Bến Tre đột phá trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông
Là một tỉnh nằm tiếp giáp biển Đông với 65km chiều dài bờ biển, địa hình Bến Tre bị chia cắt bởi 4 nhánh của sông Cửu Long là các sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên với tổng chiều dài hơn 300 km, tạo nên các dải cù lao như: cù lao Bảo, cù lao Minh, cù lao An Hóa; đồng thời hình thành nên một mạng lưới sông, kênh, rạch chằng chịt nối liền nhau với tổng chiều dài khoảng 6.000km. Do có rất nhiều sông, kênh, rạch chia cắt nên giao thông đường bộ trên địa bàn Tỉnh những năm qua gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Mặt khác, là tỉnh tiếp giáp với biển Đông, Bến Tre trở thành một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
Từ thực tế đó, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông và thủy lợi, trở thành yêu cầu cấp thiết trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới ở Bến Tre.
Nỗ lực phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã khẳng định: “Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thủy lợi, bảo đảm ngăn mặn, giữ ngọt, chủ động tưới tiêu cho vùng sản xuất lúa, vùng nuôi thủy sản, vườn cây ăn trái và phục vụ sinh hoạt cho nhân dân”(1); đồng thời “tập trung huy động vốn từ nhiều nguồn đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng giao thông nông thôn; hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải đến các trung tâm xã”(2). Ngày 2-8-2011, Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Nghị quyết này tiếp tục khẳng định: “Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật - xã hội ở nông thôn theo chuẩn do Bộ chủ quản quy định, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi…”(3).
Trên cơ sở những nghị quyết, chủ trương, định hướng lớn của Trung ương và Tỉnh ủy về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, những năm qua, Bến Tre đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu khả quan trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông.
Về kết cấu hạ tầng thuỷ lợi
Xác định thủy lợi là một trong những vấn đề quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, Bến Tre đã từng bước xây dựng được hệ thống các công trình thuỷ lợi quan trọng như: cống đập Ba Lai, nạo vét toàn tuyến sông Ba Lai, hệ thống thủy lợi Cầu Sập, hệ thống đê biển Bình Đại, đê bao ven sông ở huyện Chợ Lách... Nhìn chung, các công trình thuỷ lợi khi đưa vào hoạt động bước đầu đã phát huy tác dụng trong việc ngăn mặn, chống lũ, dẫn ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích thâm canh tăng vụ, cải tạo vườn tạp, tăng năng suất cây trồng, cung cấp nước sinh hoạt và kết hợp với giao thông nông thôn. Riêng năm 2012, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 68 tỷ đồng để xây dựng, tu bổ, sửa chữa các trạm bơm, cống đập, nạo vét kênh mương phục vụ tưới tiêu với tổng chiều dài trên 425km. Thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy, đến nay tại 25 xã điểm về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, hệ thống thủy lợi so với bộ tiêu chí đạt khá tốt từ 80% trở lên.
Về kết cấu hạ tầng giao thông
Trong xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, sau khi cầu Rạch Miễu (kết nối tỉnh Bến Tre và tỉnh Tiền Giang), cầu Hàm Luông được hoàn thành, đưa vào sử dụng, về cơ bản đã phá thế biệt lập giữa Bến Tre với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các công trình này giúp Bến Tre có điều kiện mở rộng giao lưu với nhiều tỉnh, thành trong vùng và cả nước, tạo cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Hiện nay, cầu Cổ Chiên (kết nối tỉnh Bến Tre và tỉnh Trà Vinh) đang trong quá trình xây dựng. Trên địa bàn tỉnh, từ thành phố Bến Tre về các huyện, nhiều tuyến đường bộ cũng đang được đầu tư xây dựng như: các cầu trên quốc lộ 57 thuộc địa phận huyện Chợ Lách; 10 cầu trên tuyến tỉnh lộ 883 thuộc địa phận huyện Bình Đại (đến nay đã có 3 cầu được đưa vào sử dụng); các cầu trên tuyến tỉnh lộ 888 từ thị trấn huyện Mỏ Cày Bắc đến huyện Mỏ Cày Nam và huyện Thạnh Phú; các đường tránh, các đường vành đai ở thành phố Bến Tre và các huyện cũng đang được thi công và từng bước đưa vào hoạt động.
