Nước Mỹ đối phó với tình hình nợ công

Phạm Thị Thanh Bình PGS,TS. Viện Kinh tế và Chính trị thế giới
22:28, ngày 13-02-2013
TCCSĐT - Ngày càng nhiều quốc gia đang phải đối mặt với gánh nặng nợ công. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ lệ nợ công của các quốc gia phát triển đang tăng nhanh, trong đó có Mỹ, nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới.

1- Nợ công ở Mỹ: thực trạng và nguyên nhân 

Thập kỷ đầu thế kỷ XXI, nền kinh tế Mỹ sa sút triền miên. Mặc dù là quốc gia hùng mạnh về quân sự và kinh tế, nhưng Mỹ đã từ chỗ có ngân sách dư thừa hàng trăm tỷ USD trở thành quốc gia có mức thâm hụt ngân sách hằng năm hơn 1.000 tỷ USD, một trong những "con nợ" lớn nhất thế giới (mức nợ công của Mỹ năm 2012 đã tăng lên hơn 16.000 tỷ USD; tỷ lệ nợ công/GDP của Mỹ tăng với tốc độ khá nhanh, từ 45,6% năm 2001 lên xấp xỉ 100% năm 2011). Như vậy, Mỹ đã gia nhập lại nhóm các nước có nợ công cao, gồm: Nhật Bản (229% GDP); Hy Lạp (157% GDP); Gia-mai-ca (137% GDP); Li -băng (134% GDP); I-ta-li-a (129% GDP); Ai-len (120% GDP) và Ai-xơ-len (121% GDP)(1). 

Nợ công của Mỹ là vấn đề không mới nhưng mức trần nợ công lại là "mới". Kể từ năm 2001, Mỹ đã 10 lần điều chỉnh mức trần nợ công và mức hiện là 14.294 tỷ USD(2). Việc nâng trần nợ công thực chất chỉ là giải pháp nhất thời vì nâng trần nợ công tức là giãn nợ, nợ càng tăng nhiều hơn, tuy không dẫn đến khủng hoảng nhưng cũng đủ gây nên những tác động và hậu quả lớn cho đất nước này.

Theo Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO - Government Accountability Office), quốc gia này đang ở trong tình trạng “không bền vững” về tài chính. Dự kiến, mức nợ quốc gia năm 2019 của Mỹ sẽ tăng lên đến 23,3 nghìn tỷ USD(3). 

Tình trạng gia tăng nợ công của Mỹ trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Có thể nêu những nguyên nhân chính sau: 

Thứ nhất, nguồn thu từ thuế thấp. Quan điểm của các nhà lãnh đạo Mỹ là duy trì một môi trường kinh doanh tự do và hạn chế những can thiệp của chính phủ. Để thực hiện phương châm này, Mỹ duy trì mức thuế thấp, qua đó kích thích kinh tế tăng trưởng để gia tăng thu ngân sách, không theo đuổi chính sách đánh thuế cao để tăng thu ngân sách. Trên thực tế, Mỹ là nước có mức thuế thấp nhất so với các nước phát triển và được coi là “thiên đường của các doanh nghiệp”. Mức thuế huy động so với tổng GDP ở Mỹ chỉ bằng khoảng ¾ so với các nước phát triển khác. Xu thế chung của Mỹ là tiếp tục không đánh thuế cao và sẵn sàng đi vay để bù đắp thâm hụt ngân sách, vì vậy, thâm hụt ngân sách luôn là vấn đề thường trực của Chính phủ Mỹ. 

Thứ hai, chi tiêu công gia tăng. Chính phủ Mỹ gia tăng chi tiêu trong 2 thập kỷ gần đây cho các khoản: 1) gia tăng chi tiêu phúc lợi và y tế; 2) gia tăng chi tiêu quốc phòng. Chi tiêu cho y tế của Chính phủ Mỹ đã tăng từ mức 390 tỷ USD (năm 2001) lên 847 tỷ USD (năm 2010), tăng hơn 2 lần. Chi tiêu cho quốc phòng tăng từ 366 tỷ USD (năm 2001) lên 872 tỷ USD (năm 2010), xấp xỉ 2,4 lần(4). Vì vậy, tỷ lệ trong tổng chi tiêu ngân sách tăng từ 20,9% lên 23,6% đối với y tế và tăng từ 19,7% lên 24,3% đối với quốc phòng trong giai đoạn 2001 - 2010. Chi tiêu y tế của Mỹ gia tăng là do những cải cách y tế gần đây nhằm cung cấp phúc lợi y tế cho người dân Mỹ, nơi mà chế độ phúc lợi được cho là tương đối thấp so với các nước phát triển khác. Còn sự gia tăng mạnh mẽ chi tiêu quốc phòng trong thập kỷ đầu thế kỷ XXI là bởi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu và theo đuổi mục tiêu siêu cường của Hoa Kỳ. Mức chi tiêu cho quốc phòng của Mỹ tương đương 5% GDP, bỏ xa mức chi tiêu quốc phòng của các nước. Các gói cứu trợ kích thích kinh tế của Mỹ sau khủng hoảng cũng làm cho gánh nặng nợ công của Mỹ gia tăng mạnh, như gói cứu trợ 700 tỷ USD (năm 2008) của cựu Tổng thống G. Bu-sơ và gói kích thích kinh tế 780 tỷ USD (năm 2010) của Tổng thống B. Ô-ba-ma.

Thứ ba, môi trường quốc tế thuận lợi cho việc vay nợ. Sự thuận lợi của Mỹ trong việc vay nợ nước ngoài là do: 1) nhu cầu trái phiếu Chính phủ Mỹ gia tăng và các nước đều sẵn sàng mua trái phiếu Chính phủ Mỹ. Chẳng hạn, nhờ đẩy mạnh xuất khẩu, các nước như Trung Quốc (có nguồn dự trữ ngoại hối trên 3 nghìn tỷ USD), Nhật Bản (có trên 1 nghìn tỷ USD) và một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác đều đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ dù đây là một khoản đầu tư không mang lại lợi nhuận cao nhưng có độ tin cậy và ổn định. 2) lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đang có xu hướng giảm nên áp lực về vấn đề trả lãi vay của Mỹ không quá lớn. 

Bên cạnh sự “rẻ hơn” của lãi suất đi vay, một nhân tố quan trọng khác đóng góp vào sự “thuận lợi” cho việc đi vay là giá trị của đồng đô-la Mỹ giảm so với tất cả các đồng tiền mạnh trên thế giới (thậm chí cả với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc). Khi đồng đô-la mất giá, việc đi vay chỉ có lợi cho người đi vay, vì một đồng hôm nay mua được nhiều hàng hóa hơn so với lúc phải trả. Với sự giảm xuống của lãi suất và sự mất giá của đồng đô-la Mỹ, Mỹ khá ung dung trong việc đi vay để chi tiêu. 

Cuộc khủng hoảng nợ công tại một số nước châu Âu cũng khiến cho dòng vốn đổ về thị trường trái phiếu Mỹ tăng mạnh, góp phần làm nâng tỷ trọng nợ nước ngoài của Mỹ, trong khi lãi suất của các trái phiếu Chính phủ Mỹ hạ xuống mức thấp gần như kỷ lục là 3,1% và tỷ lệ nắm giữ nợ của các chính phủ nước ngoài trong tổng nợ công của Mỹ ngày càng tăng. Tổng số nợ nước ngoài qua trái phiếu Chính phủ Mỹ đã tăng lên 4,45 nghìn tỷ USD và chiếm khoảng 47% tổng nợ công. Điều đáng chú ý là nợ nước ngoài của Mỹ chủ yếu tập trung vào một số quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Đức và một số nước xuất khẩu dầu mỏ. Trong số các quốc gia cho vay, Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia chiếm tỷ trọng chủ yếu. 

Mặc dù Mỹ có lợi thế gần như không chịu rủi ro vỡ nợ như các quốc gia khác do hầu hết toàn bộ nợ công của Mỹ, bao gồm cả nợ nước ngoài, đều được niêm yết bằng đồng đô-la Mỹ, nhưng nợ công tăng liên tục sẽ kéo theo rủi ro làm mất giá đồng đô-la và dễ dàng trở thành “vấn đề” với kinh tế Mỹ không chỉ theo nghĩa “nguy cơ vỡ nợ cao” mà sâu xa hơn đó là, việc đi vay làm cho đồng tiền của các nước cạnh tranh vẫn không lên giá, vì vậy, tình trạng nhập siêu của Mỹ sẽ vẫn duy trì, cầu hàng hóa nội địa của Mỹ không tăng, kinh tế Mỹ sẽ khó phục hồi.

Ngoài ra, với tổng số nợ công lên tới xấp xỉ 100% GDP, nếu Mỹ vỡ nợ, kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cả thế giới đang là chủ nợ của Mỹ. Trung Quốc hiện đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với tổng số nợ lên tới hàng nghìn tỷ USD. Khi đi vay lẫn nhau, hoặc vay ngân hàng, các nước đều dùng giấy nợ của Mỹ làm vật thế chấp. Nếu giấy nợ của Mỹ bị mất giá trị thì đồng USD cũng sẽ sụp đổ, dòng tiền tệ thế giới sẽ bị ngưng trệ hoặc tê liệt. 

Tỷ lệ thất nghiệp và thâm hụt ngân sách của Mỹ năm 2013 tiếp tục ở mức cao, tăng trưởng dự báo chỉ đạt khoảng 1,1% GDP(5). Với mức tăng trưởng như vậy chắc chắn sẽ chưa đủ mạnh để Mỹ có thể giải tỏa những khó khăn đối với hơn 12 triệu người đang bị thất nghiệp tại đất nước này(6).

2. Giải pháp ứng phó nợ công Mỹ

Mặc dù khó có khả năng xảy ra khủng hoảng nợ công, song nhằm giảm nợ công và chi tiêu công, Mỹ đã công bố chương trình cắt giảm ngân sách mạnh mẽ: Riêng chương trình y tế chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn 2010 - 2020 đã cắt giảm 700 tỷ USD(7).

Chính phủ nước này cũng đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp khác với mục tiêu của Mỹ là sẽ giảm 4.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong lộ trình kéo dài 12 năm (2010 - 2022). Trong này, có 1.000 tỷ USD đến từ việc tăng doanh thu, 2.000 tỷ khác đến từ cắt giảm chi tiêu và 1.000 tỷ USD sẽ đến từ các khoản tiết kiệm khác. Cụ thể, Chính phủ Mỹ đã áp dụng những giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, cắt giảm chi tiêu. Mức chi tiêu phải cắt giảm khoảng 20% - 30%, trong đó cắt giảm một số chi tiêu bắt buộc (chi phí phúc lợi xã hội, y tế, …) với mức 917 tỷ USD trong giai đoạn 2013 - 2023; giảm 400 tỷ USD trong các kế hoạch chi tiêu quân sự trong hiện tại và tương lai. Đợt cắt giảm chi tiêu quốc phòng dự kiến được thực hiện vào tháng 1-2013. 

Thứ hai, tăng doanh thu thông qua việc tăng thuế. Cùng với việc cắt giảm chi tiêu, giải pháp tiếp theo là thực hiện tăng thuế. Đề xuất ngừng chương trình giảm thuế cho người giàu (thu nhập trên 250.000 USD/ năm) và xóa bỏ một số ưu đãi thuế khác. Mục tiêu thu ngân sách phải tăng thu thuế lên 20% - 30%. Thực tế, hiện có 45% số hộ gia đình tại Mỹ không phải đóng thuế và có 3% số người thu nhập cao đóng góp tới 52% tổng số các loại thuế, do đó, một cuộc “cải cách cơ cấu” về chính sách thuế là cần thiết, tuy nhiên, cải cách chính sách thuế sẽ là một phương án không dễ dàng.

Dự tính, kế hoạch cắt giảm chi tiêu và tăng thuế sẽ hạ mức thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ xuống còn 2,5% GDP (năm 2015) và xuống gần 2% GDP (năm 2020), so với tỷ lệ 10,9% GDP (năm 2010).

Thứ ba, tái cấu trúc khu vực công. Mỹ cần những cải cách tài chính mạnh mẽ để tái cấu trúc khu vực công. Các chính sách tái cơ cấu do Ủy ban Bowles - Simpson đề xuất có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ, nhưng lại không nhận được sự ủng hộ của Tổng thống B.Ô-ba-ma. 

Vì vậy, tăng thuế, giảm chi tiêu hiện đang là những giải pháp chủ yếu để Mỹ cải thiện tình hình tài chính công. Tuy nhiên xung quanh vấn đề thuế đã nổ ra nhiều cuộc tranh cãi giữa các nghị sĩ của hai đảng. 

Để thỏa hiệp về việc nâng cao mức trần nợ công, Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ Mỹ cũng đã cố gắng tìm cách thương thuyết: một là, giảm chi tiêu; hai là, tăng thu thuế. Đảng Cộng hòa muốn nâng mức trần nợ lên cao kèm theo những điều kiện cắt bớt chi tiêu của guồng máy nhà nước liên bang để giảm bớt số thiếu hụt ngân sách. Trong khi Đảng Dân chủ nhấn mạnh đến việc tăng thu, bởi theo họ, để cấp hưu bổng xã hội và chữa bệnh cho gần 80 triệu người Mỹ ra đời sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II sắp tới tuổi về hưu, cần phải tăng thu nhập của nhà nước qua những khoản thuế lợi tức cá nhân, thuế doanh nghiệp, thuế hưu bổng xã hội và y tế, thuế đánh trên di sản. Đảng Dân chủ đề nghị tăng thuế đối với những người thu nhập trên 250.000 USD/năm. Ngược lại, Đảng Cộng hòa phản đối việc tăng số thu trên thuế và đề xuất phải cắt những khoản chi tiêu, đặc biệt là những chương trình xã hội, y tế và hưu bổng.

Như vậy, các giải pháp giảm nợ công của Chính phủ Mỹ chủ yếu tập trung giải quyết vấn đề trước mắt để tránh nguy cơ vỡ nợ và Mỹ vẫn còn thiếu các giải pháp lâu dài để đưa nợ công trở về mức nợ bền vững./.

---------------------------------------------

(1) http://vov.vn/Home/No-cong-cua-My-vuot-100-GDP20118/182381.vov

(2) Mức trần nợ công sẽ nâng lên thêm 2,4 nghìn tỷ USD, chia làm 2 giai đoạn, đổi lấy việc yêu cầu cắt giảm 2.100 tỷ USD chi tiêu của Chính phủ trong vòng 10 năm tới.

(3) The Executive Office of the President of the United States, Office of Management and Budget:”Budge of the United States Government: Browse Fiscal Year 2010 and Update Summary Tables”.

(4) Nguồn: http://usgovernmentspending.com. Con số về chi tiêu quốc phòng năm 2010 là 872 tỷ USD (lớn hơn con số trên báo chí (664 tỷ USD) do bao gồm cả các chi tiêu về an ninh nội địa và các hoạt động liên quan.

(5) Hải Vân (2012), Kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều thách thức, Báo Nhân Dân 14-10-2012.

(6) Hải Vân (2012), Kinh tế thế giới vẫn đối mặt nhiều thách thức, Báo Nhân Dân số ra ngày 14-10-2012.

(7) US Department of Commerce, Bureau of Economic Analysis, 2011.