Bắc Ninh: Nhìn lại chặng đường 15 năm và đi tới năm 2020
TCCS - Tỉnh Bắc Ninh được tái lập từ ngày 1-1-1997. Qua 15 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng, tinh thần sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, vượt qua khó khăn, thử thách, tạo nên sự chuyển biến tích cực, toàn diện và sâu sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Những thành quả đạt được đã tạo nên khí thế mới, quyết tâm mới, sinh lực mới cho Bắc Ninh bước vào giai đoạn phát triển theo hướng bền vững.
Nhìn lại chặng đường 15 năm
Những ngày đầu mới tái lập tỉnh, Bắc Ninh gặp nhiều khó khăn, thách thức: điểm xuất phát kinh tế thấp (sản xuất nông nghiệp chiếm 45% GDP của tỉnh), kết cấu hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu, lại chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực và sự suy giảm kinh tế toàn cầu gần đây. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự điều hành kiên quyết, tập trung của chính quyền các cấp, sự đồng thuận cao của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, sự nỗ lực của cộng đồng các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, trên cơ sở xác định đúng đắn chiến lược phát triển, cùng lộ trình và bước đi phù hợp, Bắc Ninh đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực.
Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, bình quân đạt 14,1%/năm, quy mô kinh tế năm 2011 gấp 6,6 lần so với năm 1997; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng: 70,7%, dịch vụ: 20,8%, nông nghiệp: 8,5%; xuất khẩu hàng hóa tăng từ 20 triệu USD lên 5,85 tỉ USD; thu ngân sách đạt trên 7.100 tỉ đồng, gấp 41 lần so với năm 1997; GDP bình quân đầu người đạt 2.100 USD.
Sản xuất công nghiệp được xác định là khâu đột phá, trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 62.000 tỉ đồng (tăng 107 lần so với năm 1997, đứng thứ 6 toàn quốc về tổng giá trị sản lượng công nghiệp); quy hoạch và hình thành 23 cụm công nghiệp,15 khu công nghiệp tập trung gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại. Năm 1997 chỉ có 4 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 170 triệu USD, đến năm 2011 có 350 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 4 tỉ USD, trong đó có các tập đoàn đa quốc gia thương hiệu uy tín toàn cầu, như Canon, Samsung, Nokia, ABB, Pepsico... Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ gắn khu công nghiệp - đô thị, hình thành khu công nghiệp công nghệ cao; làng nghề truyền thống cũng được khôi phục và phát triển, tạo sự chuyển biến nhanh về cơ cấu lao động, việc làm và thu nhập.
Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có sự phát triển quan trọng.Tổng mức đầu tư cho nông nghiệp đạt trên 2.900 tỉ đồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn ngày càng hoàn thiện, nhiều công trình thủy lợi đầu mối quan trọng được xây dựng và nâng cấp, như các trạm bơm Tân Chi, Hán Quảng, Hiền Lương, Văn Thai, Đại Đồng Thành... Bước đầu hình thành cơ sở nông nghiệp công nghệ cao gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hình thành chuỗi giá trị trong nông nghiệp “sản xuất giống - thức ăn - gia công - thu mua - chế biến - phân phối” có hiệu quả kinh tế cao. Diện tích sản xuất trồng trọt đạt 98,4 triệu/ha (tăng 5,6 lần so với năm 1997). Năng suất lúa từ 39,2 tạ/ha năm 1997 tăng lên 63,1 tạ/ha năm 2011.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn theo hướng: tập trung, chất lượng, hiệu quả và hướng tới tiêu chí một tỉnh công nghiệp trong tương lai.
Từ chương trình phát triển giao thông với điểm nhấn là đẩy mạnh giao thông nông thôn và xây dựng công trình trọng điểm, như quốc lộ 38 và cầu Hồ, Bắc Ninh đã phối hợp với các bộ, ngành chức năng của Trung ương hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng quốc lộ 1B, nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ 18, tỉnh lộ 282, 271, 280, 286, 295 và hàng chục tuyến đường liên xã, liên huyện với tổng đầu tư trên 11.000 tỉ đồng. Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh khá hiện đại, đồng bộ, 100% số đường giao thông nông thôn được cứng hóa.
Công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị được chú trọng theo hướng tổ chức không gian kinh tế - đô thị, phát triển chuỗi và cụm đô thị hiện đại. Thành phố Bắc Ninh, từ một thị xã nhỏ bé, nay đã trở thành thành phố có quy mô gấp 3 lần khi mới tái lập tỉnh với kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại, được Hiệp hội các Đô thị Việt Nam đánh giá là 1 trong 10 thành phố Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp của toàn quốc.
Ngành dịch vụ có bước tiến bộ, các trung tâm thương mại, hệ thống ngân hàng, siêu thị, mạng lưới chợ, khách sạn, nhà hàng phát triển nhanh, vận tải hành khách công cộng với các tuyến xe buýt kết nối toàn tỉnh và các tỉnh lân cận; dịch vụ logistics, cảng cạn được hình thành; hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông được hiện đại hóa.
Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu quan trọng; các thiết chế văn hóa, thể thao được tăng cường. Hoạt động thể dục - thể thao quần chúng ngày càng phát triển với nhiều loại hình đa dạng, phong phú. Thể thao thành tích cao phát triển đúng hướng, chất lượng không ngừng nâng lên, từ không có huy chương đến nay đã có 20 huy chương quốc tế, trong đó có 2 huy chương vàng.
Các giá trị văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phát huy. Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, điều đó có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc quảng bá hình ảnh về con người và vùng đất địa linh nhân kiệt của Bắc Ninh - Kinh Bắc với bạn bè trong nước và quốc tế.
Công tác quản lý, tổ chức lễ hội có nhiều tiến bộ; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; các công trình “Đền ơn đáp nghĩa” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được phát triển sâu rộng trong cộng đồng dân cư.
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo là một điểm nhấn tiêu biểu, nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự phát triển toàn diện, bền vững của Bắc Ninh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ một tỉnh ở vị trí trung bình khá Bắc Ninh đã vươn lên đứng trong tốp 10 tỉnh, thành phố có phong trào giáo dục mạnh của cả nước. Chất lượng giáo dục ở các cấp học được nâng lên; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hằng năm từ 55% đến 60%; có nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc tế. 97% số phòng ở các cấp học được kiên cố hóa; 71% số trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó khối trường mầm non, khối trường tiểu học đứng đầu toàn quốc). Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 26 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, 51 cơ sở dạy nghề...
Điều kiện, chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn; công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm được coi trọng. Công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng bệnh viện, phòng khám tư nhân được mở rộng; 100% số trạm y tế cấp xã có bác sĩ và được kiên cố hóa đạt chuẩn quốc gia.
Chương trình giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng. Một số chính sách đi trước hoặc thực hiện ở mức cao hơn so với quy định của Trung ương, như hỗ trợ dạy và học nghề cho doanh nghiệp và người lao động đi xuất khẩu lao động; chế độ cho nạn nhân chất độc da cam, bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo, chế độ cho người cao tuổi và đảng viên 40 tuổi đảng trở lên, xây dựng nhà ở cho người nghèo và người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên, công nhân trong các khu công nghiệp... Xây dựng hơn 6.000 nhà cho các hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội với tổng số tiền hỗ trợ trên 135 tỉ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,8%; đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Đã có 42/100 xã đạt trên 10 tiêu chí trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tiến bộ, 8/8 đơn vị cấp huyện và trên 12 cơ quan liên quan thực hiện cơ chế “một cửa liên thông hiện đại”; năm 2011 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được xếp thứ 2 trong 63 tỉnh, thành cả nước.
Quán triệt sâu sắc quan điểm xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, 15 năm qua, công tác xây dựng Đảng luôn được coi trọng. Tổ chức bộ máy và cán bộ của hệ thống chính trị được kiện toàn. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đội ngũ cán bộ được phát huy khả năng, sở trường, từng bước trưởng thành. Năm 1997 tỉnh mới chỉ có 10.894 cán bộ, công chức, viên chức với 4 tiến sĩ, 38 thạc sĩ, đến năm 2011 có 17.894 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó số tiến sĩ và thạc sĩ đã tăng lên đáng kể với 32 tiến sĩ và 748 thạc sĩ. Đây là tiền đề quan trọng cho chiến lược tạo nguồn cán bộ vừa có tâm, vừa có tầm, đủ sức gánh vác những trọng trách lớn lao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa, chuyển biến sâu sắc về nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được nâng lên. Bình quân hằng năm số tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh đạt trên 87%; số tổ chức cơ sở đảng yếu kém giảm dần. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng được tăng cường, nhất là việc xử lý các kết luận sau thanh tra, kiểm tra; công tác dân vận đã có nhiều đổi mới, Quy chế Dân chủ được phát huy; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đạt nhiều kết quả tiến bộ.
Ghi nhận những thành tích đã đạt được 15 năm qua, tỉnh Bắc Ninh 2 lần được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc trong công tác phát triển giao thông nông thôn, 2 lần dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước khối tỉnh; trong thời kỳ đổi mới đã có 10 tập thể và một cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng, tặng thưởng các danh hiệu khen thưởng của Đảng và Nhà nước. Nhân kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh vinh dự được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.
Sau 15 năm tái lập, hình ảnh một tỉnh công nghiệp và đô thị với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đang hiện diện đã khẳng định thành công trong tầm nhìn chiến lược của Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh. Song, mặc dù kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững; hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu; ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; năng lực quản lý điều hành và tổ chức thực hiện có mặt hiệu quả chưa cao.
Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015 và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020
Quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, xuất phát từ thực tế địa phương, Nghị quyết Đại hội XVIII của Đảng bộ tỉnh hoạch định: “Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020”, với chiến lược phù hợp, nhằm đưa Bắc Ninh bước vào thời kỳ phát triển mới theo hướng bền vững. Trong thời gian tới, Bắc Ninh tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm sau:
1 - Tập trung quy hoạch, tổ chức không gian kinh tế và đô thị, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng có tính liên kết, đồng bộ, hiện đại, phát huy lợi thế về địa - kinh tế, xây dựng tỉnh thành điểm sáng về tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hoàn thành Đồ án quy hoạch vùng của tỉnh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị, đặc biệt là đô thị lõi thành phố Bắc Ninh theo hướng hiện đại, kết nối các vùng đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm: Cầu vượt sông Đuống và đường 282, đường sắt Yên Viên - Phả Lại, nâng cấp quốc lộ 38, 295B, 277, 286, 279, nút giao thông phía tây thành phố, hệ thống kho bãi, cảng nội địa, cùng với việc Chính phủ cho phép thành lập Cục Hải quan, nhằm phát triển Bắc Ninh thành trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa của vùng.
2 - Phát huy lợi thế so sánh, thúc đẩy quá trình điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý. Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và hình thức đầu tư. Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, khuyến khích các dự án đầu tư trong nước.
Phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt 40% - 45% trong tổng giá trị sản phẩm công nghiệp. Phát triển công nghiệp hỗ trợ; hình thành trung tâm công nghệ cao, trung tâm đào tạo nhân lực có chất lượng của khu vực phía Bắc.
Phát triển các ngành dịch vụ theo hướng hiện đại, trong đó đặc biệt chú trọng các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải và viễn thông. Phấn đấu tăng trưởng giá trị gia tăng ngành dịch vụ ngang bằng ngành công nghiệp, nâng tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu GDP. Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học - kỹ thuật tiên tiến, tiến tới nền sản xuất hàng hóa hiện đại và hiệu quả, lấy công nghiệp tác động thúc đẩy nông nghiệp, văn minh đô thị tác động vào nông thôn.
3 - Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Chú trọng giáo dục thực chất, bồi dưỡng nhân tài; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó lấy chất lượng đào tạo, dạy nghề là khâu đột phá.
Gắn việc bảo toàn các di tích với phát triển du lịch, văn hóa tâm linh. Tập trung giải quyết có hiệu quả vấn đề môi trường, trước hết là môi trường làng nghề, cụm và các khu công nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật và cán bộ quản lý ngang tầm với trình độ phát triển của tỉnh công nghiệp; sử dụng có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin.
4 - Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh toàn diện. Xác lập tầm nhìn và giá trị thể hiện tính năng động và tiên phong của lãnh đạo và cơ quan quản lý.
Quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, duy trì vững chắc vị thế trong tốp 10 tỉnh, thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt nhất cả nước; mở rộng và chú trọng chất lượng thực hiện cơ chế “một cửa liên thông hiện đại” tạo sự công khai, minh bạch, tiện lợi cho nhân dân.
Củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị. Kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế. Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
5 - Triển khai và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương, trước mắt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011, của Bộ Chính trị theo hướng toàn diện - hiệu quả - thiết thực.
Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Quan tâm hơn nữa tới công tác dân vận nhằm tạo ra sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân, chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội./.
Mô hình tạo động lực trong các trường đại học công lập  (15/08/2012)
"Xây dựng nền kinh tế tự chủ trong điều kiện hội nhập"  (15/08/2012)
Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận 2 dự án Luật  (15/08/2012)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Campuchia  (15/08/2012)
Phó Thủ tướng tiếp đoàn Bộ Ngoại giao Venezuela  (15/08/2012)
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang làm việc tại Campuchia  (15/08/2012)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên