TCCSĐT - Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng độ doãng cách về trình độ phát triển giữa các nhóm nước trên thế giới. Cùng với những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để “giành lại chất xám” cho các nước nghèo, mỗi quốc gia, kể cả những nước phát triển cũng đang nỗ lực đào tạo, thu hút và giữ chân nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định cho quá trình phát triển này.
"Chảy máu chất xám”: nước chảy chỗ trũng

“Chảy máu chất xám” là cụm từ quen thuộc thể hiện sự cạnh tranh giành và giữ nguồn nhân lực chất lượng cao. “Chảy máu chất xám” diễn ra trong nội bộ mỗi quốc gia, giữa các quốc gia, các nước trong khu vực và trên thế giới. Quá trình toàn cầu hóa được đẩy mạnh, nhân loại bắt đầu chuyển sang kinh tế tri thức trong khi trình độ phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, mức sống giữa các nước trên thế giới còn quá chênh lệch, đang tạo ra lực hút “chất xám” theo kiểu “nước chảy chỗ trũng”, từ chỗ trũng ít chảy đến chỗ trũng nhiều. Lãnh đạo của nhiều nước, trong đó có cả những nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đang đau đầu với tình trạng nguồn nhân lực chất lượng cao đang rời bỏ quê hương, tìm đến những nơi có điều kiện tốt hơn để sống và làm việc.

CHLB Đức - một trong hai nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu, có nền giáo dục phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân lực trầm trọng và tình trạng "chảy máu chất xám" ngày một gia tăng. Theo số liệu điều tra của Viện Prô-gnốt (Prognos) của Thụy Sĩ và Cục Thống kê liên bang Đức, số người Đức chuyển sang các quốc gia khác làm việc và sinh sống trong năm 2007 là 165.000, tăng gấp đôi so với năm 2001. Điểm đến được người Đức ưa chuộng nhất là Thụy Sĩ, Áo và Mỹ. Kết quả điều tra cũng cho thấy, 84% người Đức chuyển tới sống ở nước ngoài là những người có học vị cao. Cơ hội hành nghề hấp dẫn, mức lương cao, đóng thuế thấp và triển vọng nắm giữ các vị trí lãnh đạo,... là những lý do chủ yếu dẫn đến quyết định di cư của những lao động này. Theo các cơ quan chức năng của Đức, tình trạng "chảy máu chất xám" tại nước này đã đến lúc báo động. Nhiều lĩnh vực ngành nghề bị thiếu hụt trầm trọng nhân lực có trình độ cao. Theo ước tính của Chính phủ, Đức sẽ thiếu 330.000 cử nhân đại học từ nay tới năm 2013. Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) cũng cho biết, việc thị trường lao động Đức hiện nay thiếu khoảng 440.000 người lao động có trình độ tay nghề chuyên môn cao khiến nền kinh tế Đức thiệt hại 18 tỷ ơ-rô/năm.

Liên bang Nga từng là một trong những cường quốc về khoa học - kỹ thuật với đội ngũ các nhà bác học, chuyên gia giỏi tầm cỡ thế giới, cũng đang đứng trước sự cạnh tranh, bị rút nguồn chất xám. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, Nga có thể phải đối mặt với làn sóng "chảy máu chất xám" mới ra nước ngoài - Viện sỹ Viện hàn lâm khoa học Nga (RAN) A. Nê-ki-pe-lốp cảnh báo. Ông A. Nê-ki-pe-lốp nhấn mạnh, một số nước, như Mỹ và Đức đã thực thi các biện pháp chống khủng hoảng, trong đó có việc đầu tư những khoản tiền khổng lồ cho khoa học nhằm làm thay đổi về chất diện mạo nền kinh tế. Những nước này sẵn sàng bỏ tiền ra "mua" những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc tại các trường đại học của Nga. Trong khi đó, theo Viện sỹ A. Nê-ki-pe-lốp, do nguồn tài chính bị cắt giảm, trong năm tới, RAN buộc phải cắt giảm chi tiêu cho các công trình nghiên cứu cơ bản và một số chương trình mục tiêu, cũng như tạm ngưng việc tái trang bị cho các viện nghiên cứu khoa học. Thủ tướng Nga Đ. Mét-vê-đép khi còn ở cương vị Tổng thống cũng đã thừa nhận, Nga có rất nhiều nhân tài, nhưng vẫn còn thiếu hệ thống khuyến khích và "giữ chân" các nhà khoa học trẻ tài năng. Ông Đ. Mét-vê-đép nêu dẫn chứng mới nhất là hai nhà vật lý được nhận giải thưởng Nô-ben năm 2010 đều là người Nga và gốc Nga, nhưng hiện đang làm việc tại Đại học Man-chét-xtơ (Anh). Vì thế, nhà nước cần khuyến khích và hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, phục vụ nghiên cứu khoa học. Nhà nước Nga hiện đã dành một khoản chi không nhỏ để thực hiện mục tiêu trên, nhưng kết quả đạt được còn quá khiêm tốn. Thu hút giới trẻ, trước hết đối với những chuyên gia có tài vào công tác nghiên cứu sau đại học, đồng thời, thu hút tài năng trẻ của đất nước sau khi đã tốt nghiệp đại học, nghiên cứu sinh hoặc thực tập sinh ở nước ngoài trở về quê hương làm việc đang trở thành mục tiêu của Chính phủ nước này.

Nâng cao chất lượng đào tạo, tạo nguồn nhân lực trình độ cao

Để có và phát huy được nguồn nhân lực chất lượng cao, giảm thiểu tình trạng “chảy máu chất xám”, mỗi nước có cách làm riêng. Có thể nói, việc xây dựng nguồn nhân lực một cách bài bản, có kế hoạch, được thực hiện từ nhà trường phổ thông là kinh nghiệm rất đáng tham khảo của CHLB Đức. Tại nước này, chương trình học trước đại học của học sinh không căng thẳng quá mức, nhưng sự phân luồng học sinh, định hướng nghề nghiệp, đào tạo gắn với thực tế được thực hiện từ rất sớm. Học sinh vẫn có nhiều thời gian để vui chơi giải trí, bởi quan điểm giáo dục của Đức là đặt hạnh phúc cho trẻ em cao hơn việc ép các em phải đạt được điểm tối ưu trong học tập.

Việc phân loại học sinh dựa trên học lực của các em được thực hiện khá sớm và khoa học. Từ lớp 1 đến lớp 3, chương trình học tập của học sinh tương đối nhẹ nhàng. Từ học kỳ 2 của lớp 4, học sinh được phân chia thành 3 bậc khác nhau dựa vào nguyên tắc tính điểm trung bình của 3 môn Toán, Văn và Xã hội: từ 1,0 đến 2,33 sẽ được vào trường chuyên (trình độ và cường độ học tập cao nhất); từ 2,33 đến 2,66 sẽ vào trường trung học; trên 2,66 đến 4,0 sẽ vào trường phổ thông cấp 2. Học sinh tốt nghiệp trường chuyên sẽ được vào thẳng đại học; tốt nghiệp trường trung học sẽ vào cao đẳng; tốt nghiệp trường phổ thông sẽ đi học nghề.

Có thể thấy, việc phân luồng học sinh để chuẩn bị nguồn lực lao động cho tương lai được thực hiện rất rõ ràng, có kế hoạch, lộ trình cụ thể, bảo đảm chuyên môn hóa xã hội. Các em học sinh lớp 8 của tất cả các trường đều được tham gia vào những hội thảo hướng nghiệp do sở lao động và sở giáo dục tổ chức. Tuy nhiên, việc chọn nghề của học sinh cũng chịu ảnh hưởng rất đáng kể của khả năng kinh tế từng gia đình. Bởi vậy, các em theo học đại học thường là con em của những gia đình có kinh tế khá giả, quá trình học tập, nghiên cứu càng dài thì mức độ chu cấp của gia đình càng cao. Những em có khả năng về tri thức nhưng gia đình không đủ điều kiện chu cấp về kinh tế sẽ phải vay tiền của nhà nước (với lãi suất thấp) để trang trải các chi phí trong quá trình học tập, khi ra trường sẽ trích lương của mình để trả dần. Như vậy, ngay từ trong trường phổ thông, học sinh gần như đã xác định được cho mình hướng đi và ngành, nghề sẽ học sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Áp lực của nhà trường với học sinh các cấp nói chung không quá mức, áp lực chính là sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, hay nói đúng hơn là từng cá nhân tạo nên áp lực cho mình. Phẩm chất quan trọng nhất mà nhà trường đòi hỏi ở học sinh là tính tự giác học tập. Tính tự giác này càng trở nên cực kỳ quan trọng khi các em học lên đại học, bởi ở bậc học này, không còn ai quan tâm đến việc sinh viên học nhiều hay ít mà tự các em phải lập kế hoạch để học tập có hiệu quả, thể hiện ở kết quả các kỳ thi học kỳ. Điều khác biệt của sinh viên Đức là tính tự giác, kỷ luật, tự làm chủ bản thân.

Xã hội Nhật Bản rất coi trọng việc học và sự phát triển thông qua giáo dục. Trong giáo dục - đào tạo, tính hiện đại về nội dung và phương pháp học tạo cho học sinh phát triển tốt về tư duy sáng tạo, tính tự lập cao, ý thức trách nhiệm và tinh thần kỷ luật. Giáo dục và đào tạo gắn với nhu cầu thực tế thấm đậm từ trong suy nghĩ, nhận thức của mỗi người. Chính sách đào tạo được thực hiện theo hướng phân luồng rất rõ sau phổ thông giúp cho người Nhật sẵn sàng đáp ứng được đòi hỏi của lực lượng lao động chuyên nghiệp.

Hệ thống dạy nghề được thực hiện theo hướng song song với đào tạo hàn lâm của chương trình giáo dục đại học. Từ trình độ sơ cấp đến cao cấp, trong một lĩnh vực kỹ năng hay mang tính nghề nghiệp đều có tổ chức cao nhất để tổ chức thi lấy bằng quốc gia cấp 1, có giá trị cao tương đương với bằng tiến sỹ của hệ thống hàn lâm. Hằng năm, kỳ thi này được tổ chức trong cả nước nhưng chỉ có một số ít người đạt được tiêu chuẩn được cấp bằng. Xã hội sử dụng và đánh giá cao năng lực và năng lực nghề nghiệp chứ không hoàn toàn thiên về bằng cấp chính thống.

Nguồn nhân lực có tính chuyên nghiệp cao, một phần, được phát triển từ chính các công ty lớn. Các công ty này xây dựng riêng cho mình các viện đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho nhân viên và cho cả những người ngoài theo học. Bên cạnh đó còn có các viện nghiên cứu riêng để đào tạo và nghiên cứu phát triển công nghệ. Phần lớn các công ty và các viện nghiên cứu này đều quan tâm kết nối chặt chẽ với với các khoa, các giáo sư đầu đàn của các trường đại học lớn, tài trợ kinh phí để họ thực hiện các nghiên cứu, và thậm chí, cả chủ động chọn tuyển cấp học bổng của riêng giáo sư để đào tạo sau đại học. Trong đào tạo sau đại học, tạo điều kiện tối đa về điều kiện trang thiết bị, kinh phí để người học nghiên cứu, tham gia hội thảo quốc tế.

Xã hội công nghiệp phát triển cao đi liền với sự cạnh tranh khá lớn trong các mặt của đời sống, trong đó, cạnh tranh trong học tập cũng trở thành vấn đề đối với các gia đình có con nhỏ. Người Nhật cũng gò ép con học để vào được các trường tốt, dễ kiếm được việc làm có thu nhập cao. Tuy nhiên, nếu không có khả năng đó, họ cũng có thể đi theo con đường khác bằng cách làm việc và tự bồi dưỡng nâng cao trình độ theo yêu cầu của công việc để có khả năng cạnh tranh giữ việc làm. Truyền thống sử dụng lao động của Nhật Bản cũng có những nét khác với phương Tây. Việc gắn bó lâu dài với công ty được đánh giá cao qua sự trung thành. Một mặt, công ty bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nhân viên, đối xử với nhân viên trên tinh thần tôn trọng, khuyến khích sự sáng tạo, những ý tưởng cải tiến công việc của họ, từ đó xây dựng một lực lượng lao động có hiệu quả, có kỹ năng và có khả năng thích nghi cao với môi trường sản xuất liên tục thay đổi bởi vòng đời của sản phẩm ngày càng có xu hướng rút ngắn. Mặt khác, nhân viên cũng chủ động nâng cao trình độ và năng lực để làm việc tốt hơn và được đãi ngộ cao hơn.

Tại Hàn Quốc, 80% học sinh tốt nghiệp trung học tiếp tục theo học đại học. Hàn Quốc có các trường đại học đào tạo chuyên sâu chỉ có vài nghìn sinh viên, có các chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn. Ở đất nước này, sự phối hợp giữa các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp với trường học rất chặt chẽ. Các doanh nghiệp quan tâm, ủng hộ và có cơ chế tài trợ cho hoạt động giáo dục, đào tạo. Các doanh nghiệp có sự đầu tư lớn, đặc biệt là đầu tư thiết bị, công nghệ cho các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Nỗ lực giữ và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao


Trong cuộc cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu thế lớn, có thể nói là ưu thế tuyệt đối nghiêng về các nước phát triển, bởi những nước này có hệ thống các trường đại học “top” đầu cùng với môi trường nghiên cứu và đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu thế giới... Việc nhiều nước phát triển thực hiện chính sách nhập cư có chọn lọc khiến các nước đang phát triển mất dần nhân tài. Trong “cuộc chiến” giữ và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều nước đang phát triển đang tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục, tạo môi trường làm việc hấp dẫn và đưa ra các điều kiện ưu đãi…

Cùng với nâng cao chất lượng đào tạo trong nước, Hàn Quốc xây dựng chính sách dài hạn để thu hút người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại nước này, nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, như tỷ lệ sinh thấp, già hóa dân số và gia đình đa văn hóa. Một trong số các biện pháp được đưa ra là áp dụng chế độ hai quốc tịch đối với các nhân tài người nước ngoài; mở rộng các đối tượng hưởng “quy chế Hàn kiều”, để tăng cường hòa hợp xã hội và cải thiện môi trường làm việc cho Hàn kiều. Bên cạnh đó, người nước ngoài ở Hàn Quốc sẽ được hưởng nhiều ưu đãi mới. Chính phủ dự định nới lỏng các quy chế về lao động phổ thông để đáp ứng nhu cầu và giảm chi phí xã hội cho doanh nghiệp; thực hiện các chương trình hòa nhập xã hội để hỗ trợ các gia đình đa văn hóa; thành lập nhóm chuyên trách để bảo vệ quyền lợi và giúp người nước ngoài ổn định cuộc sống tại nước này; cho phép người định cư vĩnh viễn tại Hàn Quốc được hưởng lợi từ hệ thống bảo hiểm nhân thọ cơ bản, hỗ trợ phúc lợi xã hội khẩn cấp và trợ cấp thương tật…. Sinh hoạt của người nước ngoài cũng sẽ thuận tiện hơn khi chính phủ mở rộng dịch vụ thông tin giao thông bằng tiếng Anh và cung cấp nhà ở phù hợp với lối sống và phong tục của người nước ngoài. Chính sách mới không chỉ giúp người nước ngoài thích nghi nhanh chóng với xã hội Hàn Quốc mà còn tạo điều kiện để người Hàn Quốc tăng cường hiểu biết về người nước ngoài. Những biện pháp trên sẽ được coi là cơ sở để các cơ quan hữu quan thực hiện các chính sách trung và dài hạn về người nước ngoài.

Tháng 6-2012, Bộ Bảo đảm nguồn nhân lực và an sinh xã hội Trung Quốc đã công bố “Cương yếu phát triển sự nghiệp bảo đảm nguồn nhân lực và an sinh xã hội giai đoạn 5 năm lần thứ XII”, theo đó, Trung Quốc sẽ bồi dưỡng một đội ngũ nhân tài khoảng 156 triệu người. Trong đội ngũ nhân tài cả nước, Trung Quốc đặt mục tiêu bồi dưỡng 68 triệu nhân tài chuyên ngành kỹ thuật, 34 triệu nhân tài khoa học công nghệ cao, tỷ lệ nhân tài chuyên ngành kỹ thuật cao cấp, trung cấp và sơ cấp lần lượt là 10%, 38% và 52%. Một loạt các cơ chế như dùng người hợp đồng, cạnh tranh công bằng, đánh giá thành tích, đào thải nhân viên và quản lý giám sát sẽ được hoàn thiện. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục kiện toàn cơ chế quản lý chức vụ, thúc đẩy toàn diện cơ chế tuyển dụng công khai và cạnh tranh chức vụ. Trong thời kỳ “5 năm lần thứ XII”, Trung Quốc sẽ thực hiện 3 chương trình lớn về xây dựng đội ngũ nhân tài gồm: chương trình đổi mới tri thức nhân tài kỹ thuật chuyên ngành; kế hoạch quốc gia chấn hưng nhân tài khoa học công nghệ cao; và công trình bồi dưỡng nhân tài cấp cao.

Rõ ràng là, tình trạng “chảy máu chất xám” đang tạo thêm một sức ép đối với các nước nghèo trên con đường phát triển. Tuy nhiên, cũng chính từ sức ép này, mỗi nước sẽ phải nỗ lực để đưa ra những giải pháp sáng tạo trong việc đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của mình, tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn khi thế giới tiến về phía trước./.