Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương

ThS. Nguyễn Hoàn Hải Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang
22:28, ngày 13-02-2013
TCCSĐT - Chính quyền địa phương là một bộ phận hợp thành của bộ máy nhà nước, có tư cách pháp nhân, được Hiến pháp và pháp luật công nhận. Chính quyền địa phương tồn tại ở một khu vực nằm trong quốc gia, vì mục đích quản lý và cung ứng dịch vụ công cho nhân dân địa phương.

Chính quyền địa phương Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng trong việc quyết định sự phát triển của địa phương, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chưa làm rõ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương để phát huy vị trí, vai trò của chính quyền địa phương.

Hiện nay, xu hướng của các nền hành chính hiện đại là nhằm vào việc khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của chính quyền địa phương. Chính quyền nhà nước trung ương chuyển giao lại cho họ những quyền tự quản theo nguyên lý của nhà nước pháp quyền, vì mục tiêu xã hội dân chủ, công bằng, văn minh cho mọi công dân. Tiêu biểu cho xu hướng này là bản Hiến chương châu Âu về chính quyền tự quản địa phương, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 09 năm 1988. Đến nay, bản Hiến chương đã được trên 30 nước châu Âu phê chuẩn và được các nước Trung Âu, Đông Âu sử dụng như một văn bản hướng dẫn về chính quyền địa phương trong hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan. Do tính phổ thông của phần lớn các điều khoản, bản Hiến chương châu Âu đã được Hiệp hội chính quyền địa phương quốc tế công nhận. Theo đó, các nguyên tắc cơ bản xác định quyền tự quản của chính quyền địa phương bao gồm:

- Tổ chức chính quyền địa phương phải trên cơ sở hiến định hoặc luật định;

- Quyền tự quản địa phương được hiểu là quyền và khả năng thực tế của chính quyền địa phương trong việc quản lý phần lớn những nhiệm vụ công theo khuôn khổ của pháp luật nhằm phục vụ lợi ích của dân cư địa phương;

- Việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý tốt nhất phải được giao cho những cơ quan công quyền gần dân nhất;

- Thẩm quyền đã được chuyển giao cho chính quyền địa phương chỉ có thể bị xem xét lại bởi một cơ quan quyền lực cấp quốc gia trong khuôn khổ của pháp luật;

- Chính quyền địa phương có quyền tự xác định cơ cấu tổ chức hành chính của mình trên cơ sở tuân thủ những quy định của các luật liên quan;

- Trong khuôn khổ các chính sách kinh tế quốc gia, chính quyền địa phương có quyền có được những nguồn tài chính riêng và đủ cần thiết, đồng thời được tự do sử dụng nguồn tài chính này để thực hiện những thẩm quyền được giao.

Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng chính quyền địa phương của các quốc gia trên thế giới, kiến nghị sửa đổi chương IX “Chính quyền địa phương” của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 như sau:

Thứ nhất, thống nhất sử dụng thuật ngữ “chính quyền địa phương” thay cho hai chủ thể quy định trong Hiến pháp 1992 là “Hội đồng nhân dân” và “Ủy ban nhân dân”. Bởi lẽ, chính quyền địa phương theo nghĩa rộng bao gồm các cơ quan công quyền nhà nước ở địa phương, còn theo nghĩa hẹp gồm có cơ quan dân cử - Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính ở địa phương - Ủy ban nhân dân. Vì vậy, chương IX “Chính quyền địa phương” theo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là cần thiết, hiểu theo nghĩa hẹp của nội hàm khái niệm “chính quyền địa phương”.

Thứ hai, về đơn vị hành chính lãnh thổ, Khoản 1, Điều 115 của Dự thảo Hiến pháp 1992 tiếp tục giữ quy định tại Điều 118 của Hiến pháp năm 1992: “Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện và thị xã; huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường, xã; quận chia thành phường”. Cần điều chỉnh lại về đơn vị hành chính trực thuộc thị xã, vì thị xã là một đơn vị hành chính địa phương cấp thứ hai ở Việt Nam, dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nên điều chỉnh lại: “tỉnh chia thành huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; thị xã, thành phố thuộc tỉnh chia thành phường, xã”. 

Thứ ba, về tổ chức chính quyền địa phương, Khoản 2, Điều 115 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới chính quyền địa phương. Dự thảo không quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp chính quyền địa phương trong Hiến pháp mà giao cho luật quy định: “Việc thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý”. Điều này thể hiện sự đổi mới tư duy về tổ chức chính quyền địa phương là phân chia lãnh thổ thành các đơn vị hành chính và gắn với nó có cơ quan quản lý không nhất thiết là có đầy đủ hai chủ thể. Ở các đơn vị hành chính không tổ chức Hội đồng nhân dân thì chỉ còn là một cấp hành chính hoặc một cơ quan hành chính đại diện, sẽ áp dụng cơ chế bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo Ủy ban nhân dân thay cho cơ chế bầu cử kết hợp phê chuẩn như hiện nay.

Thứ tư, cần quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị. Trong Dự thảo hiện nay chưa phân biệt sự khác nhau về vị trí, tính chất, chức năng giữa các đơn vị hành chính cơ bản là tỉnh, thành phố, xã với đơn vị hành chính trung gian là huyện, quận, phường. Như thế dẫn đến tình trạng chức năng và hình thức hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân đô thị và nông thôn được áp dụng giống nhau cho tất cả các cấp hành chính. Điều này chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, địa lý, dân cư, kết cấu hạ tầng, đặc điểm và yêu cầu quản lý của các đơn vị hành chính ở các cấp, chưa tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong Dự thảo cần quy định chính quyền địa phương gồm có chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.

Thứ năm, nên khẳng định trong Dự thảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Thực hiện phân cấp quản lý là sự chuyển giao quyền quyết định trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước từ Chính phủ Trung ương, chính quyền cấp trên xuống cho các cơ quan, chính quyền cấp dưới. Các nội dung phân cấp nên quy định trong luật bao gồm phân cấp nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, phân cấp việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước - nguồn thu và quyền chi trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, phân cấp hoạt động cung cấp dịch vụ công,... Hiến pháp nên quy định một cách khái quát chính quyền địa phương hoặc cấp hành chính được bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi được phân cấp.

Nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo và hiệu quả, giải quyết các bất cập, tồn tại, chính quyền địa phương cần được phân cấp rõ ràng, phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân cấp, phù hợp với xu hướng chuyển đổi từ nền hành chính truyền thống sang nền hành chính phát triển./.