Phú Yên chú trọng bảo đảm và nâng cao chất lượng an sinh xã hội cho dân cư ven biển

Cao Thị Hòa An Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Yên
22:21, ngày 20-08-2012

TCCS - Tỉnh Phú Yên hiện có 27 xã, phường ven biển, với trên 17.000 hộ dân, hơn 26.000 lao động. Đây là địa bàn chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế và quốc phòng, an ninh của tỉnh. Những năm qua, cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế biển nói chung, tỉnh Phú Yên đã triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến sản xuất và ổn định đời sống cho dân cư ven biển.

Chú trọng bảo đảm đời sống dân cư vùng biển

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), Tỉnh ủy Phú Yên ban hành Chương trình hành động số 14, ngày 28-4-2007, về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Chương trình hành động số 08, ngày 24-6-2011, của Tỉnh ủy, về đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, Phú Yên, chú trọng khai thác những tiềm năng, thế mạnh của biển và khu vực ven biển; quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ ven biển; nâng cao hiệu quả nuôi trồng, đánh bắt hải sản, từng bước tăng kim ngạch xuất khẩu; quan tâm tạo việc làm, tăng thu nhập của nhân dân vùng biển; gắn phát triển kinh tế nói chung,  phát triển kinh tế biển, đảo nói riêng với bảo đảm an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia trong phạm vi lãnh hải do địa phương quản lý.

Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng vùng biển, ven biển của tỉnh từng bước được nâng cấp và đầu tư xây dựng mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, cảng cá Vũng Rô đã trở thành cảng hàng hải quốc gia có khả năng tiếp nhận tàu trên 3.000 tấn; các khu công nghiệp ven biển đang hoạt động hiệu quả; một số tuyến đường quan trọng cho phát triển vùng kinh tế biển, ven biển được nâng cấp; huy động được mọi nguồn lực trong các thành phần kinh tế nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, góp phần giữ vững an ninh trên tuyến biển và phục vụ cho ngư dân an tâm đánh bắt xa bờ.

Cùng với những kết quả phát triển kinh tế biển nói chung, trong 5 năm gần đây, công tác bảo đảm an sinh xã hội cho dân cư ven biển của tỉnh ngày càng được tỉnh Phú Yên hết sức quan tâm, hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; chính sách an sinh xã hội đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo, các gia đình khó khăn. Phú Yên đã đầu tư gần 6.500 tỉ đồng cho xây dựng nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó đầu tư thêm 32 tỉ đồng để xây dựng 40 công trình dân sinh, như đường giao thông nông thôn, chợ, hệ thống thủy lợi, đê ngăn mặn và trường học, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của các xã nghèo bãi ngang ven biển.

Là một trong 29 tỉnh trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009 - 2020, trên tinh thần đó, năm 2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên thực hiện Đề án 52 trong điều kiện rất khó khăn, do địa lý, khí hậu và đặc thù nghề nghiệp vùng biển; một số cụm dân cư thường xuyên bị triều cường xâm thực, tình trạng xâm nhập mặn đã tác động không nhỏ đến đời sống của người dân. Với Đề án này, người dân đã được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, góp phần giảm mức sinh, nâng cao chất lượng dân số. Điểm nổi bật trong thực hiện Đề án, là chương trình “Quân - dân y kết hợp” của Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên đã thực hiện tốt việc triển khai khám, tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho hàng ngàn người dân ở vùng ven biển. Kết quả khảo sát vừa qua cho thấy, hiện nay Phú Yên là tỉnh có mức sinh thấp nhất khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; mức giảm sinh ở các huyện, thị xã, thành phố ven biển của Phú Yên đạt kết quả bước đầu đáng phấn khởi. Với mục tiêu sát cánh, hỗ trợ nhân dân vùng ven biển phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân, xây dựng địa bàn biên phòng ngày càng vững mạnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo toàn lực lượng thực hiện chương trình ký kết với ngành giáo dục - đào tạo, phối hợp chặt chẽ các địa phương để vận động học sinh bỏ học trở lại lớp với khẩu hiệu “Chung tay tiếp sức cho trẻ đến trường, hãy hành động vì những đứa trẻ”, “Mỗi người cố gắng một chút nhằm tạo cơ hội cho trẻ em phát triển”.

Tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về an sinh xã hội theo sự chỉ đạo của Chính phủ bằng cách xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho các xã vùng khó khăn, vùng ven biển; triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011 - 2015; hoàn thành việc điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và đã có hơn 105.000 lượt người nghèo được khám và chữa bệnh miễn phí. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay gần 13.000 tỉ đồng để thực hiện 10 đề án giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới được chú trọng. Các chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện rộng hơn về quy mô, mức trợ giúp cho đối tượng thụ hưởng ngày càng tăng, các phong trào “Tương thân, tương ái”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” được tổ chức thường xuyên, nhận được sự hưởng ứng tham gia của nhiều thành phần trong xã hội, đóng góp đáng kể vào việc nâng cao an sinh xã hội người nghèo vùng biển.

