Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) vừa kiến nghị chính phủ nước này cần tiếp tục điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 xuống dưới ngưỡng 6% để tránh các rủi ro xuất phát từ lạm phát tăng cao, sự suy yếu của đồng nội tệ rupiah và thâm hụt liên tục cán cân thanh toán.

Thống đốc BI Agus Martowardojo khi công bố quyết định tăng lãi suất từ 6% lên 6,5% hôm 11-7 đã nhấn mạnh rằng các biện pháp thắt chặt tiền tệ là cần thiết do sự mất cân bằng bên ngoài xấu đi, cùng với tình trạng không chắc chắn trong nền kinh tế toàn cầu.

Giám đốc điều hành về chính sách tiền tệ của BI, Dody Budi Waluyo nói rằng quyết định của BI tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản lên 6,5 % nhằm bảo đảm cho nền kinh tế tiếp tục đi đúng hướng trước áp lực lạm phát rất lớn, xuất phát từ việc tăng giá nhiên liệu được trợ giá.

Đây là nguyên nhân chính khiến BI trở thành ngân hàng trung ương duy nhất ở châu Á tăng lãi suất cơ bản trong tháng Sáu.

Ông Dody Budi Waluyo nêu rõ rằng mức tăng trưởng và tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Indonesia giai đoạn 2008 - 2012 là 6%, 4,6%, 6,2%, 6,5%, 6,23% với tỷ lệ lạm phát tương ứng 11,06%, 2,78%, 6,96%, 3,79%, 4,30%, và các mức lãi suất của BI dao động trong biên độ 5,75%-9,25% phụ thuộc vào mức độ lạm phát thấp hay cao.

Như vậy với áp lực lạm phát xuất phát từ biến động giá lương thực thực phẩm, giá nhiên liệu tăng và BI đã điều chỉnh lãi suất lên 6,5% thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 cần điều chỉnh, từ mức 6,3% xuống 5,8-6,2%, trong đó lý tưởng nhất là dưới 6%.

Thống đốc Agus Martowardojo cũng đã nêu rõ mối quan ngại về cán cân với bên ngoài, khi trong quý I-2013 Indonesia đã thâm hụt cán cân thanh toán (BOP) kỷ lục 6,6 tỷ USD và thâm hụt tài khoản vãng lai 5,27 tỷ USD, tương đương 2,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Người phát ngôn BI Difi Johansyah trong cuộc họp báo mới đây nói rằng với các điều kiện bên ngoài cũng như sự suy giảm gần đây trong nền kinh tế toàn cầu thì mức tăng trưởng trên 5,5% là vẫn “khá ổn” đối với Indonesia, và với tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại, dẫn đến một sự cân bằng thanh toán lành mạnh.

Các nhà kinh tế và các chuyên gia ngân hàng đã ủng hộ chính sách thắt chặt tiền tệ của BI, đồng thời cho rằng chế độ lãi suất cao sẽ còn phải tiếp tục được duy trì cho đến năm tới, do sức mua của công chúng vẫn mạnh trong bối cảnh giá cao bất thường của các mặt hàng lương thực thực phẩm - động thái sẽ khiến tỷ lệ lạm phát trong năm 2014 khó có thể dưới mức 4%, mà sẽ dao động quanh mức 6-7%./.