Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII
Tại hai buổi tiếp xúc, các cử tri đều bày tỏ sự hài lòng, phấn khởi với kết quả và chất lượng của kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII. Kỳ họp đã đề cập nhiều vấn đề nóng, thông qua nhiều dự luật quan trọng. Cử tri đề nghị sớm đưa các luật đã được thông qua vào cuộc sống, nhất là việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến Luật Biển Việt Nam để người dân hiểu rõ hơn về vấn đề biển đảo, việc quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và hoạt động kinh tế biển.
Cử tri quận 1, quận 3 kiến nghị Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát về xây dựng và quyết toán ngân sách, đầu tư công, hoạt động của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, bộ máy chính quyền, công tác phòng chống tham nhũng, cũng như giám sát việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội, trước cử tri của các thành viên Chính phủ. Nhiều cử tri quận 3 mong Quốc hội lắng nghe hơn nữa tâm tư nguyện vọng, ý kiến của người dân thông qua việc cải tiến công tác tiếp xúc cử tri, nhất là tăng cường tiếp xúc cử tri tại cơ sở.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết vấn đề trách nhiệm cá nhân trong sai phạm ở các tập đoàn kinh tế, trong bổ nhiệm cán bộ, vấn đề cán bộ biến chất, tham nhũng... sẽ được xem xét đầy đủ, nghiêm túc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và tới đây khi Quốc hội thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Chủ tịch nước nhấn mạnh, thực hiện việc kiểm điểm, lấy phiếu tín nhiệm cả trong Đảng cũng như Quốc hội được đưa vào nền nếp sẽ tạo nên cơ chế kiểm soát chặt chẽ.
Cũng theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thành công trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và việc tăng cường chức năng giám sát của Quốc hội một phần rất quan trọng là từ sự đóng góp ý kiến, nhận xét thẳng thắn, dám chỉ ra những trường hợp sai phạm cụ thể của cử tri và cán bộ, đảng viên cả nước, bởi nếu biết mà không nói ra “là dân thì có lỗi với đất nước, là đảng viên thì có lỗi với Đảng”. Chủ tịch nước cũng thẳng thắn cho rằng sẽ là có lỗi khi để cho người dân còn lo ngại, chưa dám nói thẳng, nói thật, đóng góp ý kiến cho đất nước.
Trao đổi với cử tri hai quận về Luật Biển Việt Nam, Chủ tịch nước nêu rõ việc Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam là nhằm hoàn thiện hệ thống luật pháp, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đây là công tác lập pháp hết sức bình thường của một quốc gia có biển.
* Ngày 25-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri huyện Vũ Quang - một huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Hà Tĩnh để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Góp ý với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cử tri huyện Vũ Quang kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan áp dụng cơ chế chính sách đặc thù đối với huyện nghèo; hỗ trợ Vũ Quang đẩy nhanh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy tiến độ công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân trong huyện. Cử tri trong huyện kiến nghị các cơ quan Trung ương quan tâm, đầu tư hỗ trợ một số công trình thiết yếu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như: Kè chống sạt lở bờ sông; nhà vượt lũ, trạm y tế vượt lũ, đường cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ…
Lắng nghe ý kiến của cử tri trong huyện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định; Quốc hội đang nỗ lực đổi mới trong từng hoạt động: Tiếp xúc cử tri; giám sát tối cao; hoạt động chất vấn; công tác xây dựng pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, mỗi đại biểu Quốc hội cần tự đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp với cử tri; gắn với đời sống, sinh hoạt, công việc của người dân theo mọi tầng lớp, lứa tuổi, ngành nghề để tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc và nguyện vọng của cử tri. Chủ tịch Quốc hội lưu ý hội đồng nhân dân các cấp cũng cần tự đổi mới hoạt động của mình theo hướng hiệu quả, thiết thực hơn; gắn với các buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Chia sẻ với những khó khăn của chính quyền, nhân dân huyện Vũ Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, để đạt kết quả tốt hơn trong công tác xóa đói, giảm nghèo, huyện cần tập trung nâng cao năng suất, thâm canh thêm giống, cây trồng, trồng rừng và chăn nuôi. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền huyện cần có biện pháp căn cơ, lâu dài đó là ưu tiên đào tạo, nhất là đào tạo nghề.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng; đồng thời tiếp thu những kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh nhằm duy trì, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh.
Đại diện các cử tri Hà Tĩnh bày tỏ băn khoăn về những sai phạm của một số tập đoàn kinh tế lớn; tình trạng người nước ngoài thu mua nông sản, dược liệu quý hiếm tại một số địa phương trong nước; thực trạng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa hiệu quả...; đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng mức đầu tư cho chương trình xây dựng nông nghiệp, nông thôn; bảo đảm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; tiếp tục nghiên cứu giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn; có chính sách ưu tiên bảo đảm quyền lợi cho công nhân, người lao động; tăng cường công tác quản lý cán bộ; ngăn ngừa lãng phí, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Tiếp thu và giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Đảng, Nhà nước chủ trương tăng gấp đôi đầu tư so với 5 năm trước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; bảo đảm cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng đường xá, viễn thông, internet; hỗ trợ cây giống, con giống, phân bón, thuốc trừ sâu; cải tiến công nghệ nông nghiệp; hỗ trợ thị trường cho bà con. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên xây dựng, phát triển nông thôn là quá trình lâu dài, phải làm trong nhiều năm thậm chí hàng chục năm và làm liên tục để không ngừng đưa nông thôn ngày một phát triển; kéo giảm khoảng cách giàu nghèo. Kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội đã tiến hành giám sát đối với hoạt động đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm cho việc đầu tư đúng đối tượng, được triển khai hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang rất khó khăn, dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước lâm vào tình trạng khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp đã phá sản, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình hiện nay nhất là giải pháp về thuế, cơ cấu nợ ngân hàng; hỗ trợ về hạ tầng. Về vấn đề đất đai, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quốc hội đã yêu cầu đến năm 2013, phải cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Quốc hội cũng đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ khẩn trương trình dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, giải quyết cho được những vướng mắc về cơ chế, chính sách, để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước coi đây là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt và đã ban hành nhiều chính sách chỉ đạo công tác này. Chủ tịch Quốc hội mong muốn cử tri tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ, tham gia cùng Đảng, Nhà nước đưa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngày càng đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
* Tại thành phố Cần Thơ, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri tại huyện Vĩnh Thạnh và quận Thốt Nốt.
Tại hai điểm tiếp xúc cử tri, đại diện Đoàn đã báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII. Nhiều cử tri đã đánh giá cao các phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đi sâu vào nhiều vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, không khí chất vấn thẳng thắn, xây dựng, có tranh luận, đối thoại. Nội dung các phiên chất vấn đề cập đến nhiều vấn đề thực tiễn quan trọng, được cử tri cả nước quan tâm. Bên cạnh đó, nhiều cử tri cũng bức xúc trước tình trạng tai nạn giao thông đoạn Quốc lộ 91 (qua địa bàn quận Thốt Nốt) tăng đột biến do đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng; tình trạng vật tư nông nghiệp như: thuốc trừ sâu, phân bón giả, kém chất lượng đang bày bán tràn lan trên thị trường, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Nhiều cử tri đề nghị chính quyền cần có biện pháp quyết liệt, xử lý, ngăn chặn, để người dân an tâm sản xuất. Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm ưu tiên kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ công tác giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng giáo dục các cấp; đầu tư nguồn vốn xây dựng giao thông, nước sạch, vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới...
Sau khi lắng nghe những ý kiến của cử tri, đồng chí Lê Hồng Anh đã cảm ơn những ý kiến đóng góp, chia sẻ chân thành của cử tri đối với tình hình phát triển kinh tế của đất nước. Đồng chí cũng đã phân tích, giải đáp cụ thể một số vấn đề bức xúc, kiến nghị của cử tri về xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn, nước sạch, vệ sinh môi trường…. Với những kiến nghị của cử tri về đầu tư nguồn lực xây dựng nông thôn mới, đồng chí Lê Hồng Anh khẳng định công cuộc xây dựng nông mới là mục tiêu lâu dài, phát huy nội lực từ nhân dân, phấn đấu hoàn thành từng tiêu chí một, theo tình hình thực tế của địa phương. Ðồng chí cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phải quan tâm, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, xem xét giải quyết theo đúng pháp luật, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân làm tốt chức năng giám sát, đóng góp cùng chung tay xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh địa phương ngày càng vững mạnh.
* Ngày 25-6, đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương cùng các thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Hà Giang đã có cuộc tiếp xúc cử tri xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang).
Tại cuộc tiếp xúc, Đoàn đã báo cáo với cử tri xã Sà Phìn kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII vừa qua. Cơ bản, kỳ họp này đã hoàn thành tốt các nội dung đề ra, Quốc hội đã quyết định được những vấn đề cần thiết.
Cử tri xã Sà Phìn đã bảy tỏ lòng phấn khởi về kết quả của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII; đồng thời kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương những vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm như: Đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm phê chuẩn và bổ sung ngân sách thực hiện Đề án "Chuyển đổi chất đốt cho 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc" của tỉnh Hà Giang, lồng ghép vào dự án "Đầu tư phát triển rừng 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc" tỉnh Hà Giang nhằm tăng nhanh độ che phủ, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn nước, bảo tồn bền vững Công viên Địa chất toàn cầu đã được UNESCO công nhận. Đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét đưa Đề án quy tụ các hộ sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới về sống tập trung tại thôn, bản, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 vào danh mục hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn tới các huyện vùng cao, vùng sâu, xa, biên giới đặc biệt khó khăn của Hà Giang. Hiện nay, bà con dân tộc thiểu số sinh sống ở 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang rất thiếu nước sinh hoạt, nhất là về mùa khô, đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục cho xây dựng các hồ treo trên Cao nguyên đá Đồng Văn; đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế xã. Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số được ưu tiên tuyển thẳng vào các Trường Cao đẳng, Đại học...
Phát biểu với cử tri xã Sà Phìn, đồng chí Hà Thị Khiết đã cảm ơn những ý kiến đóng góp, chia sẻ chân thành của cử tri trong xã. Đoàn đã ghi nhận những kiến nghị của cử tri; đồng thời sẽ chuyển những kiến nghị của cử tri đến diễn đàn Quốc hội cũng như các cơ quan chức năng của Trung ương để giải quyết và thông báo kết quả với cử tri trong thời gian sớm nhất.
Cũng trong dịp này, trong 2 ngày 25 và 26-6, các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Hà Giang cũng còn tổ chức tiếp xúc cử tri ở các huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình và thành phố Hà Giang.
* Tại thành phố Bắc Ninh, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh cùng các thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội khu vực Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thông báo khái quát kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII. Theo đó, với tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt các nội dung công việc đề ra: Xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; công tác xây dựng luật, pháp lệnh và chất vấn, trả lời chất vấn; giám sát... Sau 1 tháng làm việc, Quốc hội đã thông qua 13 luật và 7 nghị quyết quan trọng; cho ý kiến vào 6 dự án luật. Tại kỳ họp này, Quốc hội có nhiều đổi mới, cải tiến: Công tác tổ chức, điều hành kỳ họp đã có nhiều đổi mới theo phương thức tăng tính công khai, minh bạch, tăng số buổi phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên họp để cử tri theo dõi. Việc chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm, được dư luận quần chúng quan tâm, việc hỏi và trả lời đi thẳng vào nội dung vấn đề. Công tác xây dựng luật, pháp lệnh có sự chuẩn bị kỹ càng hơn…
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng thông báo kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Theo đó, 14 bộ, ngành nhận được ý kiến, kiến nghị của cử tri Bắc Ninh. Đến nay, các bộ, ngành đã trả lời xong 100% các ý kiến, kiến nghị của cử tri Bắc Ninh./.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiểm tra đột xuất các địa phương có tai nạn giao thông tăng cao  (26/06/2012)
Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông  (26/06/2012)
Việt Nam tham dự Cuộc họp lần thứ 17 Ủy ban Thường trực Hội nghị quốc tế các đảng chính trị ở châu Á  (26/06/2012)
Tây Ban Nha chính thức đề nghị cứu trợ ngân hàng  (26/06/2012)
Cân bằng vị trí của Ai Cập với tất cả các quốc gia khác dựa trên nền tảng vì lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau  (25/06/2012)
Mít tinh kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia  (25/06/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay