Hai mặt của chiến thắng

Phan Lang
19:56, ngày 18-06-2012
TCCSĐT - Còn một lần bỏ phiếu nữa mới xong cuộc bầu cử Quốc hội ở Pháp, nhưng hiện đã có thể chắc chắn là Đảng Xã hội Pháp của tân Tổng thống Francois Hollande giành được đa số. Cho dù không đạt được đủ hai phần ba số phiếu để có thể sửa đổi cả hiến pháp thì vị thế quyền lực của ông F.Hollande cũng đã được củng cố.
Phần lớn cử tri Pháp đã quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho ông F.Hollande gây dựng sự khởi đầu mới về mọi phương diện cho nước Pháp sau thất vọng về nhiệm kỳ tổng thống của ông Nicolas Sarkozy. Cánh tả giành chiến thắng, nhưng kết quả bầu cử không đến nỗi nào của các đảng cánh hữu và cực hữu lại cho thấy, cánh tả không phải hoàn toàn đã thắng thế. Đảng UMP không còn do ông N.Sarkozy lãnh đạo có vẻ như đã ngăn chặn được đà suy giảm uy tín trong cử tri và dần khôi phục thanh thế trên chính trường. Đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu cũng đứng trước khả năng giành được ghế trong Quốc hội.

Cử tri Pháp trong cuộc bầu cử này đã chủ ý không để Quốc hội trở thành đối trọng chính trị đối với tổng thống mới, nhưng cũng không để cho phe đối lập bị quá yếu so với cánh tả. Cục diện chính trường hiện tại là một sự kiện có một không hai trong lịch sử đến nay của nền Cộng hòa thứ 5 ở nước Pháp. Lần đầu tiên cánh tả kiểm soát cả lưỡng viện lập pháp và tổng thống là người của Đảng Xã hội.

Khoảng cách thời gian ngắn giữa cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội xem ra có lợi cho Đảng Xã hội nhiều hơn cả. Cử tri vẫn còn bị tác động đáng kể bởi cuộc vận động tranh cử tổng thống. Vậy là trong cả nhiệm kỳ này, Tổng thống F.Hollande đã có được vị thế quyền lực ở mức không thể lớn hơn được nữa. Đảng Xã hội cầm quyền không bị buộc phải chia xẻ quyền lực với bất cứ ai.

Trong cái dễ dàng và thuận lợi mà cục diện này đưa lại cho tân Tổng thống F.Hollande và Đảng Xã hội lại có cái khó của nó. Cử tri muốn Chính phủ của họ phải hành động ngay và đưa lại kết quả cụ thể sớm. Mặt trái của việc thắng cử này là Đảng Xã hội và cả ông F.Hollande càng được cử tri tin tưởng thì càng khó có thể làm khác với những gì đã cam kết khi tranh cử, tức là chỉ có thể tiến chứ không được lùi, bởi một khi đánh mất lòng tin này, chắc chắn họ sẽ mất tất cả.

Thêm quyền đồng nghĩa với trách nhiệm lớn hơn đối với Đảng Xã hội và cá nhân ông F.Hollande. Những biện pháp chính sách đầu tiên của ông F.Hollande đã có tác động rất đáng kể tới kết quả bầu cử nói trên. Ông F.Hollande đã nhanh chóng thực hiện một vài cam kết tranh cử như nâng mức lương tối thiểu hay giảm giới hạn tuổi làm việc, và đặc biệt là khôi phục lại vị thế quyền lực của Pháp trong EU. Nhưng sau cuộc bầu cử này sẽ là những thách thức lớn hơn và khó khăn hơn trong khi thái độ của cử tri cũng khắt khe hơn trước. Kỳ vọng càng lớn mà không nhanh chóng được đáp ứng thì sự thất vọng của cử tri cũng sẽ tỉ lệ thuận theo sự kỳ vọng trên.

Sau gần hai thập kỷ, Đảng Xã hội Pháp mới lại có được cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa như hiện tại. Kết quả này đã giúp Tổng thống F.Hollande tự tin hơn trên chính trường EU và thế giới. Vấn đề bây giờ chỉ là phất cờ như thế nào sau khi cờ đã nắm trong tay và lại có thêm được cả gió. Cách đây 5 năm, người tiền nhiệm của ông F.Hollande đã có được điểm xuất phát tương tự, nhưng rồi vì phất cờ sai và không giữ được gió nên cuối cùng bị mất cả cờ. Bài học đó rất nhãn tiền và còn nguyên giá trị đối với những chức sắc mới ở nước Pháp./.