Tình hình phát triển kinh tế 4 tháng đầu năm diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn đang phải chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình kinh tế tháng 4 được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực.

Về sản xuất nông nghiệp, trong tháng 4 tiếp tục có sự phát triển ổn định. Trọng tâm của sản xuất nông nghiệp trong tháng là tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở các địa phương phía Nam. Tính đến 15-4-2013, cả nước đã gieo cấy được 3120,4 nghìn héc-ta lúa đông xuân, bằng 101,4% cùng kỳ năm trước.

 

Cùng với việc thu hoạch lúa đông xuân, tính đến giữa tháng 4, cả nước gieo trồng được 445,4 nghìn héc-ta ngô, bằng 98,5% cùng kỳ năm trước; 81,8 nghìn héc-ta khoai lang, bằng 96,4%; 154,8 nghìn héc-ta lạc, bằng 99%; 60 nghìn héc-ta đậu tương, bằng 113,4%; 484,7 nghìn héc-ta rau đậu, bằng 109,4%.

 

Về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành tháng 4 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Một trong những chuyển biến rõ nét của cả nền kinh tế từ đầu năm đến nay, đó là thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Tính đến ngày 20-4, cả nước thu hút được gần 8,22 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 17% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, số vốn đăng ký mới ước 4,87 tỷ USD, tăng 14,6% so cùng kỳ năm trước; số vốn xin tăng thêm là hơn 3,34 tỷ USD của 121 lượt dự án. So với số liệu cùng thời điểm tháng 3, số vốn FDI đăng ký mới và xin tăng vốn đã tăng 2,19 tỷ USD. Trong số 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới vào Việt Nam 4 tháng đầu năm nay, Xinh-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 2300,8 triệu USD, chiếm 47,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Liên bang Nga 1015,2 triệu USD, chiếm 20,8%; Nhật Bản 656,2 triệu USD, chiếm 13,5%; Thái Lan 298,1 triệu USD, chiếm 6,1%; Hàn Quốc 132,9 triệu USD, chiếm 2,7%...

 

Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, trong tháng 4-2013, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 9,7 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD. Như vậy, trong tháng 4, cả nước bất ngờ nhập siêu tới 1 tỷ USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 39,46 tỷ USD, tăng 16,9% cùng kỳ 2012. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 40,18 tỷ USD, tăng 18%. Tính chung, nhập siêu cả nước 4 tháng lên tới 722 triệu USD. Riêng khu vực vốn FDI vẫn xuất siêu 3,76 tỷ USD.

 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 213,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 849,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,6%.

 

Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4-2013 chỉ tăng 0,02% so với tháng trước, tăng 2,41% so với tháng 12-2012 và tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng năm nay tăng 6,83% so với bình quân cùng kỳ năm 2012. Trong tháng 4 các nhóm hàng hóa và dịch vụ, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 3,62% (dịch vụ y tế tăng 4,51%). Các nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng nhẹ gồm: Giao thông tăng 1,2%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,45%... Chỉ số giá tháng này tăng chủ yếu do ảnh hưởng của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và giao thông. Mức tăng của giá dịch vụ y tế góp vào chỉ số giá chung cả nước là 0,2%; giá xăng dầu tăng 2,21% đóng góp vào CPI chung là 0,08%...

 

Với những kết quả về phát triển kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2013, có thể thấy, kinh tế mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có nhiều điểm sáng, đã và đang phục hồi. Đây là tiền đề quan trọng để cả nước tiếp tục nỗ lực tạo nên thành công trong những tháng còn lại của năm 2013./.