Trong hai ngày 20 và 21-8, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của Ủy ban lâm thời trong việc thực hiện các chức năng cơ bản của Quốc hội”. Gần 80 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi xét thấy cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định. Tuy nhiên trong lịch sử hơn 60 năm xây dựng và phát triển của mình, số lần Quốc hội nước ta thành lập Ủy ban lâm thời rất ít. Trên thực tế, Quốc hội chưa lần nào thành lập Ủy ban lâm thời để tiến hành điều tra một vụ việc, qua đó gián tiếp hỗ trợ cho việc thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội.

Với 12 tham luận do các nhà nghiên cứu lập pháp, các học giả từ các trường đại học, cố vấn quốc tế trình bày, Hội thảo nhấn mạnh đến tầm quan trọng, vị trí vai trò của Ủy ban lâm thời trong việc thực hiện chức năng lập pháp, giám sát của Quốc hội nói chung, sự cần thiết để thành lập Ủy ban lâm thời trong một số trường hợp cần thiết của Quốc hội Việt Nam. Đồng thời, Hội thảo đã đánh giá các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về tổ chức, hoạt động của Ủy ban lâm thời với nhận định khung pháp lý dành cho Ủy ban lâm thời không những chưa đầy đủ, mà còn nằm rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau. Chính vì vậy, để Quốc hội nước ta trở thành cơ quan quyền lực mạnh mẽ và thực quyền hơn nữa, thì việc xem xét thành lập và phát huy vai trò của Ủy ban lâm thời là vô cùng cần thiết.

Nhiều tham luận đi sâu vào so sánh sự khác biệt về thể chế, phương thức hoạt động của Nghị viện/Quốc hội của Việt Nam với một số nước tiêu biểu như Mỹ, Anh, qua đó đề xuất một số nội dung về khung pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Ủy ban lâm thời, cơ chế pháp lý đầy đủ cho việc thành lập một Ủy ban lâm thời của Quốc hội Việt Nam./.