Thành phố Tam Kỳ với công tác xóa đói, giảm nghèo

Nguyễn Văn Tấn
15:06, ngày 07-07-2008

Những năm qua, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 1.000 USD/năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 16,5%... Thành tựu phát triển đó có sự đóng góp rất lớn của công tác xóa đói, giảm nghèo. Những trăn trở, khó khăn và các cách làm hiệu quả của Tam Kỳ đối với công tác trên là những kinh nghiệm hết sức quý báu.

Những kết quả bước đầu

Một trong những thành tựu nổi bật của sự nghiệp đổi mới là đất nước đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, mức sống của đại đa số nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng, một bộ phận người dân trở nên khá giả, giàu có. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, hộ nghèo ở nước ta nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng, trong đó có thành phố Tam Kỳ vẫn còn khá nhiều. Theo số liệu điều tra cuối năm 2005, toàn thành phố có hơn 3,4 nghìn hộ nghèo (chiếm 15,2% so với tổng số dân), trong đó vùng nội thị và ven đô có hơn 1,9 nghìn hộ, vùng nông thôn hơn 1,5 nghìn hộ.

Thực trạng hộ nghèo nêu trên, một mặt, do di chứng của các cuộc chiến tranh ác liệt kéo dài; mặt khác, do sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, kéo theo sự phân hóa giàu nghèo ngày càng cao. Số hộ nghèo của thành phố có thể chia thành 5 nhóm. Nhóm 1: Hộ già cả neo đơn, ốm đau, tàn tật, tai nạn rủi ro chiếm 53% tổng số hộnghèo. Nhóm 2: Hộ thiếu việc làm, lao động, thất nghiệp chiếm 23%. Nhóm 3: Gia đình đông con, có nhiều người ăn theo chiếm 9,6%. Nhóm 4: Hộ thiếu vốn sản xuất kinh doanh, thiếu kiến thức, kinh nghiệm làm ăn,đất sản xuất chiếm 13%. Nhóm 5: Hộ có các thành viên lười lao động, mắc các tệ nạn xã hội chiếm 0,6%.

Từ chủ trương đúng đắn của Thành ủy, sự chung sức của cả cộng đồng, phong trào xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn thành phố đã phát triển đúng hướng, bước đầu mang lại một số kết quả:

Tạo sự chuyển biến về mặt nhận thức, toàn xã hội đều nhận thấy tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác xóa đói, giảm nghèo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội; coi đây là vấn đề bức xúc, cần được quan tâm và tập trung nguồn lực (tài chính, vật chất, công sức, trí tuệ...) để giải quyết.

Đến nay 100% xã, phường của thành phố đều thành lập Ban Chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo, 7/13 xã, phường xây dựng được đề án giảm nghèo đến năm 2010, có chương trình, kế hoạch và quy chế hoạt động cụ thể. Tổ chức điều tra mức sống từng hộ dân cư, lập danh sách hộ nghèo và có biện pháp hỗ trợ đạt hiệu quả. Hằng năm, các xã, phường tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, nhân điển hình.

Ủy ban mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh giữ vai trò nòng cốt trong phong trào xóa đói, giảm nghèo, phối hợp với các cơ quan chức năng để trợ giúp các hội viên của mình về vốn, phương pháp, kiến thức làm kinh tế, xây dựng, duy trì gần 450 nhóm góp vốn quay vòng, tiết kiệm, tín dụng với số tiền trên 6 tỉ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện tốt việc cho vay 13 tỉ đồng đối với hơn 2,3 nghìn hộ nghèo. Phối hợp với Hội Từ thiện, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học thu được 2,7tỉ đồng từ các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ cho người nghèo. Thành phố xây dựng và ban hành một số chính sách khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, cứu trợ đột xuất, xây dựng 424 nhà “Đại đoàn kết” với số tiền 3,8 tỉ đồng để cơ bản xóa xong nhà dột nát cho người nghèo. Kết quả cụ thể của những nỗ lực trên, số hộ nghèo từ hơn 3,4 nghìn hộ cuối năm 2005 giảm xuống còn trên 2,3 nghìn hộ năm 2007, có 5/9 phường đã giảm hộ nghèo còn 3% - 5%. Phong trào trên của thành phố bước đầu đã đáp ứng được một phần nhu cầu cơ bản của người nghèo về vốn, phương tiện, kiến thức làm ăn, khám chữa bệnh, học hành...

Từ thực tiễn trên cho thấy, một kinh nghiệm có tính then chốt tạo nên sự thành công của phong trào là: Nhà nước và cộng đồng chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện, yếu tố quyết định là bản thân người nghèo phải tích cực, sáng tạo, chủ động vươn lên.

Hạn chế, bất cập nảy sinh

Bên cạnh những thành tựu bước đầu, trong quá trình thực hiện, nhiều hạn chế, mâu thuẫn trong công tác xóa đói, giảm nghèo của thành phố cũng nảy sinh:

Thứ nhất: vấn đề giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức độ nào là phù hợp? Đây là nội dung gây ra nhiều tranh luận trong việc xây dựng đề án, kế hoạch của chương trình xóa đói, giảm nghèo. Có ý kiến cho rằng, hằng năm, giảm hộ nghèo xuống một tỷ lệ nào đó là thành công, phấn đấu dần cho đến còn 0%; ý kiến khác cho rằng, không nên đặt nặng chỉ tiêu giảm nghèo đến đâu mà đi đôi với giảm nghèo phải phát động tích cực làm giàu.

Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào các chỉ số thuần túy cũng bất cập bởi tỷ lệ hộ nghèo không ổn định, thường biến đổi, thậm chí có thay đổi đột ngột, do Tam Kỳ cũng như các địa phương miền Trung khác luôn phải gánh chịu nhiều thiên tai tàn phá, một số hộ đã thoát nghèo lại ngay lập tức rơi vào tái nghèo là chuyện bình thường. Mặt khác, nhóm đối tượng già cả neo đơn, ốm đau, bệnh tật, tai nạn rủi ro chiếm tỷ lệ rất lớn, và ngày càng gia tăng (năm 2007 là 65%). Dù đã được hưởng chế độ cứu tế nhưng số tiền quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội nên mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 0% là điều chỉ có trên lý thuyết, còn thực tiễn không thực hiện được. Chính vì vậy, từ đây có thể phân chia hộ nghèo thành 2 nhóm cơ bản: nhóm có khả năng thoát nghèo và nhóm không có khả năng thoát nghèo.

Việc phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo nên đi đôi với phát động người giàu tích cực làm giàu thêm. Nhà nước sẽ điều tiết và bằng các nguồn thu khác tiến tới thành lập quỹ bảo trợ xã hội để trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng có khả năng thoát nghèo, như chế độ cấp sổ “An sinh xã hội” mà hiện nay một số nước trên thế giới đã thực hiện rất thành công.

Thứ hai: vấn đề vốn và sử dụng vốn của người nghèo. Mọi hộ nghèo đều được vay vốn ưu đãi là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của thành phố. Một thực tế là chính từ nguồn vốn vay ưu đãi, một số hộ nghèo làm ăn hiệu quả, đã vươn lên thoát nghèo và giúp đỡ được những hộ nghèo khác. Tuy nhiên, một bộ phận do không có lao động, kiến thức, kinh nghiệm làm ăn nên sử dụng đồng vốn không có hiệu quả, thậm chí thua lỗ (tỷ lệ nợ quá hạn ở thành phố còn quá cao). Thực tế cho thấy, không phải ai được vay vốn cũng thoát nghèo, do vậy nên chăng không áp dụng một chế độ chính sách chung cho tất cả các hộ nghèo, không phân bổ nguồn vốn vay ưu đãi mang tính chất bình quân, mà cần xây dựng một hệ thống chính sách riêng phù hợp và tác động trực tiếp tới từng nhóm đối tượng, tạo động lực để họ vượt qua đói nghèo. Tất nhiên, để thực hiện điều này cần bỏ nhiều công sức hơn nhằm thống kê, phân loại chi tiết, hợp lý.

Thứ ba: đào tạo và sử dụng việc làm tại chỗ. Đây là bài toán hết sức khó khăn với thành phố, thời gian qua Tam Kỳ đã mở khu công nghiệp Trường Xuân để giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thế nhưng lao động tại chỗ chiếm tỷ lệ thấp, phần lớn lao động lại đến từ nơi khác. Đã có rất nhiều thanh niên lao động ở Quảng Nam nói chung, Tam Kỳ nói riêng vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, lập nghiệp với một lý do rất đơn giản là có thu nhập cao hơn. Điều này dẫn đến tình trạng ở địa phương vừa thiếu lại vừa thừa lao động, trong lúc nhà máy mọc lên nhưng nạn thất nghiệp vẫn không giải quyết dứt điểm. Do vậy, đào tạo và sử dụng việc làm tại chỗ đang là những đòi hỏi bức thiết, công tác dạy nghề phải gắn liền với đặc thù, đối tượng và nhu cầu của địa phương, trên cơ sở đa dạng hóa các loại hình đào tạo, có chế độ đãi ngộ và thu nhập hợp lý nhằm góp phần giải quyết những mâu thuẫn trong chính sách đào tạo và việc làm hiện nay.

Chung tay, góp sức của cả cộng đồng

Để xây dựng một thành phố trẻ, văn minh, giàu đẹp, hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo xuống còn 6,76% vào cuối năm 2008, Tam Kỳ đang đứng trước những thách thức: hộ nghèo là người già neo đơn, ốm đau, tàn tật ngày càng tăng; hơn 1.000 lao động chưa có việc làm; 3/4 xã vùng nông thôn tỷ lệ hộ nghèo trên 2 con số; một số hộ tái định cư chưa thực sự ổn định sản xuất và đời sống. Những khó khăn đó đòi hỏi Tam Kỳ phải có những giải pháp thiết thực trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của toàn xã hội để công tác xóa đói, giảm nghèo đi vào ổn định, hiệu quả cả hiện tại và tương lai.

Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy chỉ đạo thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo ở tất cả các phường, xã; tăng cường vai trò lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Trong tổ chức thực hiện, phân công cụ thể, phối hợp đồng bộ và phát huy vai trò tích cực của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các hội nghề nghiệp ở địa phương.

Khảo sát và điều tra hộ nghèo phải sát với thực tế của cộng đồng dân cư, bảo đảm tính khách quan, dân chủ, công khai trong bình xét hộ nghèo, thực hiện đúng và đầy đủ các chính sách giảm nghèo, không vì thành tích mà bỏ sót.

Đi đôi với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, cần có các giải pháp cụ thể cho từng nhóm đối tượng; hỗ trợ, tư vấn kinh nghiệm làm ăn, giúp các hộ thoát nghèo bền vững. Nhân rộng các mô hình hiệu quả, đặc biệt là mô hình hội, đoàn thể, những gia đình có sáng kiến, nghị lực vươn lên làm giàu hiệu quả.

Lồng ghép chương trình xóa đói, giảm nghèo với các chương trình khác như dạy nghề, tạo việc làm, nước sạch, vệ sinh môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế... Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn: vốn của cấp trên và địa phương, từ các tổ chức kinh tế- xã hội và cộng đồng, lồng ghép vào chương trình 257 về đầu tư cơ sở vật chất vùng bãi ngang ven biển, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, giảm tỷ lệ nợ quá hạn.

Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, công tác xóa đói, giảm nghèo phải thực sự trở thành phong trào của quần chúng nhân dân, có sự gắn kết trách nhiệm của gia đình, tộc họ, thôn, khối phố, phát động thi đua rộng khắp phong trào làm giàu chính đáng./.