TCCSĐT - Mặc dù các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) xây dựng hệ thống ASXH (ASXH) theo những cách thức chung nhất, nhưng không phải các nước đều thực hiện mô hình giống nhau về ASXH. Mỗi nước, mỗi khu vực thực hiện chính sách ASXH dựa trên những điều kiện kinh tế và các đặc trưng xã hội riêng.

Trong hệ thống ASXH các nước EU, các nước Bắc Âu đi theo một mô hình riêng, trong đó điểm đặc trưng cơ bản của hệ thống ASXH Bắc Âu là kết hợp thuế cao và hệ thống phúc lợi hào phóng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và hạn chế thất nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hệ thống ASXH Bắc Âu gặp phải nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan rộng kể từ năm 2008.

Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến hệ thống ASXH ở các nước Bắc Âu

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng mạnh đến các nền kinh tế Bắc Âu, khiến khu vực này chịu nhiều rủi ro. Là những nền kinh tế mở cửa, có quy mô nhỏ, các nước Bắc Âu được hưởng lợi mạnh mẽ từ tăng trưởng thương mại và đầu tư toàn cầu, do vậy trong bối cảnh thương mại và đầu tư quốc tế giảm trong ba năm qua, các nền kinh tế Bắc Âu chịu nhiều tác động nặng nề.

Tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu tới tăng trưởng GDP, thất nghiệp, ngân sách ở các nước Bắc Âu

Nước

2006

2007

2008

2009

2010

2011

Tăng trưởng GDP (%)

Đan Mạch

3,4

1,7

-0,9

-5,1

1,2

1,1

Phần Lan

4,4

4,8

1,2

-7,8

1,5

2,4

Na Uy

2,3

2,7

1,8

-1,5

0,7

1,4

Thụy Điển

4,5

2,7

-0,5

-4,4

2,3

4,0

NORDIC

3,7

2,9

0,4

-4,4

1,7

2,5

EU

3,2

2,8

0,7

-4,2

0,8

-

Thất nghiệp (%)

Đan Mạch

3,8

2,8

1,8

3,5

5,2

6,2

Phần Lan

7,7

6,9

6,4

8,2

10,0

7,8

Na Uy

3,5

2,5

2,6

3,2

3,7

3,3

Thụy Điển

7,1

6,1

6,2

8,3

9,7

7,5

NORDIC

5,5

4,6

4,3

6,0

7,3

6,2

EU

8,5

7,4

7,2

9,3

10,5

-

Ngân sách chính phủ (%)

Đan Mạch

5,0

4,4

3,4

-3,0

-5,8

-

Phần Lan

4,0

5,2

4,5

-2,2

-4,0

-

Na Uy

18,5

17,7

18,8

9,7

9,3


Thụy Điển

2,2

3,4

3,1

-1,6

-3,0

-

NORDIC

7,5

7,8

7,6

0,9

-0,5

-

EU

-1,4

-0,6

-2,0

-7,3

-8,1


Nguồn: Nordic Council of Ministers (2011), Global Pressure - Nordic Solutions, Nordic Outlook 2012 - Danske Bank

Tỷ lệ thất nghiệp ở các nước Bắc Âu trong những năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng tăng mạnh, từ mức 4,3% năm 2008 lên mức 6% năm 2009, 7,3% năm 2010 và 6,2% năm 2011. Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê Đan Mạch, năm 2010 có 164,5 nghìn người Đan Mạch lâm vào tình trạng thất nghiệp. Ngày càng nhiều người phải rời khỏi thị trường lao động do không có việc làm. Riêng quý I năm 2012, Đan Mạch mất 9.000 việc làm, trong đó 4.000 việc làm ở khu vực công cộng và 5.000 việc làm tại khu vực tư nhân, khiến thị trường lao động chịu áp lực ghê gớm. Tại Thụy Điển, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, từ mức 6,2% năm 2008 lên mức 8,3% năm 2009, 9,7% năm 2010 và 7,5% năm 2011. Phần Lan là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất khu vực Bắc Âu, ở mức 8,2% năm 2009 so với mức 6,4% năm 2008, tăng lên ở mức 10% vào năm 2010.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nợ công EU cũng tác động tiêu cực đến nguồn thu ngân sách của chính phủ và nợ công của các nước Bắc Âu. Từ một khu vực luôn có thặng dư ngân sách lớn trong EU, ở mức 7,6% GDP vào năm 2008, các nước Bắc Âu đã phải chịu mức thâm hụt ngân sách 0,9% GDP vào năm 2009 và -0,5% GDP vào năm 2010. Nước có thâm hụt ngân sách lớn nhất Bắc Âu là Đan Mạch và Phần Lan, với mức thâm hụt ngân sách năm 2009 là -3% GDP và năm 2010 là -5,8% GDP đối với Đan Mạch, và -2,2% GDP và -4% GDP đối với Phần Lan.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có những tác động tiêu cực đến hệ thống ASXH Bắc Âu trên nhiều phương diện. Cuộc khủng hoảng tác động đến thị trường lao động, sức khỏe, thu nhập, nhà ở, việc làm, khiến người dân phải chịu nhiều tổn thương khi nền kinh tế lâm vào suy thoái, đồng thời dẫn đến chi tiêu cho ASXH trong khủng hoảng gặp nhiều thách thức hơn nhằm bảo đảm sự ổn định xã hội. Với chức năng đem lại lợi ích ASXH  cho tất cả mọi người, từ trẻ em, cha mẹ, người già, người mất việc làm, chăm sóc sức khỏe vật chất và tinh thần, các nhà nước phúc lợi Bắc Âu gặp gánh nặng rất lớn về kinh phí và nguồn lực bởi hai lý do sau: Thứ nhất, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong thời kỳ khủng hoảng 2008 - 2012 dẫn đến các nguồn quỹ bảo đảm ASXH và chi tiêu nhà nước cho bảo trợ xã hội tăng lên nhanh chóng. Thứ hai, do tăng trưởng kinh tế thấp, sự tham gia của người dân trên thị trường lao động giảm, mức lương cho người lao động bị hạ thấp, đã dẫn đến tình trạng nhà nước không có khả năng thu thuế từ người lao động để bù đắp cho việc mở rộng chi tiêu ASXH.

Trong khủng hoảng, hầu hết các nước châu Âu, trong đó có cả các nước Bắc Âu đều phải tung ra các gói tài chính kích cầu để phản ứng với khủng hoảng, dẫn đến thâm hụt ngân sách nhà nước và thu hẹp các quỹ ASXH. Nếu khủng hoảng được khắc phục sớm và nền kinh tế tăng trưởng trở lại, chính phủ các nước châu Âu sẽ không lâm vào khủng hoảng nợ nặng nề. Sự sụt giảm nguồn thu ngân sách đến mức thâm hụt đã khiến người thất nghiệp và những nhóm người đang được hưởng ASXH  ở Đan Mạch bị cắt giảm rất lớn nguồn ASXH, cụ thể là người thất nghiệp chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong vòng 2 năm thay vì 4 năm như trước đây kể từ 1-7-2010. Các khoản trợ cấp cho gia đình và trẻ em cũng giảm rất mạnh tại Đan Mạch do những khó khăn kinh tế trong nước. Vào năm 2009, Đan Mạch đã phải chi tiêu 539 tỷ kroner (95,7 tỷ USD), chiếm 33% GDP cho các dịch vụ ASXH và sức khỏe để khắc phục những khó khăn về việc làm, thất nghiệp, sức khỏe cho người dân trong thời kỳ khủng hoảng.

Tại Phần Lan, những khó khăn kinh tế đã tác động nặng nề vào người lao động, khiến nhu cầu ASXH tăng cao cả về kinh phí và dịch vụ. Để bảo đảm sự ổn định xã hội, chính phủ Phần Lan đã phải tăng chi tiêu ASXH  lên  mức 29% GDP vào năm 2009 thay vì mức 25,4% - 26,3% năm 2006 - 2008. Mức tăng này khiến thâm hụt ngân sách của Phần Lan năm 2009 ở mức -2,2% GDP so với mức thặng dư 4,5% GDP của năm 2008 và mức 5,2% GDP của năm 2007, tiếp tục ở mức thâm hụt nặng nề hơn vào năm 2010 là -4% GDP.

Tại Thụy Điển, tỷ lệ thất nghiệp tăng rất cao đã tạo áp lực cho nguồn thu từ thuế của chính phủ. Vào năm 2007, tổng doanh thu từ thuế của Chính phủ Thụy Điển là 40 tỷ Sek, năm 2008 giảm còn 10 tỷ Sek, năm 2009 giảm còn 15 tỷ Sek và năm 2010 giảm còn 10 tỷ Sek. Trong khi đó, thất nghiệp và những chi tiêu ASXH cho người già, người ốm tiếp tục tăng cao và tạo áp lực rất lớn cho hệ thống ASXH Thụy Điển.

Trong khủng hoảng, các nước Bắc Âu đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để bảo vệ nền kinh tế của họ. Hàng loạt các chiến lược cải cách đã được đề ra bao gồm cả các chương trình thắt lưng buộc bụng để cắt giảm các cơ chế ASXH.

Những thách thức của hệ thống ASXH Bắc Âu hiện nay

Mặc dù được thế giới đánh giá cao về những thành công trong việc bảo đảm ASXH toàn diện cho người dân nhưng hệ thống ASXH của các nước Bắc Âu từ khi xảy ra khủng hoảng nợ công EU và khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đến nay đã gặp phải những thách thức không nhỏ. Cụ thể là:

Thứ nhất, chi phí cho hệ thống ASXH Bắc Âu là không nhỏ, trong khi tỷ lệ người dân tham gia thị trường lao động ngày càng thu hẹp khiến cân đối thu, chi cho quỹ ASXH ở khu vực này gặp nhiều khó khăn. Tính trong GDP, chi phí ASXH ở các nước Bắc Âu cao nhất khu vực châu Âu (chiếm 26,9% GDP năm 2004) và mức thuế đánh vào người lao động cũng cao nhất khu vực châu Âu (46,9% GDP năm 2004). Năm 2004, các nước Bắc Âu hưởng thặng dư ngân sách 4,1% GDP nhờ cân đối được thu (từ thuế) và chi của chính phủ cho các mục tiêu phát triển, trong đó có ASXH.

Những biện pháp cải cách thuế thời gian gần đây đã hạ dần mức thuế áp dụng cho các nước Bắc Âu và vào năm 2008 mức thuế trung bình của các nước Bắc Âu đều giảm mạnh. Điều này đồng nghĩa với nguồn thu ngân sách từ thuế giảm dần, trong khi ASXH  những năm gần đây liên tục tăng cao do những lý do nhân khẩu học và thị trường lao động, đặc biệt cao trong lĩnh vực chăm sóc người già, ốm đau. Tuổi tác của lực lượng lao động đang là mối đe dọa đến sự ổn định và bền vững của mô hình nhà nước phúc lợi Bắc Âu, bởi mô hình này chủ yếu dựa vào việc đánh thuế thu nhập của thế hệ đang làm việc để bù đắp ASXH cho thế hệ người già, trẻ em và những người ốm đau bệnh tật. Mặc dù tỷ lệ người có việc làm ở khu vực Nordic hiện nay cao hơn so với các nước EU khác, nhưng do tăng tuổi thọ, cộng thêm tỷ lệ sinh đẻ thấp dần ở Bắc Âu đang dẫn đến tình trạng già hóa dân số và sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ cho thị trường lao động trong tương lai. Nó đặt ra thách thức đối với việc mở rộng ASXH trong nhiều lĩnh vực như an sinh thu nhập (tiền lương hưu), chăm sóc sức khỏe cho người già. Nó cũng dẫn đến tình trạng lực lượng dân số tham gia thị trường lao động ngày càng ít hơn, khiến năng suất lao động suy giảm và đặt ra những thách thức về nguồn thu tài chính cho hệ thống ASXH.

Thứ hai, chính sách ASXH  đang đặt ra những thách thức cho thị trường lao động ở khu vực Bắc Âu. Đặc trưng cơ bản của hệ thống ASXH Bắc Âu là bảo đảm đầy đủ việc làm cho người lao động và trên thực tế sự tham gia của dân chúng Bắc Âu trên thị trường lao động đạt tỷ lệ cao nhất so với các nước EU khác. Sự tham gia đầy đủ của người dân Bắc Âu trên thị trường lao động góp phần tích cực thúc đẩy các hoạt động kinh tế, mặt khác tạo cơ sở để nhà nước đánh thuế thu nhập phục vụ mục tiêu tài chính của hệ thống ASXH. Tuy nhiên, tình trạng làm việc bán thời gian hay còn gọi là làm việc nửa ngày (part-time) ở khu vực Bắc Âu ngày càng phổ biến và ở tỷ lệ cao hơn các nước EU khác. Những người làm việc bán thời gian chủ yếu là phụ nữ, người già và người ốm đau bệnh tật. Theo quy định của EU, số giờ làm việc tối đa trong tuần là 48 giờ, nhưng ở Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy số giờ làm việc tối đa theo luật pháp chỉ là 40 giờ, thậm chí còn giảm mạnh ở một số ngành, nghề. Ngoài những lý do người lao động đưa ra như nghỉ ốm, chăm sóc trẻ em, lý do gia đình, đi học để được hưởng ASXH từ chính phủ, làm việc nửa ngày còn tiềm ẩn những nguyên nhân thiếu việc làm và nguyên nhân bị ép buộc không tự nguyện từ phía người lao động. Theo báo cáo của OECD (2010), làm việc nửa ngày có nghĩa là người lao động không có khả năng tìm kiếm một việc làm đầy đủ, vì vậy, tỷ lệ thất nghiệp tiềm ẩn ở khu vực Bắc Âu là rất cao. Thống kê của EU và OECD cho thấy, vào năm 2010 số người làm việc nửa ngày không tự nguyện ở Thụy Điển và Phần Lan cao hơn nhiều so với khu vực EU-15.

Tình trạng thiếu việc làm và làm việc nửa ngày không tự nguyện được đánh giá là thất nghiệp một phần, nó đẩy tỷ lệ thất nghiệp của các nước Bắc Âu cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chính thức được công bố.

                      Tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở Bắc Âu năm 2008 (%)

 


















Nguồn:
Anita Haataja, Meria Kauhanen and Jouko Natti (2011),

Ghi chú: unemployment: thất nghiệp; Partial unempl.: thất nghiệp một phần; Total unempl.: tổng thất nghiệp

Cơ chế lợi ích cho thất nghiệp và các cơ chế ASXH khác cho người làm việc nửa ngày ở các nước Bắc Âu đang tiếp tục được cải cách nhằm khuyến khích người dân tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, các hình thức làm việc nửa ngày ở Bắc Âu cho thấy những vấn đề nghiêm trọng của thị trường lao động Bắc Âu hiện nay và trong tương lai.

Thứ ba, do sự gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục và việc làm, các nước Bắc Âu đang phải đối mặt với những thách thức về giáo dục. Để bảo đảm dân chúng tham gia đầy đủ vào thị trường lao động, giáo dục là yếu tố quan trọng. Trong nhiều thập kỷ qua, Bắc Âu được đánh giá là khu vực có sự phát triển nguồn nhân lực đạt trình độ cao trên thế giới, tuy nhiên đây cũng là một sức ép đối với một bộ phận người dân không có trình độ giáo dục cao, khiến họ có nguy cơ rơi vào tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội. Phần Lan là nước đang gặp trở ngại lớn vì một bộ phận thế hệ thanh niên đang rơi vào tình trạng “bên lề hóa” do không đạt được trình độ giáo dục cao. Ở các nước khác như Thụy Điển, Na Uy, những người có trình độ giáo dục thấp nhất cũng là những người bị rơi vào tình trạng “bên lề hóa”. Những số liệu thống kê của OECD năm 2007 cho thấy ở các nước Bắc Âu những người đạt trình độ giáo dục đại học trở lên có cơ hội kiếm việc làm tốt hơn những người có trình độ giáo dục thấp hơn. Những người có trình độ giáo dục đại học tham gia vào thị trường lao động một cách ổn định và không phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp như những người thuộc nhóm người khác. Với những người bị liệt kê vào danh sách bên lề hóa, những rủi ro về nghèo khổ tài chính (thu nhập chỉ bằng 60% thu nhập trung bình của cả nước), phải chịu những bất bình đẳng về giáo dục và chăm sóc sức khỏe, tạo áp lực gia tăng chi phí ASXH  cho chính phủ ngày càng lớn.

Nhìn chung, ở Bắc Âu, phúc lợi xã hội vừa là gánh nặng, vừa là nguồn lực, bởi đó là nguồn chi cơ bản cho phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, trợ cấp thất nghiệp và tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Nhưng khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang làm chậm lại tăng trưởng kinh tế ở Bắc Âu, cùng với sự già hóa dân số khiến ngân sách chi cho phúc lợi xã hội ngày càng tăng, tạo áp lực cho nền kinh tế. Các nước Bắc Âu đang thực thi nhiều biện pháp để giải quyết bài toán gánh nặng phúc lợi xã hội và thách thức tăng trưởng kinh tế. Phần Lan tăng tuổi nghỉ hưu để tăng nguồn cung lao động, đầu tư vào nền kinh tế xanh và cải thiện hiệu quả khu vực công. Tại Thụy Điển, tuổi nghỉ hưu đã bị đẩy lùi đến 63 tuổi và thời gian đóng góp vào quỹ hưu bổng được kéo dài thêm. Ngày nay, Thụy Điển là nước số một trên thế giới trong lĩnh vực tạo công ăn việc làm cho người cao tuổi. Khu vực Nhà nước ở Thụy Điển cũng phải chịu một số biện pháp thắt lưng buộc bụng qua những luật lệ nghiêm ngặt hơn về ngân sách. Đan Mạch tiến hành cải cách chế độ phúc lợi.

Trong khi các quốc gia châu Âu đang phải đấu tranh cắt giảm ngân sách và tình trạng tăng trưởng chậm thì phục hồi tăng trưởng kinh tế của các nước Bắc Âu cho thấy những ưu điểm của mô hình Bắc Âu trong khủng hoảng. Hệ thống ASXH toàn diện ở Bắc Âu thời gian qua là một trong những nhân tố giúp khu vực này khắc phục được những khó khăn của những đợt khủng hoảng kinh tế nặng nề./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Anita Haataja, Meria Kauhanen and Jouko Natti (2011), Underemployment and part-time work in the Nordic Countries, Kela Research Department, Working Papers 31

2. Asisp (2010), Annual National Report 2010, Denmark

3. Breidahl, Karen Nielsen (2008). Labour market integration policies in the Nordic Welfare States: Has the policy changed and what are the driving forces behind? Paper presented at XV. NOPSA Conference, Tromsø, 6-9. Aug. 2008

4. BREKKE, K. A. and KVERNDOKK, S. (2009), Health inequality in nordic welfare states - more inequality or the wrong measures?, HERO skrifter nr. 4. Oslo: HERO

5. Christensen, Anna Meier (2009). The effect of institutions on the unemployment gap between immigrants and natives in 11 European countries. Aalborg: Department of Economics, Politics & Public Administration

6. DVT (2012), 10 nước có thuế thu nhập cao nhất thế giới, http://vef.vn/2012-05-13-10-nuoc-co-thue-thu-nhap-cao-nhat-the-gioi

7. Bùi Xuân Dự (2012), ASXH: Mô hình nhà nước xã hội hay nhà nước phúc lợi? Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

8. Báo Mới (2011), Điều chỉnh dự toán thu chi năm 2011 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, http://www.baomoi.com/Dieu-chinh-du-toan-thu-chi-nam-2011-cua-Bao-hiem-xa-hoi-Viet-Nam/47/7611124.epi

9. Đinh Công Tuấn (2011), Mô hình phát triển Bắc Âu, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội

10. Linh Hương (2012), Kinh tế toàn cầu vẫn trong tình trạng tồi tệ, http://www.toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/4/kinh-te-the-gioi/109704/kinh-te-toan-cau-van-trong-tinh-trang-toi-te.aspx