TCCSĐT - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3. Tại Kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục thảo luận và dự kiến sẽ thông qua.

Tại phiên thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực đã có 22 đại biểu phát biểu ý kiến, tập trung vào các vấn đề:

Về chính sách phát triển điện lực, một số đại biểu cho rằng cần tạo cơ sở cho việc cụ thể hóa chính sách phát triển điện lực, bổ sung quy định: “Ưu tiên phát triển điện phục vụ nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Nhiều ý kiến cũng đề nghị làm rõ và bổ sung vào dự thảo Luật các quy định liên quan đến chính sách phát triển và an ninh điện hạt nhân; khái niệm về các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo và một chương riêng quy định về các nguồn năng lượng này; quy định về an toàn hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và an sinh xã hội.

Về phát triển điện hạt nhân, năm 2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Năng lượng nguyên tử, trong đó có chính sách về phát triển điện hạt nhân và quy định về an ninh điện hạt nhân. Và các quy định cụ thể nhằm góp phần nâng cao mức độ an ninh nhà máy điện hạt nhân dự kiến sẽ được bổ sung, sửa đổi vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử dự kiến sẽ trình Quốc hội vào năm 2014.

Ở nước ta, việc ứng dụng, phát triển năng lượng tái tạo như sức gió, năng lượng mặt trời... để sản xuất điện đã đạt được những kết quả cụ thể. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng mới là vấn đề cần thêm thời gian để đánh giá đầy đủ hơn.

Về vấn đề an toàn hồ chứa của các nhà máy thủy điện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho rằng tại khoản 3, Điều 53, Luật Tài nguyên nước đã quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa. Chương V của Luật Tài nguyên nước cũng đã quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ, nội dung phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, trong đó gồm cả nước hồ chứa của các nhà máy thủy điện.

Về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực, đa số ý kiến nhất trí chu kỳ quy hoạch phát triển điện lực là 10 năm, có định hướng cho 10 năm tiếp theo. Một số ý kiến khác đề nghị giữ nguyên chu kỳ là 5 năm hoặc phải cụ thể hóa quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm và cần làm rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch. Ủy ban TVQH nhận thấy, chu kỳ lập quy hoạch phát triển điện lực 10 năm và có định hướng 10 năm tiếp theo là phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Ủy ban TVQH cũng nhất trí với ý kiến đề nghị bổ sung quy định về bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai vào nội dung quy hoạch phát triển điện lực.

Về hình thành và phát triển thị trường điện lực, có ý kiến cho rằng theo lộ trình đến năm 2022, nước ta mới có thể có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là quá chậm, cần rút ngắn khoảng thời gian này và đề nghị có quy định về tái cơ cấu ngành điện trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, Ủy ban TVQH nhận thấy, việc hình thành và phát triển thị trường điện là một vấn đề mới, phức tạp đối với nước ta; điện là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, kinh tế - xã hội của cả nước. Chính vì vậy, cần có đủ thời gian để vừa xây dựng, phát triển, vừa hoàn chỉnh thị trường điện với tinh thần hết sức thận trọng. Các mốc thời gian, điều kiện hình thành, phát triển các cấp độ thị trường điện lực đã được quy định trong Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26-01-2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Về giá điện và các loại phí, đa số ý kiến nhất trí với khoản 1a, Điều 29 quy định “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”. Cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với chủ trương điều hành lĩnh vực điện lực theo cơ chế thị trường, đồng thời vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện. Để thực hiện đúng định hướng thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 8-11-2011 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, một nguyên tắc phải tuân thủ trong việc định giá điện là Nhà nước chỉ quyết định giá cụ thể đối với các khâu độc quyền còn các đơn vị hoạt động điện lực có quyền cạnh tranh giá trong khung giá do Nhà nước quy định. Theo đó, Nhà nước định giá cụ thể đối với giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện; Thủ tướng Chính phủ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Về phí điều tiết hoạt động điện lực có 2 loại ý kiến như sau: Một số ý kiến đề nghị cần phải thu phí điều tiết hoạt động điện lực vì cho rằng, hiện nay, cơ quan điều tiết hoạt động điện lực trực thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước về điều tiết hoạt động điện lực và tổ chức thực hiện nhiệm vụ điều tiết hoạt động điện lực nhằm cung cấp điện an toàn, ổn định, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và bảo đảm công bằng, minh bạch. Có ý kiến lại cho rằng, điều tiết điện lực là hoạt động quản lý nhà nước, theo đó hoạt động này phải được ngân sách nhà nước bảo đảm. Vì vậy, đề nghị không thu loại phí này.

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, 25 ý kiến của các đại biểu cũng đã tập trung vào các vấn đề: các hành vi bị cấm (như: vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đòi thêm thù lao thông qua ký phụ lục hợp đồng hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng, từ chối bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo); về thời gian đào nghề luật sư (theo Điều 12 dự thảo Luật là 12 tháng); về việc nên hay không nên cho phép tham gia tố tụng của người tập sự hành nghề luật sư); về đối tượng được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; về thu hồi và cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư; về hình thức tổ chức hành nghề luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư.../.