TCCS - Là tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân đấu tranh cho hòa bình và phát triển, mở rộng quan hệ đoàn kết, hữu nghị, thúc đẩy hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong công tác đối ngoại nhân dân, qua đó, góp phần vào việc gìn giữ môi trường hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Những thành tựu nổi bật

Một là, xây dựng cơ sở quần chúng, nền tảng nhân dân, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân.

Tiếp tục quán triệt phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” trong việc mở rộng, đa dạng hóa quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, coi trọng phát triển chiều sâu với các nước láng giềng và các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của ta; củng cố quan hệ bạn bè truyền thống, tăng cường quan hệ với các lực lượng yêu chuộng hòa bình và tiến bộ, các tổ chức cánh tả; mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân có thiện chí với Việt Nam, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp) và các tổ chức thành viên đã có nhiều sáng kiến, trong đó có những sáng kiến mang tính đột phá trong quan hệ hợp tác, hữu nghị với các đối tác nước ngoài; chủ động, tích cực nghiên cứu, thiết lập quan hệ với nhiều đối tác mới là các cá nhân, tổ chức hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục, quan hệ quốc tế, nghiên cứu khoa học, chính trị, hữu nghị nhân dân... Cụ thể là:

- Quan hệ nhân dân với Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia được mở rộng, củng cố theo hướng: thông qua việc ký kết và triển khai các thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực; tổ chức các liên hoan hữu nghị nhân dân cấp quốc gia, liên hoan hữu nghị nhân dân các tỉnh biên giới, diễn đàn hợp tác nhân dân các nước, để trao đổi sâu về các vấn đề cùng quan tâm, qua đó tăng cường sự hiểu biết, thiện chí và sự tin cậy. Việc tuyên truyền, thi tìm hiểu về truyền thống quan hệ các nước thu hút sự tham gia rộng rãi của nhiều tầng lớp nhân dân, việc đẩy mạnh quan hệ nhân dân giữa các tỉnh, thành, các địa phương ở biên giới các nước với nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thanh niên, sinh viên.

- Quan hệ nhân dân với các nước ASEAN, các nước bạn bè truyền thống tại châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh được mở rộng và tăng cường thông qua các hoạt động giao lưu, hữu nghị, hợp tác song phương và các hoạt động đa phương, như Diễn đàn nhân dân Á - Âu, Diễn đàn nhân dân ASEAN, Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ. Liên hiệp và các tổ chức thành viên đã thiết lập được quan hệ đa dạng với các tổ chức, cá nhân từng ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp, đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân ta và các đối tác hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật. Nhiều hoạt động nhằm phát huy vai trò cầu nối cho hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục và từ thiện, nhân đạo đã được tổ chức với sự phối hợp của các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

- Quan hệ với các tổ chức nhân dân Mỹ, Ca-na-đa, các nước Mỹ La-tinh tiếp tục được thúc đẩy thông qua trao đổi đoàn, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, vận động các tổ chức đối tác và các cá nhân góp phần vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, triển khai kênh đối thoại không chính thức để góp phần xử lý các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ song phương. Cùng với việc làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác truyền thống là các tổ chức cánh tả, tiến bộ, các tổ chức cựu chiến binh, tổ chức hòa bình, hữu nghị, quan hệ nhân dân được mở rộng tới các trường đại học, trường trung học tại một số bang của Mỹ với các chương trình giao lưu tìm hiểu về Việt Nam, chương trình ở nhà dân, đã góp phần tăng cường hiểu biết về Việt Nam, về những thành tựu của công cuộc đổi mới, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân hai nước.

- Quan hệ với các đối tác châu Âu tiếp tục được tăng cường thông qua trao đổi đoàn, giới thiệu và quảng bá thông tin về Việt Nam thông qua các đối tác là các tổ chức hữu nghị, tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ, trung tâm nghiên cứu, đồng thời, vận động bạn bè tham gia tích cực và có hiệu quả vào cuộc đấu tranh ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ các dự án nhân đạo, dự án phát triển tại các vùng của Việt Nam.