Cuối tháng 3-2012, tỉnh đã triển khai thí điểm thành lập Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, thành phố Tuy Hòa, với hơn 150 ngư dân nộp đơn xin gia nhập. Toàn tỉnh có hơn 7.200 tàu thuyền đánh bắt hải sản, với gần 200 tổ, đội tàu thuyền an toàn được thành lập nhằm phát huy hiệu quả trong khai thác và bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo. Để tạo điều kiện cho ngư dân an tâm bám biển, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt danh sách gần 500 tàu có công suất từ 90 CV trở lên đăng ký hoạt động vùng biển xa được hưởng một số chế độ hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Một số khó khăn và bài học kinh nghiệm

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện an sinh xã hội ở tỉnh Phú Yên vẫn còn một số bất cập và hạn chế: xu thế già hóa dân số đang và sẽ đặt ra nhiều khó khăn cho hệ thống an sinh xã hội, tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế, bảo hiểm xã hội, các dịch vụ chăm sóc xã hội cho người cao tuổi. Mức đóng và hưởng bảo hiểm xã hội ở những vùng ven biển thiếu hợp lý, chưa bảo đảm cuộc sống cho các đối tượng thụ hưởng. Mức độ bền vững về tài chính, tính liên kết giữa các chế độ, chính sách an sinh xã hội ở những vùng này còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ở vùng ven biển còn yếu và thiếu, điều đáng nói là chưa phù hợp với đặc điểm môi trường và khí hậu biển. Giảm nghèo chưa bền vững, sự phân hóa giàu, nghèo giữa các vùng biển có xu hướng tăng lên. Hệ thống hành chính, sự nghiệp cung cấp dịch vụ an sinh xã hội vùng ven biển chưa theo kịp yêu cầu phát triển, trong khi năng lực tổ chức và quản lý đối với các loại hình an sinh xã hội vẫn còn nhiều hạn chế.

Từ những kết quả đạt được và một số khó khăn, hạn chế trên, trong quá trình thực hiện nâng cao chất lượng an sinh xã hội cho dân cư vùng biển, Phú Yên đã rút ra được một số kinh nghiệm: Cần nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và sự tập trung xuyên suốt của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt người nghèo vùng ven biển. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cần có sự phối, kết hợp tốt trong công tác tuyên truyền vận động; chủ động, sáng tạo để đề ra các giải pháp cụ thể, sát thực tiễn đối với việc quan tâm, hỗ trợ người nghèo; tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân. Thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong toàn xã hội, với mục đích cuối cùng là chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Những giải pháp thiết thực trong giai đoạn tiếp theo

Một là, tiếp tục bám sát và thực hiện tốt Chương trình hành động số 14 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Chương trình hành động số 08 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. 

Hai là, chú trọng phát triển kinh tế vùng biển, ven biển có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và bền vững; xem đây là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng, cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao. Tập trung xây dựng khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành địa bàn phát triển đột phá, là trung tâm giao thương và công nghiệp, cảng biển của vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Hoàn thành tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường nối từ quốc lộ 1A đến các xã bãi ngang ven biển. Tổ chức nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đối với vùng ven biển để có giải pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt là bảo đảm an toàn các khu dân cư và các đô thị ven biển.

Ba là, ưu tiên phát triển sự nghiệp an sinh xã hội cho dân cư ven biển: hệ thống an sinh xã hội cho dân cư ven biển bao gồm ba nội dung chủ yếu: chế độ bảo hiểm xã hội cộng đồng nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu, bảo đảm đời sống cơ bản của người có thu nhập thấp; chế độ y tế cộng đồng, nhằm giải quyết vấn đề khám, chữa bệnh; chế độ bảo hiểm hưu trí, nhằm bảo đảm cuộc sống cho người cao tuổi.           

Bốn là, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển. Theo đó, xem trọng việc xây dựng cơ chế, chính sách và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế liên quan đến biển; hỗ trợ đào tạo các ngành nghề khai thác hải sản; ưu tiên đào tạo học sinh, lao động các xã nghèo vùng bãi ngang ven biển để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển.

Năm là, tiếp tục tạo điều kiện cho ngư dân được vay vốn ưu đãi để đóng mới, nâng cấp tàu thuyền và mua sắm các trang thiết bị, phương tiện cần thiết phục vụ thông tin liên lạc kịp thời để chủ động phòng tránh bão, phát hiện tàu thuyền lạ xâm lấn ngư trường, các hành vi phá hoại môi trường sinh thái và các hoạt động buôn lậu trên biển đáp ứng yêu cầu vươn xa đánh bắt hải sản. Đồng thời củng cố, nhân rộng và phát huy thế mạnh của các tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển để tiếp tục thành lập nghiệp đoàn nghề cá giúp ngư dân yên tâm sản xuất, tương trợ nhau khi gặp hoạn nạn trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển quốc gia.

Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đặc biệt là sức mạnh của hệ thống chính trị ở cơ sở đối với công tác bảo đảm an sinh xã hội. Hệ thống hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về an sinh xã hội phù hợp với tình hình hiện nay, trong đó cần điều chỉnh thích hợp về lợi ích và hình thành chế độ an sinh xã hội thống nhất. Chính quyền cấp cơ sở, các chủ thể hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện các văn bản pháp luật, các chương trình, kế hoạch an sinh xã hội. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, các thiết chế tự quản của nhân dân đối với việc thực hiện pháp luật, chương trình, kế hoạch an sinh xã hội cho dân cư ven biển nói riêng./.