Góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Liên bang Nga
TCCSĐT - Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép (Dmitry Medvedev), tối 12-5-2013 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Việt Nam đã đến thủ đô Mát-xcơ-va, bắt đầu chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 12 đến ngày15-5-2013.
Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn tại sân bay có Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga I-go Mo-gu-lốp (Igor Morgulov), Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam An-đrây Cốp-tun (Andrey G. Kovtun); Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Phạm Xuân Sơn; các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga. Ngay khi đến thủ đô Mát-xcơ-va, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã đến dâng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Liên bang Nga nhằm khẳng định sự coi trọng và mong muốn không ngừng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga; tiếp tục thực hiện cơ chế trao đổi đoàn các cấp giữa hai nước; thông báo cho nhau tình hình chính trị - kinh tế, chính sách đối ngoại của mỗi nước; trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi năm ngoái, hai bên đã ký kết một loạt văn kiện, thoả thuận và chương trình hợp tác nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc phát triển quan hệ Việt-Nga. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ góp phần hiện thực hóa các thỏa thuận đã đạt được giữa nguyên thủ quốc gia hai nước.
Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép sẽ thảo luận và ký kết một số thỏa thuận mới nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị - xã hội, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại, khoa học, giáo dục,…. Cụ thể, hai bên sẽ thoả thuận các biện pháp nhằm nâng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân; tiếp tục hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của các doanh nghiệp Nga trên thềm lục địa Việt Nam phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thống nhất thành lập Đại học Công nghệ Việt - Nga tại Hà Nội; khuyến khích hợp tác giữa các địa phương của hai nước; trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm,...
Năm 2012 đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Liên bang Nga với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Trong thời gian qua, hai nước đã trao đổi nhiều đoàn các cấp, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, đặc biệt là Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, đối thoại chiến lược ngoại giao - quốc phòng - an ninh thường niên, tham vấn chính trị định kỳ giữa hai Bộ Ngoại giao. Hai nước đã phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế, đặc biệt tại Liên hợp quốc và trong khuôn khổ các diễn đàn khu vực như APEC, ASEAN, ASEM, EAS,... Quan hệ kinh tế - thương mại phát triển năng động với kim ngạch thương mại hai chiều trong 3 tháng đầu năm 2013 đạt 734 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 418 triệu USD, nhập khẩu đạt 216 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm điện thoại; hàng may mặc; nông, thủy, hải sản; các mặt hàng nhập khẩu chính từ Nga gồm xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại,...
Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã tăng liên tục, đạt 2,5 tỷ USD năm 2011, tăng 25% so với năm 2010 và đạt 3,6 tỷ USD trong năm 2012, tăng 20% so với năm 2011. Có được sự tăng trưởng như vậy trước hết phải kể đến quyết tâm cao của lãnh đạo hai nước; sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, việc hành lang pháp lý thương mại ngày càng hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi, buôn bán giữa hai nước. Hai bên thường xuyên duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại, thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt - Nga, công nhận lẫn nhau có nền kinh tế thị trường và đang đàm phán thành lập Khu vực mậu dịch tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước Liên minh thuế quan gồm Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan. Ngoài ra, sự năng động và chủ động của các doanh nghiệp hai nước cũng góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại song phương. Hai bên đều nhận thấy tiềm năng hợp tác kinh tế còn rất lớn. Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp, thủy sản, may mặc,… trong khi các doanh nghiệp Nga có lợi thế về dầu khí, khóang sản, công nghiệp chế biến,….
Thực tế cho thấy, hàng hóa của Việt Nam đã và đang được người tiêu dùng tại thị trường Liên minh thuế quan ưa chuộng. Bên cạnh đó, môi trường hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan sẽ được cải thiện đáng kể, mở ra triển vọng thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, thăm dò và khai thác dầu khí, khai khóang, chế biến khóang sản, công nghiệp nhẹ,…Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp cận được những thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện đại từ các nước Liên minh thuế quan có cơ sở hạ tầng khoa học phát triển và công nghệ kỹ thuật cao, có khả năng cạnh tranh với nhiều nước tiên tiến khác. Đây là cơ sở thuận lợi để Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Việc ký kết FTA cũng sẽ giúp giải quyết đáng kể vấn đề việc làm cho lao động Việt Nam và phát triển dịch vụ du lịch khi các quy định về đi lại được đơn giản hóa. Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu về lực lượng lao động bổ sung, kể cả lao động có tay nghề cao, cho các nước Liên minh thuế quan.
Đối với các nước Liên minh thuế quan, ngoài những lợi ích trực tiếp trong hợp tác sâu rộng với Việt Nam, về lâu dài, các nước này sẽ có cơ hội và điều kiện thâm nhập sâu hơn vào thị trường khu vực Đông Nam Á rộng lớn, giàu tiềm năng, trước hết là thị trường các nước ASEAN thông qua việc xúc tiến đàm phán FTA giữa ASEAN và Liên minh thuế quan. Việc Nga cấp khoản tín dụng 10 tỷ USD cho Việt Nam để thực hiện những dự án có quy mô lớn trong những năm tới sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể kim ngạch thương mại song phương. Tính đến ngày 20-4, Nga đứng thứ 18/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 93 dự án và có tổng số vốn đăng ký là 2,07 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam sang Nga tăng nhanh trong những năm qua, hiện Việt Nam có 16 dự án đầu tư sang Nga với tổng số vốn trên 1,7 tỷ USD...
Với mong muốn thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Liên bang Nga, chúng ta hy vọng, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là một động lực đưa mối quan hệ này ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn với nhiều nội hàm phong phú, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước./.
Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo lấy phiếu tín nhiệm  (12/05/2013)
Giữa tiếp tục và thay đổi  (12/05/2013)
Tập trung thảo luận về tăng trưởng xanh và giảm nghèo  (12/05/2013)
Giãn thời gian điều chỉnh học phí năm học mới  (12/05/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên