TCCSĐT - Sáng 23-10, tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe báo cáo về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Về mục đích, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; giúp những người này nhận thấy được mức độ tín nhiệm để có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của mình.

Lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm là để đánh giá mức độ tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ của cơ quan có thẩm quyền.

Bỏ phiếu tín nhiệm là việc đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn làm cơ sở cho việc miễn nhiệm chức vụ đối với người mà Quốc hội hoặc hội đồng nhân dân không còn tín nhiệm.

Về nguyên tắc, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm bảo đảm quyền và nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; tôn trọng quyền được báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; công khai, công bằng, khách quan, đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; bảo đảm sự ổn định của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.

 
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với các đại biểu


Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đề xuất 2 nội dung cơ bản, làm căn cứ cho việc đánh giá tín nhiệm: Một là, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật đối với từng chức danh cụ thể; Hai là, tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống.

Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn sau: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Hội đồng Dân tộc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với: các phó chủ tịch, các ủy viên của Hội đồng Dân tộc. Các ủy ban của Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các phó chủ nhiệm, các ủy viên của ủy ban mình. Hội đồng nhân dân thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do hội đồng nhân dân bầu sau đây: Chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thường trực hội đồng nhân dân, trưởng các ban của hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên của ủy ban nhân dân. Các ban của hội đồng nhân dân thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với phó trưởng ban và các ủy viên của ban mình. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc mở rộng phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn… là không cần thiết, quá dàn trải, dễ dẫn đến hình thức. Ý kiến này đề nghị chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với một số người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm, cụ thể: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm; Khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; Khi có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”; Người được lấy phiếu tín nhiệm 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”. Thường trực Hội đồng nhân dân trình hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm khi có một trong các trường hợp sau đây: Khi có yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu hội đồng nhân dân; Khi có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp”; Người được lấy phiếu tín nhiệm 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Về mức độ đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm, đa số ý kiến tán thành như trong dự thảo Nghị quyết quy định 04 mức phiếu lấy tín nhiệm là: “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm trung bình”, “Tín nhiệm thấp” và “Chưa có ý kiến”, vì cho rằng, việc chia các mức như vậy là phù hợp với yêu cầu của việc lấy tín nhiệm, đồng thời tránh được nhầm lẫn giữa việc “lấy phiếu tín nhiệm” với việc “bỏ phiếu tín nhiệm”. Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó… Trường hợp đã hết nhiệm kỳ thì không tiếp tục giới thiệu tái cử chức vụ đó nhiệm kỳ tiếp theo…

Người có 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thường trực hội đồng nhân dân trình Quốc hội, hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm…

Về định kỳ lấy phiếu tín nhiệm, đa số ý kiến tán thành quy định Quốc hội, hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm và được tiến hành bắt đầu tại kỳ họp đầu tiên mỗi năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các ban của hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm.

Đối với các quy định về bỏ phiếu tín nhiệm, đa số ý kiến tán thành với việc cần gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ của việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Do vậy, trong Nghị quyết này cần quy định cụ thể các trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, thường trực hội đồng nhân dân trình hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để bảo đảm tính khả thi, sự rõ ràng, rành mạch, thuận tiện cho việc áp dụng; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quy định hiện hành về việc bỏ phiếu tín nhiệm.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tán thành với Tờ trình ban hành Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn mà không ban hành Quy chế về vấn đề này.

Theo dự thảo, Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01-02-2013./.