Khoa học công nghệ với quá trình đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp
Nhu cầu đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp
Hiện nay, ở nước ta theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trên 95% doanh nghiệp thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm khoảng 66% (phân theo tiêu chí lao động của Nghị định số 56/2009/NĐ-CP). Do quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, nhất là về vốn, nên phần lớn các doanh nghiệp tập trung vào việc đổi mới công nghệ hơn là các hoạt động nghiên cứu triển khai. Theo kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong giai đoạn từ 2007 đến 2010 thì xét trong tổng đầu tư cho hoạt động KHCN, tỷ trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu triển khai đã giảm mạnh từ 55,3% năm 2007 xuống chỉ còn 38,35% năm 2010. Trong khi đó, chi phí bình quân của mỗi doanh nghiệp cho việc đổi mới công nghệ đã không ngừng tăng lên cả về giá trị và tỷ trọng. Nếu năm 2007, bình quân một doanh nghiệp chỉ đầu tư khoảng 712 triệu đồng, chiếm 33% tổng mức đầu tư cho KHCN, thì đến năm 2010, mức chi phí cho đổi mới công nghệ đã tăng lên gấp 3 lần, đạt trên 2 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng mức đầu tư cho KHCN của doanh nghiệp. Một điều rất đáng lưu ý là các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng nguồn vốn tự có đầu tư cho hoạt động KHCN của doanh nghiệp. Tỷ lệ nguồn vốn của doanh nghiệp trong tổng nguồn vốn đầu tư cho KHCN không chỉ chiếm đa số mà còn có xu hướng ngày càng tăng lên, từ mức 75,89% năm 2007 lên đến 86,06% năm 2010. Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư cho hoạt động KHCN của doanh nghiệp từ nguồn vốn ngân sách ngày càng giảm, từ 15,06% năm 2007 xuống chỉ còn 8,48% năm 2010. Điều đáng suy nghĩ là toàn bộ các số liệu phân tích kể trên chỉ dựa trên số liệu được cung cấp bởi các doanh nghiệp tham gia trả lời về tình hình đầu tư cho KHCN của doanh nghiệp, mà số doanh nghiệp này chỉ chiếm không đến 0,2% tổng số doanh nghiệp được khảo sát. (Năm 2007 số doanh nghiệp trả lời về KHCN/Tổng số doanh nghiệp khảo sát là 271/155.771, năm 2010 là 509/290.767). Như vậy, còn khoảng 99,8% số doanh nghiệp khảo sát chưa quan tâm đến hoạt động KHCN trong doanh nghiệp hoặc chưa đủ sức đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.
Chính sự thờ ơ hoặc không đủ sức đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam đã là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng “Mặc dù cơ cấu hàng xuất khẩu có chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng hàng chế biến và chế tạo. Nhưng tới nay xuất khẩu sản phẩm thô vẫn là chủ yếu. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa vào lợi thế tự nhiên vốn có, chi phí thường cao và ngày càng cao do những lợi thế này bị xói mòn. Trong khi đó, giá cả trên thị trường thế giới của các sản phẩm này lại giảm nhanh trong những thập niên vừa qua làm cho hiệu suất xuất khẩu rất thấp, đóng góp cho tăng trưởng không đáng kể”(1). Cho đến nay, hàng hóa Việt Nam không chỉ khó khăn khi xuất khẩu mà còn bị lấn ép ngay trên sân nhà.
Những rào cản làm chậm tiến trình đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp
Nghiên cứu các nguyên nhân cản trở sự đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp ở Việt Nam, thực tiễn cho thấy:
1 - Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nên không đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới công nghệ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng xây dựng thuyết minh nhiệm vụ KHCN để tham gia tuyển chọn theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ. Phần lớn các dự án đầu tư đổi mới công nghệ dưới 10 tỷ đồng, trình độ công nghệ, thiết bị ở mức trung bình tiên tiến (so với công nghệ hiện có của doanh nghiệp). Các dự án mang tính chất cải tiến, hoàn thiện công nghệ sẵn có là chủ yếu. Ít dự án mang tính đổi mới, đột phá tạo ra sản phẩm công nghệ mới hoặc nâng cao hẳn trình độ công nghệ của doanh nghiệp mình.
2 - Khoảng 30% doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của hoạt động KHCN trong doanh nghiệp, đặc biệt là tổ chức nghiên cứu triển khai. Hầu hết chiến lược phát triển của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không có chiến lược phát triển KHCN.
3 - Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng không quan tâm tới nghiên cứu phát triển vì vấn đề này đã được thực hiện tại công ty mẹ. Các công ty này chỉ chú trọng khai thác nguồn nhân lực và nguyên liệu rẻ, thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp phụ trợ không thể phát triển được.
4 - Thiếu thông tin về các chính sách của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động KHCN; thiếu thông tin về công nghệ và thiết bị công nghệ gây khó khăn cho việc xây dựng và thực hiện dự án đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp.
5 - Cơ chế tài chính, cơ chế quản lý hoạt động khoa học bị hành chính hóa, không phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động phụ thuộc vào nhu cầu thị trường, còn việc tuyển chọn nhiệm vụ KHCN, cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ lại theo năm kế hoạch, vì vậy, khó gặp nhau.
6 - Mối liên kết ba nhà: nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước được nói đến nhiều, kêu gọi nhiều, nhưng không có các giải pháp khả thi để thực hiện.
7 - Thiếu thông tin và số liệu thống kê về hoạt động KHCN trong các doanh nghiệp.
8 - Quỹ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp chưa trở thành điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Cơ chế vận hành Quỹ còn nhiều khó khăn.
Đề xuất một số giải pháp
Để khắc phục các hạn chế kể trên, nên có một số giải pháp sau:
Một là, Nhà nước nên dành kinh phí hỗ trợ các nhà KHCN đi khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp để xây dựng các nhiệm vụ nghiên cứu khả thi sát với thực tế sản xuất - kinh doanh. Nên coi đây cũng là kinh phí đầu tư cho phát triển KHCN. Khi Bộ Khoa học và Công nghệ nhất trí, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hoàn toàn có thể đứng ra thực hiện vai trò “cầu nối” giữa các nhà KHCN và doanh nghiệp, tập hợp nhu cầu nghiên cứu, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm của các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ kinh phí cho các nhà khoa học khảo sát, xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu - phát triển.
Hai là, sau khi các nhiệm vụ KHCN được hình thành, các doanh nghiệp cần đầu tư kinh phí thông qua các hợp đồng kinh tế với các nhóm nghiên cứu để thực hiện. Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, Nhà nước nên hỗ trợ một phần kinh phí cho các đề tài/dự án KHCN của doanh nghiệp.
Ba là, Nhà nước nên đưa toàn bộ phần ngân sách nhà nước dành cho thực hiện các nhiệm vụ KHCN hằng năm vào Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (trích từ phần 2% tổng ngân sách nhà nước dành cho KHCN trừ đi phần lương của các cơ quan quản lý hoạt động KHCN và phần xây dựng cơ bản liên quan đến KHCN). Các nhiệm vụ KHCN sẽ được tuyển chọn và cấp kinh phí trong bất kỳ thời gian nào trong năm miễn là thỏa mãn các điều kiện quy định đối với một nhiệm vụ KHCN.
Bốn là, ưu tiên tuyển chọn các đề tài/dự án doanh nghiệp chủ trì hoặc tham gia với điều kiện:
- Doanh nghiệp cam kết có vốn đối ứng (Ví dụ: đề tài đối ứng 30%, dự án thử nghiệm đối ứng 70% tổng kinh phí);
- Có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để thực hiện đề tài/dự án (khuyến khích kết hợp thực hiện với các cơ sở nghiên cứu hoặc chuyên gia trong và ngoài nước);
- Cho phép chuyển ngay sang giai đoạn dự án thử nghiệm nếu đề tài kết thúc đạt kết quả tốt, có tính khả thi cao;
- Tiếp tục tài trợ cho doanh nghiệp sau khi dự án sản xuất thử nghiệm thành công để sản phẩm nghiên cứu thực sự trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh cao của doanh nghiệp;
Năm là, các doanh nghiệp nên thành lập Quỹ đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp toàn quyền sử dụng Quỹ này cho hoạt động KHCN của doanh nghiệp. Hằng năm, doanh nghiệp có nghĩa vụ báo cáo tình hình chi tiêu và hoạt động KHCN của Quỹ cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính./.
-------------------------------------
(1) Sách chuyên khảo: Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam, PGS, TS. Nguyễn Hữu Khải chủ biên, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2007
Nước Mỹ đối phó với tình hình nợ công  (13/02/2013)
Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương  (13/02/2013)
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường an toàn giao thông  (13/02/2013)
Hà Nội: Giữ vững an ninh trật tự trong Tết Quý Tỵ  (13/02/2013)
Tết ở “chân trời Tổ quốc”  (13/02/2013)
Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng  (13/02/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên