên liệu đá sẵn có của địa phương, đây là nơi chế biến phụ gia cho công nghiệp sản xuất giấy, sơn và công nghiệp nhựa.
Chủ tịch nước cũng đã đến thăm cánh đồng lúa của thôn Nà Lẹng, xã Quân Bình, huyện Bạch Thông. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sử dụng 90% giống lúa thuần chủng chất lượng cao, năng suất lúa bình quân của xã đạt 53 tạ trên mỗi héc-ta.
Cùng ngày, Chủ tịch nước đã thăm và tặng quà gia đình ông Trần Công Ảnh, cán bộ lão thành cách mạng tại thị xã Bắc Kạn. Chủ tịch nước tin tưởng các thế hệ cán bộ lão thành cách mạng tiếp tục phát huy truyền thống, nêu gương sáng đạo đức, động viên con em cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm 4 nước Đông Nam Á  (20/08/2013)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn các bộ trưởng  (20/08/2013)
Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị  (20/08/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Hoa Kỳ  (20/08/2013)
Công điện về bảo đảm trật tự an toàn giao thông  (20/08/2013)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên