Đảng Cộng sản Phần Lan: Lịch sử hình thành và phát triển
TCCS- Trong lịch sử hơn 90 năm tồn tại và phát triển, Đảng Cộng sản Phần Lan đã có những đóng góp quan trọng đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cũng như sự đoàn kết các lực lượng dân chủ và tiến bộ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, Đảng Cộng sản Phần Lan đang nỗ lực tự đổi mới, củng cố tổ chức, xây dựng Đảng về mọi mặt với tư cách là một chính đảng cách mạng kiểu mới.
Lịch sử hình thành và phát triển
Lịch sử hình thành và phát triển Đảng Cộng sản Phần Lan có nguồn gốc từ Đảng Dân chủ xã hội Phần Lan.
Đảng Dân chủ xã hội Phần Lan được thành lập vào năm 1899 tại kỳ đại hội được tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ với tên gọi ban đầu là Đảng Công nhân Phần Lan. Năm 1903, Đảng Công nhân Phần Lan đổi tên thành Đảng Dân chủ xã hội Phần Lan và công bố Cương lĩnh đầu tiên. Chịu ảnh hưởng từ cuộc cách mạng năm 1905 ở Nga, trong Ban lãnh đạo của Đảng Dân chủ xã hội Phần Lan hình thành nên cánh tả cấp tiến, còn được gọi là “những người bôn-sê-vích”, đã từng liên lạc với lãnh tụ V.I. Lê-nin. Từ năm 1907, Đảng Dân chủ xã hội Phần Lan tham gia Nghị viện Phần Lan. Trong cuộc nội chiến ở Phần Lan những năm đó, cánh tả cấp tiến đứng về phía Cận vệ Đỏ Phần Lan, còn cánh hữu đứng về phía lực lượng bạch vệ, còn gọi là Quân đoàn Cận vệ Phần Lan. Trước tình thế này, cánh tả cấp tiến rút khỏi Đảng Dân chủ xã hội Phần Lan, một bộ phận đi vào hoạt động bí mật và sang hoạt động ở Nga.
Chịu ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, những người cánh tả cấp tiến trong Đảng Dân chủ xã hội Phần Lan đã biến cuộc nội chiến ở Phần Lan thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, giống như những người bôn-sê-vích và V.I. Lê-nin đã thực hiện ở Nga, lập nên Chính phủ xã hội chủ nghĩa Phần Lan và nước Cộng hòa Công nhân xã hội chủ nghĩa Phần Lan. Nước Cộng hòa Công nhân xã hội chủ nghĩa Phần Lan đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị với Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết (Liên Xô) vào ngày 1-3-1918 ở Pê-trô-grát.
Ngay sau cách mạng, nước Cộng hòa Công nhân xã hội chủ nghĩa Phần Lan phải bước vào cuộc nội chiến trong vùng do Chính phủ kiểm soát ở các khu công nghiệp phía Nam, trong khi đó những người theo bạch vệ (phản cách mạng) kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn với dân cư thưa thớt ở phía Bắc. Được sự hỗ trợ từ các lực lượng bên ngoài của các nước tư bản Tây Âu, trước hết là Đức, lực lượng bạch vệ đã mở cuộc tiến công vào lực lượng của Chính phủ xã hội chủ nghĩa Phần Lan. Do không thể nhận được sự ủng hộ tối cần thiết từ những người bôn-sê-vích Nga lúc đó cũng đang phải đối mặt với sự bao vây, phong tỏa của các lực lượng phản động từ nhiều nước đế quốc muốn bóp chết chính quyền Xô-viết còn non trẻ ở Nga, nên những người bôn-sê-vích Phần Lan đã phải chịu thất bại. Hàng trăm người bôn-sê-vích Phần Lan và hàng ngàn người trong Đảng Dân chủ xã hội Phần Lan trở thành nạn nhân của một cuộc “khủng bố trắng” hết sức dã man. Những người còn lại trong cánh tả cấp tiến của Đảng Dân chủ xã hội Phần Lan phải lánh nạn sang hoạt động ở Nga.
Ngày 29-8-1918, tại Đại hội thành lập Đảng được tổ chức ở Mát-xcơ-va, những người bôn-sê-vích Phần Lan đã nhất trí thành lập Đảng Cộng sản Phần Lan.
Sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Phần Lan vẫn phải hoạt động trong vòng bí mật, còn Ban Chấp hành Trung ương phải “đóng đô” tại Pê-trô-grát (Nga), thành phố sau này đổi tên thành Lê-nin-grát dưới thời chính quyền Xô-viết.
Tháng 5-1920, Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Phần Lan đã được thành lập dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Phần Lan. Lo ngại sự trở lại của Đảng Cộng sản Phần Lan dưới hình thức Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Phần Lan, tháng 8-1923, Chính phủ Phần Lan ra lệnh giám sát hoạt động của tất cả các đảng viên của Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Phần Lan, kể cả các đảng viên là thành viên Quốc hội Phần Lan. Trong năm đó, Đảng Cộng sản Phần Lan bị Chính phủ tuyên bố đưa ra ngoài vòng pháp luật, báo chí của Đảng bị cấm xuất bản. Nhiều đảng viên bị bắt. Năm 1928, diễn ra một đợt bắt bớ các thành viên tích cực của lực lượng cánh tả và các đảng viên Đảng Cộng sản Phần Lan hoạt động bí mật. Một đợt bắt bớ và đàn áp các đảng viên Đảng Cộng sản Phần Lan lại tiếp tục vào những năm 1930 - 1933. Gần 10 năm hoạt động bí mật, Đảng Cộng sản Phần Lan chỉ hoạt động công khai vào năm 1944 sau khi Chính phủ Phần Lan ký Hiệp ước hòa bình với Chính phủ Liên Xô sau khi Hồng quân Liên Xô đã giải phóng Phần Lan khỏi ách chiếm đóng của phát-xít Đức.
Thời kỳ Chiến tranh lạnh được coi là “giai đoạn vàng” của Đảng Cộng sản Phần Lan. Trong những năm 1944 đến năm 1979. Các đảng viên Đảng Cộng sản Phần Lan đã từng được bổ nhiệm vào một số chức vụ trong nội các nước này. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ giành được ghế Thủ tướng hoặc Tổng thống Phần Lan. Đến giữa những năm 60 thế kỷ XX, Đảng Cộng sản Phần Lan có khoảng 40.000 đảng viên, chiếm 1,44% người đến tuổi lao động ở Phần Lan. Đảng Cộng sản Phần Lan nhận được sự giúp đỡ về tài chính của Đảng Cộng sản Liên Xô trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Bắt đầu từ giữa thập niên 60 thế kỷ XX, trong nội bộ Đảng Cộng sản Phần Lan xuất hiện mâu thuẫn, từ đó Đảng bị chia rẽ thành phái đa số và phái thiểu số, hình thành hai xu hướng phát triển. Phái đa số chủ trương đường lối độc lập, tự chủ và vì thế từ giữa thập niên 70 bắt đầu ngả sang lập trường của phong trào “Chủ nghĩa cộng sản châu Âu” - một trào lưu cải cách do một số đảng cộng sản khởi xướng, tuyên bố tìm kiếm con đường mới đi lên chủ nghĩa xã hội, khác với con đường mà Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã lựa chọn, tuyệt đối hóa con đường dân chủ nghị trường để giành chính quyền, chủ trương đa nguyên chính trị, đa nguyên tư tưởng và đa nguyên kinh tế; xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình của từng nước v.v.. Phái thiểu số giữ lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về cách mạng xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Mâu thuẫn giữa hai phái đa số và thiểu số, cũng như mâu thuẫn giữa hai xu hướng phát triển trở nên gay gắt vào giữa thập niên 80. Tại Đại hội bất thường của Đảng Cộng sản Phần Lan được tổ chức vào tháng 10-1985, phái đa số đã khai trừ phái thiểu số khỏi Ban Chấp hành Trung ương, sau đó khai trừ 8 trên tổng số 17 đảng bộ ra khỏi Đảng, làm cho Đảng Cộng sản Phần Lan bị phân liệt. Năm 1986, phái thiểu số thành lập Đảng Cộng sản Phần Lan thống nhất, tự coi mình là người kế thừa Đảng Cộng sản Phần Lan trước đây. Còn Đảng Cộng sản Phần Lan của phái đa số tồn tại đến đầu năm 1990 thì tuyên bố chấm dứt hoạt động và gia nhập Liên minh Cánh tả.
Tháng 11-1994, Đảng Cộng sản Phần Lan thống nhất tổ chức Đại hội, trong đó mời 13 đoàn đại biểu các đảng cộng sản và cánh tả trên thế giới tham dự. Tại Đại hội, Đảng tuyên bố là một chính đảng độc lập, tự chủ, tập hợp tất cả những người cộng sản trước đây và lấy lại tên cũ là Đảng Cộng sản Phần Lan. Tháng 2-1997, Đảng Cộng sản Phần Lan đăng ký hoạt động chính thức và sang năm 1998, lần đầu tiên Đảng Cộng sản Phần Lan tham gia tranh cử với tư cách độc lập tại cuộc bầu cử Quốc hội Phần Lan.
