Ngày 10-12-2012, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã tổ chức phiên họp lần thứ 8, lấy ý kiến báo cáo Bộ Chính trị về đề án tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát nhân dân sơ thẩm khu vực.

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe dự thảo báo cáo trình Bộ Chính trị về việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện Kiểm sát nhân dân khu vực.

 

Thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị giao Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, tính ưu việt, hạn chế, những thuận lợi, khó khăn và hướng khắc phục khó khăn, hạn chế khi thực hiện chủ trương tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát nhân dân khu vực, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã xây dựng kế hoạch tổ chức nghiên cứu xây dựng Báo cáo Bộ Chính trị.

 

Quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo đã phân công trách nhiệm cho các ngành liên quan và đề nghị tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương báo cáo những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm triển khai thực hiện chủ trương tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát nhân dân khu vực; thành lập các đoàn đi khảo sát tình hình triển khai công tác chuẩn bị tại một số địa phương; thành lập tổ nghiên cứu liên ngành nghiên cứu báo cáo Bộ Chính trị.

 

Dự thảo báo cáo đã được lấy ý kiến của đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, đại diện các cơ quan tư pháp, các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương tại hai hội nghị khu vực các tỉnh phía Nam và phía Bắc, được Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương thảo luận, thông qua.

 

Cơ bản nhất trí với chủ trương tổ chức Tòa án và Viện kiểm sát khu vực, các đại biểu đã thảo luận làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc tổ chức mô hình; đánh giá những mặt ưu việt, hạn chế; những thuận lợi, khó khăn và phương hướng khắc phục khó khăn khi tổ chức thực hiện. Nhiều ý kiến tại phiên họp khẳng định, chủ trương và quyết tâm thực hiện tổ chức Tòa án và Viện kiểm sát khu vực đã có, nhưng quá trình triển khai cần phải cân nhắc kỹ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Hội đồng nhân dân với hệ thống; việc liên hệ giữa cơ quan xét xử và người dân khi thực hiện tại vùng sâu, vùng xa; sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong thi hành án.

 

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao nỗ lực chuẩn bị công phu của ban soạn thảo trong quá trình xây dựng Báo cáo, qua đó thể hiện sự đồng thuận của Ban Chỉ đạo, đại diện các ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc nâng cao vai trò, vị trí của Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát nhân dân khu vực trong hệ thống các cơ quan Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc độc lập khách quan và tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp.

 

Đề nghị các đại biểu làm rõ những mặt hạn chế cần khắc phục trong quá trình triển khai mô hình, Chủ tịch nước cho rằng, hoạt động cải cách tư pháp đang được Đảng, Nhà nước và người dân quan tâm, tuy nhiên, chuyển biến còn chậm, cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong giai đoạn tới.

 

Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc nghiên cứu tổ chức mô hình nhằm thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị được giao, do vậy, mục đích hoàn thiện Báo cáo lần này là phải giải đáp được vấn đề Bộ Chính trị quan tâm. Khẳng định mục tiêu hướng tới của việc tổ chức thẩm quyền xét xử là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, Chủ tịch nước chỉ rõ, các đại biểu cần tiếp tục phát huy tinh thần dân chủ cởi mở, tập trung trí tuệ, tham gia góp ý để hoàn thiện dự thảo, sớm trình Bộ Chính trị xem xét quyết định./.