TCCSĐT - Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là lúc những giá trị đạo đức trong xã hội có nhiều thay đổi, đạo đức xã hội mới đang dần được thiết lập, một số nét đạo đức xã hội cũ không còn hoàn toàn phù hợp. Chính vì thế, đạo đức đòi hỏi phải được quan tâm xây đắp. Trong yêu cầu chung đó, đặt ra yêu cầu về tuyên truyền, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam, tạo cơ sở để thiết lập những giá trị mới về chuẩn mực đạo đức trong xã hội thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Vai trò điều chỉnh hành vi của đạo đức

Nói về vai trò của đạo đức và việc rèn luyện đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” (1). Thực vậy, cái ác, cái xấu là kẻ thù của đạo đức, nhưng nó thường ẩn giấu bên trong con người, thậm chí đội lốt ngay trong cái vỏ đạo đức. Hơn nữa, đó là “giặc nội xâm”, là kẻ thù bên trong nên vừa nguy hiểm, vừa khó phát hiện. Phương thuốc đặc hiệu nhất để phòng và chống kẻ thù vô hình này là phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức. Bởi vậy, mỗi người chúng ta phải tự ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức trong suốt cuộc đời; coi tu dưỡng đạo đức là một việc làm như rửa mặt hằng ngày.

Đối với người phụ nữ, tu dưỡng đạo đức là một phần để làm nên nét đẹp cho họ. Nếu không có những phẩm chất đạo đức tốt, họ như những bông hoa không có hương thơm. Trong lịch sử, xã hội luôn giành một vị trí xứng đáng cho phụ nữ Việt Nam và khẳng định rõ những đóng góp của phụ nữ đối với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ xưa đến nay, xã hội luôn đề cao, tôn vinh những người phụ nữ có phẩm chất đạo đức với chuẩn mực: công - dung - ngôn - hạnh, phong tục tập quán của Việt Nam cũng gắn bó mật thiết với tín ngưỡng thờ Mẫu. Suốt mấy nghìn năm lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã tiếp nối truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đóng góp to lớn cho công cuộc dựng nước và giữ nước. Họ cũng để lại những giá trị đạo đức tốt đẹp mà xã hội ngày nay vẫn đang cố gắng duy trì, phát huy là: thông minh, linh hoạt để ứng phó với hoàn cảnh tự nhiên, sự mưu trí, anh dũng, bất khuất để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, luôn khát vọng, ước mơ vươn tới sự bình đẳng trong xã hội, cần cù, chăm chỉ, khéo léo, lo toan, đoàn kết, nhân ái nghĩa tình, thủy chung, bao dung, độ lượng, vị tha, sự nhẫn nại, sáng tạo…

Những đức tính xấu của phụ nữ thường bị xã hội lên án như ích kỷ, đố kỵ, xét nét, an phận, tự ti, nhẹ dạ cả tin, thiển cận, hẹp hòi… dù thường được gắn với phụ nữ nhưng đó cũng chính là thói xấu chung của người Việt Nam. Dân gian thường nói “Đức hiền tại mẫu”; “Cây xanh thì lá cũng xanh, cha mẹ hiền lành để phúc cho con” - thể hiện sự ảnh hưởng lớn lao của người phụ nữ đối với việc hình thành tính cách thế hệ trẻ ở nước ta - một đất nước mà người phụ nữ có vai trò lớn trong gia đình.

Vì thế, tuyên truyền, giáo dục đạo đức cho người phụ nữ được xem như là một trong những cách hữu hiệu để điều chỉnh hành vi đạo đức của cả xã hội.

Thực trạng đạo đức phụ nữ hiện nay và việc tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam 

Thực trạng đạo đức trong xã hội Việt Nam hiện nay đang có những vấn đề bất cập. Đó là thực trạng cái xấu và cái tốt đang lẫn lộn. Có những giá trị đạo đức đã là chuẩn mực từ ngàn đời giờ trở thành lạc lõng, có những giá trị trước đây không được chấp nhận giờ lại thành chuẩn mực cho mọi người noi theo.

Phụ nữ Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn. Đánh giá về những khó khăn, thách thức đối với phụ nữ trong giai đoạn hiện nay, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã chỉ rõ: “Phụ nữ gặp nhiều khó khăn thách thức khi thực hiện vai trò người mẹ, người thầy đầu tiên của con người trong điều kiện xã hội và gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi. Phẩm chất đạo đức và một số giá trị truyền thống tốt đẹp có phần bị mai một, lối sống thực dụng có xu hướng phát triển trong một bộ phận phụ nữ”. Trong bối cảnh xã hội đang có nhiều thay đổi, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để phán xét và thực hiện theo những hành vi đạo đức tốt. Một số biểu hiện lệch chuẩn của phụ nữ Việt Nam hiện nay trở nên phổ biến đến mức khiến cho xã hội phải giật mình. Năm 2012, vụ phanh phui đường dây bán dâm động trời của một loạt các hoa hậu, siêu mẫu đang làm cho dư luận phải đặt ra câu hỏi lớn về ý nghĩa thật sự đằng sau danh hiệu “hoa hậu”. Trong 5 năm trở lại đây, hiện tượng những nữ sinh đánh nhau, tung clip sex, ảnh nóng trở nên phổ biến đến mức nhiều em cho rằng đó chính là thước đo chứng minh sự nổi tiếng và giá trị của mình. Hiện tượng những phụ nữ làm nghề cao quý như giáo viên, bác sĩ nhưng lại có những hành vi đáng lên án như ngoại tình, bạo hành trẻ em, nhận tiền hối lộ, vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của người khác,… đã trở nên khá phổ biến. Một điều đáng buồn là những vụ việc đó dù bị xã hội lên án nhưng sau một thời gian lại nhanh chóng bị bỏ quên hoặc được chấp nhận, tha thứ...

Những vụ việc vi phạm sẽ bị xử lý bởi pháp luật, tuy nhiên, có những giá trị mà pháp luật không thể trừng trị mà chỉ có thể bị phán xử bởi lương tâm của xã hội và bản thân mỗi người. Nếu đạo đức không thực hiện được sự điều chỉnh hành vi của con người thì dần dần xã hội trở nên bàng quan, thờ ơ với cái xấu, cái ác và đến lúc nào đó, điều này sẽ tác động ngược đến pháp luật, kéo lùi những giá trị tiến bộ.

Chính vì lẽ đó, việc tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam trở nên rất cần thiết. Thực hiện mục tiêu đó, tháng 3-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 343 - QĐ/CP về tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước (giai đoạn 2010 - 2015). Đề án 343 ra đời nhằm bảo tồn những giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam; phát huy, bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức mới cho phù hợp với thời kỳ CNH, HĐH đất nước.

Trong Đề án, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đúc kết và tổng hợp được 4 chuẩn mực đạo đức cần thiết của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Đó là: Tự tin (tin vào bản thân mình, sẵn sàng vượt lên trên định kiến giới, dám nghĩ, dám làm, dám tin vào khả năng thành công của mình); Tự trọng (coi trọng phẩm giá, danh dự của bản thân mình); Trung hậu (trung thành, trung thực, nhân hậu); Đảm đang (người phụ nữ đảm đang việc nhà, giỏi giang trong gánh vác công việc trong gia đình).

Những phẩm chất trên sẽ tác động làm cho cộng đồng nhìn nhận được những phong tục, tập quán tốt đẹp. Tự tin - giúp cho quan niệm trọng nam khinh nữ bị đào thải, giúp hình thành quan niệm mới về bình đẳng giới. Tự trọng - giúp con người nhìn nhận đúng sai, dám tự vấn bản thân, tuân theo những chuẩn mực của cộng đồng. Trung hậu - giúp bồi đắp thêm phong tục nhân ái, vị tha, cao thượng - vốn là truyền thống tốt đẹp của xã hội Việt Nam, là phẩm chất muôn đời cần thiết để người phụ nữ Việt Nam khẳng định sự nhân văn của mình. Đảm đang - giúp người phụ nữ phát huy được vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, đảm đang thời đại ngày nay nghĩa là không ôm đồm công việc, mà người phụ nữ đảm đang phải là người biết lôi kéo các thành viên trong xã hội và gia đình cùng tham gia công việc chung; biết sắp xếp thời gian chu toàn việc nhà, việc nước, chăm sóc cho bản thân… Đây là những giá trị mà xã hội hiện đại đang vươn tới.

4 chuẩn mực - tứ đức này với những giá trị mang dấu ấn thời kỳ CNH, HĐH đang chờ để được xã hội thẩm định và chấp nhận hoặc điều chỉnh. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, những phẩm chất đạo đức này là điều kiện cần có để làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

“Tứ đức” mới của phụ nữ Việt Nam cũng có giá trị điều chỉnh hành vi, hỗ trợ việc thực thi pháp luật. Dù pháp luật Việt Nam đã có Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình,… tuy nhiên, không phải lúc nào pháp luật cũng có thể can thiệp vào mọi lĩnh vực của đời sống. Chính những lúc như thế, đạo đức phải có mặt. Phẩm chất tự tin giúp cho người phụ nữ có ý thức về bản thân, về bình đẳng giới, giúp bảo vệ quyền và lợi ích, góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. Phẩm chất tự trọng giúp cho người phụ nữ ý thức rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mình với gia đình, xã hội, góp phần cải thiện tình trạng ngoại tình, suy thoái đạo đức trong một bộ phận phụ nữ hiện nay, đồng thời, nó cũng góp phần giúp cho người phụ nữ có ý thức trang bị những kỹ năng sống cần thiết cho bản thân, biết phân biệt đúng, sai và lựa chọn hạnh phúc. Phẩm chất trung hậu nhắc nhở người phụ nữ về tình thương, sự nhân ái, bao dung và tinh thần tương trợ cho cộng đồng. Phẩm chất đảm đang là chìa khóa để người phụ nữ toàn vẹn trong cuộc sống gia đình và sự nghiệp.

Có quan điểm cho rằng Đề án 343 là một hình thức để trói buộc người phụ nữ vào định kiến. Cách hiểu đó không đúng, bởi chỉ khi người phụ nữ sống đúng, cư xử trong phạm vi chuẩn mực đạo đức cho phép thì giá trị của họ được nâng lên; họ được pháp luật bảo vệ và chính họ góp phần cải biến xã hội theo hướng tiến bộ, tích cực hơn, thúc đẩy bình đẳng giới.

Đặt ra vấn đề về đạo đức, chúng ta đang nói đến nền tảng tinh thần của một xã hội, một đất nước, một dân tộc - điều mà nếu thiếu đi thì chúng ta không thể phát triển một cách bền vững dù cho kinh tế của chúng ta tăng trưởng nhanh chóng đến đâu. Đặt ra vấn đề hình thành đạo đức mới, chúng ta đang nói đến những chuẩn mực “chìm” rất khó thay đổi, điều chỉnh. Tuy nhiên, những phẩm chất đạo đức mà Đề án 343 định hướng cho phụ nữ Việt Nam được xây dựng trên cơ sở kế thừa những phẩm chất tốt đẹp mà Bác Hồ đã đúc rút từ phẩm chất truyền thống và dành tặng cho phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”. Đó là cơ sở để tin rằng 4 phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” sẽ được phụ nữ, xã hội Việt Nam chấp nhận./.
-----------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 9, tr. 293