TCCSĐT - Ngày 11-12-2012, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ủy ban nhân thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức Hội nghị Phát triển thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và triển khai Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo Quyết định số 1397/QĐ-TTg (QĐ 1397) ngày 25-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết: ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác thủy lợi. Trên thực tế, nhiều năm qua, nguồn vốn đầu tư của Chính phủ và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cho thủy lợi ngày càng tăng, tạo điều kiện cho các địa phương phát huy những tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông - thủy sản, không ngừng ổn định và cải thiện cuộc sống nhân dân. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối diện với nhiều thách thức. Trong đó, đáng quan tâm là tác động bất lợi của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD), phát triển các công trình thủy điện, công trình nước phục vụ sản xuất ở thượng lưu sông Mê Công. Hội nghị này nhằm triển khai Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012  -2020, định hướng đến năm 2050 trong điều kiện BĐKH, NBD; đồng thời, tập hợp ý kiến đóng góp của các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan khoa học, các địa phương vùng ĐBSCL để huy động nhiều nguồn lực xây dựng và phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL trong tình hình mới; từng bước thích ứng với BĐKH, NBD, những tác động do phát triển ở thượng lưu sông Mê Công; góp phần giúp ĐBSCL phát triển bền vững.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Quyết định số 84/2006/QĐ-TTg (QĐ 84) của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thủy lợi vùng ĐBSCL đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, từ năm 2006 đến nay, vùng ĐBSCL đã được đầu tư 14.870 tỷ đồng để củng cố, xây dựng hệ thống thủy lợi. Đến nay, toàn vùng có 5 hồ chứa, 1.221 trạm bơm quy mô vừa đến lớn, hàng ngàn trạm bơm quy mô nhỏ, 2.447 cống; trên 80.000km các kênh trục, cấp 1, cấp 2 và cấp 3; khoảng 25.900km bờ bao chống lũ bảo vệ lúa, 460km đê biển, 1.600km đê sông, hơn 200km đê bao giữ nước chống cháy. Các công trình thủy lợi bảo đảm nước tưới cho trên 3,12 triệu ha đất nông nghiệp (đạt trên 80% công suất thiết kế), đồng thời phục vụ cấp nước sinh hoạt và phát triển một số ngành kinh tế khác. Nhìn chung, các công trình thủy lợi được xây dựng ở ĐBSCL thời gian qua đã phục vụ thiết thực cho việc tưới tiêu, rửa phèn, ngăn mặn kết hợp với kiểm soát lũ, xây dựng các cụm tuyến dân cư, giao thông nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, bảo đảm điều kiện sống an toàn cho người dân vùng ngập lũ…

Tuy nhiên, vùng ĐBSCL đang phải đối diện với nhiều thách thức do tác động bất lợi của tình trạng BĐKH, NBD và phát triển các công trình từ  thượng lưu sông Mê Công. Dự báo được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra trên cơ sở “Kịch bản BĐKH, NBD ở Việt Nam” của Bộ Tài nguyên và Môi trường ở mức phát thải trung bình, đến năm 2050 ở ĐBSCL diện tích bị ảnh hưởng mặn tăng từ 1,5 triệu ha lên 2,4 triệu ha; diện tích ngập tăng từ 1,9 triệu ha (năm 2000) lên 3,2 triệu ha với thời gian ngập tăng thêm 1,5 tháng và độ ngập sâu tăng thêm 0,5 - 0,7m; hầu hết các tuyến giao thông trong vùng ngập lũ sẽ bị ngập từ 0,2 - 0,6m; các thị trấn, thị xã, thành phố của 13 tỉnh, thành ĐBSCL đều bị ngập.

Để chủ động đối phó với những thách thức này, Hội nghị đã tập trung báo cáo, triển khai Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2050 trong điều kiện BĐKH, NBD theo QĐ 1397 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy hoạch này, giải pháp chính trong xây dựng phát triển hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL thời gian tới được xác định là:

- Tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi (ít bị ảnh hưởng do BĐKH, NBD) đã được đề xuất theo QĐ 84 của Thủ tướng Chính phủ.

- Xây dựng và nâng cấp các cụm tuyến dân cư và bảo vệ các thị trấn, thị xã, thành phố trong vùng ngập do lũ và NBD.

- Triển khai chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kết hợp xây dựng tuyến đê biển vùng ĐBSCL với hệ thống đường giao thông ven biển.

- Kết hợp chặt chẽ các công trình thủy lợi, giao thông, dân cư trong tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng chung để đạt hiệu quả cao trong đầu tư. Nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đê sông bảo đảm theo đúng thiết kế.

- Hạn chế lũ tràn từ biên giới vào vùng ĐBSCL bằng hướng thoát lũ ra biển Tây (vùng Tứ giác Long Xuyên) sang sông Vàm Cỏ và qua sông Tiền (vùng Đồng Tháp Mười).

- Nâng cấp và làm mới các trục thoát lũ, dẫn nước tiêu nước cho các tiểu vùng. Tăng cường khả năng trữ nước trên các sông lớn và trên hệ thống kênh, rạch nhằm bảo đảm cung cấp nguồn nước ngọt ổn định và bền vững cho toàn vùng.

- Chú trọng thực hiện các giải pháp phi công trình để ứng phó với BĐKH, NBD.

Dự kiến, tổng nguồn vốn để thực hiện quy hoạch này khoảng 171.700 tỷ đồng. Trong đó, 18.260 tỷ đồng được đầu tư thực hiện tiếp các công trình theo QĐ 84 của Thủ tướng Chính phủ; 6.370 tỷ đồng xây dựng đê biển; 11.660 tỷ đồng xây dựng củng cố đê sông; 4.980 tỷ đồng xây dựng kênh tiếp nước, hồ chứa; 4.760 tỷ đồng xây dựng các công trình kiểm soát lũ; 125.310 tỷ đồng xây dựng các cống lớn vùng ven biển; củng cố hoàn thiện hệ thống thủy nông nội đồng.

Để triển khai thực hiện tốt Quy hoạch, Hội nghị đã thống nhất một số kiến nghị:

- Chính phủ sớm tiến hành thực hiện các chương trình trọng điểm như: Chương trình đê biển; Chương trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; Chương trình ứng phó hiệu quả với thiên tai; Chương trình bảo vệ môi trường nước và nước sạch nông thôn.

- Chính phủ xem xét tăng vốn đầu tư thủy lợi cho ĐBSCL, trong đó ưu tiên bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình đang đầu tư dang dở theo QĐ 84 để sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kỹ thuật, tiến hành lập quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho các thành phố trong vùng ĐBSCL, nhất là các thành phố có tình trạng ngập úng ngày càng thường xuyên như: Long Xuyên (tỉnh An Giang), Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).

- Trung ương và các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hợp lý để bảo vệ bờ biển, đặc biệt là củng cố, nâng cấp đê biển Tây thuộc tỉnh Cà Mau; xây dựng các công trình chống xói lở đất tại các đoạn sông có diễn biến sạt lở phức tạp, nhằm giảm nguy cơ mất an toàn cho người dân và các công trình hạ tầng.

- Nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn vốn lớn để thực hiện các dự án thủy lợi phục vụ các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng bền vững./.