Việt Nam - Ấn Độ: đối tác chiến lược
Ngày 7-1-1972, Việt Nam và Ấn Độ chính thức nâng quan hệ ngoại giao lên cấp Đại sứ sau 16 năm thiết lập quan hệ lãnh sự quán (năm 1956). Mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống Việt Nam - Ấn Độ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cố Thủ tướng J.Nê-ru đặt nền móng đã không ngừng được vun đắp, phát triển.
Chuyến thăm Ấn Độ vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (từ ngày 4-7 đến ngày 6-7), với việc hai nhà lãnh đạo chính thức tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, đã đánh dấu một bước đột phá mới trong quan hệ hai nước, mở đường cho sự phát triển sâu rộng của quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Điều đó đã, một mặt, khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác, gắn bó lâu đời giữa hai nước, mặt khác, cho thấy những kết quả đạt được từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước chính là những nhân tố quan trọng nâng tầm quan hệ, phù hợp với nhu cầu phát triển của cả hai quốc gia, dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, đồng thời góp phần tích cực vào việc củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
1. Sự phát triển kinh tế vượt bậc của cả hai nước trong hai thập kỷ qua
Có thể coi bước ngoặt của nền kinh tế Ấn Độ được bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước và “kiến trúc sư” của những cải cách lúc đó là Bộ trưởng Tài chính Manmohan Singh, người hiện đang là Thủ tướng Ấn Độ. Trong gần hai thập kỷ qua, nền kinh tế Ấn Độ đã liên tục đạt mức tăng trưởng từ 6-7,5%. Năm 2006, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ lên tới 9,4% - mức cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc - và nhịp độ tăng trưởng cao như vậy tiếp tục được giữ vững đến quý 1 năm nay: 9,1%, chủ yếu nhờ vào lĩnh vực chế tạo và dịch vụ.
Công ty Tata gồm 96 công ty thành viên, hoạt động trong 7 lĩnh vực là: thông tin - viễn thông, cơ khí, vật liệu, dịch vụ, năng lượng, hàng tiêu dùng và hóa chất. Giá trị tài sản đạt 53,6 tỉ USD, doanh thu năm 2006: 21,9 tỉ USD. Số nhân viên: hơn 246 nghìn người. Tata đã đầu tư khoảng 3.5 tỉ USD vào lĩnh vực thép của Việt Nam. |
Hơn 100 Công ty của Ấn Độ hiện có vốn đầu tư thị trường hơn 1 tỉ USD. Một số đại công ty như Bharat Forge, Technologies, Tata Motors… có khả năng sớm trở thành những thương hiệu cạnh tranh trên toàn cầu. Trong danh sách 500 Công ty hàng đầu thế giới của Fortune có hàng chục doanh nghiệp xuất xứ từ Ấn Độ. Trong cơ cấu kinh tế của Ấn Độ, dịch vụ chiếm hơn 50%, nông nghiệp: 22% và công nghiệp: 27%. Sức mạnh trong nội bộ ngành công nghiệp thuộc về các ngành sản xuất công nghệ cao, trình độ tay nghề cao. Đặc biệt, ngành công nghiệp phần mềm có những bước đột phá đáng khâm phục: xuất khẩu phần mềm và gia công cho nước ngoài của Ấn Độ đã tăng từ con số 0 lên tới 20 tỉ USD và dự kiến đạt 35 tỉ USD vào năm 2008. Nền kinh tế dịch vụ phát triển đã khiến cho Ấn Độ được cho là “văn phòng riêng của thế giới”.
Với con đường đi riêng của mình: phát triển kinh tế tri thức với hàm lượng công nghệ cao, chú trọng tiêu dùng nội địa..., chỉ sau một khoảng thời gian không dài, nền kinh tế Ấn Độ đã cất cánh một cách đáng ngạc nhiên. Ấn Độ đang khẳng định sự hiện diện của một “cường quốc kinh tế và chính trị nằm trên tiểu lục địa Tây Á”. “Ấn Độ đang ở tư thế sẵn sàng vươn lên vị trí một cường quốc”.
Ở Việt Nam, kể từ khi thực hiện đường lối Đổi mới do Đại hội VI của Đảng (1986) đề ra, nền kinh tế liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt trong 3 năm gần đây, mức tăng luôn đạt 8%/năm. Kết cấu hạ tầng được đầu tư cải thiện đáng kể. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Môi trường chính trị - xã hội ổn định và ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Đặc biệt, hoạt động xóa đói, giảm nghèo được coi là câu chuyện thành công của Việt Nam với kết quả hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa nghèo: về đích trước trước 10 năm so với thời hạn - năm 2015.
2. Nhu cầu hội nhập với khu vực và thế giới.
Nền kinh tế trong nước phát triển cùng với hội nhập kinh tế quốc tế trở thành xu thế khách quan đã thúc đẩy cả Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục mở cửa, hội nhập mạnh mẽ hơn nữa với nền kinh tế khu vực và thế giới. Trong quá trình đó, cả hai nước đều tìm thấy ở nhau những điều kiện, những yếu tố giúp mình tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và hội nhập có hiệu quả hơn nữa với khu vực.
Ấn Độ đã đề ra chính sách “Hướng Đông”, và với chính sách đó, Ấn Độ đã xác định ASEAN là một trong những trọng tâm cần đẩy mạnh quan hệ, bởi ASEAN hiện đang là một cộng đồng có vai trò quan trọng về chính trị, có tiềm năng vô cùng to lớn về kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, ASEAN là đối tác quan trọng của Ấn Độ về thương mại và đầu tư.
Về phần mình, các nước ASEAN cũng thừa nhận vai trò quan trọng của Ấn Độ đối với cộng đồng ASEAN vì đã nhìn thấy ở Ấn Độ một thị trường rộng lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, khoa học công nghệ phát triển và các cơ hội đầu tư hấp dẫn. Ấn Độ vẫn tiếp tục là một trong những đối tác quan trọng của ASEAN nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Là thành viên của ASEAN, đồng thời là nước có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện tốt đẹp với Ấn Độ, chủ trương nhất quán của Việt Nam là không ngừng tăng cường quan hệ hợp tác với Ấn Độ trong cả khuôn khổ song phương và đa phương. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự ủng hộ đối với chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ nhằm gắn kết chặt chẽ hơn nữa Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á và cam kết Việt Nam sẵn sàng là cầu nối giữa Ấn Độ với các nước ASEAN để cùng phấn đấu cho sự ổn định và phồn vinh của khu vực. Khi nói về vai trò của Việt Nam trong quá trình triển khai chính sách “Hướng Đông” của mình, Thủ tướng Ấn Độ, ông Manmohan Singh đã nói: “Chúng tôi coi sự hợp tác với Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập với toàn khu vực. Ấn Độ và Việt Nam có chung các mục tiêu và thường có quan điểm tương đồng trong nhiều vấn đề quốc tế. Chúng tôi hy vọng Việt Nam ủng hộ Ấn Độ tăng cường quan hệ hợp tác và liên kết với khu vực ASEAN”.
3. Khả năng và nhu cầu tăng cường hợp tác của cả hai nước
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ phát triển hết sức tốt đẹp và thu được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và văn hoá. Riêng hợp tác kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Thương mại giữa hai nước tăng khá nhanh, từ 72 triệu USD (năm 1995) lên hơn 1 tỉ USD năm 2006, tốc độ tăng trưởng đạt gần 20%/năm và đầu tư trực tiếp của Ấn Độ vào Việt Nam đạt 580 triệu USD trong năm 2006. Sang năm 2007 có bước chuyển lớn trong đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam, với các dự án đầu tư của các tập đoàn Essar và Tata trong lĩnh vực sản xuất thép đã đưa Ấn Độ vào nhóm 10 nước đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Trong ASEAN, Việt Nam trở thành nước thu hút nguồn FDI lớn nhất từ Ấn Độ. Các tập đoàn công nghiệp, các doanh nghiệp của hai nước với các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của mình là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đang quan tâm và tìm cơ hội đầu tư hoặc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Sự sáng tạo của Ấn Độ trong việc lựa chọn con đường đi riêng của mình, và những kết quả đạt được từ mô hình phát triển mới rất có sức thuyết phục đối với Việt Nam, vì thế “Việt Nam nhìn thấy những triển vọng tươi sáng về hợp tác với Ấn Độ trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, khoa học, giáo dục và du lịch’’.
Việt Nam có thể học hỏi được Ấn Độ nhiều điều trong phát triển kinh tế tri thức, công nghệ thông tin, những ngành kinh tế mới đòi hỏi trí tuệ, chất xám. Với nguồn nhân lực dồi dào, có tiềm năng to lớn về phát triển công nghệ thông tin và kinh tế tri thức, Việt Nam cũng thực sự là một địa chỉ đáng tin cậy đối với sự hợp tác của Ấn Độ. Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện và mở rộng cửa đón các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư Ấn Độ, tạo điều điện cho các nhà đầu tư thành công ở Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam như: công nghệ thông tin, điện lực, dầu khí, năng lượng, luyện kim, than đá, giao thông vận tải, nông nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế…
Đánh giá cao thực lực và tiềm năng to lớn của Ấn Độ, mong muốn Ấn Độ sẽ trở thành một trong những đối tác lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, du lịch, văn hoá và giáo dục - đào tạo, Việt Nam không chỉ “sẵn sàng hợp tác xây dựng với các doanh nghiệp Ấn Độ ở Việt Nam và Ấn Độ mà sẵn sàng cùng xây dựng ở nước thứ ba". “Việt Nam sẽ làm hết sức để thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ và ASEAN cũng như hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Ấn Độ".
Về phía Ấn Độ, mặc dù đã tiến được những bước tiến dài trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đất nước đông dân thứ hai trên thế giới này vẫn còn rất nhiều việc phải làm trên con đường tiến tới phồn vinh, thịnh vượng. Và, trong số những vấn đề cần giải quyết, Ấn Độ tìm thấy ở Việt Nam những kinh nghiệm đáng tham khảo. Chẳng hạn, trong lĩnh vực xã hội, Thủ tướng Ấn Độ đã phát biểu: “Chúng tôi cần phải giải quyết các vấn đề về nghèo đói và mù chữ mà người dân chúng tôi đang phải đối mặt. Chúng tôi cần phải cải thiện các dịch vụ chăm sóc y tế cho đa số những người dân sống ở vùng nông thôn. Chúng tôi rất ấn tượng về những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong các lĩnh vực này bất chấp những thách thức lớn mà Việt Nam gặp phải trong Thế kỷ XX. Tôi cho rằng Ấn Độ có nhiều điều phải học tập từ các kinh nghiệm của Việt Nam và chúng ta cần trao đổi quan điểm và chia sẻ các bài học.”
Với những mong muốn của lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam - Ấn Độ, rõ ràng, triển vọng tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ là phong phú và hết sức to lớn, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng chung và với sự nỗ lực của cả hai bên.
Tuy nhiên, có một thực tế là mặc dù giữa hai nước có mối quan hệ hữu nghị, thân ái, hợp tác truyền thống lâu đời và tốt đẹp, có nhiều điểm tương đồng về văn hoá - những điều kiện đặc biệt thuận lợi để tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và kinh doanh..., nhưng quan hệ giữa hai nước về kinh tế - thương mại còn ở mức độ khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, doanh nghiệp hai nước đã ký nhiều hợp đồng và thỏa thuận hợp tác kinh doanh với tổng trị giá gần 4,5 tỉ USD. |
Để từng bước khắc phục những tồn tại này, Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ và 8 văn kiện hợp tác quan trọng khác đã được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Việt Nam và Ấn Độ cùng nhất trí những nội dung công việc cần thực hiện để xây dựng và triển khai mối quan hệ đối tác chiến lược:
- Tăng cường quan hệ hợp tác chính trị theo hướng ngày càng gắn bó và tin cậy thông qua việc tăng cường trao đổi các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, của các bộ, ngành và địa phương hai nước;
- Nâng cao hơn nữa hiệu quả của cơ chế hợp tác hiện có, đồng thời thiết lập Cơ chế đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng Ngoại giao giữa hai nước;
- Tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, đặc biệt trong đào tạo, trao đổi, chia sẻ thôgn tin về chống khủng bố, cướp biển và các loại tội phạm xuyên quốc gia;
- Đẩy mạnh và nâng cấp quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Trong hợp tác thương mại, tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác kinh doanh, phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều lên mức 2 tỉ USD năm 2010 và 5 tỉ USD năm 2015.
- Xúc tiến việc trao đổi để đi đến ký kết Hiệp dịnh tự do thương mại song phương (FTA).
Kết quả cụ thể đạt được trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những hoạt động đối ngoại sôi động của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua là sự triển khai mạnh mẽ trên thực tế quan điểm của Đảng đã được nêu trong Đại hội X: “Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN, các nước châu Á - Thái Bình Dương; củng cố và phát triển quan hệ hợp tác song phương tin cậy với các đối tác chiến lược; khai thác có hiệu quả các cơ hội và giảm tối đa những thách thức, rủi ro khi nước ta là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).”(1)
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chinh trị quốc gia, hà Nội, 2006. tr 40
"Cổ" và "phần" của ai?  (17/07/2007)
Lối thoát nào cho Đô-ha?  (17/07/2007)
Sợi dây chuyền vàng" của tình hữu nghị Việt - Ấn  (17/07/2007)
Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa VN và Ấn Độ  (17/07/2007)
Ba mươi năm quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào (1977-2007)  (17/07/2007)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên