Nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp
Ngày nay, những thành tựu vĩ đại của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đã và đang thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đồng thời làm chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của quốc gia, làm thay đổi sâu sắc mọi mặt đời sống của xã hội.
Xã hội càng phát triển, khoa học và công nghệ càng đóng vai trò quan trọng và tác động mạnh đến nhịp độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Những thành quả của khoa học và công nghệ, đặc biệt là sự đổi mới công nghệ đã làm cho mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề và cho cả nền kinh tế của đất nước ta có được diện mạo mới, tạo tiền đề đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
Trong những năm qua, các ngành, các doanh nghiệp Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ và đã đạt được những thành quả đáng khích lệ.
Ngành Nông nghiệp Việt Nam được thế giới biết đến như là một ngành có bước tiến vượt bậc. Nông nghiệp không những đã góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn đưa nước ta trở thành nước sản xuất nông sản hàng đầu thế giới. Trong năm 2012, lần đầu tiên nước ta đã xuất được 8,1 triệu tấn gạo với giá trị 3,7 tỷ USD. Nếu tính chung tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp trong năm 2012, nước ta đã đạt hơn 27,5 tỷ USD, thặng dư thương mại trên 9,2 tỷ USD, góp phần giảm nhập siêu.
Sở dĩ ngành Nông nghiệp Việt Nam đạt kết quả to lớn như thế, trước tiên nhờ khoa học nông nghiệp đã và đang nghiên cứu thành công để cung cấp cho nông dân các giống mới, năng suất cao, ngắn ngày, kháng rầy nâu và những biện pháp canh tác hiện đại từ bón phân, bảo vệ thực vật, tưới tiêu khoa học cho đến những kỹ thuật sau thu hoạch, chế biến.
Trong công nghiệp, khoa học và công nghệ giúp cải tiến, đổi mới các ngành, các lĩnh vực.
Chúng ta vui mừng, ngày 10-9-2011, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã tổ chức lễ hạ thủy giàn khoan tự nâng 90 m nước. Đây là giàn khoan do Việt Nam tự thiết kế và thi công. Giàn khoan tự nâng 90m nước với trọng lượng 12.000 tấn, chân dài 145m, chiều sâu khoan đến 6,1km, chịu được sức gió tương đương bão cấp 12, hoạt động tốt trong thời tiết khắc nghiệt. Dự án này là niềm tự hào của chúng ta, vì nó đưa nước ta trở thành một trong 3 nước châu Á và một trong 10 nước trên thế giới tự thiết kế chi tiết và lắp dựng thành công giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế mà trước đây nước ta phải nhập khẩu.
Chúng ta vừa khánh thành Nhà máy Thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, gồm 6 tổ máy, công suất lắp máy 2400 MW, sản lượng điện bình quân hằng năm 9,4kWh. Đây là công trình có khối lượng công việc lớn nhất từ trước đến nay do Việt Nam tự đảm nhận. Ở đây, các đơn vị tư vấn, thiết kế, sản xuất thiết bị, thi công đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ, nhiều giải pháp kỹ thuật mới, tiên tiến. Nhờ thế, chúng ta đã góp phần quan trọng trong việc đưa công trình vào vận hành sớm hơn 2 năm so với dự kiến, tận dụng nguyên vật liệu trong nước, hạ giá thành sản phẩm, làm lợi cho đất nước trên 24.000 tỷ đồng. Một số công nghệ có thể kể ra như thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công (các đơn vị trong nước đảm nhận hơn 27.000 tấn, chiếm 62% thiết bị siêu trường, siêu trọng, tải trọng lớn, chịu áp lực lớn, hệ thống thủy lực điều khiển với tải trọng nâng đến 700 tấn/cửa van,...); sản xuất hệ thống các thiết bị nâng hạ lớn (cầu trục gian máy trọng tải 1200 tấn, cầu trục chân què trọng tải 350 tấn, cần trục chân xích trọng tải 100 - 600 tấn), với tỷ lệ nội địa hóa trên 90% với giá thành hạ (bằng 50% giá sản phẩm tương đương của châu Âu và chỉ bằng 75% giá sản phẩm của Trung Quốc),...
Trước đây, đối với các nhà máy thủy điện có công suất 300 MW, chúng ta phải nhập khẩu các thiết bị cơ khí thủy công thì nay toàn bộ phần này các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã có thể đảm nhận.
Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1) là đơn vị luôn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến vào xây dựng các công trình. Trong thời gian qua, CIENCO1 đã ứng dụng công nghệ đúc hẫng cân bằng trong việc xây dựng cầu Phú Lương (Hải Dương). Với công nghệ này, CIENCO1 đã áp dụng thi công đúc hẫng cầu Hàm Luông (Bến Tre) với nhịp lớn nhất 150m. CIENCO1 đã áp dụng thi công cầu dây văng trong xây dựng các cầu Mỹ Thuận, Rạch Miễu, cầu Trần Thị Lý - Đà Nẵng (cầu dây văng 3 mặt phẳng); công nghệ thi công cầu giàn thép, cầu vòm thép như cầu Rồng - Đà Nẵng; công nghệ thi công cảng biển nước sâu như cảng Vũng Áng, 5B Dung Quất; công nghệ thi công Novachip chống trơn trượt mặt đường sử dụng trên tuyến đường bộ, đặc biệt là đường cao tốc được thiết kế với vận tốc 100 km/h để tạo nhám mặt đường, chống trơn trượt. Công nghệ này có ưu điểm là thảm siêu mỏng tạo ra các tính năng cao về chống trơn trượt, an toàn cho phương tiện giao thông trên đường, giảm tiếng ồn, giảm bám bụi nước từ các phương tiện giao thông, giúp lái xe có tầm nhìn khi trời mưa và thoát nước nhanh do cấp phối hở.
Về công nghiệp đóng tàu, Việt Nam đã có thể đóng được các loại tàu có chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế như tàu chở hàng tải trọng từ 6.500 - 53.000 tấn; các loại tàu cao tốc phục vụ cho an ninh quốc phòng; các loại tàu container; tàu chở dầu thô cỡ 104.000 DWT; tàu chở ô tô 4.900 xe.
Về thiết bị toàn bộ, ngành cơ khí cũng đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Tổng công ty lắp máy Việt Nam đã trúng thầu các gói thầu số 2 và số 3 của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, tiếp đến chế tạo phần lớn các thiết bị chính của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương, Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3,4,...
Ngành công nghiệp ô tô cũng đã sản xuất, lắp ráp được các loại xe buýt đến 80 chỗ với tỷ lệ nội địa hóa đến 40%, chế tạo ô tô tải nặng và xe chuyên dụng,...
Ngành công nghệ xe máy đã có phát triển đột phá khi thỏa mãn nhu cầu trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 80-90% và xuất khẩu khoảng 150.000 xe/năm.
Chúng ta vừa thiết kế, chế tạo thành công máy soi cắt lớp điện toán trong công nghiệp. Đây là loại máy do các nhà khoa học trong nước viết phần mềm và chế tạo 100% các chi tiết. Nguyên lý hoạt động của máy là dùng tia gamma chụp vào lõi các vật thể để xác định cấu tạo bên trong, nhằm cho ra hình ảnh kín của các hiện vật để tìm ra khuyết tật mà không cần phải mở những thiết bị máy móc hoặc mổ xẻ hiện vật ra. Cơ quan nguyên tử quốc tế (IAEA) đã quyết định đặt mua 6 máy nói trên và chuyển tới sáu nước Thái Lan, Phi-líp-pin, Pa-ki-xtan, Mi-an-ma, In-đô-nê-xi-a, Sri-lan-ca sử dụng, đồng thời giao cho trung tâm mở lớp chuyển giao công nghệ cho cán bộ kỹ thuật của sáu nước tiếp nhận máy.
Và lần đầu tiên Việt Nam tự đảm nhận thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp điện thế 3 pha 500 Kv - 3x150 MVA với chất lượng tương đương của châu Âu. Máy biến áp 500 Kv là thiết bị cỡ lớn, chủ lực của hệ thống truyền tải điện quốc gia. Thành công này đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng cán bộ kỹ thuật chế tạo máy biến áp Việt Nam, đưa Việt Nam là nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á chế tạo thành công chủng loại máy cỡ lớn này. Đáng lưu ý là so sánh với thiết bị nhập khẩu của Pháp (cùng lắp tại trạm Nho Quang, Ninh Bình) thì thiết bị của Việt Nam chế tạo đạt chất lượng tương đương, nhưng giá thành rẻ hơn 20%.
Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới trong các doanh nghiệp đã góp phần làm giàu cho doanh nghiệp, góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.
Tuy nhiên, rất đáng tiếc, vì nhiều nguyên nhân, việc nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh diễn ra rất không đồng đều ở các doanh nghiệp, nhất là ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thành quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới ở các doanh nghiệp nước ta chưa xứng tầm với tiềm lực và nhu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.
Để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, chúng ta thấy, công nghệ gồm có 2 phần: phần cứng là công cụ, máy móc, thiết bị, vật liệu và phần mềm là con người, thông tin, phương pháp, quy trình, bí quyết, tổ chức điều hành, phối hợp, quản lý. Mỗi thành phần có những chức năng quan trọng nhất định và tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau. Thành phần máy móc thiết bị được coi là xương sống, cốt lõi của quá trình hoạt động công nghệ, nhưng nó lại do con người lắp đặt và vận hành. Thành phần con người được coi là nhân tố chìa khóa của hoạt động công nghệ, vì thế chúng ta cần phải có các trí thức, người có tài, người am hiểu công nghệ. Nhưng con người lại phải hoạt động theo hướng dẫn do thành phần thông tin cung cấp. Thành phần thông tin là cơ sở hướng dẫn con người vận hành các máy móc thiết bị và đưa ra các quyết định. Thành phần tổ chức có nhiệm vụ liên kết các thành phần trên, động viên người lao động đem hết tâm sức, tài năng nâng cao hiệu quả sản xuất.
Như vậy, để nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp cần rà soát lại và không được xem nhẹ bất cứ thành phần nào của các thành phần công nghệ.
Đầu tư đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp cần hiểu rằng đó là đầu tư cho sự thành công và cho sự phát triển của chính doanh nghiệp mình.
Một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là doanh nghiệp cần thu hút được trí thức, người tài, am hiểu công nghệ, có chính sách đãi ngộ gắn với chăm lo bồi dưỡng và sử dụng lâu dài đội ngũ người tài đó.
Công thức chung sử dụng và giữ người tài có thể là:
Sử dụng tốt và giữ người tài = bảo đảm mức sống tốt cho gia đình + môi trường sống có điều kiện tiến bộ về nghề nghiệp của người tài.
Đây có thể là khâu yếu nhất, cốt lõi nhất trong các chính sách của ta về nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới. Vì chúng ta chưa quan tâm đầy đủ đến quyền lợi vật chất và tinh thần xứng đáng cho trí thức, cho người tài. Điều này làm giảm động lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới của trí thức, của người tài.
Nước ta đã có kinh nghiệm trong vấn đề này. Việt Nam là nước nhiệt đới, rất phù hợp với sản xuất nông nghiệp. Nhưng trước đây, ta sản xuất không đủ ăn, phải đi xin viện trợ. Sau khi có khoán 10, trong đó quan trọng nhất là chú ý đến thu nhập của người nông dân, nông dân thấy sức lao động của mình được hưởng xứng đáng, đã ra sức sản xuất. Và nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Trong khoa học, chúng ta đang cần được nghị quyết như kiểu khoán 10 trong nông nghiệp, chú ý đến quyền lợi vật chất của người trí thức. Có được điều đó, nước ta sẽ có bước tiến nhanh trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh.
Thay đổi chính sách của Nhà nước về Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh từ ngân sách nhà nước chắc là khó và sẽ còn chờ lâu. Nhưng các doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là được tự chủ về tài chính, vì lợi ích của doanh nghiệp, trước tiên cần đổi mới tư duy, trong đó tư duy quan trọng và căn bản nhất là quan tâm đầy đủ đến quyền lợi vật chất và tinh thần của trí thức, của người tài, của những người làm công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh.
Chúng ta cần hỗ trợ các nhà khoa học trong việc đưa các kết quả nghiên cứu vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ để các nhà khoa học và gia đình được sống tốt hơn, được hưởng thụ một cách xứng đáng trên các thành quả của mình. Làm được điều này, sẽ là sự bùng nổ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh ở nước ta.
Nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVIII Lê Quý Đôn đã nói: “Phi trí bất hưng”.
Không có trí thức, đất nước không thể hưng thịnh được. Không có trí thức, doanh nghiệp khó phát triển được./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rời Brúc-xen, đi thăm cấp Nhà nước Cộng hòa I-ta-li-a  (20/01/2013)
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng quà học sinh nghèo, đối tượng chính sách tỉnh Điện Biên  (20/01/2013)
Triển lãm các tư liệu mới liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa  (20/01/2013)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi điện cảm ơn tới Thủ tướng Vương quốc Bỉ Ê-li-ô Đi Ruy-pô, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu  (20/01/2013)
Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 16 tại Lào  (20/01/2013)
Hà Nội đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị  (20/01/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm