Người châm ngòi “Mùa xuân Mỹ Latin”

Quế Anh
22:23, ngày 09-08-2012

TCCSĐT- Lo ngại các nước Mỹ Latin phát triển theo xu hướng thiên tả, các thế lực bên ngoài đã châm ngòi “Mùa xuân Mỹ Latin”, hỗ trợ đảo chính lật đổ Tổng thống Fernando Lugo ở Paraguay; chia rẽ, làm suy yếu các nước khu vực này.

Cơ hội lật đổ Fernando Lugo

Cuối năm 2011, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Paraguay, ông Enzo Cardoso, theo đường lối tự do đã phê chuẩn một cách bất hợp pháp việc trồng đại trà một giống bông biến đổi gen mới có tên là “Bollgard BT”, do tập đoàn công nghệ sinh học khổng lồ của Mỹ là Monsanto lai tạo ra. Hành động phi pháp đó đã dấy lên phong trào phản đối rộng rãi trong nông dân và những người bảo vệ môi trường Paraguay. Họ cho rằng, giống bông này rất nguy hiểm vì gen của chúng được pha trộn với gen Bacillus Thurigensis, một loại vi khuẩn độc hại có thể tiêu diệt côn trùng gây hại cho bông, nhưng cũng lại tác hại cực kỳ nguy hiểm không chỉ đối với môi trường nông nghiệp, mà còn đối với cả sức khỏe con người.

Một cuộc tranh cãi nội bộ nổ ra khi Cơ quan Dịch vụ y tế và Chất lượng hạt và rau quốc gia (SENAVE) của Paraguay, do một người ủng hộ Tổng thống Fernando Lugo là ông Miguel Lovera đứng đầu, đã từ chối phê chuẩn giống bông gây ô nhiễm môi trường của tập đoàn Monsanto, bởi không có giấy phép của Bộ Y tế và Bộ Bảo vệ môi trường như luật pháp Paraguay đã quy định. Một số phương tiện truyền thông địa phương, mà trước hết là các tờ báo đối lập ủng hộ Mỹ, các chính trị gia, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các cơ quan và tập đoàn nước ngoài đã liên kết tổ chức một chiến dịch rùm beng bôi nhọ và chống lại ông Miguel Lovera, cũng như Bộ trưởng Bộ Y tế Esperanza Martinez và Bộ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường Oscar Rivas.

Cuối cùng là vụ thảm sát đẫm máu ở Curuguaty sáng 15-6, làm 6 cảnh sát và 11 nông dân thiệt mạng, khoảng 80 người khác bị thương, chủ yếu là nông dân. Đây được xem như “giọt nước tràn ly”. Khoảng 150 nông dân không có đất đã chiếm giữ một phần khu trang trại rộng 2.000 ha của chính trị gia Đảng Colorado bảo thủ Blas Riquelme, cựu Thượng nghị sĩ và là một doanh nhân giàu có. Lực lượng cảnh sát đã xông vào trục xuất họ, nhưng họ chống lại và bắn trả. Các chính trị gia Đảng Colorado, trong đó có Blas Riquelme, cáo buộc các nhóm cánh tả do ông Fernando Lugo đứng sau đã cung cấp vũ khí và xúi giục nông dân nổi loạn. Cảnh sát cáo buộc nhóm nông dân đã chủ động tấn công, còn các nông dân lại khẳng định họ chỉ tự vệ khi bị cảnh sát xông vào đánh đập họ.

Ngay sau thảm kịch đó, dưới sức ép của các phần tử thân hữu, đặc biệt là của Chủ tịch Thượng viện Jorge Oviedo Matto, Tổng thống Fernando Lugo buộc phải cách chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ Carlos Filizzola và Tư lệnh Cảnh sát Paulino Rojas, những người được xem là các đồng minh thân tín nhất của ông. Tình hình không dừng lại ở đó. Phái bảo thủ cực hữu thuộc Đảng Colorado trong Quốc hội, những thế lực thân phương Tây, nhân cơ hội này muốn “nhổ tận gốc tư tưởng cải cách ruộng đất” và kế hoạch phân chia lại tài sản đang được ông Fernando Lugo ấp ủ. Quốc hội đã chỉ trích kịch liệt, đổ vấy nhiều tội danh khác và bỏ phiếu phế truất ông Fernando Lugo khỏi chức vụ tổng thống, đưa  Phó Tổng thống Federico Franco thuộc Đảng Tự do lên tạm nắm quyền điều hành đất nước, khi chỉ còn khoảng 10 tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống mới. Rõ ràng, điều đó đã đẩy quốc gia Nam Mỹ này vào một cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng trầm trọng hơn.

Mâu thuẫn lợi ích vẫn là nguyên nhân sâu xa

Paraguay là một trong những quốc gia có tình trạng bất công nghiêm trọng nhất Nam Mỹ. Theo một báo cáo mới đây của Ủy ban vì Sự thật và công bằng (CVJ), trong suốt 35 năm cầm quyền của tướng Alfredo Stroessner (từ năm 1954 đến năm 1989), các chính trị gia Đảng Colorado cùng gia đình, thân hữu đã chiếm đất vô tội vạ. Chính quyền của Tổng thống Alfredo Stroessner cũng đã giao một cách bất hợp pháp gần 7 triệu ha đất canh tác cho các chủ đồn điền, gia đình và người thân của giới quan chức trong Chính phủ.

Liên đoàn Nông dân quốc gia (FNC) cũng nêu rõ rằng, hiện tầng lớp địa chủ giàu có và đầy quyền lực chiếm không đến 1% trong tống số 7 triệu người Paraguay, nhưng kiểm soát hơn 80% đất nông nghiệp. Paraguay là nước xuất khẩu đỗ tương lớn thứ tư thế giới, nhưng nông dân không được lợi lộc gì từ xuất khẩu đỗ tương. Chính vì vậy, các phong trào nông dân chiếm lại đất đai đã bị cướp từ tay địa chủ nổ ra khắp Paraguay, nhiều khi đó là những cuộc đấu tranh bằng vũ lực. “Nếu Paraguay tiếp tục đối diện với tình trạng tích tụ đất đai quá mức thì sẽ có rất nhiều cuộc khủng hoảng như vậy tiếp tục nổ ra”. Đó là nhận xét của nhà báo Mabel Rehnfeldt thuộc hãng ABC, một trong những phóng viên điều tra nổi tiếng nhất ở Paraguay.

Trên những mảnh đất thuộc quyền kiểm soát của giới nhà giàu, nông dân Paraguay phải làm việc cật lực cũng chỉ được hưởng mức lương chưa đến 8 USD/ngày. Những nông dân không có ruộng đất đều có cùng một tâm sự như Martina Paredes, 33 tuổi, người có hai em trai vừa bị thiệt mạng trong cuộc đụng độ ở Curuguaty, đã thổ lộ với phóng viên hãng AFP: “Cả cuộc đời cha mẹ chúng tôi và nay đến lượt anh em chúng tôi, đều chỉ mơ ước và hy vọng được sở hữu một mảnh đất, xây một ngôi nhà nhỏ, lập một trang trại nhỏ, để có cuộc sống tạm được!”

Ông Fernando Lugo, vốn là một giám mục Thiên Chúa giáo có tư tưởng thiên tả, được bầu làm tổng thống năm 2008 đã chấm dứt hơn sáu thập kỷ do các chính khách Đảng Colorado lãnh đạo đất nước, trong đó có 35 năm vô cùng khủng khiếp dưới thời Tổng thống Alfredo Stroessner. Tuy nhiên, Đảng Colorado vẫn nắm phần lớn số ghế nghị sĩ, kiểm soát Quốc hội. Người dân Paraguay gọi Fernando Lugo là “chiến sĩ bảo vệ dân nghèo”, khi ông trở thành tổng thống và cam kết sẽ chống tham nhũng, xóa nghèo, ưu tiên phân phối lại ruộng đất cho nông dân. Họ đã hy vọng và chờ đợi, nhưng trong 4 năm vừa qua ông chưa thể thực hiện được lời cam kết này, vì một điều đơn giản là ông không có được sự hậu thuẫn cần thiết của Quốc hội.

Việc ông Fernando Lugo thắng cử tổng thống năm 2008 được nhìn nhận như một thắng lợi của tư tưởng cánh tả ở Paraguay, nhưng trên thực tế, Quốc hội do Đảng Colorado kiểm soát chỉ quan tâm đến lợi ích của một nhóm thiểu số tư sản và điền trang giàu có. Giới chủ và các chủ đồn điền trên cả nước rất lo ngại về khả năng Tổng thống Fernando Lugo sẽ tiến hành một cuộc cải cách triệt để và phân chia lại ruộng đất, tài sản như đã từng hứa trong khi tranh cử. Tuy nhiên, do yếu thế tại Thượng viện, ông không thể đưa ra những quyết sách nhằm mở đường cho một cuộc cải cách sâu rộng về đất đai.

Trong khi đó, Đảng Tự do của Phó Tổng thống Federico Franco trong liên minh cầm quyền bắt đầu có dấu hiệu xa lánh Tổng thống Fernando Lugo, do có sự khác biệt lớn về tư tưởng. Việc ông Federico Franco tách khỏi chính phủ liên minh cầm quyền là một nước cờ đã được tính toán trước nhằm củng cố lực lượng cho một cuộc chiến cam go trước đối thủ tiềm năng hơn là Đảng Colorado trong kỳ bầu cử vào năm 2013. Đây cũng là một trong các yếu tố dẫn đến kết cục thảm bại đối với ông Fernando Lugo, buộc ông phải ra đi khi chưa kết thúc nhiệm kỳ tổng thống với bao ý nguyện tốt đẹp cho dân nghèo mà chưa kịp hoàn thành.

Tuy nhiên, cuộc đảo chính này không chỉ liên quan đến nội bộ Paraguay, một quốc gia nằm ở trung tâm của Nam Mỹ, có tầm quan trọng về địa chính trị và địa chiến lược. Việc Mỹ có tham vọng kiểm soát chặt chẽ Paraguay phải chăng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy cuộc đảo chính này. Gần đây, báo chí các nước Mỹ Latin và nhiều nước khác trên thế giới đã xuất hiện những bài phân tích và dự báo cho rằng, Washington đang hết sức nóng lòng và tìm mọi cách để ngăn chặn sự phát triển của nhóm 5 nước có nền kinh tế mới nổi (BRICS), gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Trong đó, Brasil là một quốc gia rộng lớn và hùng mạnh nhất ở Nam Mỹ, có thể trở thành đầu tàu kéo theo các nước trong khu vực. Mới đây, Brasil đã phát hiện ra những mỏ dầu lớn ở ngoài khơi Đại Tây Dương, dẫn tới việc nâng cấp và tăng cường các lực lượng hải quân và không quân của quốc gia này.

Điều mà Washington quan ngại nhất là mối quan hệ liên minh ngày càng chặt chẽ và phát triển giữa Brasil với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Trong một tương lai không xa của liên minh đó, chắc chắn sẽ mở ra một tuyến đường Thái Bình Dương, thay thế cho tuyến đường Đại Tây Dương do NATO kiểm soát. Việc Mỹ kiểm soát Paraguay về quân sự và chính trị sẽ đóng vai trò như một rào cản đối với việc mở tuyến đường Thái Bình Dương này và là bước chuẩn bị cho các kế hoạch của Mỹ nhằm xây dựng một khối thương mại với các nước đồng minh của Mỹ và Anh tại Mỹ Latin, gồm Mexico, Panama, Colombia, Peru, Chile. Và giờ đây, kiểm soát được Paraguay thì đó sẽ là một “bức tường Thái Bình Dương” mà  Brasil không dễ vượt qua.

Trong thế kỷ 20, Mỹ Latin đã phải đối mặt với “kỹ thuật tổ chức đảo chính”, cả về quân sự lẫn dân sự của các cơ quan tình báo Anh và Mỹ - những lực lượng đã nhiều lần dàn dựng, tài trợ, trang bị vũ khí và thúc đẩy “sự thay đổi chế độ”. Nguyên tắc chủ đạo của “Mùa xuân Mỹ Latin” sắp tới vẫn là “chia rẽ, làm suy yếu, để cai trị”, giống như “Mùa xuân Arab” hiện nay.

Chính phủ mới ở Paraguay chưa được công nhận

Dư luận trong và ngoài khu vực đã đồng loạt phản ứng mạnh với diễn biến chính trị tại Paraguay. Hầu hết các quốc gia Nam Mỹ, gồm Venezuela, Bolivia, Ecuađo, Urugoay, Argentina, Brasil, Chile và Colombia đều phản đối cuộc đảo chính tại Paraguay và rút đại sứ của mình về nước. Tin về cuộc khủng hoảng chính trị ở Paraguay đã tràn ngập báo chí Mỹ Latin. Hầu hết các tờ báo lớn ở khu vực này đều đồng loạt chỉ trích việc bãi nhiệm ông Fernando Lugo. Tờ La Nacion của Argentina cho rằng, Quốc hội Paraguay vừa có hành động “tự sát chính trị”. Còn tờ Tiempo Argentino gọi đây là một “cơn địa chấn chính trị” và cáo buộc Quốc hội Paraguay lạm dụng quyền lực. Cho đến nay, chưa có chính phủ nước ngoài nào công nhận chính phủ mới ở Paraguay. Các nước như Bolivia, Ecuađo, Cuba, Chile, Venezuela, Nicaragoa thì tuyên bố sẽ không công nhận chính phủ mới ở Paraguay.

Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) đã ra tuyên bố cực lực lên án việc phá vỡ trật tự dân chủ tại Paraguay, đồng thời cấm tổng thống mới của nước này là Federico Franco tham dự Hội nghị Thượng đỉnh MERCOSUR sắp diễn ra tại thành phố Mendoza của Argentina. Ngoại trưởng Brasil A. Patriota cho biết, tại cuộc gặp đó, nguyên thủ quốc gia các nước MERCOSUR sẽ thảo luận và đưa ra những biện pháp được áp dụng, nếu như phát hiện có “hành động vi hiến” tại Paraguay. Hãng tin AFP cho biết, Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) cũng đã tuyên bố sẽ tổ chức một phiên họp bàn về tình hình Paraguay, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của UNASUR.

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cho biết, Chính phủ nước ông sẽ ngừng bán dầu mỏ cho Paraguay để phản đối việc phế truất Tổng thống Fernando Lugo. Hãng AP cho rằng, quyết định này có thể sẽ gây thiệt hại rất lớn cho Paraguay, bởi Venezuela là quốc gia cung cấp dầu mỏ rất quan trọng đối với nước này. Hiện Paraguay vẫn còn nợ Công ty Dầu mỏ quốc gia Petroleos de Venezuela SA của Venezuela gần 300 triệu USD trong tổng số 400 triệu USD mà quốc gia này hằng năm phải nhập dầu mỏ của nước ngoài.

                                                                          *   *

                                                                            *

Việc truất quyền tổng thống của ông Fernando Lugo, trên thực tế, là “một vụ đảo chính chính trị” và là “một cái án được định đoạt trước” của các thế lực cánh hữu, do phương Tây “giật dây”. Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Paraguay ngày 22-6 chỉ là màn diễn cuối cùng. Trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng, sau khi bị phế truất, ông Fernando Lugo cho biết, ông sẽ tiếp tục hoạt động chính trị và không loại trừ khả năng ra tranh cử Thượng viện trong cuộc tổng tuyển cử ngày 21-4-2013. Ông dự báo, trong cuộc bầu cử đó, các lực lượng tiến bộ sẽ lặp lại chiến thắng đã giành được cách đây 4 năm. Thủ lĩnh phong trào nông dân không có ruộng đất ở Paraguay, ông Jose Rodriguez, cũng đã tuyên bố sẽ mở chiến dịch gây sức ép, buộc Quốc hội phải đưa ông Fernando Lugo trở lại ghế tổng thống.

Việc châm ngòi “Mùa xuân Mỹ Latin” mới chỉ là giai đoạn khởi đầu. Cuộc đấu tranh giai cấp, giữa các xu hướng phát triển chính trị ở khu vực Mỹ Latin sẽ còn rất cam go. Trong cuộc đấu tranh đó, chắc chắn sẽ có những bàn tay can thiệp từ nước ngoài, mà trước hết là từ thủ đô các nước phương Tây có nhiều lợi ích ở khu vực này. Chính vì vậy, các nước Mỹ Latin, nhất là các nước thành viên của tổ chức MERCOSUR và UNASUR phản ứng mạnh mẽ trước cuộc “đảo chính chính trị” ở Paraguay là hoàn toàn chính đáng. Đương nhiên, chính các nước đó cũng phải luôn luôn đề cao cảnh giác, bởi các tác giả “Mùa xuân Mỹ Latin” chắc chắn sẽ không “bỏ quên” một nước nào./.