TCCSĐT – Ngày 29-11, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 11-2012 thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và những giải pháp của tháng cuối năm nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Phiên họp đã tập trung thảo luận các giải pháp tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất… tạo tiền đề cho phát triển năm 2013, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để nhân dân đón Tết Nguyên đán an toàn, vui tươi, tiết kiệm.

1. Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4

Từ ngày 26 đến 28-11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 với chủ đề “Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững” do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Hội thảo được tổ chức định kỳ 4 năm một lần và là diễn đàn khoa học lớn, có uy tín, quy tụ các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về Việt Nam, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 đã thu hút gần 1.000 nhà khoa học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ tới tham dự. Tại hội thảo này, các học giả trong nước và quốc tế sẽ có điều kiện chia sẻ những cứ liệu và tư liệu lịch sử mới tìm thấy, thảo luận những tìm tòi, phát hiện mới trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đánh giá tác động của các thành tựu mới về khoa học và công nghệ, cùng tìm ra những giải pháp cụ thể và hiệu quả để đẩy lùi nguy cơ khủng hoảng kinh tế, tụt hậu phát triển, cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường… Đây sẽ là những đóng góp hết sức thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu chiến lược đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau. Phát triển bền vững, hội nhập quốc tế… sẽ là những vấn đề trọng tâm, xuyên suốt nội dung các tham luận, thảo luận tại Hội thảo về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, pháp luật, văn hóa, nghệ thuật, dân tộc, tôn giáo…

Trong thời gian diễn ra Hội thảo, các đại biểu sẽ nghe các tham luận khoa học với các tiêu đề như: Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội trên nguyên tắc tiến bộ và công bằng ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; phát triển lý luận và thực tiễn đổi mới theo định hướng XHCN của Việt Nam; một vài suy nghĩ về đặc điểm tiến trình đổi mới ở Việt Nam; ngoại giao Việt Nam-truyền thống và hiện đại… Sau đó, các đại biểu đã tham gia thảo luận về các nội dung liên quan đến đến: lịch sử Việt Nam – truyền thống và hiện đại; văn hóa và giao lưu văn hóa trong hội nhập và phát triển bền vững; dân tộc và tôn giáo trong hội nhập và phát triển bền vững; môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu; hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời đại pháp quyền vì mục tiêu phát triển bền vững; ngôn ngữ, văn học và nghệ thuật Việt Nam trong trong hội nhập và phát triển bền vững…

2. Hội nghị quốc gia " Đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về Y tế và Đáp ứng của Việt Nam đối với Chiến lược toàn cầu về sức khoẻ phụ nữ và trẻ em"

Ngày 26-11, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Cơ quan Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc gia " Đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về Y tế và Đáp ứng của Việt Nam đối với Chiến lược toàn cầu về sức khoẻ phụ nữ và trẻ em".

Hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã tích cực hưởng ứng "Tuyến bố thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc" thông qua tại New York với nỗ lực thống nhất cao toàn cầu đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người trên hành tinh. 5/8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ liên quan mật thiết đến sức khoẻ đã trở thành định hướng cho hành động tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ, Việt Nam bước đầu đã thành công trong công cuộc giảm nghèo, nâng cao sức khoẻ bà mẹ và trẻ em với tỷ lệ tử vong ở bà mẹ trong thời gian qua đã giảm từ 233/100.000 ca đẻ sống (năm 1990) xuống còn 69/100.000 ca đẻ sống (năm 2009); tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm từ 44,4/1.000 ca đẻ sống (năm 1990) xuống còn 14/1.000 ca đẻ sống (năm 2011). Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc phòng chống HIV/AIDS với 19.500 ca nhiễm mới (năm 2011), giảm 30,1% so với năm 2001 và nhiều tiến bộ quan trọng trong một số hoạt động phòng chống dịch bệnh như: Lao, Sốt rét, Vệ sinh môi trường... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tiến trình thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ còn gặp khó khăn như: còn nhiều sự khác biệt và không công bằng giữa các vùng, miền và các nhóm dân số; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn cao ở mức 32% trên cả nước; tỷ suất chết mẹ ở 62 huyện nghèo nhất cao gấp 5 lần tỷ suất trung bình của quốc gia; tỷ suất chết trẻ em ở một số tỉnh cao gấp từ 5 - 6 lần so với một số tỉnh, thành phát triển hơn. Đồng thời, nhu cầu về các phương tiện tránh thai chưa đáp ứng vẫn còn cao, đặc biệt trong nhóm thanh niên chưa kết hôn và tỷ lệ nhiễm HIV vẫn là mối quan ngại đối với Việt Nam.

3. Hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á

Từ ngày 27 đến 28-11, tại Hà Nội, Hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á với chủ đề “Khuôn khổ ổn định và giám sát tài chính trong môi trường nhiều biến động” đã diễn ra với sự tham gia của các nhà lãnh đạo các cơ quan giám sát tài chính, cơ quan hoạch định chính sách trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng khu vực Đông Á, các tổ chức tài chính quốc tế cùng các chuyên gia cao cấp từ khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ…

Được tổ chức trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và thị trường tài chính đang chứng kiến nhiều biến động và thay đổi sâu sắc, Hội nghị là cập nhật và trao đổi thông tin về những diễn biến của kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính quốc tế; đánh giá tính ổn định và bền vững của thị trường tài chính khu vực Đông Á bao gồm khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực an toàn, chính sách thận trọng; giám sát và điều phối giám sát; khả năng phản ứng trước những biến động từ bên ngoài; sự cần thiết cũng như cơ chế phối hợp và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan hoạch định chính sách, các cơ quan giám sát tài chính trong môi trường đầy biến động và thách thức…

Hội nghị là kênh hữu ích để chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường tính minh bạch, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế và tài chính quốc tế.

4. Hội nghị thảo luận việc thực hiện Chiến lược Thanh niên Việt Nam 2011 - 2020

Ngày 28-11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị thảo luận việc thực hiện Chiến lược Thanh niên Việt Nam 2011 - 2020 do Bộ Nội vụ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức. Tham dự có khoảng 150 đại biểu là lãnh đạo các bộ, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện các vùng, miền trong cả nước.

Hiện nay, Việt Nam có dân số trẻ, độ tuổi từ 10 đến 30 tuổi chiếm 40% dân số cả nước và đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, một phần ba trong số họ vẫn gặp các rào cản khi tiếp cận thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản. Họ vẫn gặp khó khăn để tiếp cận các chương trình giáo dục mà họ mong muốn. Nhiều người trong số họ có nhiều thách thức để tìm được việc làm phù hợp.

Các khuyến nghị tại Diễn đàn Thanh niên do Bộ Nội vụ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tai Việt Nam tổ chức cũng được trình bày trong hội nghị này, qua đó tạo cơ hội để thanh niên được nói lên tiếng nói của họ trong việc thực hiện Chiến lược Phát triển Thanh niên Việt Nam 2011 -2020. Thanh niên hôm nay là trung tâm của sự phát triển, chính phủ, các bộ ngành, địa phương, tổ chức xã hội và cộng đồng quốc tế đều có vai trò, trách nhiệm để đảm bảo thanh niên có môi trường phát huy hết năng lực của họ, xung kích thực hiện công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Với nỗ lực và nguồn lực chung, hi vọng trong thời gian tới Việt Nam sẽ tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ tiếp theo.

5. Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 11-2012: Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, tạo tiền đề cho phát triển năm 2013.

Ngày 29-11, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 11-2012 thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và những giải pháp của tháng cuối năm nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Một trong những trọng tâm của Phiên họp là tập trung thảo luận các giải pháp tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất… tạo tiền đề cho phát triển năm 2013, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để nhân dân đón Tết Nguyên đán an toàn, vui tươi, tiết kiệm.

* Kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực: Thảo luận chung về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ nhận định , t ình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng qua của năm 2012 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội... được phát huy và đạt kết quả. Theo đó, về giá cả và lạm phát , chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,47% so với tháng trước. Như vậy, tốc độ tăng CPI tiếp tục giảm mạnh từ mức 2,2% trong tháng 9 (cao nhất kể từ đầu năm) xuống còn 0,85% trong tháng 10 và 0,47% trong tháng 11. Đây là kết quả của việc thực hiện kịp thời các biện pháp ổn định giá cả thị trường, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012.

* Thực hiện cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát của năm 2012: Các thành viên Chính phủ đều cho rằng, trong thời gian tới, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng có thể sẽ tăng cao do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết nhất là nhu cầu về lương thực, thực phẩm, song phải giữ cho được chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2012 theo mục tiêu đã đề ra (khoảng 8%), việc thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm 2012 không chỉ cho năm 2012 mà còn cho năm 2013 và các năm tiếp theo.

* Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, tạo tiền cho phát triển năm 2013: Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2012 tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng; các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ đã báo cáo trước Trung ương, Quốc hội có khả năng thực hiện được. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, khó khăn thách thức trước mắt còn rất lớn. Vì vậy, cần tiếp tục tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì được mức tăng trưởng hợp lý…phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2012, tạo đà cho năm bản lề 2013. Cùng với đó, là tích cực, khẩn trương chuẩn bị kế hoạch, nhiệm vụ của năm 2013 ngay từ bây giờ trong đó hết sức lưu ý tới nhiệm vụ kiểm soát giá cả, lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội của năm 2013; đảm bảo cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2013 là sâu sát, cụ thể.

Tại Phiên họp, Chính phủ xem xét, thảo luận về Đề án Cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2012 – 2020; Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú.

6. Bế mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần 2

Tối 29-11, tại Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 2 với chủ đề “Điện ảnh châu Á- Thái Bình Dương thống nhất và phát triển” đã bế mạc. Các giải thưởng chính thức của Liên hoan phim cũng đã được trao tại lễ bế mạc, trong đó chủ nhà Việt Nam giành được 2 giải thưởng là Giải đặc biệt của Ban giám khảo dành cho: phim ngắn (phim hoạt hình “Bò vàng”) và phim truyện “Thiên mệnh anh hùng”.

Liên hoan phim có 3 ban giám khảo gồm: Ban giám khảo phim truyện nhựa, phim ngắn và ban giám khảo của Mạng lưới khuyến khích phát triển điện ảnh châu Á (NETPAC). Các Ban giám khảo đã làm việc hết sức công tâm, vượt qua nhiều thử thách để lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất theo các tiêu chí: giàu tính nhân văn, có giá trị nghệ thuật cao, có khám phá, tìm tòi mới mẻ, nhằm khích lệ những tài năng mới của điện ảnh Việt Nam, các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich Hoàng Tuấn Anh đã trực tiếp công bố và trao tặng giải “Phim truyện nhựa xuất sắc nhất” cho đoàn làm phim “Bị còng tay” của Phi-lip-pin; Phim ngắn xuất sắc nhất đã thuộc về phim “Bắt đầu bằng chữ A” của In-đô-nê-xi-a; Phim truyện “Thiên mệnh anh hùng” của Việt Nam đã giành được giải đặc biệt của Ban giám khảo dành cho phim truyện; Giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo dành cho phim ngắn đã thuộc về phim hoạt hình “Bò vàng” của việt Nam. Phim dài 10 phút, được sản xuất năm 2012, kịch bản và đạo diễn Trần Khánh Duyên; Giải thưởng của Ban giám khảo NETPAC được trao cho bộ phim “Đêm yên lặng” của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các giải thưởng cá nhân được trao tại Liên hoan phim lần này gồm: Giải đạo diễn trẻ phim ngắn xuất sắc nhất: Mina Yonezawa của Nhật Bản với phim “Một mình”;
Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thuộc về nữ diễn viên Yang Mei Zhou trong phim “Bài ca của sự im lặng” (Trung Quốc); Giải thưởng “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” thuộc về Ilyas Salman trong phim “Đêm yên lặng” của Thổ Nhĩ Kỳ; Đạo diễn phim truyện xuất sắc nhất được trao cho 2 đạo diễn: Iskanda Usmonov phim “Bức điện” của Tajikistan và Reis Celik phim “Đêm yên lặng” của Thổ Nhĩ Kỳ.

7. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 10 (khóa V)

Từ ngày 30-11 đến 1-12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 10 (khóa V). Hội nghị tập trung thảo luận và cho ý kiến về các dự thảo: Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa V), báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam; Đề án đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam và Đề án Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2013 – 2018.

Đại hội sẽ đề ra các phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp và cụ thể để nâng cao tính hiệu quả của công tác Hội và phong trào nông dân; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng kết hợp chặt chẽ công tác tập hợp, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng, giám sát, phản biện xã hội và thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước với tăng cường nhiều hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề cho nông dân để đáp ứng nhu cầu, lợi ích thiết thực của hội viên nông dân.

Đến ngày 31-10-2012, cả nước đã có 10.529 cơ sở Hội Nông dân; 92.721 thôn, ấp, bản, làng có chi Hội; kếp nạp mới trên 1,7 triệu hội viên, đưa tổng số hội viên lên 10.455.367; tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của cả nước đạt 1.180 tỷ đồng, tăng 813 tỷ đồng so với năm 2008; trên 100 ngàn lượt hộ nông dân được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, với mức bình quân 15 triệu đồng/hộ. Đặc biệt, từ các phong trào nông dân đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, đưa vào thử nghiệm và nhân rộng nhiều loại cây, con mới, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn và thu nhập cho bản thân từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng/năm…

8. Nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS

* Phú Yên: Sáng 1-12, Tỉnh Đoàn Phú Yên phối hợp với Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS (10-11-2012 – 10-12-2012). Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”, tỉnh Phú Yên sẽ tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền hơn nữa, đảm bảo mọi người đều được tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị HIV/AIDS; chống kỳ thị, phân biệt đối xử, ngược đãi và xa lánh đối với người nhiễm HIV/AIDS. Để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả, tỉnh sẽ tăng cường đổi mới và đa dạng hoá hơn nữa hoạt động thông tin giáo dục rộng rãi trong xã hội, lồng ghép các chương trình phòng chống HIV/AIDS với các chương trình phòng chống tệ nạn xã hội.

* Kon Tum: Ngày 1-12, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Kon Tum tổ chức mít tinh hưởng ứng tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2012, xác định quyết tâm phòng chống và hướng tới không còn người nhiễm HIV mới vào năm 2015. Theo đó, phụ nữ Kon Tum tích cực tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Hội vận động hội viên nâng cao nhận thức về nguy cơ và hiểm họa của đại dịch HIV/AIDS; tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình sẵn có như: Mô hình câu lạc bộ “Đồng cảm”, “ 5 không, 3 sạch”; Câu lạc bộ “ Phụ nữ không có người thân mắc các tệ nạn xã hội”…. Hơn 14.500 lượt hội viên đăng ký xây dựng gia đình không có người mắc các tệ nạn xã hội, nghiện ma túy, không có người nhiễm HIV/AIDS

* Vĩnh Long: Tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2015 giảm 50% các ca nhiễm mới HIV do lây truyền qua đường tình dục không an toàn, loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con, giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ nhiễm HIV và các ca lây truyền HIV trong nhóm những người tiêm chích ma túy. Được sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV-Lao-Sốt rét, Vĩnh Long đã tổ chức khóa đào tạo về kỹ năng làm việc và quản lý nhóm cho các nhóm tự lực để tiếp cận tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống lây nhiễm HIV cho các đối tượng có nguy cơ cao, trong đó chú trọng cho các nhóm tự lực tiếp cận với những người có “H” và những người nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Vĩnh Long phấn đấu cuối năm 2012, khi giai đoạn 1 (2011-2012) kết thúc, các đồng đẳng viên trong các nhóm tự lực này sẽ tiếp cận tuyên truyền về dự phòng lây nhiễm HIV cho 180 MSM.

* Hưng Yên: ngày 1-12, Lễ mít tinh hưởng ứng tháng hành động phòng chống HIV/AIDS, tổ chức tại Hưng Yên với thông điệp "Mỗi người hãy tự bảo vệ sức khoẻ của chính mình, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, để hướng tới không còn người nhiễm HIV mới". Kết quả nổi bật ở Hưng Yên hiện nay là số người nhiễm HIV hàng năm đang có chiều hướng giảm: từ 122 người năm 2006 xuống còn 113 người năm 2011, tỉ lệ người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS từ 107 người (năm 2006) xuống còn 56 người (năm 2011). Với phương châm "chung tay vì ngày mai không còn người nhiễm HIV", tỉnh Hưng Yên đã triển khai nhiều hoạt động phong phú và đạt hiệu quả thiết thực. Trong đó, chương trình thông tin giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi, đã tuyên truyền cho hơn 50 lượt người thuộc các nhóm đối tượng nghiện chính ma túy, bán dâm, gia đình người nhiễm HIV... góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm, giảm sự kỳ thị đối xử phân biệt với người nhiễm HIV, nhất là trẻ em.

9. Mít tinh giao lưu hưởng ứng ngày Quốc tế người khuyết tật

Sáng 2-12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên Hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam tổ chức mít tinh giao lưu và các hoạt động hưởng ứng Quốc tế người khuyết tật (3-12). Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội, đại diện Đại sứ quán một số nước, các tổ chức trong nước và quốc tế về người khuyết tật (NKT), vì NKT và hàng trăm người khuyết tật.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm phát biểu nhấn mạnh: Việt Nam hiện có hơn 6 triệu người khuyết tật, chiếm 6,3% dân số.Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, giúp đỡ, tạo điều kiện về mọi mặt đối với NKT, bảo đảm cho NKT thực hiện đầy đủ quyền bình đẳng và cơ hội phát triển. Hệ thống pháp luật, chính sách về NKT ngày càng hoàn thiện, khẳng định trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc chăm lo, giúp đỡ NKT. Để từng bước hoàn thiện luật pháp, chính sách về NKT, cải thiện và chăm lo tốt hơn đối với NKT, nhiều chương trình, đề án đã được Chính phủ và các địa phương chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để thực hiện. Đây cũng là những cam kết chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước về NKT.

Cũng tại buổi lễ đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi viết "Người khuyết tật lập nghiệp" do Báo Lao động - Xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức GIZ (Đức) tổ chức với một giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 5 giải khuyến khích và 5 giải đặc biệt cho 5 tác phẩm báo chí của các tác giả là NKT viết về NKT, về chính sự vươn lên lập thân lập nghiệp của họ. Cuộc thi viết "Người khuyết tật lập nghiệp" mặc dù diễn ra trong thời gian ngắn (1-1 đến 15-11) nhưng đã để lại những ấn tượng sâu sắc, là nguồn lực tinh thần lớn, nhằm động viên, chia sẻ để những NKT tiếp tục vươn lên, khẳng định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng đất nước./.