Hiện nay, Đảng Cộng sản Phần Lan có trên 5.000 đảng viên, có tổ chức đảng ở 14 địa phương với 200 tổ chức cơ sở. Ban lãnh đạo của Đảng bao gồm Ban Chấp hành Trung ương có 60 người, Bộ Chính trị có 13 người. Chủ tịch Đảng là đồng chí Y-ri-ô Ha-ka-nen, Phó Chủ tịch Đảng là đồng chí Ri-it-ta Tin-gia, Tổng Bí thư Đảng là đồng chí An-tô Vi-ta-ne-mi.
Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Phần Lan
Các văn kiện có tính chất cương lĩnh của Đảng Cộng sản Phần Lan luôn xác định rõ đường lối chung của Đảng là xây dựng và phát triển hơn nữa mặt trận các lực lượng tiến bộ trong cuộc đấu tranh chống tư bản độc quyền, đấu tranh đòi mở rộng các quyền dân chủ của nhân dân lao động, tạo điều kiện để chuyển dần lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Đảng Cộng sản Phần Lan kiên trì đấu tranh cho hòa bình và an ninh ở Bắc Âu, châu Âu cũng như trên toàn thế giới, có ảnh hưởng tích cực đến việc thi hành chính sách đối ngoại hòa bình và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Phần Lan đã từng có đảng viên của mình tham gia Hội nghị quốc tế của các đảng cộng sản và công nhân được tổ chức trong những năm 1957, 1960, 1969, 1976 và cuộc gặp gỡ Pa-ri năm 1980 của các đảng cộng sản và công nhân châu Âu. Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Phần Lan bao gồm báo “Tin tức Nhân dân”, tuần báo “Người thông tin” và Tạp chí lý luận “Người Cộng sản”, đóng vai trò quan trọng trong công tác tư tưởng và tổ chức của Đảng.
Tại Đại hội lần thứ XXIII được tổ chức vào tháng 5-2001, Đảng Cộng sản Phần Lan đã thông qua Cương lĩnh mang tên “Hợp tác và liên minh vì dân chủ, sự phát triển công bằng và nhân đạo, chống chủ nghĩa tự do mới và chống quyền lực của tư bản tài phiệt”. Cương lĩnh mới của Đảng Cộng sản Phần Lan đề ra phương hướng hoạt động chính trị của Đảng, trong đó nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản Phần Lan chủ trương xây dựng Phần Lan và thế giới không chịu ảnh hưởng của thế lực đồng tiền, chiến tranh, nạn thất nghiệp, nạn bất bình đẳng và mối đe dọa hủy diệt môi trường. Mục tiêu hướng tới của Đảng Cộng sản Phần Lan là một xã hội Phần Lan dân chủ và thịnh vượng, một châu Âu dân chủ và đoàn kết, một nền văn minh nhân loại kiểu mới, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.
Đại hội sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng, trong đó khẳng định, Đảng Cộng sản Phần Lan lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng. Cương lĩnh được thông qua tại Đại hội lần này nêu rõ mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Phần Lan với những nội dung chủ yếu sau:
- Xây dựng chủ nghĩa nhân đạo, theo đó con người là mục đích của sự phát triển xã hội và là người sáng tạo lịch sử.
- Xác lập quyền của người lao động, các tập thể lao động sở hữu các thành quả lao động và phân chia chúng một cách công bằng.
- Xây dựng các hình thức sở hữu công cộng và tự quản đối với các tư liệu sản xuất quan trọng nhất.
- Xây dựng chính quyền nhân dân và chế độ tự quản rộng rãi, trong đó các quyền dân chủ như quyền tự do tư tưởng và ngôn luận, các cuộc bầu cử tự do, quyền bãi công và quyền hoạt động của các đảng và phong trào công dân là nền tảng.
- Thực hiện công ăn việc làm đầy đủ và bình đẳng nam nữ.
- Xây dựng mối quan hệ và ảnh hưởng hài hòa lẫn nhau giữa con người và thiên nhiên.
- Xây dựng một nền hòa bình công bằng và vĩnh cửu.
- Phát triển khoa học, kỹ thuật và văn hóa phục vụ lợi ích của con người và coi đó như một tài sản chung của toàn thể loài người.
Về đối ngoại, Đảng Cộng sản Phần Lan chủ trương:
- Đấu tranh chống quá trình nhất thể hóa trong Liên minh châu Âu (EU), chống chủ nghĩa tự do mới và quyền lực của tư bản độc quyền lũng đoạn.
- Phản đối Phần Lan tuân theo các tiêu chuẩn của Liên minh tiền tệ châu Âu (EMU) vì chúng đe dọa nhà nước phúc lợi.
- Đảng đề nghị một chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập và không liên kết về quân sự thay cho việc xây dựng chính sách an ninh và phòng thủ chung châu Âu.
- Tăng cường quan hệ giữa Đảng Cộng sản Phần Lan với các đảng cộng sản và đảng cánh tả trên thế giới. Cương lĩnh của Đảng nhấn mạnh, xây dựng một Đảng Cộng sản Phần Lan hành động kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế.
Một số đóng góp của Đảng Cộng sản Phần Lan
Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Phần Lan đã phải hoạt động trong điều kiện bí mật liên tục trong một thời gian dài 26 năm, từ năm 1918 đến 1944. Mặc dù vậy, Đảng Cộng sản Phần Lan vẫn kiên định con đường cách mạng đã lựa chọn, luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh vì sự phát triển dân chủ đất nước, đòi chính phủ thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với Liên Xô. Từ khi được phép hoạt động công khai, bằng đường lối đúng đắn, Đảng Cộng sản Phần Lan đã tập hợp được đông đảo quần chúng xung quanh và trở thành một trong những chính đảng chủ đạo trong đời sống chính trị đất nước. Đảng có ảnh hưởng mạnh trong các giới thợ luyện kim, xây dựng, đồ gỗ, thanh niên, sinh viên và giới trí thức trẻ.
Trong một thời gian khá dài, Đảng Cộng sản Phần Lan luôn giành được khoảng một phần tư trong tổng số ghế tại Quốc hội. Trong nhiều khóa, Đảng Cộng sản Phần Lan lấy danh nghĩa là Liên minh Nhân dân dân chủ Phần Lan để tham gia chính phủ. Đó là các khóa 1945 - 1948, 1966 - 1971, 1975 - 1976, 1977 - 1982. Liên minh này là một tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi của các lực lượng dân chủ do những người cộng sản, những người xã hội - dân chủ và những nhà hoạt động xã hội không đảng phái thành lập từ năm 1944. Thí dụ, năm 1979, tại cuộc bầu cử Quốc hội, Liên minh Nhân dân dân chủ Phần Lan đã giành được 17,9% số phiếu, giữ 35 ghế trong Quốc hội, trong đó Đảng Cộng sản Phần Lan giành được 29 ghế. Sau cuộc bầu cử đó, Chính phủ Phần Lan được thành lập gồm 17 bộ trưởng, thì Liên minh Nhân dân dân chủ Phần Lan giữ 3 ghế, trong đó người của Đảng Cộng sản Phần Lan giành được 2 ghế.
Quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam
Đảng Cộng sản Phần Lan và Đảng Cộng sản Việt Nam có mối quan hệ truyền thống hữu nghị. Những người cộng sản Phần Lan đã tích cực ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Đảng và nhân dân Việt Nam.
Thời kỳ đầu thập niên 90, do điều kiện khách quan, quan hệ giữa hai đảng chủ yếu thông qua trao đổi tài liệu, thông tin v.v.. Từ năm 1994, trong quan hệ giữa hai đảng bắt đầu có sự chuyển biến tích cực với việc cử các đoàn đại biểu sang dự một số đại hội của nhau, chia sẻ kinh nghiệm và ủng hộ lẫn nhau.
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam đã cử đoàn đại biểu tham gia Hội thảo quốc tế với chủ đề “Những kinh nghiệm và sự hợp tác của các lực lượng cánh tả và phong trào tiến bộ trong cuộc đấu tranh chống chính sách tự do mới tư nhân hóa”, do Đảng Cộng sản Phần Lan chủ trì. Những người cộng sản Phần Lan luôn bày tỏ tình cảm hữu nghị với Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, đánh giá cao thành tựu của công cuộc đổi mới, kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta và vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam trong phong trào cộng sản quốc tế hiện nay. Hai Đảng mong muốn củng cố và tăng cường quan hệ đoàn kết, hợp tác trên nhiều mặt, thúc đẩy mối quan hệ giữa Đoàn Thanh niên Cộng sản Phần Lan và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Phần Lan./.
"Phát huy hơn nữa vai trò hệ phát thanh quan trọng"  (06/09/2010)
Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Hạt nhân lãnh đạo thực hiện “Điện đi trước một bước”  (06/09/2010)
Mấy suy nghĩ về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam  (06/09/2010)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tới Cu-ba  (06/09/2010)
Bế mạc Hội nghị tham vấn chính sách Nghị viện các nước G20  (06/09/2010)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên