Từ “kịch bản Ben-ga-di” đến “cách mạng nhung” ở Vê-nê-xu-ê-la
TCCSĐT - Sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia Vê-nê-xu-ê-la tuyên bố quyền Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô giành thắng lợi với ưu thế sít sao trong cuộc bầu cử vừa qua, các lực lượng đối lập đã kích động phong trào phản kháng phi bạo lực và không công nhận kết quả bầu cử, thực chất là đòi phế truất Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô vừa được bầu, theo kịch bản “Cách mạng Nhung” ở Gru-di-a năm 2003 và kịch bản “Cách mạng Cam” ở U-crai-na năm 2004.
Từ “kịch bản Ben-ga-di”...
Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" ngày 01-10-2012, lâu nay các văn phòng của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Mỹ La-tinh đã nổi danh là các trung tâm tình báo, âm mưu làm suy yếu các chính phủ hợp pháp tại một số quốc gia ở khu vực này. USAID đang chứa chấp các điệp viên của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, từng đóng vai trò quan trọng trong tất cả các cuộc đảo chính tại Mỹ La-tinh; cung cấp tài chính, kỹ thuật và ủng hộ về tư tưởng cho các lực lượng đối lập. USAID cũng thường tìm cách can dự với các lực lượng vũ trang và các cơ quan thực thi pháp luật, tuyển dụng các điệp viên trong các lực lượng này để sẵn sàng giúp phe đối lập khi có cơ hội.
Vừa qua, ở các mức độ khác nhau, tất cả các nhà lãnh đạo cánh tả ở Mỹ La-tinh đều cảm thấy sức ép của USAID. Cố Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết đã từng là mục tiêu số 1 trong danh sách những nhân vật mà USAID cần loại bỏ.
Theo nhiều nguồn tin nước ngoài, sau thắng lợi của phương Tây lật đổ chế độ cầm quyền của nhà lãnh đạo Mu-a-mua Ca-đa-phi (Muammar Gaddafi), “kịch bản Ben-ga-di”- một loại hình công nghệ chính trị kích động bạo loạn ở thị trấn Ben-ga-di, mở đầu cuộc can thiệp từ bên ngoài vào Li-bi, đã được một số thế lực trên thế giới nghiên cứu áp dụng để thay đổi chế độ cầm quyền tại một số quốc gia thuộc khu vực Mỹ La-tinh, trước hết là trong cuộc bầu cử tổng thống ở Vê-nê-xu-ê-la vào tháng 10-2012.
Để chuẩn bị cho kịch bản này, Mỹ đã sử dụng tàu ngầm nguyên tử đột nhập vào vùng biển Vê-nê-xu-ê-la nhằm khiêu khích nước này. Bộ Chỉ huy Hải quân Vê-nê-xu-ê-la đã phát hiện sự hiện diện của một “tàu ngầm lạ” và tiến hành truy đuổi. “Kẻ đột nhập” này đã nhanh chóng tẩu thoát vì có lợi thế chạy với tốc độ khá cao. Tuy nhiên Hải quân Vê-nê-xu-ê-la đã không mắc bẫy. Họ chỉ truy đuổi mà không nổ súng. Giới phân tích thạo tin nhận định, “tàu ngầm lạ” đó chính là một trong các tàu ngầm nguyên tử của Mỹ .
Đây không phải là lần đầu tiên tàu ngầm nguyên tử của Mỹ hoạt động gần bờ biển Vê-nê-xu-ê-la. Tháng 4-2002, trước khi xảy ra vụ đảo chính ở Vê-nê-xu-ê-la, trên một chiếc tàu ngầm của Mỹ hoạt động ở khu vực này đã diễn ra cuộc gặp của đại diện các lực lượng đảo chính với các nhân viên thuộc Cục Tình báo Quân sự Mỹ để phối hợp hành động. Tháng 9-2005, tàu ngầm nguyên tử của Mỹ mang tên “USS Virginia” đã hiện diện tại vùng biển Ca-ri-bê trong suốt 70 ngày liền.
Những năm về sau, tàu ngầm nguyên tử của Mỹ đã nhiều lần xâm phạm lãnh hải của Vê-nê-xu-ê-la để khảo sát đặc điểm của “chiến trường tương lai”, hoàn thiện chiến thuật nhằm vô hiệu hóa không quân và hải quân của “đối phương”, tiến hành chiến dịch tung các lực lượng thám báo, biệt kích cũng như chuyên chở vũ khí cho các lực lượng "nổi dậy" ở Vê-nê-xu-ê-la. Đồng thời, các cuộc diễn tập tàu ngầm của Mỹ trong vùng lãnh hải giáp với Vê-nê-xu-ê-la đã khẳng định dự báo của các chuyên gia quân sự rằng, Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch nhằm lật đổ Chính phủ của cố Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết, trong đó sức mạnh quân sự là một thành phần quan trọng nhất.
Rô-gơ Nô-ri-éc-ra (Roger Noriegra), cựu Đại sứ của Mỹ ở Tổ chức các nước châu Mỹ, đã tung tin về “sự ra đi tất yếu” của cố Tổng thống U-gô Cha-vết trong năm 2012 và do đó Mỹ cần phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với “những ngày bão táp” trong thời kỳ chuyển tiếp. Trên trang web “Inter American Security Watch”, Rô-gơ Nô-ri-éc-ra đã đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ lập một nhóm công tác gồm đại diện các nước Tây bán cầu nhằm “ngăn chặn sự hỗn loạn ở Vê-nê-xu-ê-la do sự đối đầu giữa lực lượng đối lập với những người ủng hộ Tổng thống U-gô Cha-vết”. Theo cựu Đại sứ của Mỹ ở Tổ chức các nước châu Mỹ, sự can thiệp của quân đội Mỹ vào công việc nội bộ của Vê-nê-xu-ê-la là “cần thiết” để duy trì "nền dân chủ thực sự" và ngăn chặn mọi nỗ lực duy trì quyền lực của những người ủng hộ Tổng thống U-gô Cha-vết. Mỹ đã chọn thành phố Ma-ra-cai-bô làm căn cứ để thực hiện “kịch bản Ben-ga-di” ở Vê-nê-xu-ê-la.
Đại sứ quán Mỹ ở Vê-nê-xu-ê-la đã từng duy trì các cuộc tiếp xúc bí mật với một số nhân vật chính trị trong khu vực Ma-ra-cai-bô, cung cấp tài chính cho họ và phối hợp chương trình hành động chống chính phủ. Ma-nu-en Rô-xa-lét (Manuel Rosales), người đứng đầu bang Ma-ra-cai-bô trước đây vốn là đối thủ cạnh tranh với ông U-gô Cha-vết trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2006 ở Vê-nê-xu-ê-la. Sau khi bị thất bại, y đã chạy ra nước ngoài do bị buộc tội tham nhũng. Hiện nay bang này nằm dưới quyền quản lý của một nhân vật có tên là Páp-lô Pê-rét (Paplo Peres), một kẻ nát rượu và nghiện ma tuý, từng “lọt vào mắt xanh” của các cơ quan tình báo nước ngoài và được họ đánh giá là nhân vật thích hợp để thực hiện "công thức Ben-ga-di” ở Vê-nê-xu-ê-la.
Páp-lô Pê-rét được cung cấp các đoạn băng ghi hình dàn dựng sẵn về cảnh tượng những người ủng hộ Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la “trấn áp dân chúng nổi dậy”. Kịch bản tiếp sau đó là kích động để làm dấy lên “phong trào nổi dậy”, thành lập chính phủ lâm thời và đưa ra tối hậu thư đối với cố Tổng thống U-gô Cha-vết cũng như các lực lượng ủng hộ ông, đồng thời kêu gọi bên ngoài giúp đỡ về mặt quân sự. Cách làm này không khác gì “kịch bản Ben-ga-di” ở Li-bi.
Nhờ những nỗ lực mạnh và tinh thần cảnh giác cao độ, Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la đã phát huy mọi khả năng để ngăn chặn “kịch bản Ben-ga-di”, trong đó có sự giúp đỡ của các đồng minh chiến lược của họ ở khu vực này. Thắng lợi trong cuộc bầu cử công khai, dân chủ, minh bạch được tổ chức ngày 7-10-2012 của ứng cử viên đồng thời là đương kim Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết đã làm thất bại một trong những âm mưu can thiệp của nước ngoài.
…tới kịch bản “Cách mạng Nhung”
Chỉ vài giờ sau khi tin Tổng thống U-gô Cha-vết qua đời, các tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ đã gửi đơn đề nghị Cục Tình báo Trung ương và Bộ Ngoại giao Mỹ công bố các tài liệu có liên quan về kế hoạch loại bỏ Tổng thống U-gô Cha-vết. Đại diện của các tổ chức thuộc “Civil Justice Fund”, “Answer Coalition” và báo “Liberation” đã yêu cầu công bố tất cả các tài liệu, thư từ, hình ảnh, băng ghi hình và các văn kiện ngoại giao có liên quan đến các kế hoạch loại bỏ cố Tổng thống U-gô Cha-vết, trong đó không loại trừ khả năng ông bị đầu độc.
Trước đó, Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la cũng đã đề nghị tiến hành điều tra về tình trạng bệnh tật của Tổng thống U-gô Cha-vết để làm rõ một vấn đề: liệu ông có bị đầu độc bằng một loại hóa chất đặc biệt gây ung thư hay không? Trong gần 2 năm qua, theo kết quả chuẩn đoán của các chuyên gia y tế, ngoài cố Tổng thống U-gô Cha-vết còn có 3 tổng thống các nước Mỹ La-tinh là Tổng thống Pa-ra-goay, ông Phéc-nan-đô Lu-gô (Fernando Lugo); Tổng thống Bra-xin, ông Lu-ít Lu-la Đơ Xin-va (Luis Inacio Lula da Silva) và Tổng thống Ác-hen-ti-na, bà Cri-xti-na Phéc-nan-đét Đơ Kít-xnơ (Cristina Fernandez de Kirchner), đều cùng một lúc mắc bệnh ung thư.
Tân Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô trước những người ủng hộ chào mừng ông đắc cử. |
Ngay sau khi có tin Tổng thống U-gô Cha-vết qua đời, trong khi người dân nhiều nước ở Mỹ La-tinh cũng như trên thế giới chưa kịp chia sẻ nỗi thương tiếc với người dân Vê-nê-xu-ê-la thì các lực lượng đối lập ở quốc gia này đã được một số phương tiện thông tin đại chúng ở phương Tây tiến hành chiến dịch thông tin trên quy mô lớn, đưa tin thất thiệt về “những thất bại trong tiến trình cải cách ở Vê-nê-xu-ê-la” hay về "sự kết thúc của nhà lãnh đạo chuyên chế". Ngoài ra, một số phương tiện thông tin đại chúng ở phương Tây còn liên tục đưa tin, bài nhằm làm lu mờ ảnh hưởng của cố Tổng thống U-gô Cha-vết và hạ thấp uy tín của người kế nhiệm ông, quyền Tổng thống Ni-cô-lát Ma-du-rô.
Trên các đường phố của thành phố Ma-ra-cai-bô, trung tâm của lực lượng đối lập và được coi là "Trung tâm kịch bản Ben-ga-di tại Vê-nê-xu-ê-la", một số thành viên tích cực trong lực lượng đối lập đã gây nên các vụ hỗn loạn trên đường phố và trong các siêu thị; sử dụng máy ghi hình để ghi lại cảnh tượng hỗn loạn này và kết hợp với một số hình ảnh về hoạt động gây rối do họ tự dàn dựng ở một số địa phương khác để tạo nên hình ảnh "phong trào nổi dậy của dân chúng". Hoạt động này tạo tiền đề cho phong trào "Cách mạng Nhung" sẽ được tổ chức sau cuộc bầu cử tổng thống ở Vê-nê-xu-ê-la một khi ứng cử viên Ên-ri-kê Ca-pri-lết (Henrique Capriles) thất bại. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la đã trục xuất 2 nhân viên quân sự làm việc tại Đại sứ quán Mỹ là Đa-vít Đen Mô-na-cô (David Del Monaco) và Đép-lin Cốt-ta-lê (Debline Kostale) vì “đã tham gia vào các hoạt động gây bất ổn tình hình ở Vê-nê-xu-ê-la”.
Như đã được dự báo trước, ngay sau khi Hội đồng Bầu cử quốc gia Vê-nê-xu-ê-la công bố kết quả kiểm phiếu, theo đó ứng cử viên và là quyền Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la, ông Ni-cô-lát Ma-du-rô, giành thắng lợi với 50,7 % số phiếu bầu, so với 49,1% số phiếu của ứng cử viên đối lập Ên-ri-kê Ca-pri-lết, những người ủng hộ phe đối lập đã tổ chức các cuộc biểu tình trước cửa Hội đồng Bầu cử quốc gia để phản đối kết quả này và đòi kiểm phiếu lại. Những người biểu tình còn đốt phá các trụ sở của Đảng Xã hội thống nhất Vê-nê-xu-ê-la và nhiều cơ sở công cộng khác. Trước tình hình này, lực lượng an ninh của Vê-nê-xu-ê-la đã có mặt để ngăn chặn các hành động bạo lực tiếp diễn.
Cảnh sát Vê-nê-xu-ê-la sử dụng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình chống tân Tổng thống Ni-cô-lát Ma-du-rô. |
Như vậy, các lực lượng đối lập ở Vê-nê-xu-ê-la đang phối hợp với các thế lực phản động từ bên ngoài ráo riết tiến hành cuộc “Cách mạng Nhung” như đã từng diễn ra ở Gru-di-a (năm 2003) và U-crai-na (năm 2004), không để cho tân Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô vừa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lên cầm quyền ở Vê-nê-xu-ê-la.
Trước tình hình đó, ngày 16-4-2013, tân Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô đã ra tuyên bố rằng, phe đối lập phải chịu trách nhiệm về các vụ biểu tình chống lại kết quả bầu cử khiến 7 người thiệt mạng và 61 người khác bị thương. Trong một chương trình truyền hình, Bộ trưởng Bộ tư pháp Vê-nê-xu-ê-la, ông Nê-xtô Rê-vê-rôn (Nestor Reverol) đã cáo buộc ông Ên-ri-kê Ca-pri-lết với rất nhiều tội danh, trong đó có tội nổi loạn và âm mưu đảo chính. Tân Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô cũng cáo buộc Mỹ đứng đằng sau các vụ bạo động này vì chính Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố họ không công nhận kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống ở Vê-nê-xu-ê-la ngày 14-4 vừa qua nếu từng phiếu bầu không được kiểm lại theo yêu cầu của ông Ên-ri-kê Ca-pri-lết.
Trong một buổi gặp mặt tại trụ sở chính của Công ty dầu mỏ Quốc gia, ông Ni-cô-lát Ma-đu-rô khẳng định: "Đại sứ quán Mỹ đã hỗ trợ tài chính và dẫn dắt tất cả các hoạt động bạo lực vừa qua". Tổng thống đắc cử Ni-cô-lát Ma-đu-rô kêu gọi những người ủng hộ ông đổ xuống các đường phố tại thủ đô Ca-ra-cát vào ngày 17-4-2013. Động thái này đã làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột giữa những người biểu tình phản đối kết quả bầu cử với lực lượng của ủng hộ ông Ni-cô-lát Ma-du-rô.
Không chỉ là “Cách mạng Nhung”
Ngoài chiêu thức sử dụng “Cách mạng Nhung” - một biện pháp công khai lật đổ chế độ cầm quyền của chính phủ các quốc gia “không thân thiện”, một số thế lực trên thế giới từ lâu đã theo đuổi chủ trương sát hại cá nhân các nhà lãnh đạo và các chính khách ở nhiều nước có tư tưởng đi ngược lại “các giá trị dân chủ phương Tây”.
Nhân sự kiện cố Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết qua đời do một căn bệnh ung thư chưa rõ nguồn gốc, quyền Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô đã lưu ý người dân Vê-nê-xu-ê-la rằng, từ những năm 1940, ở Mỹ đã từng xây dựng các phòng thí nghiệm khoa học đặc biệt chuyên nghiên cứu về các tác nhân gây bệnh ung thư và trong suốt 70 năm qua, họ đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này. Bản thân cố Tổng thống U-gô Cha-vết cũng đã từng nhiều lần lưu ý về xu hướng đáng lo ngại này
Năm 2011, nhân sự kiện phát hiện 3 nhà lãnh đạo Nam Mỹ bất ngờ bị mắc bệnh ung thư, cố Tổng thống U-gô Cha-vết đã nhận định rằng, đây là hậu quả từ âm mưu phá hoại của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vốn lâu nay đang thực hiện kế hoạch chiến lược nhằm loại bỏ nguyên thủ các nước không đáp ứng các lợi ích của Mỹ. Sau đó không lâu, các bác sĩ phát hiện cố Tổng thống U-gô Cha-vết cũng bị mắc căn bệnh ung thư.
Một thực tế đáng lo ngại rằng, trong khoảng 3 - 4 năm gần đây, những nhà lãnh đạo phong trào cánh tả ở Mỹ La-tinh có tư tưởng “không thân thiện” với Mỹ đều bị bệnh ung thư. Tính đến nay đã có tới 10 nhà lãnh đạo cao nhất của các nước Mỹ La-tinh bị mắc bệnh ung thư. Đó là, (1) Cố Tổng thống Ác-hen-ti-na Ra-un An-phôn-tin (Raul Alfonsin), chết vì ung thư năm 2009; (2) Tổng thống Ác-hen-ti-na, Nê-xtô Kít-xnơ (Nestor Kirchner), phát hiện ung thư ruột kết năm 2010; (3) đương kim Tổng thống Ác-hen-ti-na, Cri-xti-na Phéc-nan-đét Đơ Kít-xnơ (Cristina Fernandez de Kirchner), phát hiện ung thư tuyến giáp năm 2011; (4) đương kim Tổng thống Pê-ru, Ôn-lan-ta Hu-ma-la (Ollanta Humala), phát hiện ung thư ruột kết năm 2011; (5) Cố Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la, U-gô Cha-vết, chết vì ung thư tuyến tiền liệt năm 2011; (6) nguyên Tổng thống Bra-xin, Lu-la Đơ Xin-va (Lulla da Silva), ung thư thanh quản năm 2011; (7) đương kim Tổng thống Bra-xin, Đin-ma Ru-xép (Dilma Rousseff), phát hiện ung thư hệ bạch huyết năm 2009; (8) Nguyên Tổng thống Pa-ra-goay, Phéc-nan-đô Lu-gô (Fernando Lugo), ung thư bạch huyết năm 2010; (9) đương kim Tổng thống Bô-li-va, Ê-vô Mô-ra-lét (Evo Morales), ung thư khoang mũi năm 2009; (10) nguyên Tổng thống Cô-lôm-bi-a, Giu-an Xan-tôt (Juan Santos), ung thư tuyến tiền liệt năm 2012.
Nhiều nhà nghiên cứu và bình luận ở Mỹ nhận xét rằng, những “sự trùng lặp” này thoạt nhìn có vẻ cục bộ và đơn lẻ nhưng tập hợp lại cho thấy một xu hướng rất đáng lo ngại. Đó là, một số thế lực đã và đang theo đuổi âm mưu sử dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ cao vào mục đích sát thương không để lại dấu vết, thể hiện ở những căn bệnh gây chết người một cách chậm chạp nhưng chắc chắn nhằm vào các đối thủ là các lãnh đạo các quốc gia “không thân thiện” với Mỹ.
Tiến sĩ Ke-vin Ba-rét (Kevin Barret), chuyên gia nghiên cứu về hoạt động khủng bố cho biết, Thượng nghị sĩ Mỹ Lin-xây Gra-ham (Lindsey Graham) gần đây tiết lộ, CIA đã từng sát hại 4.700 đối thủ chính trị ở các nước khác nhau, trong đó có cả các chính khách người Mỹ. Theo ông, ngân sách quân sự hiện nay của Mỹ là gần 600 tỷ USD, lớn hơn tổng ngân sách quân sự của cả Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa và EU, tuy nhiên đó cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bởi trong đó không bao gồm các loại "quỹ đen" đầu tư cho các công nghệ cao giống như công nghệ gây ra bệnh ung thư ở 10 nhà lãnh đạo hàng đầu ở Mỹ La-tinh.
Các nhà nghiên cứu ở Mỹ như Uy-li-am Blum (William Blum) và Cuốc Nim-mô (Kurt Nimmo), cũng như các nhà báo chuyên theo dõi tình hình Vê-nê-xu-ê-la như Xtê-phan Len-đơ-man (Stephen Lendman), đã từng khẳng định rằng, hiện tượng nhiều nhà lãnh đạo Mỹ La-tinh bị bệnh ung thư đồng loạt không phải là chuyện ngẫu nhiên bởi đều nhằm vào nguyên thủ những nước theo đuổi chính sách không đáp ứng lợi ích của Mỹ.
Ông Pôn Rô-béc Cra-gơ (Paul Roberts Craig), nguyên trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ, tác giả của chính sách kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Rô-nan Ri-gân (Ronald Reagan), đã từng nhận định: "Mỹ phải chịu trách nhiệm về cái chết mới đây của Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la cũng như căn bệnh ung thư của nhiều nhà lãnh đạo ở Mỹ La-tinh. Các nước châu Mỹ sẽ không bao giờ quên điều đó bởi U-gô Cha-vết là một công dân vĩ đại nhất của Mỹ La-tinh kể từ thời Xi-môn Bô-li-va (Simon Bolivar), đã bị Mỹ sát hại. Các nước Mỹ La-tinh cũng đã từng biết đến các buổi điều trần ở Quốc hội Mỹ về âm mưu của CIA muốn đầu độc nhà lãnh đạo Cu-ba Phi-đen Ca-xtrô (Fidel Castro). Về câu chuyện này, Ủy ban Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã có báo cáo chính thức gửi Tổng thống Mỹ Giôn Ken-nơ-đi (John Kennedy) mà cả thế giới đã được biết đến trên mạng Internet".
|
Ông Pôn Rô-béc Cra-gơ: "Mỹ phải chịu trách nhiệm về cái chết mới đây của Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la cũng như bệnh ung thư của nhiều nhà lãnh đạo ở Mỹ La-tinh”. |
Trên thực tế, nhà lãnh đạo Cu-ba Phi-đen Ca-xtrô là một người vô địch trong việc chống lại âm mưu sát hại của CIA. Theo số liệu công bố năm 2006, nhà lãnh tụ Phi-đen Ca-xtrô đã vượt qua 637 lần ám sát, trong đó có nhiều vụ có sự tham gia trực tiếp của CIA. Sau khi thất bại trong một chiến dịch mưu sát nhà lãnh đạo Phi-đen Ca-xtrô, Tổng thống Mỹ Giôn Ken-nơ-đi đã phải đưa ra nhận xét mỉa mai: "Chính tôi đã từng ra lệnh giết hại Phi-đen Ca-xtrô mặc dù tôi chưa bao giờ nghĩ rằng phải sát hại ông ta"./.
Cứu bất động sản như thế nào cho hiệu quả?  (01/05/2013)
Festival Nghề truyền thống Huế 2013: Nhiều sân chơi hấp dẫn và thu hút khách du lịch  (01/05/2013)
Các hoạt động kỷ niệm Chiến thắng 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5  (01/05/2013)
Quảng Ngãi: Hỗ trợ 805 triệu đồng cho ngư dân bị nạn  (01/05/2013)
Tân Thủ tướng Triều Tiên tập trung nhiều vào kinh tế  (01/05/2013)
Liên hợp quốc chưa đạt được thỏa thuận về điều tra ở Syria  (01/05/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên