Chiều 11-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh có sản lượng lúa và thủy sản lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long là An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, thủy sản, đảm bảo cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản của vùng phát triển theo hướng căn cơ, bền vững.


Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tiềm năng, lợi thế lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long là sản xuất lương thực, trồng cây ăn quả, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua vấn đề sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế, vướng mắc, cụ thể sản xuất đang chậm lại, có sự giảm sút về sản lượng, thu nhập của người nông dân giảm sút...

Thực trạng giảm sút trong sản xuất nông nghiệp của vùng cho thấy hoạt động sản xuất còn mang tính chất kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún; không gắn kết theo chuỗi giá trị; cơ chế quản lý còn theo lối cũ; quan hệ sản xuất không còn phù hợp với lực lượng sản xuất...

Đòi hỏi đặt ra đối với vùng là không thể kéo dài mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ mà phải đi lên theo hướng sản xuất lớn; phải đổi mới tư duy, phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phải có liên kết chặt chẽ trong sản xuất...

Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp nói riêng, các tỉnh trong vùng nói chung hết sức lưu ý đến chuyển dịch, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, trước hết là quan tâm xây dựng, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung gắn với xây dựng thương hiệu; có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đi liền với đó, cần đặc biệt quan tâm tới hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; quan tâm làm tốt công tác quy hoạch nông nghiệp gắn liền với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương trong vùng thực hiện tốt chính sách thu mua tạm trữ lương thực; linh động cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn; cơ cấu lại vốn vay cho người dân và doanh nghiệp theo hướng hợp lý; quan tâm đến công tác tập huấn, hướng dẫn sản xuất cho người nông dân cũng như tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...

Phát biểu tại buổi làm việc, các ý kiến khẳng định, các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thu mua tạm trữ gạo, hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch hay chính sách liên kết 4 nhà… đã và đang tạo bước tăng trưởng nhanh, nhất là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông - thủy sản, đẩy mạnh cơ giới hóa canh tác và thu hoạch, nâng cao và đảm bảo thu nhập ổn định cho người nông dân.

Tuy nhiên, vấn đề nổi lên là 2 năm gần đây giá xuất khẩu gạo giảm bình quân 10-15%; giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng lúa cũng đang chững lại; thu nhập của người trồng lúa đang giảm dần do giá bán đầu ra không tăng nhưng chi phí đầu vào như vật tư, phân bón lại tăng liên tục. Đối với cá tra, người nuôi và doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng nhằm giảm thiểu rủi ro, thậm chí một số hộ thu hoạch xong không thả nuôi lại.

Nguyên nhân là do khó khăn về thị trường tiêu thụ chính đang giảm, cộng thêm các rào cản thương mại ngày càng tăng từ các thị trường lớn. Ngoài ra còn có nguyên nhân do chính doanh nghiệp bơm nước vào sản phẩm làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cá tra xuất khẩu, bên cạnh đó là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tự triệt tiêu nhau trên thị trường...

Một số ý kiến nhận định, lỗ hổng lớn nhất hiện nay trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo nói riêng và nông sản nói chung là sự liên kết lỏng lẻo giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ và trong mối quan hệ này, người sản xuất trực tiếp luôn yếu thế nhất, từ đó làm thiệt hại đến lợi ích của người nông dân, ảnh hưởng đến nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp của đất nước.

Ngoài ra, việc không có hoặc thiếu quy hoạch cũng như những hạn chế trong nội tại của nền nông nghiệp đã dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu, cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất đình đốn, xuất khẩu sụt giảm...

Thực trạng khó khăn, bất cập về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra trong nhiều năm qua, đặc biệt bộc lộ rõ trong 6 tháng đầu năm 2013, cho thấy bên cạnh việc xử lý khó khăn trước mắt, phải tính ngay tới hệ thống các giải pháp mới, dài hạn cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng chủ lực này.

Bày tỏ tâm huyết với việc phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn, lãnh đạo tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, lãnh đạo một số doanh nghiệp... đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn; tăng cường xúc tiến thương mại đối với những mặt hàng nông sản chủ lực cũng như xác định rõ các nông sản ưu tiên hỗ trợ; chỉ đạo việc đăng ký hoạt động và quản lý tốt hoạt động của thương lái theo các quy định pháp luật hiện hành; hạn chế tối đa các khâu trung gian từ sản xuất đến người tiêu thụ cuối cùng, thực hiện hiệu quả các giải pháp trong thu mua nông sản, tạm trữ lúa gạo, tránh những thiệt hại không đáng có đối với người nông dân, người tiêu dùng; cùng với tập trung rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa, xác định cụ thể cơ cấu cây trồng, mùa vụ trên từng vùng đất, phù hợp với thị trường, thổ nhưỡng và khí hậu...

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan bày tỏ: Khi mô hình liên kết cũ đang trở nên lỗi thời và thực tiễn đã xuất hiện rất nhiều mô hình liên kết sản xuất kiểu mới, hiệu quả, trong đó có mô hình cánh đồng mẫu lớn, cần phải có hệ thống cơ chế, chính sách mới để điều chỉnh và khuyến khích; chỉ mô hình cánh đồng mẫu lớn chúng ta với có thể xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam thực sự bền vững. Đồng thời, từ mô hình cánh đồng mẫu lớn có thể phát triển ra các cây trồng khác, không chỉ giới hạn trong sản xuất lúa.

Đồng tình với quan điểm trên, ý kiến của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho rằng việc thúc đẩy liên kết, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn phải đảm bảo hài hòa được lợi ích của các bên tham gia.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương cũng đề xuất các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến công tác dự báo thị trường; tăng cường xúc tiến thương mại, củng cố và phát triển các thị trường truyền thống, các thị trường lớn và phát triển các thị trường mới; mở rộng ưu đãi về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch vùng sản xuất nông – lâm - thủy sản tập trung gắn với xây dựng cơ sở dịch vụ sản xuất - chế biến - tiêu thụ...

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ về nguồn lực để các doanh nghiệp lớn của Nhà nước kinh doanh xuất khẩu gạo tham gia xây dựng mô hình cánh đồng lớn. Đồng thời kiến nghị Nhà nước tăng cường kinh phí tập huấn, hướng dẫn sản xuất cho người nông dân; xem xét miễn thuế VAT đối với thức ăn chăn nuôi; cơ cấu lại vốn vay cho người dân và doanh nghiệp và áp dụng cho vay tín chấp;...

Trước đó, sáng 11-7 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dâng hương hương, tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang./.