Số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) ngày 25-7, cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 0,6% trong quý 2 vừa qua, cao gấp đôi so với quý trước.

Tính đến thời điểm này, nền kinh tế của "đảo quốc sương mù" đã phục hồi được gần một nửa mức sụt giảm 7,2% trong cuộc khủng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008-2009.

Phản ứng trước thông tin đáng khích lệ trên, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng các số liệu tăng trưởng kinh tế chứng tỏ chính phủ đang đi đúng hướng.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính George Osborne cũng cho rằng Chính phủ Anh vẫn đang bám sát kế hoạch đã đề ra và nền kinh tế nước này đang trên đà phục hồi, tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước và kinh tế các hộ gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Thông tin từ nền kinh tế chủ chốt trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) là Đức cũng tăng niềm hy vọng cho cộng đồng thế giới.

Theo số liệu của Viện nghiên cứu kinh tế Munich sau khi phân tích hoạt động kinh doanh của gần 7.000 doanh nghiệp, chỉ số lòng tin kinh doanh của nước này đã tăng tháng thứ ba liên tiếp, đạt 106,2 điểm trong tháng 7 so với 105,9 điểm hồi tháng 6.

Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Đức vẫn rất lạc quan về tương lai, và đã thành công trong việc xóa đi những lo ngại trong Eurozone. Giới phân tích nhận định xu hướng phát triển tích cực của nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục duy trì trong sáu tháng cuối năm.

Cùng ngày, Tập đoàn tài chính lớn nhất Tây Ban Nha Bankia công bố đã đạt lợi nhuận trở lại sau một năm lỗ sâu. Trong sáu tháng đầu năm nay, Bankia đã lãi 192 triệu euro (253 triệu USD), con số ấn tượng so với mức lỗ khủng 4,45 tỷ euro cùng kỳ năm ngoái và 19 tỷ trong cả năm 2012.

Trong bối cảnh toàn bộ khu vực ngân hàng Tây Ban Nha khủng hoảng nặng nề, đến mức các chủ nợ quốc tế đã nhắc đến gói cứu trợ tổng thể cho cả nước, thì tin tức này giống như một sự giải cứu.

Bankia thành công nhờ đã dùng 18 tỷ euro mà Eurozone cứu trợ để tái cơ cấu đúng hướng, và trên hết là nhờ triển khai kế hoạch bán tháo các tài sản không chiến lược.

Ví dụ như việc bán cổ phần trong tập đoàn hàng không AIG đã mang lại cho Bankia 675 triệu euro trong tháng 6. Theo ước tính đến hết năm 2013, Bankia sẽ thu 800 triệu euro lợi nhuận.

Phóng viên TTXVN tại Brussells (Bỉ) dẫn số liệu của tổ chức Markit economics, cho biết trong tháng 7, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Khu vực đồng euro đã đạt mức cao nhất trong 18 tháng qua.

Chỉ số này đã tăng từ 48,7 hồi tháng trước lên 50,4 trong tháng 7. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1-2012, chỉ số này tăng lên hơn 50 - ranh giới giữa suy thoái và tăng trưởng./.