TCCSĐT - Sáng 25-01-2013, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội), Hội nghị triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người giai đoạn 2011 - 2015 đã được tổ chức trực tuyến với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Trưởng ban chỉ đạo 138/CP; đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì.

Sau bài phát biểu của Đại tướng Trần Đại Quang, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã công bố Quyết định 187/QĐ-TTg ngày 18-01-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sáp nhập Ban chỉ đạo Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm thành Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (gọi tắt là Ban chỉ đạo 138/CP).

Ban Chỉ đạo 138/CP có nhiệm vụ và quyền hạn giúp Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 282/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;…

Tại Hội nghị, Trung tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã báo cáo tóm tắt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015 và Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 - 2015.
 
Trung tướng Lê Quý Vương cho biết, 5 năm qua, tình hình tội phạm đã cơ bản được kiềm chế, một số loại tội phạm nghiêm trọng đã giảm. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp: tội phạm mua bán người tăng trên 2 lần so với giai đoạn trước, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ, mang tính chất xuyên quốc gia; tội phạm kinh tế, tham nhũng diễn biến phức tạp trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tại các tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, gây thất thoát tài sản lớn; tội phạm ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên nhiều tuyến, địa bàn và diện đối tượng. Đặc biệt, các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia tại các khu vực biên giới, cửa khẩu gia tăng hoạt động. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, sẵn sàng dùng vũ khí nóng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ;…

Cũng theo Trung tướng Lê Quý Vương, việc thực hiện 3 chương trình mặc dù vẫn còn một số hạn chế song đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, đặc biệt về kết quả đấu tranh chống tội phạm, đã kiềm chế, giảm tình hình tội phạm nói chung, năm sau giảm hơn năm trước, đồng thời, giảm một số loại tội phạm nghiêm trọng. Cụ thể:

- Kết quả điều tra tội phạm đạt trên 70%, trong đó án đạt tỷ lệ cao trên 70%; chất lượng công tác điều tra, truy tố, xử lý tội phạm ngày càng được nâng cao;

- Tội phạm về kinh tế và tham nhũng phát hiện tăng 12% so với giai đoạn trước;

- Số vụ bắt giữ, xử lý tội phạm về ma túy tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước. Số người nghiện ma túy mới hằng năm đã bước đầu được kiềm chế (năm 2007, cả nước có 178.305 người nghiện, đến năm 2012 giảm xuống còn trên 171.000 người);

- Giai đoạn 1996 đến 2010 đã phát hiện, xử lý trên 1.800 vụ, trên 3.000 đối tượng mua bán người. Thông qua điều tra các vụ mua bán người đã giải cứu gần 2.000 nạn nhân và tiếp nhận gần 5.000 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Qua 12 năm thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm (1998 - 2010), Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Tòa án nhân dân các cấp đã truy tố, xét xử sơ thẩm 607.684 vụ án hình sự với 963.016 bị cáo (trong đó, xét xử trên 50.000 vụ án lưu động, 4.248 vụ tham nhũng, tham ô với 8.738 bị cáo), bảo đảm yêu cầu pháp luật, tạo niềm tin cho nhân dân trong phòng, chống tội phạm.

Hội nghị còn được lắng nghe những tham luận của các đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, An Giang, Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh,…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các địa phương có các mô hình, cách làm tốt trong công tác phòng, chống tội phạm như Hà Nội, Hải Phòng, và gần đây là TP. Hồ Chí Minh. Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong Ban Chỉ đạo trước yêu cầu của nhân dân, của Nhà nước; cần có quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền; cần có sự phân công, phối hợp lực lượng tốt hơn; cần đánh mạnh, đánh trúng mọi loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm kinh tế, tội phạm tham nhũng, hình sự.

Phó Thủ tướng biểu dương mô hình 141 của Công an thành phố Hà Nội, đồng thời kêu gọi các địa phương khác học hỏi để xây dựng được một lực lượng hiệu quả như vậy./.