Đắk Nông tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững
Tuy nằm ở cửa ngõ kết nối Tây Nguyên với khu kinh tế động lực phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai), nhưng so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, điều kiện kinh tế - xã hội của Đắk Nông còn nhiều khó khăn, như kết cấu hạ tầng kém phát triển, trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân còn nghèo khó,... Với quyết tâm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, từ khi tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Nông luôn chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và xem đây là tiền đề quan trọng, cần ưu tiên đầu tư phát triển. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2010-2015, xác định nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện là đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu và đô thị hạt nhân, thu hút đầu tư, đặc biệt là giao thông và hạ tầng đô thị lớn, tạo bước đột phá về kinh tế trong công nghiệp khai khoáng và năng lượng, phấn đấu đến năm 2015 ra khỏi diện tỉnh nghèo và năm 2020 đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân chung của cả nước.
Kết quả và bài học kinh nghiệm
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, những năm qua Ủy ban nhân dân tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn ngân sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tập trung cho những công trình trọng điểm về giao thông, điện, nước, xây dựng các khu tái định cư, khu đô thị mới, bệnh viện, trường học. Về giao thông, tỉnh đã đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ 14 qua thị xã Gia Nghĩa, thị trấn Đắk Mil, thị trấn Đắk R’lấp (Dự án đường Hồ Chí Minh); mở rộng quốc lộ 28 qua thị xã Gia Nghĩa, đoạn tránh ngập thủy điện Đồng Nai 3, 4; sửa chữa quốc lộ 14C; đang triển khai thực hiện nâng cấp mở rộng quốc lộ 14 đoạn km 817 - km 887 theo hình thức BOT. Hệ thống tỉnh lộ, huyện lộ, các đường liên xã, thôn, bon được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Năm 2011, toàn tỉnh đã nhựa hóa 88% đường tỉnh, 67% đường huyện, 55% số buôn, bon có 1km - 2 km đường nhựa; bảo đảm nước tưới cho 50% diện tích cây trồng cần tưới nước, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 74%, tỷ lệ hộ có điện lưới là 91%,...
Những cố gắng trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cùng với việc triển khai thực hiện có kết quả các giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội,... làm cho kinh tế - xã hội địa phương những năm gần đây phát triển khá vững chắc. Năm 2011, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng GDP của tỉnh vẫn tăng 12,13%; hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp và tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; thu ngân sách đạt 965,3 tỷ đồng (tăng 28,7% so với năm 2010 và tăng gần gấp 8 lần so với năm đầu tái lập tỉnh); thu nhập bình quân đầu người đạt 18,96 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,52%; tỷ lệ xã có đài truyền thanh đạt 95,8%; tỷ lệ xã được phủ sóng truyền hình đạt 100%,...
Tuy vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ. Kết cấu hạ tầng xã hội thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, hiệu quả sử dụng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân về các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục. Kết cấu hạ tầng thông tin phát triển chưa đi đôi với quản lý, sử dụng hiệu quả. Kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển chậm, chưa đồng đều. Nhiều công trình chậm tiến độ, kém chất lượng, chi phí cao. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng dịch vụ hạ tầng còn yếu, hiệu quả thấp.
Từ thực tiễn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thời gian qua, tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm. Cụ thể:
Một là, quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phải hiện đại, đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, từng ngành và từng địa phương, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương; có phân kỳ đầu tư, ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn. Tăng cường công tác quản lý trong khai thác, sử dụng công trình.
Hai là, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đồng thời tiếp tục dành vốn nhà nước tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng, khó huy động các nguồn lực xã hội.
Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng là sự nghiệp chung, vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội, mọi người dân đều có trách nhiệm tham gia đóng góp, trước hết là trong thực hiện giải phóng mặt bằng; bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng với bảo đảm quốc phòng, an ninh; thu hẹp khoảng cách vùng, khu vực trên địa bàn tỉnh; gắn với tiết kiệm đất canh tác, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hướng phát triển bền vững
Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Tỉnh ủy Đắk Nông xác định đến năm 2020 xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng là tiền đề quan trọng, trong đó giao thông là một bộ phận hữu cơ trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cần được ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm bảo quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong giai đoạn tiếp theo, về đường bộ, tỉnh tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường đối ngoại, như nâng cấp quốc lộ 14 với quy mô 4-6 làn xe đoạn qua tỉnh Đắk Nông, hoàn thành xây dựng quốc lộ 14C giai đoạn 2 (làm mặt đường nhựa); mở rộng quốc lộ 28 đoạn qua thị trấn, thị tứ và hoàn thành xây dựng đoạn tránh ngập thủy điện Đồng Nai 3, 4; hoàn thành dự án nối quốc lộ 14 tại thị trấn Kiến Đức đến cửa khẩu Bu Prăng và nối vào quốc lộ 76 của Cam-pu-chia. Về hệ thống tỉnh lộ, tiến hành nhựa hóa các đoạn tỉnh lộ hiện còn là đường đất, nâng cấp một số đoạn tỉnh lộ có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng mới 02 tuyến đường tỉnh, trục ngang số 3 (Đắk Song - Đắk Nang), trục ngang số 5 (Đạo Nghĩa - Quảng Khê); chuyển quốc lộ 14C đoạn từ km115 đến km139, dài 24 km thành tỉnh lộ, đoạn từ km139 đến cửa khẩu Bu Prăng dài 29 km thành tỉnh lộ 1 nối dài; nâng tổng số đường tỉnh sau năm 2015 lên 506 km và nhựa hóa 100%. Đối với hệ thống đường huyện, phấn đấu đến năm 2015 xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường huyện theo đúng cấp kỹ thuật và tỷ lệ nhựa hóa là 80%. Đặc biệt quan tâm và tìm nhiều biện pháp để phát triển đường xã, thôn, buôn, bon đến năm 2015 nhựa
hóa 45%, 100% các buôn, bon có 1 km - 2 km đường nhựa.
Chú trọng hệ thống đường đô thị và hoàn thành việc xây dựng đường tránh đô thị Gia Nghĩa, các trục chính liên khu vực và một số tuyến đường khu vực quan trọng của tất cả các đô thị. Trong đó ưu tiên cho thị xã Gia Nghĩa và thị trấn Đắk Mil (dự kiến nâng cấp lên thị xã vào năm 2015).
Về đường sắt, tỉnh đang đề nghị Chính phủ sớm triển khai xây dựng tuyến đường sắt nối Gia Nghĩa - Quảng Khê - Lâm Đồng với cảng Kê Gà (tỉnh Bình Thuận) phù hợp với tiến độ phát triển công nghiệp khai thác quặng bô-xít và luyện a-lu-min. Phối hợp chặt chẽ với các ngành Trung ương để chuẩn bị điều kiện đầu tư xây dựng tuyến đường sắt xuyên Á nối với Dĩ An - Lộc Ninh - Thị Vải.
Đồng thời, tỉnh còn tích cực đề nghị Chính phủ trước năm 2015 đưa sân bay Nhân Cơ vào danh mục quy hoạch xây dựng sân bay quốc gia, để sau năm 2015 triển khai xây dựng hạ tầng.
Các giải pháp đồng bộ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
Thứ nhất, nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của các ngành, vùng, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối trong nội bộ ngành, liên ngành, liên vùng trên phạm vi của tỉnh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lựa chọn một số công trình quan trọng có sức lan tỏa, tạo sự đột phá lớn để tập trung đầu tư.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, bảo đảm hiệu quả và tính khả thi. Coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch.
Thứ hai, thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ. Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn, dài hạn thay cho kế hoạch phân bổ vốn đầu tư hằng năm, trong đó ưu tiên cho những công trình trọng điểm.
Với phương châm “đổi đất lấy công trình”, tỉnh đang kêu gọi thu hút các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư và xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư theo các hình thức PPP, BT, BOT,... Mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; khuyến khích, vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Có kế hoạch tái định cư, bảo đảm quyền lợi của người thuộc diện thu hồi đất, đồng thời vận động sự tự nguyện chấp hành và tham gia đóng góp tích cực của người dân. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cố tình không chấp hành quy định của pháp luật về giải phóng mặt bằng.
Thứ ba, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng.
Khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế để tạo môi trường thuận lợi thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, khắc phục phiền hà và giảm chi phí cho các nhà đầu tư.
Phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý, xây dựng, vận hành, khai thác các công trình kết cấu hạ tầng. Ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý hiện đại trong việc tổ chức xây dựng, khai thác và quản lý các công trình kết cấu hạ tầng./.
Vai trò quan trọng của chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô  (05/12/2012)
Hà Nội: Bình ổn thị trường các tháng cuối năm và chuẩn bị hàng đón Tết Nguyên đán 2013  (05/12/2012)
Thẩm quyền và trách nhiệm của bí thư đối với tập thể cấp ủy  (05/12/2012)
Tọa đàm triển khai thực hiện đề tài khoa học về quản lý, sở hữu và sử dụng đất đai  (05/12/2012)
Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên trong việc đoàn kết, tập hợp, giáo dục thanh niên công nhân  (05/12/2012)
Thời kỳ nào ở Mê-hi-cô  (05/12/2012)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên