Bất bình đẳng giới ở thế giới giàu

Lan Hương
18:50, ngày 08-03-2013
TCCSĐT - Người từng đoạt Nô-ben kinh tế, ông P. Xa-mu-en-sơn (Paul Samuelson), cho rằng, sự phân biệt giới trong thu nhập giữa nam và nữ còn có thể tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tiêu cực. Nhiều kết quả nghiên cứu, khảo sát mới được công bố đã khẳng định nhận định này.

Bất bình đẳng giới ở nhiều lĩnh vực

Theo một kết quả nghiên cứu của Cục Thống kê kinh tế Pháp (INSEE), sự chênh lệch về mức lương giữa nam và nữ diễn ra ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực, từ sản xuất đến dịch vụ, từ kỹ sư đến thương nhân. Sự cách biệt trong thu nhập giữa nam giới và nữ giới, một phần, do số phụ nữ làm việc bán thời gian cao hơn nam giới; phần khác, nhiều phụ nữ sẽ nghỉ việc hoặc nghỉ việc một thời gian để chăm sóc con cái và gia đình. Năng suất làm việc của họ, vì thế, cũng giảm xuống đáng kể và mức thu nhập không thể bằng đồng nghiệp nam.

Tại các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ nhân viên nữ thấp hơn 13% so với nhân viên nam, và, phụ nữ dễ chấp nhận làm việc bán thời gian hơn nam giới. Thêm vào đó, cùng một loại công việc, lương của nữ thấp hơn 16% so với nam. Trong các doanh nghiệp, số phụ nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo cũng chỉ chiếm 1/3, còn trong hội đồng quản trị, tỷ lệ này chỉ là 10%.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố nghiên cứu cho thấy, tình trạng bất bình đẳng trong lao động và thu nhập tại các công ty ở châu Âu đang tăng mạnh và xu hướng này còn tiếp tục khi ngày càng nhiều nước ở châu lục áp dụng các biện pháp khắc khổ và cải cách lao động do cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu. Sự phân biệt đối xử với các công nhân nữ càng rõ hơn trong điều kiện khủng hoảng; các công nhân nữ có nguy cơ bị sa thải cao hơn công nhân nam hoặc phải chịu mức lương thấp hơn. 

Ở một số nước giàu của thế giới, như Pháp, Nhật Bản, phụ nữ chỉ chiếm 10% đến 12% tổng số ghế trong nghị viện, trong khi đó, những nước thuộc tiểu vùng Xa-ha-ra châu Phi được xếp vào diện nghèo nhất trên thế giới thì tỷ lệ này là 13%; tại một số nước đang phát triển, như Nam Phi, Cu-ba và Trung Quốc, tỷ lệ phụ nữ tham chính trên 20%, trong khi đó, những nước được xếp vào loại tương đối giàu như Hy Lạp, Cô-oét, Hàn Quốc, Xin-ga-po,… chỉ đạt 5%, thậm chí còn thấp hơn. Môn-đô-va và Mông Cổ có chỉ số bình đẳng giới (GEI) đứng thứ hai trên thế giới nhưng lại là hai nước có mức thu nhập thấp. 

Bất bình đẳng giới gia tăng ở nhiều nước

Dù người đứng đầu Chính phủ Đức là một nữ thủ tướng, nhưng quốc gia này vẫn “trì trệ” nhất châu Âu trong vấn đề thực hiện bình đẳng giới. Bằng chứng được OECD đưa ra là, khoảng cách lương giữa nữ giới và nam giới ở Đức lớn hơn các nước châu Âu còn lại. Trung bình, lương của nữ giới thấp hơn 21,6% so với lương của nam giới - cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 16% của OECD. Ngoài ra, phụ nữ Đức giữ các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp chỉ chiếm 4%, trong khi mức trung bình của các nước OECD đã là 10%. 

Thụy Điển - quốc gia Bắc Âu đã rơi từ vị trí thứ nhất xuống vị trí thứ 4 trong bảng Chỉ số bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Bản báo cáo mới nhất về tình hình bình đẳng giới ở Thụy Điển đã chỉ ra nhiều vấn đề đáng lo ngại. Cả trong giáo dục và trên thị trường lao động, nam và nữ chưa hoàn toàn được bình đẳng. Số phụ nữ giữ vị trí giám đốc điều hành trong các công ty niêm yết chỉ là 8 trong số 269 công ty. Tuy Thụy Điển là nước có tỷ lệ phụ nữ có việc làm cao nhất thế giới, nhưng mức thu nhập trung bình của phụ nữ nước này vẫn thấp hơn nam 15%; khoảng 1/3 phụ nữ vẫn phải làm việc bán thời gian, do không tìm được công việc đầy đủ thời gian, hoặc do phải gánh vác nhiều trách nhiệm trong gia đình. Ngoài ra, ở Thụy Điển cả nữ và nam đều được nghỉ chế độ sinh con và nuôi con 480 ngày, nhưng trên thực tế, nam giới chỉ sử dụng 1/5 trong số ngày nghỉ chế độ này. Theo một bản báo cáo của Chính phủ, trong số công nhân cổ xanh có 50% phụ nữ làm việc bán thời gian và thường trong điều kiện làm việc không an toàn, trong khi con số này ở nam giới là 9%. Thu nhập của phụ nữ thậm chí còn bị giảm hơn nữa khi họ quyết định làm việc ít hơn để sinh con. Mâu thuẫn giữa công việc và chăm sóc con nhỏ đã khiến phụ nữ không thể độc lập về kinh tế và điều đó đã củng cố thêm cho quan niệm đàn ông là trụ cột kinh tế chính của gia đình. 

 Theo báo cáo của Tổng Công đoàn quốc tế (ITUC), ở châu Âu, trung bình phụ nữ thu nhập ít hơn 14,5% so với nam giới. Ở Mỹ, khoảng cách này là 22,4%, ở Ca-na-đa: 27,5%, ở Nhật Bản: 33,4%, Hàn Quốc: 31,5%. Khoảng cách này còn lớn hơn nữa ở nhiều nước châu Á và Mỹ La-tinh.
Tại Na Uy, Chính phủ Na Uy rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới và coi đó là một trong bốn vấn đề trọng tâm phát triển của đất nước. Là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép phụ nữ được tham gia bầu cử vào năm 1913 và có quyền ứng cử Quốc hội từ năm 1930, Na Uy cũng tự hào có Luật Bình đẳng giới ban hành từ năm 1979 với các điều khoản bảo đảm cho cả phụ nữ và nam giới được bình đẳng trong phát triển. Ví dụ, trong giáo dục, Luật Bình đẳng giới đề ra phụ nữ và nam giới có quyền bình đẳng trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mà không phân biệt tuổi tác. Tuy nhiên, Luật Bình đẳng giới mới chỉ nhằm tăng cường quyền lực của phụ nữ ngoài xã hội chứ chưa thực sự bênh vực họ trong gia đình vì không áp dụng trong gia đình. Trong thực hiện công việc nhà, phụ nữ không được trả lương và vẫn làm nhiều hơn nam giới; trong lĩnh vực quản lý nhà nước, nam giới vẫn chiếm 86% và trong chính quyền địa phương, tỷ lệ lãnh đạo là nam vẫn trên 70%; bạo hành vẫn xảy ra; mại dâm tuy được phép hoạt động nhưng vẫn còn tình trạng xâm hại tình dục,… Tất cả những hạn chế ấy đang là thử thách đối với đất nước này.

Tại Nhật Bản, một báo cáo chi tiết của cuộc nghiên cứu về khoảng cách giữa nam giới và nữ giới ở các vị trí điều hành cho thấy, Nhật Bản là quốc gia xếp hạng thấp nhất trong tất cả các quốc gia được khảo sát. Phụ nữ Nhật Bản trung bình làm việc toàn thời gian có thu nhập bằng 44% so với nam giới trung bình làm việc toàn thời gian. Trong 8 triệu lao động bán thời gian, có khoảng 90% là phụ nữ. Một cuộc khảo sát mới đây của Liên hợp quốc phát hiện ra rằng, chỉ có 10,7% các vị trí cấp cao của các công ty Nhật Bản và các tổ chức chính trị được giao cho nữ giới. 

Tại Ca-na-đa, một nghiên cứu của WEF đăng trên báo “Thư tín địa cầu” cuối năm 2012 cho biết, Ca-na-đa đã tụt 3 bậc, hiện xếp ở vị trí 21, sau Phi-líp-pin, Lát-vi-a, Cu-ba và Ni-ca-ra-goa, trong bảng xếp hạng về bình đẳng giới. Lần đầu tiên kể từ khi WEF bắt đầu công bố xếp hạng quốc gia thường niên về bình đẳng giới năm 2006, Ca-na-đa đã ra khỏi tốp 20 nước đứng đầu vì lý do “thiếu các đại diện nữ trong hệ thống chính trị”. Yếu tố khiến Ca-na-đa bị tụt bậc là vấn đề trao quyền chính trị cho nữ giới. Tỷ lệ phụ nữ Ca-na-đa tham gia trong các vị trí cấp cao của nhà nước, cấp bộ trưởng và nghị sĩ quốc hội ít được cải thiện trong năm qua so với nhiều nước khác. Riêng ở khía cạnh này, Ca-na-đa đã tụt xuống vị trí 38, sau Ê-cu-a-đo, Xri-lan-ca và Anh. 

Rõ ràng là, nếu dựa trên cơ sở các dữ liệu về bình đẳng giới trong tiếp cận và tham gia các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục và y tế mà WEF đang thực hiện để xếp hạng, thì con đường tiến tới bình đẳng giới quả thật còn rất dài và không ít chông gai./.