Ở nhiều vùng nông thôn, hàng loạt cầu khỉ đã được thay thế bằng cầu bê tông, cầu thép không gian, cầu cáp treo. Qua đó giúp cho việc sản xuất, giao thương, đi lại của người dân được thuận lợi, dễ dàng hơn. Riêng năm 2012, toàn tỉnh đã xây dựng mới được gần 38.724km đường xã và trục xã; 5.639km đường từ xã đến ấp, liên ấp; 106.893km đường từ ấp đến xóm, liên xóm với tổng kinh phí đầu tư khoảng 220 tỷ đồng (trong đó tỉnh đầu tư 107,422 tỷ đồng, còn lại là huy động từ các nguồn đóng góp khác).
Hạn chế và thách thức
Có thể khẳng định, hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi và giao thông ở Bến Tre những năm qua được chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển và bước đầu đã phát huy tác dụng trong việc tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên xét về tổng thể, kết cấu hạ tầng thủy lợi và giao thông ở Bến Tre hiện vẫn còn nhiều hạn chế.
Về hệ thống thuỷ lợi, hạn chế rõ nét nhất là tình trạng nhiều công trình phục vụ tưới tiêu, ngăn mặn, trữ ngọt, chống lũ chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt của nhân dân, chưa ngang tầm với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Ngày nay, thủy lợi không còn đơn thuần chỉ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà mang tính tổng hợp rất cao, hướng đến phục vụ cho nhiều đối tượng, nhiều ngành nghề, nhiều mục tiêu khác nhau. Mặt khác, do tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển ngày một dâng cao, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền. Trong khi đó, hệ thống đê biển, đê sông, hệ thống cống điều tiết nhằm ngăn mặn, giữ ngọt cũng như hệ thống thuỷ lợi nội đồng hiện vẫn chưa hoàn chỉnh. Đây là một trong những thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sinh hoạt của người dân Bến Tre, nhất là tại các huyện ven biển.
Trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nhìn chung vẫn còn nhiều công trình thiếu tính kết nối đồng bộ; chất lượng một số công trình chưa bền vững, xuống cấp nhanh; công tác quản lý, khai thác, sử dụng còn yếu, hiệu quả thấp. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn do nguồn ngân sách của tỉnh còn nhiều hạn chế. Qua hơn một năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, riêng đối với 25 xã điểm mặc dù được tỉnh tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng đến nay việc xây dựng giao thông nông thôn ở đây mới chỉ đạt 13% so với bộ tiêu chí. Nhìn chung, kết cấu hạ tầng giao thông và thủy lợi ở Bến Tre hiện nay vẫn chưa thật sự tạo ra động lực thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do tư duy về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chậm đổi mới, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; công tác quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng còn yếu; vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng còn hạn chế, phân bổ còn dàn trải; chưa huy động được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; công tác quản lý về đầu tư còn nhiều bất cập…
Định hướng, một số giải pháp xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông đến năm 2020
Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” đã nhấn mạnh: “Kết hợp phát triển hạ tầng giao thông đường bộ với phát triển một số lĩnh vực khác như thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu; kết hợp giữa phát triển giao thông với xây dựng nông thôn mới”(4). Ngày 4-5-2012, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình hành động số 15 CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Cùng với việc triển khai thực hiện Quyết định số 1397/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25-9-2012 về việc “Phê duyệt Quy hoạch thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng”, dưới sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre xác định quan điểm: “Phát huy nội lực và sử dụng tốt mọi nguồn lực, tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững,… Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, nền công nghiệp công nghệ cao; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp tạo ra các sản phẩm mũi nhọn có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, tiến tới hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao”(5). Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Bến Tre nhấn mạnh trong những năm tới cần tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi và giao thông, xem đây là khâu đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Xây dựng và phát triển hệ thống thủy lợi
Tỉnh sẽ tập trung vào các công trình thủy lợi trọng điểm như: hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi ngăn lũ, triều cường, ngăn mặn, trữ ngọt, chống hạn, chống úng, phấn đấu đến năm 2015 bảo đảm chủ động tưới tiêu cho khoảng 80% diện tích canh tác; trong đó, ưu tiên triển khai xây dựng các công trình thuộc hệ thống thuỷ lợi Bắc Bến Tre (cống Giao Hoà, Thủ Cửu, Định Trung, Bến Tre, Sơn Đốc 2), hệ thống thuỷ lợi cống Cái Quao (thuộc Dự án thuỷ lợi Hương Mỹ giai đoạn II); Dự án cấp nước ngọt khu vực Cù lao Minh; hệ thống đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái huyện Chợ Lách; xây dựng, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống đê biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú; khu neo đậu trú bão ở 3 huyện ven biển,... Tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư cơ bản hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi Bắc Bến Tre và hệ thống thuỷ lợi vùng Nam Bến Tre vào năm 2020; từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi nội đồng, góp phần bảo đảm chủ động nguồn nước ngọt phục vụ khoảng 100.000 ha cây trồng các loại và 46.000 ha nuôi trồng thủy sản trong trong mùa khô.
Xây dựng và phát triển hệ thống giao thông đường bộ
Với định hướng chung đến năm 2020 là phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh gắn kết với mạng lưới giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Chương trình hành động số 15 CTr/TU của Tỉnh ủy Bến Tre xác định: Đến cuối năm 2015, có ít nhất 25 xã có đường giao thông nông thôn đạt chuẩn xã nông thôn mới. Mở rộng, nâng cấp các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng; các tuyến đường tỉnh hiện hữu đạt cấp IV đồng bằng; phát triển mới 7 tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng; có 100% xã có đường giao thông nông thôn đạt chuẩn xã nông thôn mới; xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông thuỷ, các cảng đầu mối, bến bốc xếp hàng hoá theo quy hoạch. Trước mắt, tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương tiếp tục triển khai các công trình giao thông trọng điểm như: cầu Cổ Chiên, cầu Chợ Lách, cầu Ván, 3 cầu trên Quốc lộ 57, 10 cầu trên đường tỉnh 883, đường từ Cảng Giao Long đến đường Nguyễn Thị Định; hoàn thành cầu Bến Tre 1, tuyến tránh thị trấn Giồng Trôm; chuẩn bị các điều kiện để triển khai xây dựng cầu Phong Nẫm, cầu Hoàng Lam.
Để thực hiện các công trình trọng điểm nêu trên đòi hỏi phải có một nguồn vốn đầu tư rất lớn. Tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2012- 2015 dự kiến khoảng 53.300 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương chiếm khoảng 30%; ngân sách tỉnh (gồm: ngân sách địa phương, hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ,…) chiếm khoảng 24%; phần còn lại được huy động từ các nguồn vốn khác. Giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến nhu cầu vốn khoảng 64.000 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương chiếm khoảng 35%; ngân sách tỉnh chiếm khoảng 20%; phần còn lại huy động từ các nguồn vốn khác.
Một số giải pháp
- Tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước (cả Trung ương và địa phương) ưu tiên bố trí cho những dự án, công trình mang tính đột phá, có sức lan toả lớn, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển bền vững. Song song đó, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đầu tư, thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bằng các phương thức như: BOT, BTO, BT, hợp tác công - tư (PPP).
- Thông qua sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương để tiếp cận đối tác, vận động tài trợ nguồn vốn ODA, nhất là đối với những công trình hạ tầng quan trọng có nhu cầu vốn lớn. Đồng thời, tăng chi thường xuyên cho hoạt động duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng đã đầu tư, bảo đảm hiệu quả sử dụng lâu dài.
- Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn thông qua triển khai tốt công tác xúc tiến đầu tư; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư; làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, chính sách và môi trường đầu tư để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng thực hiện theo phương châm: “Huy động nguồn lực trong dân, trong cộng đồng là quyết định; huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp là quan trọng; ngân sách Nhà nước là cần thiết”. Tiếp tục phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với các phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, “Nhân dân làm, Nhà nước thưởng” “Xây dựng nông thôn mới”…
- Đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển khoa học và công nghệ nhằm nâng cao số lượng, chất lượng các phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật phục vụ yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi.
- Tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đồng thời tăng cường hợp tác với các tỉnh vùng ven biển để khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh và từng địa phương trong vùng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tham nhũng./.
------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Tỉnh ủy Bến Tre, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ IX nhiệm kỳ 2010 - 2015, tháng 11-2010, tr 45.
(2) Sđd, tr 116.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Tỉnh ủy Bến Tre, Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, tr 5.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2012, tr 65.
(5) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2020 (http://www.bentre.gov.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=10953&Itemid=244)
Hội nghị thượng đỉnh G8: Ba chữ T một chữ S  (25/06/2013)
Thực hiện quyền con người ở Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế  (25/06/2013)
Thực hiện quyền con người ở Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế  (25/06/2013)
Tạo điều kiện, cơ hội giảm nghèo cho trẻ em người dân tộc thiểu số  (25/06/2013)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương  (24/06/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên