TCCSĐT - Ngày 20-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị triển khai Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và chủ trì cuộc họp Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở cấp Trung ương”.

Sáng 20-8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VLN&CCHT); phát động cao điểm thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tổng kết thực hiện Công điện số 242/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC) do Bộ Công an tổ chức. Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo của các đơn vị Bộ Công an, sau 15 năm thực hiện Nghị định số 47/CP về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ , công tác quản lý vũ khí, VLN&CCHT đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt trên các phương diện như: Quản lý nhà nước; phòng chống tội phạm và phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hội nhập quốc tế; thể hiện trên tất cả các mặt công tác, từ đăng ký, cấp phép sử dụng; tổng kiểm tra, rà soát; vận động nhân dân thu nộp; phòng chống sản xuất, vận chuyển, buôn bán... đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội.

Thực hiện Công điện số 242 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều vấn đề tồn tại về công tác PCCC ở địa phương đã được giải quyết như: nguồn nước, giao thông phục vụ chữa cháy... được cải tạo bảo đảm điều kiện an toàn PCCC và thoát nạn. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở đã được nâng cao. Công an các địa phương đã tổ chức 1.512 lớp huấn luyện nghiệm vụ PCCC cho 76.512 người làm việc ở các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, các khu dân cơ tập trung; xử lý 3.508 trường hợp. Tình hình cháy nổ đã được kiềm chế, từ tháng 2 đến tháng 5-2012, cả nước xảy ra 461 vụ cháy.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc biệt là lực lượng Công an, Quân đội trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về vũ khí, VLN&CCHT đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phó Thủ tướng cũng đã chỉ ra những mặt tồn tại, bất cập cần kịp thời chấn chỉnh, khắc phục trong công tác công tác quản lý vũ khí, VLN&CCHT: Nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trong thời gian qua vẫn còn buông lỏng quản lý vũ khí, VLN&CCHT. Tình trạng tàng trữ, buôn bán, sử dụng trái phép vũ khí, VLN&CCHT vẫn diễn biến phức tạp...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành cần tổ chức phổ biến, quán triệt thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh và Nghị định số 47về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tổ chức lực lượng, phương tiện để phát hiện, phòng ngừa, điều tra làm rõ các vụ, việc liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, VLN&CCHT xử lý nghiêm theo pháp luật. Công an các đơn vị, địa phương cần thực hiện tốt hơn nữa chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác quản lý vũ khí, VLN&CCHT. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác vận động quần chúng, thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; chủ động phát động, mở các đợt cao điểm để vận động nhân dân giao nộp vũ khí, VLN&CCHT nhằm thu hồi số vũ khí, vật liệu nổ đang trôi nổi trong nhân dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền đến mọi tổ chức, cá nhân về các biện pháp thiết thực, phù hợp với đặc điểm của mỗi đơn vị, địa phương để vận động toàn dân phát hiện, thu nộp vũ khí, VLN&CCHT. Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng sớm rà soát lại việc cấp phép vật liệu nổ. Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công an phối hợp sớm ban hành quy định về chế độ quản lý, sử dụng tài chính bảo đảm cho công tác tiếp nhận, thu gom, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Đề cập về công tác PCCC, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn việc sửa đổi, bổ sung Luật PCCC; sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC cho phù hợp với tình hình mới. Các cấp ủy, chính quyền địa phương phải thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định PCCC, nhất là việc đầu tư, trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ, bảo đảm hoạt động có hiệu quả. Các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện “Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

* Chiều 20-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Ban Chỉ đạo Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở cấp Trung ương” đã chủ trì cuộc họp lần 2 nhằm đánh giá tình hình triển khai Đề án, đồng thời thống nhất Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới. Tham dự buổi họp còn có Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vẫn còn nhiều tồn tại chưa được khắc phục như: Hầu hết quy chuẩn chuyên môn dùng cho giám định tư pháp của từng lĩnh vực chưa được các bộ, ngành ban hành hoặc hướng dẫn phù hợp. Đây cũng chính là nguyên nhân làm nảy sinh tình trạng có nhiều kết luận giám định về cùng một nội dung nhưng kết quả khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau do thiếu căn cứ khoa học, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng. Đáng chú ý, Bảng tỷ lệ tổn hại sức khỏe dùng trong giám định pháp y (nhiệm vụ được phân công từ năm 2010) nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ Y tế ban hành. Hiện tại vẫn phải vận dụng văn bản quy chuẩn từ năm 1995 để tiến hành giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe, làm giảm độ tin cậy của cơ quan, tổ chức và công dân, dễ dẫn đến những khiếu nại về kết quả giám định.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, đại diện Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cho rằng, trong thời gian dài vừa qua, lĩnh vực giám định tư pháp còn nhiều yếu kém gây nên những khó khăn cho công tác tư pháp các cấp. Nhiều phần việc tồn đọng đã lâu nhưng vẫn chưa được các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết. Đề xuất những công việc trọng tâm từ nay đến đầu năm 2013, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành xác định cụ thể các mốc thời gian hoàn thiện thể chế, văn bản hướng dẫn cũng như tiến độ xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ quan giám định.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, thảo luận xây dựng những kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Đề án tại một số địa phương. Tập trung phân tích, làm rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chủ quan, khách quan đang tồn tại để có giải pháp, lộ trình khắc phục kịp thời. Phó Thủ tướng khẳng định, việc hoàn thiện cơ chế, tổ chức các cơ quan giám định tư pháp là hành động cụ thể góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” về hoạt động tư pháp cả nước.

Ghi nhận những cố gắng của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành địa phương chú trọng đến việc khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác giám định tư pháp; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan pháp y đối với các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp, nhất là những cơ quan giám định về các lĩnh vực chuyên ngành như tài chính, xây dựng, ngân hàng...

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám định; triển khai đầy đủ, có hiệu quả các nội dung của Đề án, hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ còn tồn đọng ngay trong năm 2012. Tích cực tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ giám định viên; thực hiện thống kê, rà soát về tổ chức, con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện giám định, kết quả thực hiện giám định thuộc thẩm quyền./.