- Quan hệ và hoạt động đối ngoại nhân dân đa phương có bước đột phá mạnh mẽ, thể hiện ở việc chủ động quan hệ và tích cực tham gia các cơ chế, diễn đàn khu vực và quốc tế quan trọng, như Diễn đàn nhân dân ASEAN, Diễn đàn nhân dân Á - Âu, Diễn đàn xã hội thế giới, Mạng lưới phi chính phủ châu Á của ECOSOC, Mạng lưới đoàn kết nhân dân Nam - Nam và nhiều mạng lưới nhân dân khu vực và quốc tế khác. Việc bảo vệ thành công quy chế tư vấn của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tại ECOSOC - Liên hợp quốc đã tạo điều kiện cho ta tham gia các hoạt động theo cơ chế phi chính phủ của Liên hợp quốc. Đặc biệt, thành công của Việt Nam tại phiên bảo vệ Báo cáo kiểm điểm định kỳ về thực hiện quyền con người tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc năm 2009 đã khẳng định đóng góp tích cực của Liên hiệp, Ủy ban Hòa bình và Phát triển Việt Nam trong việc chuẩn bị nội dung và công tác vận động có hiệu quả một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài ủng hộ Việt Nam.

Hai là, thường xuyên làm tốt công tác vận động viện trợ, nâng cao hiệu quả tiếp nhận, sử dụng và quản lý tốt hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Với chức năng là cơ quan đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), đồng thời thực hiện chức năng cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (Ủy ban), Liên hiệp đã triển khai hiệu quả công tác vận động viện trợ và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (TCPCPNN), gắn chặt mục tiêu tranh thủ viện trợ vì phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu chính trị đối ngoại và bảo đảm an ninh - chính trị.

Công tác vận động viện trợ tiếp tục được tích cực triển khai toàn diện ở Trung ương và các địa phương trên cơ sở thực hiện Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ PCPNN và chương trình vận động của các địa phương. Mặc dù trong bối cảnh khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, nhưng do công tác vận động viện trợ đã được tiến hành thường xuyên, chủ động, nên số tổ chức mới vào Việt Nam và giá trị viện trợ PCPNN không ngừng tăng. Trong 3 năm (2009 - 2011), tổng giá trị viện trợ PCPNN giải ngân đạt 855 triệu USD. Viện trợ PCPNN tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, như y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế, môi trường và tài nguyên thiên nhiên, cứu trợ khẩn cấp do thiên tai. Viện trợ PCPNN tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương, tổ chức nhân dân đánh giá là có hiệu quả thiết thực, quá trình triển khai nhanh và phù hợp với nhu cầu, ưu tiên của ta.

Việc gắn kết hơn các hoạt động vận động viện trợ với hoạt động hữu nghị và công tác tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài được chú trọng. Quan hệ với các TCPCPNN được tăng cường, mang tính xây dựng. Bên cạnh các dự án viện trợ, một số TCPCPNN đã trực tiếp tham gia vận động dư luận nhân dân các nước ủng hộ các nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ báo cáo nhân quyền của Việt Nam, bảo vệ quyền lợi của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đồng thời, tích cực quảng bá về hình ảnh của Việt Nam trong công chúng các nước tài trợ. Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với các cơ quan thành viên Ủy ban Công tác về các TCPCPNN chủ động tổ chức các đoàn đi vận động viện trợ tại các nước, các vùng lãnh thổ trên thế giới góp phần duy trì, mở rộng quan hệ hợp tác với các TCPCP, các nhà tài trợ bên ngoài.

Công tác quản lý hoạt động viện trợ của các TCPCPNN tại Việt Nam tiếp tục được tăng cường thông qua việc chủ động đề xuất hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước, hoàn thiện cơ chế quản lý, đẩy mạnh các hoạt động giám sát, đánh giá, nâng cao năng lực cho các địa phương trong công tác quản lý hoạt động của các TCPCPNN.

Ba là, chủ động tham mưu, nghiên cứu, thông tin đối ngoại.

Liên hiệp và một số tổ chức thành viên đã chú trọng tăng cường việc nghiên cứu về công tác đối ngoại nhân dân, nêu nhiều đề xuất, tham mưu có giá trị thực tiễn; tham gia có hiệu quả vào công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước; phối hợp tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề về biên giới lãnh thổ, dân chủ, nhân quyền, khủng hoảng tài chính, mô hình và chính sách phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, biến đổi khí hậu, môi trường; chủ động giới thiệu, quảng bá về thành tựu đổi mới ở Việt Nam trong nhiều cuộc tiếp xúc và làm việc với đối tác quốc tế; tuyên truyền về mức độ hậu quả chất độc da cam tại Việt Nam và giải đáp nhiều vấn đề nhạy cảm mà dư luận quốc tế quan tâm. Nhiều chuyên san song ngữ đã phục vụ có hiệu quả cho các hoạt động đối ngoại quan trọng của ta trong quan hệ quốc tế, thu hút sự tham gia của nhiều bạn bè quốc tế vào việc phổ biến thông tin về Việt Nam, tranh thủ các phương tiện thông tin đại chúng của các nước để tuyên truyền, giới thiệu về Việt Nam. Các kênh và phương tiện thông tin để cung cấp thông tin về các vấn đề quốc tế, chính sách đối ngoại của ta, về hoạt động đối ngoại nhân dân và phong trào nhân dân các nước được sử dụng và mở rộng.

Bốn là, tăng cường công tác xây dựng và phát triển tổ chức.

Trước những yêu cầu của tình hình mới, Liên hiệp đã tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố và phát triển tổ chức, phát triển các hội thành viên. Tới nay, đã có 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập liên hiệp các tổ chức hữu nghị. Năm mươi bảy thành viên là các tổ chức hữu nghị, hợp tác song phương và đa phương được thành lập với các chi nhánh dưới hình thức các câu lạc bộ, trung tâm nghiên cứu triển khai hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với các đối tác là các tổ chức nhân dân các nước, các trung tâm nghiên cứu, trường đại học, trung học ở nước ngoài, đại sứ quán và lãnh sự quán các nước tại Việt Nam.

Trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động và quan hệ đối ngoại nhân dân ngày càng được mở rộng ở tất cả các cấp, các lĩnh vực với các hình thức đa dạng, kết nối ngày càng trực tiếp với quốc tế. Vì vậy, công tác đối ngoại nhân dân càng có vị trí, vai trò quan trọng trong việc tham gia thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố hình ảnh, vị thế quốc tế của Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục phát triển công tác đối ngoại nhân dân theo phương châm chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, tích cực tham gia các diễn đàn và hoạt động của nhân dân thế giới, góp phần vào công cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, phát triển công bằng, bền vững, dân chủ và tiến bộ xã hội; tăng cường vận động viện trợ và nâng cao hiệu quả hợp tác với các TCPCPNN để phát triển kinh tế - xã hội.

Một số nội dung lớn cần tập trung thực hiện trong thời gian tới

Thứ nhất, tiếp tục củng cố, mở rộng, phát triển theo chiều sâu mạng lưới bạn bè và đối tác quốc tế; tích cực tham gia các thiết chế đa phương quan trọng. Cụ thể là:

- Đẩy mạnh quan hệ nhân dân với các nước Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia theo hướng hình thành các khuôn khổ hợp tác ổn định, thiết thực, đi vào chiều sâu. Triển khai tốt các hoạt động đoàn kết, hữu nghị với Lào, Cam-pu-chia; triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc; tăng cường các hoạt động thông tin, giáo dục quần chúng, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương của Việt Nam với các nước, tổ chức các diễn đàn, gặp mặt, liên hoan nhân dân có nội dung thực chất hơn nữa nhằm củng cố tình cảm hữu nghị, thái độ xây dựng, tin cậy, góp phần thúc đẩy có hiệu quả các quan hệ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực.

- Chủ động thiết lập và mở rộng quan hệ đối tác, tăng cường các hoạt động thúc đẩy quan hệ hiểu biết lẫn nhau, hữu nghị và hợp tác giữa các tầng lớp nhân dân các nước thành viên ASEAN, đóng góp có trách nhiệm trong các cơ chế và hoạt động chung của các tầng lớp nhân dân ASEAN, nhất là trong việc thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng thực chất, tạo sự gắn kết, đan xen lợi ích lâu dài giữa các nước ASEAN.

- Mở rộng hơn nữa quan hệ đối tác và tích cực triển khai các hoạt động giao lưu hữu nghị, hợp tác nhân dân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục với Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Ấn Độ, các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các nước Liên minh châu Âu.

- Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu theo kênh nhân dân với Mỹ nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước; tiếp tục tích cực vận động việc khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là vấn đề chất độc da cam, rà phá bom mìn; chủ động đối thoại và tiếp tục đấu tranh dư luận, hợp tác có hiệu quả với các đối tác liên quan về vấn đề tôn giáo, dân chủ, nhân quyền; nghiên cứu và triển khai một số nội dung, hình thức hợp tác mới trong quan hệ đối ngoại nhân dân với Mỹ.

- Tiếp tục củng cố quan hệ, đẩy mạnh giao lưu, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với các tổ chức bạn bè truyền thống, với các tổ chức cánh tả, tiến bộ trên thế giới. Có biện pháp phù hợp tiếp tục thể hiện tình đoàn kết với Cu-ba, Pa-le-xtin; mở rộng quan hệ với các tổ chức nhân dân các nước Á - Phi - Mỹ La-tinh.

- Chủ động, tích cực tham gia các thiết chế đa phương quan trọng, như các diễn đàn xã hội, diễn đàn nhân dân khu vực và quốc tế, diễn đàn phi chính phủ của Liên hợp quốc, tiếp tục phát huy vai trò là đầu mối chủ trì phối hợp với các tổ chức nhân dân của Việt Nam để tham gia đóng góp có hiệu quả cho Diễn đàn nhân dân ASEAN, Diễn đàn nhân dân Á - Âu; đóng góp có trách nhiệm vào hoạt động của các tổ chức, mạng lưới quốc tế dân chủ và tiến bộ mà Liên hiệp tham gia để góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, phát triển công bằng, bền vững và tiến bộ xã hội.

Thứ hai, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phi chính phủ nước ngoài.

Tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác phi chính phủ nước ngoài; tập trung quán triệt, hướng dẫn và triển khai thực hiện Nghị định số 12/2012/NĐ-CP, đồng thời tập trung hoàn thiện dự thảo Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ PCPNN giai đoạn tới, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về hợp tác với các TCPCPNN trong năm 2012, gắn với dự báo cam kết của các TCPCPNN, xác định các ưu tiên viện trợ và biện pháp vận động trong những năm tới. Tăng cường củng cố về tổ chức và lực lượng để làm tốt chức năng cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các TCPCPNN; nâng cao năng lực cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đầu mối, đối tác Việt Nam về công tác PCPNN.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu liên quan đến PCPNN; tăng cường triển khai công tác PCPNN gắn với mục tiêu chính trị - đối ngoại; tăng cường công tác chia sẻ thông tin và phối hợp Trung ương - địa phương trong công tác PCPNN.

Thứ ba, chủ động, sáng tạo và không ngừng nâng cao chất lượng công tác tham mưu và thông tin đối ngoại.

Tăng cường nghiên cứu về các vấn đề quốc tế và đối ngoại, về tình hình phong trào nhân dân các nước, về các vấn đề phát triển, quan hệ kinh tế quốc tế, về dân chủ, nhân quyền. Chủ động tham gia nghiên cứu và đóng góp ý kiến đề xuất, tham mưu cho công tác đối ngoại chung và đối ngoại nhân dân; tham gia có hiệu quả vào công tác tuyên truyền đối ngoại, đấu tranh dư luận, vận động bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam.

Tăng cường đội ngũ cán bộ nghiên cứu và củng cố, tổ chức lại hoạt động nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng, tính hệ thống trong hoạt động nghiên cứu của Liên hiệp. Triển khai việc tổ chức, cơ cấu lại cơ quan báo chí, ấn phẩm tuyên truyền đối ngoại của Liên hiệp và các tổ chức thành viên. Tăng cường khai thác, sử dụng thông tin cho các bạn bè và đối tác quốc tế. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng trong nước, tranh thủ các phương tiện truyền thông đại chúng ngoài nước để triển khai công tác thông tin đối ngoại. Tăng cường lồng ghép thông tin đối ngoại trong các hoạt động đối ngoại nhân dân; chú trọng giới thiệu cho bạn bè quốc tế về những thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tập trung xây dựng, phát hành một số tài liệu, ấn phẩm chuyên đề phục vụ cho công tác thông tin đối ngoại.

Thứ tư, củng cố và phát triển tổ chức Liên hiệp vững mạnh.

Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 04-CT/TW về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới theo hướng xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển quan hệ đối tác; triển khai các biện pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn hoạt động của các tổ chức thành viên ở Trung ương, hướng dẫn hoạt động của các liên hiệp địa phương.

Tiếp tục kiến nghị thúc đẩy việc thể chế hóa Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 2-12-2008, của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, qua đó khẳng định về mặt pháp lý vị trí, vai trò, chức năng, cơ chế hoạt động, điều kiện bảo đảm về biên chế, kinh phí và chế độ chính sách phù hợp đối với cán bộ của cơ quan thường trực Liên hiệp, tạo điều kiện cho Liên hiệp Trung ương và các tỉnh, thành ổn định, củng cố tổ chức, cơ sở vật chất để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Tập trung củng cố, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách, cán bộ bán chuyên trách, chuyên gia, cộng tác viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.