TCCS - Bất kỳ dân tộc nào trên thế giới đều có các lễ hội văn hóa đặc sắc phản ánh sự hình thành, tiến hóa và phát triển nhận thức của con người về thế giới, về vũ trụ, về sự tương tác giữa môi trường với đời sống của con người, tạo nên sức sống mạnh mẽ của mỗi một dân tộc. Các dân tộc ở Đông Nam Á như Lào, Cam-pu-chia và Thái Lan do sự tương tác về địa lý và môi trường sống, có các Lễ hội mừng năm mới với nhiều nét tương đồng với văn hóa Việt Nam.

Lễ Tết mừng năm mới ở Lào

Nhìn chung, Lễ Tết mừng năm mới ở Lào cũng như các lễ hội khác chịu ảnh hưởng của Phật Giáo. Đạo Phật đã ăn sâu vào tư tưởng của người Lào được thể hiện trong ngôn ngữ, nghệ thuật và các lễ hội. Đây là xứ sở của Phật giáo với 90% số dân theo đạo Phật. Cũng như ở bất kỳ đâu, Lễ Tết mừng năm mới cổ truyền ở Lào được coi là lễ hội lớn nhất trong năm, gọi là Tết Bun-pi-may, hay còn gọi là Tết té nước, diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 4 hằng năm. Vào dịp Lễ Tết mừng năm mới, người Lào có nhiều tục lệ khá độc đáo.

Tục té nước: Vào ngày đầu tiên của Tết, mọi người quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Nước thơm là một hỗn hợp gồm nước, nghệ, bồ kết nướng, hoa và dầu thơm. Nước được ướp hương hoa hoặc hương liệu thiên nhiên. Buổi chiều, người dân trong làng tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo. Sau đó, người ta rước tượng Phật ra một gian riêng trong ba ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để sức vào người làm phước. Mọi người còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa. Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng. Bạn bè té nước vào nhau. Không chỉ té nước vào người mà họ còn vẩy nước vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều.

Tục xây tháp cát: Cát được đưa đến sân chùa và trang trí trước khi dâng cho các nhà sư để tỏ lòng thành kính. Tháp cát được trang trí bằng cờ, hoa, dây vải trắng và vẩy nước thơm, tượng trưng cho núi Phoukaokailat nơi bảy con gái của Kabinlaphom thờ đầu cha mình và được dâng cúng để cầu sức khỏe, hạnh phúc trong năm mới.

Tục phóng sinh: Các loài động vật như rùa, cá, cua, chim, lươn và các con vật nhỏ khác được phóng sinh. Người Lào tin rằng trong dịp Tết, ngay cả động vật cũng cần được tự do. Một số người phóng sinh động vật với số lượng trùng với tuổi của con vật.

Tục hái hoa tươi: Vào các buổi chiều, sư trụ trì hướng dẫn các nhà sư, ni cô và dân làng đi hái hoa tươi đem về chùa cúng Phật. Trong khi đi hái hoa, người Lào chơi trống và các nhạc cụ cổ truyền. Những người khác thì đem nước đến lau rửa hoa.

Tục ăn món lạp: Trong ngày Tết, người Lào chú trọng ăn món lạp, đặc biệt là các doanh nhân. Theo ngôn ngữ của nước này, lạp có nghĩa lộc. Lạp ở đây thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi sau đó đem trộn với gia vị. Đặc biệt, món này mà không có thính thì sẽ làm giảm hương vị độc đáo của chúng. Trong mỗi gia đình, đặc biệt là những người làm nghề kinh doanh, món lạp thường được các đầu bếp làm rất công phu, vì nếu món này trong ngày Tết mà không ngon thì họ thường ví năm mới làm ăn có nhiều điềm xui. Lạp thường được ăn với xôi nóng. Theo nhiều chuyên gia văn hóa Lào, lạp được xem như là linh hồn của người Lào trong năm mới. Người ta có thể đem chúc nhau bằng món lạp. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều lộc.

Tục lệ buộc chỉ cổ tay: Ngày tết khách đến xông nhà được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe. Hoa sử dụng trong những ngày này được xem là điềm may mắn. Có hai loại hoa: hoa muồng (bò cạp vàng, hoa hoàng hậu) được người dân cột vào xe và treo trên nhà để cầu may mắn. Còn hoa Champa được người dân kết thành chùm hay cài trên tóc để cầu mong điều phước lành.

Lễ Tết mừng năm mới ở Cam-pu-chia

Theo phong tục Cam-pu-chia, Tết Chol Chnam Thmay mừng năm mới kéo dài 3 ngày, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 4 hằng năm. Trong ba ngày này, người dân thường đi lễ chùa cầu mong một năm mới thanh bình và thịnh vượng. Họ mang hoa tươi, đồ lễ lên chùa nghe giảng kinh từ sáng sớm, làm nghi thức tắm Phật, cắm cờ hoa lên bảo tháp bằng cát và rủ nhau ra đường phố. Thay cho lời chúc may mắn đầu năm, người dân Cam-pu-chia tưng bừng chào đón năm mới với nghi thức té nước lên người nhau. Bất kể người lớn, trẻ em, khách du lịch, không phân biệt màu da, ai nấy đều hòa vào màn té nước vui nhộn trong tình thân ái. Không khí náo nhiệt, đèn hoa sáng rực từ các ngôi chùa kéo dài đến các nẻo đường dẫn đến Hoàng Cung. Thủ đô Phnôm Pênh treo đèn kết hoa lộng lẫy. Người dân và du khách đổ ra đường tham gia các hoạt động lễ hội đường phố.

Trong ngày Tết cổ truyền của Cam-pu-chia, tiết mục đặc sắc nhất là các điệu múa Áp-xa-ra (Apsara) duyên dáng và quyến rũ, cùng các món ăn truyền thống đậm hương vị Khmer dùng với rượu thốt nốt thơm ngon. Đến Cam-pu-chia dịp này, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng kỳ quan Ăng-co (Angkor) vĩ đại nguy nga, thành cổ Ăng-cô Vat (Angkor Wat) với những ngọn tháp chọc trời. Ba ngày lễ chính thức được tiến hành trong không khí vui vẻ, hào hứng. Ngày thứ nhất: lễ rước đại lịch. Trong ngày này, vào giờ tốt đã được chọn, bất kể sáng hay chiều (thường là vào 7 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều), mọi người mang theo lễ vật: nhang đèn, hoa quả đến chùa làm lễ rước Đại lịch Môha Sang Kran được đặt trong khay sơn son thếp vàng đưa lên kiệu khiêng đi vòng quanh chính điện 3 vòng trang trọng, vừa là lễ chào mừng năm mới vừa chờ điềm báo năm mới tốt hay xấu, tùy vào cuộc rước có hoàn thiện hay không, rồi mới vào chính điện làm lễ. Sau đó, tất cả vào lễ Phật, tụng kinh chúc mừng năm mới. Ngày thứ hai: lễ dâng cơm và đắp núi cát. Trong ngày này, mỗi gia đình Khmer làm cơm dâng cho các vị sư, sãi ở chùa vào buổi sớm và trưa. Trước khi ăn, các nhà sư tụng kinh làm lễ tạ ơn những người làm ra vật thực, những người mang vật thực đến cho nhà chùa. Sau khi ăn, các nhà sư tụng kinh chúc phúc những người dâng cơm. Buổi chiều, mọi người tổ chức lễ đắp núi cát để tìm phúc duyên, đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng và một núi ở trung tâm, tượng trưng cho vũ trụ, liên quan tới một huyền tích lâu đời biểu lộ ước vọng cầu mưa, cầu phúc của con người. Ngày thứ ba: lễ tắm tượng Phật, tắm sư. Vào ngày này, sau khi dâng cơm sáng cho các sư, họ tiếp tục nghe thuyết pháp. Vào buổi chiều, mọi người đốt đèn nhang, dâng lễ vật, đưa nước có ướp hương thơm đến tắm tượng Phật, tỏ lòng thương nhớ và biết ơn Đức Phật, đồng thời gột rửa mọi điều không may của năm cũ, bước sang năm mới, mọi sự như ý. Sau đó tắm cho các vị sư sãi cao niên. Sau khi lễ tại chùa, mọi người rước các sư tới nghĩa trang, tới những ngôi mộ hay tháp đựng hài cốt, để thực hiện lễ cầu siêu cho linh hồn những người quá cố. Sau đó ai về nhà nấy, làm lễ tắm tượng Phật tại gia, dâng cỗ và bánh trái chúc phúc ông bà cha mẹ, xin tha thứ những thiếu sót, lỗi lầm năm cũ.

Trong ba ngày Tết, cũng giống như tục lệ Tết ở Việt Nam, mọi người đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau tài lộc, sức khỏe, phát đạt và cùng nhau tham gia các trò vui. Buổi tối, mọi người thường tổ chức nhiều trò vui như đốt đèn trời, đốt ông lói, đánh quay lửa... Các cụ già kể cổ tích, thần thoại, chuyện cũ cho con cháu nghe. Trai gái thi múa, ca hát, nhảy các vũ điệu dân tộc. Thời gian Tết năm mới có thể kéo dài hơn tuần.

Lễ Tết mừng năm mới ở Thái Lan

Là một nước theo đạo Phật, Thái Lan cử hành những ngày kỷ niệm quan trọng với những nghi lễ đem lại cho các tín đồ Phật giáo khắp đất nước một cơ hội để họ đóng góp phần công đức, với những phẩm vật cúng cho các nhà sư và những đám rước đèn cầy vào ban đêm. Nhiều khi còn có những đám đông tụ tập để nghe kể những truyền thuyết về đức Phật. Lễ Mác-ha Pui-a (Magha Puja) vào tháng 2 hằng năm kỷ niệm ngày mà 1.250 tín đồ tập hợp lại để nghe Đức Phật thuyết pháp. Lễ Vi-sa-kha Pui-a (Visakha Puja) vào tháng 5 kỷ niệm ngày Phật Đản, ngày Phật Giác Ngộ và ngày Đức Phật nhập Niết Bàn.

Tết Thái Lan (Songkran) được tổ chức hằng năm trong ba ngày 13, 14 và 15 tháng 4 để đón năm mới. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, họ dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người cao tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính. Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều cuộc diễu hành, thi sắc đẹp được tổ chức. Ngoài ra, người Thái còn nấu các món ăn truyền thống và mặc các trang phục nhiều màu sắc. Đặc biệt, trong Tết Song Kran, người dân sẽ té nước lên nhau bằng xô, súng phun nước, bóng bay đựng nước... Theo quan niệm của người Thái, ai càng được mọi người té nhiều nước thì người đó gặp càng nhiều may mắn trong năm mới.

Bất kể người lớn, trẻ em, khách du lịch, không phân biệt màu da, ai nấy đều hòa vào màn té nước vui nhộn trong tình thân ái. Gần đây, trong Lễ Tết Thái Lan còn diễn ra hoạt động té nước cùng người đẹp. Các cô gái tham gia khoác trên mình những trang phục lễ hội chim công, chim phượng và múa các điệu dân gian độc đáo. Vào dịp này, người dân Thái ai nấy đều náo nức, treo đèn trang trí, nhà nhà tưng bừng ánh điện, phố phường đông vui, náo nhiệt, thưởng thức chương trình ca múa nhạc truyền thống A-lăng-can (Alangkarn), Ti-pha-ni (Tiffany) do các diễn viên nam đã giải phẫu thành nữ biểu diễn. Không chỉ hòa mình vào Lễ Tết cổ truyền của dân bản xứ, du khách đến Thái dịp này còn được chiêm ngưỡng thắng cảnh nổi tiếng như Hoàng Cung, chùa Phật Ngọc với các kiểu kiến trúc độc đáo, vườn thú thiên nhiên nổi tiếng Thế giới Xa-pha-ri (Safari World), hoặc du ngoạn đảo san hô bằng tàu cao tốc, tự do tắm biển và tham gia các môn thể thao dưới nước tại Pát-tai-a./.