TCCSĐT - Ngày 31 - 5, theo chương trình, Quốc hội làm việc tại hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp.

Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Dự trữ quốc gia; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dự trữ quốc gia; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, qua hơn 6 năm thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập (Luật Điện lực được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 03-12-2004, có hiệu lực từ ngày 01-7-2005). Cụ thể, về giá điện, Luật Điện lực quy định biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã không còn bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời so với sự biến động của các yếu tố hình thành giá điện, chưa bảo đảm thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường. Để giá điện có thể được điều chỉnh một cách linh hoạt theo tín hiệu thị trường nhưng vẫn bảo đảm sự quản lý của nhà nước cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Mặc dù vẫn còn hai loại ý kiến: Thứ nhất, tán thành với Tờ trình của Chính phủ về giá bán lẻ điện sẽ do đơn vị điện lực xây dựng căn cứ cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định tại khoản 5 Điều 1 của Dự thảo Luật, sửa đổi khoản 1 Điều 31 Luật Điện lực. Loại ý kiến thứ hai đề nghị Nhà nước quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giá bán lẻ điện do đơn vị điện lực quyết định trên cơ sở khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân mà Nhà nước đã quy định. Nhưng đa số nhất trí với loại ý kiến thứ hai, tuy nhiên cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung Nhà nước có quy định cơ chế điều chỉnh giá như loại ý kiến thứ nhất để tránh độc quyền.

Dự án Luật Dự trữ quốc gia tập trung bổ sung, sửa đổi: mục tiêu của dự trữ quốc gia về sử dụng nguồn lực để góp phần bảo đảm an sinh xã hội; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia; cần quy định về bố trí ngân sách chi cho dữ trữ quốc gia một cách đồng bộ, phù hợp với đặc điểm hoạt động dự trữ quốc gia và quy trình quản lý ngân sách Nhà nước; tháo gỡ những bất cập trong thực hiện nhiệm vụ kế hoạch hàng năm như phương thức mua, bán bảo đảm tính kịp thời; đáp ứng yêu cầu hoạt động dự trữ quốc gia trong điều kiện mới; bảo đảm sự điều hành, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia của Nhà nước theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, có hiệu lực và hiệu quả…, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Tờ trình đã cơ bản làm rõ vai trò của hợp tác xã trong điều kiện mới. Đề cập đến mục tiêu cũng như nội dung quan trọng nhất đặt ra cho sửa đổi luật này là xác định mục tiêu hoạt động các hợp tác xã, khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển hợp tác xã mới; định hướng phát triển cho các hợp tác xã; bảo đảm quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân, hàng chục triệu người tiêu dùng, hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần cải thiện công bằng xã hội và ổn định kinh tế, chính trị, xã hội; góp phần thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế thị trường ở nước ta.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế nêu rõ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật để phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý thuế, bảo đảm lợi ích quốc gia về quyền thu thuế; bảo đảm từng bước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ và cam kết quốc tế.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi). Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung vào các nhóm vấn đề: phạm vi điều chỉnh; quy hoạch tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước và cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Đồng tình với báo cáo giải trình, thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đều cho rằng cũng như đối với đất đai và khoáng sản, tài nguyên nước thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước có quyền hưởng lợi khi cấp quyền khai thác cho các tổ chức, cá nhân tương tự như tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền sử dụng đất khi giao đất.

Về phạm vi điều chỉnh, đa số đại biểu tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật gồm cả nước biển vùng nội thủy, lãnh hải thuộc chủ quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, một số đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) đề nghị không nên điều chỉnh nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật vì đây đã được coi là khoáng sản và đã được điều chỉnh bởi Luật Khoáng sản năm 2010. Nhiều ý kiến cũng nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự luật là quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra có liên quan trực tiếp tới vận hành hồ chứa, các công trình ngăn mặn, việc thăm dò, khai thác nước dưới đất trên lãnh thổ quốc gia.

Về bảo vệ tài nguyên nước, các đại biểu cho rằng chất lượng nguồn nước đang ngày càng giảm và đề nghị dự thảo Luật bổ sung và quy định rõ kiểm định chất lượng nguồn nước theo định kỳ và công khai, kiểm tra xả thải phải có tính bắt buộc và ghi rõ trong luật; hành vi gây ô nhiễm nghiêm trọng thì ngay lập tức phải đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cho đến khi có giải pháp khắc phục hậu quả thì mới cho hoạt động trở lại.

Về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, nhiều đại biểu đề nghị quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước phải trình Quốc hội phê duyệt; đối với quy hoạch tài nguyên nước thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh, chứ không nên quy định như trong dự thảo, ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước của địa phương sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định./.