TCCSĐT - Ngày 20-9-2012, Trung Quốc đã kêu gọi Nhật Bản đối thoại và đàm phán để giải quyết những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Xên-ca-cư) trên biển Hoa Đông.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh Bắc Kinh luôn kiên định rằng vấn đề liên quan tới quần đảo Điếu Ngư phải được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán. Trung Quốc cũng sẽ duy trì liên lạc với phía Nhật Bản ở mọi cấp độ và giải thích lập trường chính thức của Trung Quốc.

Trong khi đó, Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, Trung Quốc sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản vào ngày 29-9 tới tại Bắc Kinh như kế hoạch. Theo nguồn tin này, cựu Ủy viên Quốc Vụ viện Đường Gia Triền, hiện là Chủ tịch Hội hữu nghị Trung - Nhật, sẽ chủ trì tiệc chiêu đãi ngày 26-9 và lễ kỷ niệm chính thức sẽ được tổ chức vào trưa ngày 27-9.

Trong khi đó, báo Nihon Keizai (Nhật Bản) ngày 20-9 dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Ô-xa-mư Phư-gi-mư-ra (Osamu Fujimura) cho biết, Tô-ki-ô sẽ yêu cầu Bắc Kinh bồi thường những thiệt hại tại các phái bộ ngoại giao Nhật Bản ở Trung Quốc do những người biểu tình Trung Quốc gây ra. Ông Ô.Phư-di-mư-ra cũng cho rằng, những yêu cầu bồi thường thiệt hại của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc cần phải được xử lý thông qua các kênh pháp lý của Trung Quốc.

Căng thẳng bùng nổ khi ngày 18-9, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Ô-xa-mư Phư-gi-mư-ra, hai công dân Nhật đã đến U-ô-chơ-ri (Uotsuri), hòn đảo lớn nhất trong quần đảo tranh chấp nói trên. Phản ứng từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã đưa ra phản đối về hành động trên của hai công dân Nhật Bản, cho đây là sự "vi phạm nghiêm trọng" chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và yêu cầu Nhật Bản có những biện pháp hiệu quả, ngăn chặn bất cứ hành động nào có thể làm gia tăng thêm căng thẳng xung quanh vấn đề này. Và căng thẳng được đẩy lên cao độ khi gần đây nổ ra các cuộc biểu tình quy mô lớn trên toàn Trung Quốc, trong khi các tàu thuyền hai nước theo sát nhau trên vùng biển xung quanh quần đảo Xên-ca-cư/Điếu Ngư.

Tại Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh ở Đông Bắc Trung Quốc, hàng nghìn người biểu tình gần Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản phản đối việc Chính phủ Nhật Bản mới đây đã mua 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp. Ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), hơn 1.000 người biểu tình chống Nhật ở thủ phủ Trịnh Châu và các thành phố lớn như Nam Dương. Ở thủ đô Bắc Kinh, hàng nghìn người Trung Quốc đã biểu tình trước Đại sứ quán Nhật Bản, kêu gọi tẩy chay hàng Nhật đồng thời yêu cầu Trung Quốc đòi chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư. Giới chức Trung Quốc kêu gọi người dân bày tỏ tinh thần yêu nước theo cách hòa bình và chừng mực. Cảnh sát đã được triển khai mạnh ở nhiều thành phố để giữ gìn trật tự và an ninh. Chỉ tính riêng trong ngày 18-9 những cuộc biểu tình chống Nhật đã diễn ra ở ít nhất 100 thành phố tại Trung Quốc. Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thượng Hải đã được cảnh sát vũ trang của Trung Quốc thắt chặt an ninh bảo vệ trong bối cảnh xuất hiện khoảng 7.000 người biểu tình.

Trong diễn biến khác liên quan cùng ngày, ba hãng sản xuất ôtô lớn của Nhật Bản đồng loạt tuyên bố ngừng một số hoặc toàn bộ hoạt động của họ ở Trung Quốc. Hãng Honda tạm thời đóng cửa toàn bộ 5 nhà máy ở Trung Quốc sau khi xảy ra biểu tình bạo lực, trong khi hãng Nissan cũng đóng cửa 2 trong số 3 nhà máy. Hãng Toyota cho biết, đã cắt giảm một số hoạt động sản xuất ở Trung Quốc nhưng không công bố chi tiết cụ thể. Không chỉ dừng tại đó, căng thẳng Trung-Nhật cũng lan sang lĩnh vực thể thao. Ngày 18-9, Liên đoàn cầu lông thế giới cho biết Trung Quốc đã rút tất cả 22 vận động viên của mình khỏi giải Nhật Bản mở rộng, diễn ra trong tuần này vì lo ngại an ninh.

Trong bình luận đầu tiên về vụ tranh chấp trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun nói: "Nhìn vào những gì đang xảy ra trong mối quan hệ Trung-Nhật về vấn đề lãnh thổ này, tôi ngày càng lo lắng trước những căng thẳng leo thang trong khu vực. Với tư cách là Tổng Thư ký, tôi không có trách nhiệm đưa ra lập trường về những tranh chấp lãnh thổ như vậy."

Ông Ban Ki-mun nhấn mạnh: "Tôi hối thúc tất cả các bên liên quan giải quyết vụ tranh chấp này một cách hòa bình thông qua đối thoại. Những nỗ lực cần phải được duy trì để xây dựng sự tin cậy lẫn nhau để tránh căng thẳng". Ông Ban Ki-mun cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo tận dụng khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra vào tuần tới tại Niu Óoc (Mỹ) để nỗ lực xoa dịu mâu thuẫn ngoại giao về quần đảo này, vốn đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống Nhật trên khắp Trung Quốc. Cũng theo ông Ban Ki-mun, tại khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra vào tuần tới, các đại diện của các nước châu Á sẽ "tiến hành thảo luận về vấn đề này một cách thân tình và ôn hòa".

Cùng với đó, Nhà Trắng đã bày tỏ hy vọng Nhật Bản và Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước thông qua "các biện pháp hòa bình". Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Giây Ca-ni (Jay Carney) cho biết: "Chúng tôi tin rằng các mối quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc với Nhật Bản có lợi cho tất cả các nước trong khu vực". Ông Giây Ca-ni tuyên bố Mỹ không đưa ra lập trường về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Xên-ca-cư/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, song mong muốn hai quốc gia châu Á này giải quyết vấn đề trên thông qua biện pháp ngoại giao.

Hiện tại, tất cả các bên đều hy vọng vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ được giải quyết thỏa đáng thông qua các biện pháp hòa bình và đàm phán. Bởi tại thời điểm này, không quốc gia nào có lợi nếu tình hình hiện nay leo thang thành xung đột, phá hoại ổn định và hòa bình ở một khu vực rất quan trọng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.