An Giang 20 năm xây dựng và phát triển
Là một tỉnh nghèo, nhiều năm sau giải phóng không đủ ăn, phải nhận sự viện trợ của trung ương, An Giang đã vươn lên trở thành tỉnh dẫn đầu của cả nước về xuất khẩu lương thực và nuôi trồng thủy sản xuất khẩu.
An Giang là tỉnh biên giới, nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, có đường biên giới giáp Vương quốc Cam-pu-chia gần 100 km, với hai cửa khẩu quốc tế quan trọng là Tịnh Biên và Vĩnh Xương. Có thể nói, An Giang có những nét đặc trưng rất riêng biệt so các tỉnh, thành ở khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long như: vừa có đồng bằng, lại có núi, có rừng và hai con sông Tiền, sông Hậu trải dài rất thích hợp cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng cá nước ngọt.
Qua 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, cùng với cả nước toàn Đảng, toàn quân, toàn dân An Giang đã và đang nỗ lực phấn đấu từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt những thành tựu hết sức quan trọng trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế, từ một tỉnh nghèo, không đủ ăn, phải nhận sự chi viện của Trung ương những năm đầu giải phóng, đến nay An Giang đã khắc phục được những khó khăn, không ngừng vươn lên và trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về sản xuất và xuất khẩu lương thực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong các năm qua luôn duy trì ở mức cao, đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc. Nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà đã vươn ra thị trường ngoài nước như: gạo tẻ, gạo nếp, cá tra, cá basa... Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, kiện toàn, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới.
Giai đoạn 1975 - 1986, tỉnh đã tập trung cho đầu tư phát triển nông nghiệp, chủ yếu là đầu tư phát triển thủy lợi, chuyển đổi từ lúa mùa một vụ/năm sang lúa cao sản 2 vụ ngắn ngày. Bước vào Giai đoạn 1986 - 1990, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với các địa phương khác trong cả nước, An Giang đã đẩy mạnh công cuộc đổi mới và phát triển, chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp, góp phần khơi dậy và phát huy nội lực trong nhân dân, tăng gia sản xuất, giảm dần tình trạng đất bị hoang hóa. Sản lượng lương thực của tỉnh trong những năm này đã tăng gấp 3 lần so với năm 1978, kim ngạch xuất khẩu tăng lên 60 triệu USD, gấp 9 lần so với năm 1985. Năm 1990, sản lượng lương thực của tỉnh đạt gần 1,5 triệu tấn. Mở đầu thời kỳ tăng tốc, các tiềm năng được khơi dậy, các lợi thế của tỉnh được phát huy mạnh mẽ.
Từ năm 1990 - 1995, đây là thời kỳ đẩy mạnh chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 10,8% cao hơn mức bình quân cả nước (8,2%), cơ cấu kinh tế bắt đầu có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: thời kỳ 1976 - 1986, khu vực I chiếm 67% - 70%, năm 1990 giảm xuống còn 59%, năm 1995 còn 53,5%. Mặt khác, cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ, ngoài cây lúa, tỉnh đã chủ trương phát triển các mô hình sản xuất tổng hợp, đa canh trong trồng trọt và chăn nuôi. Năm 1994, sản lượng lương thực của tỉnh đã vượt ngưỡng 2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu năm 1995 đạt 132 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với năm 1990.
Giai đoạn 1996 - 2000, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính khu vực Đông - Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh thời kỳ này chỉ đạt 6,86%, sản lượng lương thực đạt mức 2,3 triệu tấn. Chuyển sang giai đoạn 2001 - 2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,1%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2005 đạt 8,53 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng nông nghiệp từ 41,6% năm 2000 giảm xuống còn 37,6% năm 2005, tỷ trọng thương mại - dịch vụ trong cùng kỳ tăng từ 47,2% lên 50,3%, công nghiệp và xây dựng tăng từ 11,2% lên 12,1%. Năm 2005 kim ngạch xuất khẩu đạt 331 triệu USD gấp 2,8 lần so với năm 2000.
Chặng đường 20 năm, tuy không dài nhưng đã để lại những dấu ấn sâu sắc với những thay đổi về tư duy và nhận thức trong công tác lãnh đạo và hành động, An Giang có những đóng góp nhất định vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước, tạo tiền đề và động lực cho Việt Nam tiến bước nhanh hơn, vững chắc hơn trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong giai đoạn mới với xu thế cạnh tranh và hội nhập ngày càng sâu, nhất là khi nước ta vừa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bên cạnh những thuận lợi từ quá trình toàn cầu hóa mang lại, An Giang đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần sớm có lời giải đáp.
Về cơ bản, An Giang vẫn là tỉnh nông nghiệp, trong những năm tới kinh tế nông nghiệp tiếp tục có một vai trò quan trọng trong chiến lược quy hoạch và phát triển kinh tế của tỉnh. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm qua luôn đạt mức khá cao nhưng chưa ổn định, thiếu bền vững, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi chế so sánh của tỉnh. GDP bình quân đầu người chỉ mới bằng 85% mức bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch chậm, công nghiệp còn nhỏ lẻ, chủ yếu là công nghiệp chế biến.
Kết cấu hạ tầng bị xuống cấp nghiêm trọng và chậm được đầu tư. Chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo tuy có cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn thấp so với mặt bằng chung. Các chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, nhất là đầu tư nước ngoài còn hạn chế.
Việc áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào phát triển kinh tế mới dừng lại ở một số ngành và chưa thật sự mang lại hiệu quả cao. Nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn chứa đựng nhiều bất cập, số cán bộ khoa học - kỹ thuật có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học là 12,7 ngàn người (chiếm 0,62% dân số toàn tỉnh), nhưng chất lượng chưa đồng đều.
Các hoạt động kinh tế đối ngoại, nhất là xúc tiến đầu tư được mở rộng, tuy nhiên kết quả đạt được chưa cao. Từ năm 1999 đến nay, An Giang thu hút rất ít các dự án đầu tư nước ngoài. Có thể nói, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu. Theo đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã được công bố, An Giang chỉ đạt 51,67 điểm, điều này chứng tỏ chính sách phát triển khu vực tư nhân chưa thật sự hấp dẫn, việc ưu đãi đối với doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và tận dụng tốt đất đai và mặt bằng kinh doanh. Mặt khác, nhìn chung cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở An Giang còn yếu kém và thiếu đồng bộ. An Giang cách xa các trung tâm kinh tế, những tiện ích chung của cả vùng không được tận hưởng, cải cách hành chính được quan tâm thực hiện nhưng vẫn còn chậm, tỉnh chưa có một chính sách nào mang tính đột phá để mời gọi đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài...
Bên cạnh đó, sự am hiểu về các cam kết, thỏa thuận song phương, đa phương của nước ta với các nước và tổ chức quốc tế trong tiến trình hội nhập của các doanh nghiệp và người dân An Giang còn rất hạn chế. Điều này dẫn đến sự nhận thức mơ hồ, thái độ thờ ơ, chưa có sự chuẩn bị thỏa đáng cả về nhân lực và vật lực để mạnh dạn bước vào con tàu hội nhập.
Để phát huy những thành tựu đã đạt được trong 20 năm qua, đồng thời khắc phục những khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh cùng quyết tâm, chung sức đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh, mạnh bền vững và hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế. Nghị quyết VIII của Ban Chấp hành Đảng bộ An Giang đã nhấn mạnh: "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh. Từng bước xây dựng An Giang trở thành một trong những cửa ngõ giao thương quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long hướng ra thị trường khu vực và thế giới. Phát triển văn hóa - xã hội tương ứng với phát triển kinh tế, tăng nhanh thu nhập bình quân đầu người, nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và các chỉ số về chất lượng cuộc sống".
Muốn vậy, trước hết cần chủ động hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế quốc tế và khu vực trên tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa. An Giang phải khẩn trương xây dựng kế hoạch và lộ trình hội nhập dựa trên những cam kết, gắn và sát hợp với điều kiện cụ thể của An Giang. Nhanh chóng rà soát lại các kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình. Đặc biệt, chương trình hội nhập của An Giang phải quán triệt tốt quan điểm "đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại", tránh tình trạng quá tập trung, lệ thuộc vào một số thị trường, dễ gây phương hại đến nền kinh tế cả về thương mại, đầu tư và dịch vụ...
Hai là, cần tập trung khai thác tốt các lợi thế và tiềm năng sẵn có của tỉnh để đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế theo hướng nhanh, hiệu quả và bền vững. Trên cơ sở đó tạo ra những sản phẩm mũi nhọn có khả năng cạnh tranh cả thị trường trong nước cũng như trên thế giới. Tập trung đầu tư phát triển một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như lúa gạo, thủy sản, nông lâm sản chế biến, da giày, may mặc... quy hoạch phát triển các vùng sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu phù hợp với khả năng và các điều kiện cụ thể của từng vùng. Điều tra, đánh giá khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm, từng dịch vụ, từng doanh nghiệp, từng địa bàn để có giải pháp thiết thực, nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng hóa của tỉnh.
Ba là, cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng hiện rõ những chính sách ưu đãi của địa phương đối với các nhà đầu tư. Khẩn trương quy hoạch các dự án, các khu công nghiệp và hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, trên cơ sở vận dụng linh hoạt, có những chính sách mang tính chiến lược, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài tỉnh, kể cả đầu tư nước ngoài. Tranh thủ nguồn lực đầu tư của trung ương và nội lực của tỉnh để khẩn trương đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và thu hút đầu tư.
Bốn là, hết sức quan tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, công nghiệp sản xuất thức ăn cho chăn nuôi, nuôi trông thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tăng cường mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước trên cơ sở chia sẻ lợi ích, giảm bớt những rủi ro trong quá trình sản xuất và kinh doanh.
Năm là, hướng đến việc xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực có tác phong công nghiệp, tinh thần kỷ luật cao, có đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ và ngoại ngữ. Đối với đội ngũ cán bộ, quản lý, kinh doanh, cần giúp họ am tường và hiểu biết sâu về luật pháp quốc tế và nghiệp vụ chuyên môn, nắm bắt nhanh những chuyển biến trên thương trường quốc tế, có đủ năng lực và am hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh quốc tế. Cùng chính sách đào tạo nhân lực, tỉnh cần đẩy mạnh thu hút và sử dụng tốt nhân tài.
Sáu là, tổ chức quán triệt, phổ biến trong các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhằm đạt được sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhận thức và hành động về hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, coi đây là yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa cơ bản và lâu dài của tỉnh, nâng cao niềm tin và khả năng hội nhập của tỉnh, qua đó giúp mọi người nâng cao ý thức, có tư thế chuẩn bị, để không bị thua thiệt cả ở thị trường trong và ngoài nước.
Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2010, GDP bình quân hằng năm đạt 12%, trong đó dịch vụ tăng 15,3%, công nghiệp - xây dựng l6,7%, nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3,6%, GDP bình quân đầu người đạt 17,32 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế đến năm 2010: khu vực thương mại chiếm 59,7% GDP, khu vực công nghiệp - xây dựng 15,5%, khu vực nông - lâm - ngư nghiệp 24,8%. Kim ngạch xuất khẩu hằng năm tăng bình quân 16,3% phấn đấu đến năm 2010 đạt 700 triệu USD.
Có thể nói, qua 20 năm đổi mới và phát triển, An Giang đang đứng trước những thời cơ và vận hội lớn để tiếp tục đưa kinh tế phát triển theo chiều sâu và đạt những thành tựu to lớn hơn. Những khó khăn và thách thức đang đặt ra trong quá trình phát triển và yêu cầu đẩy mạnh hội nhập thật sự là vấn đề cấp bách. Nhưng với bản chất cần cù, chịu khó, sáng tạo; với nỗ lực phấn đấu và lòng quyết tâm cao của toàn đảng, toàn dân, đặc biệt là các thành phần kinh tế, công cuộc đổi mới và hội nhập ở An Giang chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu quan trọng và to lớn hơn, góp phần xứng đáng cùng cả nước thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Kết quả bước đầu trong công tác cải cách hành chính ở Thành phố Đà Nẵng  (17/07/2007)
Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực tiễn công bằng xã hội: động lực giảm nghèo ở Việt Nam  (17/07/2007)
Một số vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng  (17/07/2007)
Để Việt Nam sớm trở thành một quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển  (17/07/2007)
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay  (17/07/2007)
Về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các ban đảng  (17/07/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên